Theo chân bà mẹ trẻ "đoạn trường" tìm mầm non cho con

28/04/2011 07:37
(GDVN) - Tôi đã từng đi qua các lớp mầm non, nơi thì một cháu ngồi “ị” ngay bên cạnh các cháu khác ăn cơm, nơi thì cháu tè dầm các cô giáo cũng mặc...

(GDVN) – Tôi đã từng “đoạn trường” đi tìm lớp cho con qua nhiều nhà trẻ, có nơi thì một cháu ngồi “ị” ngay bên cạnh các cháu khác ăn cơm, nơi thì cháu tè dầm các cô giáo cũng mặc, nơi thì cầu thang không có tay vịn…

Mấy ngày gần đây, dư luận bất bình về trường hợp cháu bé 20 tháng tuổi phải cấp cứu vì uống thuốc ngủ tại trường BabyHome (Quận Hoàng Mai, Hà Nội). Các bậc phụ huynh người thì tá hỏa không gửi con tại trường BabyHome nữa, người thì lo sợ không biết trường của con mình đang học thì  thế nào?

Cũng không ít bà mẹ trẻ lo lắng sau những sự việc xảy ra gần đây liên quan đến hệ thống các nhóm trẻ, lớp, trường mầm non tư thục như việc trẻ bị đánh đập hành hạ dã man tại trường, trẻ phải ăn suất ăn quá đạm bạc, trẻ được cho ăn cả thuốc tích nước để trông bụ bẫm hơn…

Nhưng với tôi, một người mẹ trẻ, điều này không tác động quá lớn. Bởi ngay từ đầu, tôi đã có hẳn 2 tuần, cả một “đoạn trường” đi tìm lớp, tìm trường cho con, để trong hàng chục nhà trẻ mầm non tư thục mọc lên quanh nhà, tôi mới tìm ra được 1 nơi để yên tâm gửi gắm con mình vào đó.

Hãi hùng bữa ăn trường mầm non trong mùi thum thủm

Ngày con tôi tròn 18 tháng, cũng là ngày bà nội đánh tiếng về quê chăm ông. Lúc đó, với tôi, việc này không quá đáng ngại, vì xung quanh, có rất nhiều nhà trẻ nhận nuôi trẻ từ 1 tuổi trở lên. Nhưng càng tìm hiểu, tôi càng hoang mang và tẩu hỏa, rối loạn binh pháp.

Ban đầu, tôi cho rằng, cần phải tìm một mô hình nhóm trẻ chỉ trông 2, 3 cháu thôi, để con mình có điều kiện quan tâm, để con được sống trong một môi trường thân thiện như trong nhà… Đi một vòng quanh xóm, tôi chọn một nhóm trẻ có tên là Chim Non do 1 cô giáo trẻ phụ trách. Cô giáo tự giới thiệu mình là giáo viên mầm non đã qua đào tạo, mở lớp để chăm trẻ. Cô lý giải: “Em mở lớp cũng chủ yếu trông con cho bạn bè, nên chị yên tâm, con của bạn bè cả, nỡ nào…”

Nhìn quanh, tôi thấy, nhà thuê mà cô giáo này dùng để mở lớp có hai tầng, cầu thang lên tầng 2 hoàn toàn không có tay vịn. Có 5 đứa trẻ, từ lớn chí bé, từ nằm ngửa đến chạy tung tăng khiến cô giáo chạy bở hơi tai, quát tháo ầm ĩ vẫn không dẹp loạn được. Nhìn cảnh cậu bé 5 tuổi chạy lên cầu thang không tay vịn, một đứa bé hơn chập chững mon men bò lên cầu thang mà tôi không khỏi ớn lạnh.

Tôi tìm đến một nhóm trẻ tầm 4,5 trẻ, được trông bởi một gia đình có hai ông bà cụ về hưu. Khi tôi đến, các cháu đang nằm ngủ úp thìa, chật cứng, trong cái gió lồng lộng của chiếc quạt trần chạy hết công suất. Nhìn những tấm phản ngắn ghép lại sơ sài, các con ngủ trưa còn thừa 1 đoạn chân dài, thõng thượt xuống, tôi lại phải quay ra vì không thể giao “cục vàng” của mình cho một nơi cơ sở vật chất còn sơ sài thế này.

Đi tiếp một nhóm trẻ nữa, tôi yên tâm hơn phần nào khi có trên dưới 20 trẻ được gửi ở đây. “Ít ra cũng đã có ít nhất 20 bà mẹ thẩm định hộ mình chất lượng nhà trẻ này!” – Tôi nghĩ bụng và đi vào xin tìm hiểu gửi con. Nhóm trẻ này đông, cũng kịp chia lớp theo độ tuổi. Tôi lên phòng trông trẻ tầm 18 tháng đến 2 tuổi, nơi tôi định nhắm đến. Có 2 cô giáo đang trông 8 trẻ và đang vào giờ cho bé ăn cháo. Tôi xin phép được ngồi cùng, trò chuyện với cô giáo và tham quan trường.

 

Hai cô giáo, còn khá trẻ, hầu như không quan tâm tới sự hiện diện của tôi, vẫn tiếp tục nói chuyện và cho trẻ ăn. 8 đứa trẻ ngồi hình vòng cung, ở giữa là chiếc bàn đựng tám bát cháo, mỗi cô phụ trách 4 cháu. Khi cho bé ăn, các cô vẫn nói chuyện rôm rả, không buồn để ý bát cháo hãy còn nóng, đút vào miệng trẻ khiến các bé nhăn nhó mặt, khó nhọc nuốt thìa cháo bỏng rẫy. Tôi chưa kịp nhắc cô thì một bé xin đi “ị”. Những tưởng bé sẽ được đưa vào phòng vệ sinh, nhưng không, cô giáo với tay lấy chiếc bô ở cạnh đó, cho bé ngồi lên và bữa ăn lại… tiếp tục trong mùi thum thủm.

Tôi bắt đầu thấy rờn rợn cái gọi là nhóm trẻ gia đình, nhóm trẻ mọc lên theo kiểu tự phát. Nhưng xung quanh nhà tôi, đây vẫn là mô hình mọc lên nhiều nhất. Tôi cố gắng tìm hiểu thêm 1 nhóm trẻ nữa, mà theo nhận định của tôi, cũng khá đông bé gửi. Lần này, tôi đến vào giữa trưa, bé đang vào giờ ngủ. Tôi phải năn nỉ khá lâu, cô giáo mới đồng ý cho tôi vào xem cơ sở vật chất, tham quan trường.

Căn nhà cao 3 tầng, tối tăm, trong đó có 1 tum áp mái, nóng hừng hực, là nơi các cháu 5 tuổi học bài và ngủ. Tầng thứ 2 là các cháu còn lại. Để đi đến chỗ sáng nhất là cửa sổ gần đường, tôi bước qua “giường” của các cháu, là tấm đệm mỏng trải chiếc chiếu nilong. Chân tôi bước bẹp vào tấm đệm sũng nước đái của bé. Đứa bé vẫn ngủ yên. Quay lại hỏi cô giáo, “Sao em không thay quần, để cháu nằm lạnh thế này?” thì cô giáo phân trần: “Bọn em kiêng thay quần khi cháu đang ngủ!!!”

Đến nước này tôi kiên quyết nói không với nhóm trẻ gia đình và tìm đến các trường tư thục, có mức thu học phí khá đắt đỏ so với thu nhập của gia đình mình. Những trường này hét giá tầm 1,5 đến 1,7 triệu đồng/1 cháu/1 tháng. Tôi chấp nhận mức giá cao, để con tôi được đối xử tử tế hơn.

Tìm một cảm giác yên tâm cũng không dễ!

Những trường tư thục chất lượng cao tôi ghé qua, nhìn bề ngoài những căn nhà này được sơn sửa bắt mắt, có vài bộ đồ chơi, cô giáo đồng phục gọn gàng, camera quay khắp nơi, hứa hẹn một điều chắc chắn là cơ sở vật chất của trường tốt hơn những nơi tôi đã đi qua. Mặc dù trường tư thục dạng này thường không có sân chơi rộng như mình mong muốn.

Nhưng dù gì, với độ tuổi như con tôi, việc ăn uống, ngủ nghỉ lại cũng rất quan trọng. Do đó, tôi lại nhăm nhăm ngắm nghía bữa ăn của trường, cách sắp xếp tổ chức bữa ăn cho trẻ. Một trường tôi đi qua, các bé được “thiết quân luật”, ăn theo ca. Trẻ bé nhất ăn trước, hết giờ đến trẻ lớn hơn. Do thời gian hạn chế nên cô giáo buộc phải đút nhanh, bé phải ăn nhanh. Không nhanh là đói, không nuốt được là nôn… Nhìn cảnh các bé ăn vội vàng, ăn trong nước mắt, tôi lại thấy xót ruột, quay ra…

Có những quản lí trường, khi thấy tôi đề nghị được thăm quan trường vào giờ ăn, giờ học, đã tỏ ra không vui, thậm chí cáu gắt khi thấy nhân viên của mình cho tôi vào thăm quan trường… Bắt gặp những ánh mắt sắc lạnh đó, tôi cũng thấy bất an khi gửi con vào trường.

Cứ thế, năm lần bảy lượt, tôi mới tìm được trường cho con mình. Đó là một trường bán công, có khuôn viên rộng rãi, có bếp ăn một chiều sạch sẽ, có hệ thống cô giáo được đào tạo bài bản, có nụ cười hiền hòa tôi cảm nhận được ở các giáo viên nơi đây…

Nhược điểm duy nhất là trường đã rất đông cháu và tôi phải rất chật vật, nhờ hết người này người kia, mới có thể gửi con vào trường!

Thanh Bình

Hãy chia sẻ những câu chuyện, quan điểm, cảm xúc của bạn và những người thân trong việc tìm và chọn trường mầm non cho con vào email: toasoan@giaoduc.net.vn. Chân thành cảm ơn bạn!

Bé 2 tuổi phải đi cấp cứu vì uống thuốc ngủ tại nhà trẻ
Bé 2 tuổi đã tự uống thuốc ngủ tại nhà trẻ hay bị ép?
Tạm đóng cửa cơ sở mầm non có trẻ uống thuốc ngủ
Bé uống thuốc ngủ tại nhà trẻ: Sở Giáo dục HN chưa biết
Clip cấp cứu bé 20 tháng tuổi uống thuốc ngủ tại nhà trẻ