Chợ luận văn ngày càng tinh vi

19/04/2011 09:57
Chuyện sao chép, mua bán trái phép các loại luận văn tại các quán phô tô gần các trường đại học, cao đẳng hiện nay đang có những diễn biến ngày càng phức tạp.

Nếu như trước đây phần lớn sinh viên đều tỏ ra thận trọng khi tìm mua những luận văn bảo vệ từ nhiều năm trước thì giờ đây, một vài người đã có xu hướng "mạo hiểm" chọn cả những đề tài mới để đảm bảo tính "thời sự" cho vấn đề. Và từ đấy, chủ các "chợ" cũng bắt đầu nảy sinh ra những "thủ thuật" quảng cáo mới.

"Chợ" mọc ở khắp nơi

Điểm khảo sát đầu tiên của chúng tôi là khu vực kí túc xá của Đại học Sư phạm Hà Nội. Ghé vào một quán phô tô có đề tấm biển to tướng: "Nhận in, phô tô tiểu luận, luận văn các loại" tại khu B1 KTX Đại học Sư phạm Hà Nội.

Hai người đứng trông quán, một nam một nữ còn rất trẻ mà theo như quan sát của chúng tôi là nhân viên làm thuê ở đây sau một hồi thảo luận nhỏ với nhau đã quyết định mở máy tính để chúng tôi tham khảo.
 

Đồ án, luận văn được rao bán công khai
Đồ án, luận văn được rao bán công khai

"Bây giờ chưa phải là mùa luận văn nên chỉ có mấy cái thôi. Các cậu xem thử xem, nếu được thì lấy", người con trai vừa nói vừa gọi tôi lại và chỉ tay vào màn hình. Một danh sách dài với hàng trăm luận văn thuộc đủ các lĩnh vực Văn học, Lịch sử, Địa lí, Toán học... hiện ra.

"Có cái nào của phần Văn học hiện đại không", tôi hỏi. "Hình như có mấy cái, để xem đã". Sau khi xem qua danh sách những luận văn có trong máy, tôi quyết định mua một luận văn viết về tác phẩm "Mẫu thượng ngàn" của Nguyễn Xuân Khánh.

Đồ án, luận văn được rao bán công khai

Có lẽ vì là nhân viên mới nên cả hai đều không biết giá cả cụ thể như thế nào. Cuối cùng họ quyết định "để rẻ" cho tôi luận văn gần 80 trang A4 với giá 25 ngàn đồng. Sang quán đối diện thuộc khu B3, người đàn ông chạc 30 tuổi nói với vẻ tiếc nuối: "Tiếc quá, hôm nọ anh mới cài lại máy, chỉ còn mỗi mấy cái, các chú xem thích thì lấy".

Nói rồi anh mở máy cho tôi xem, không quên quảng cáo: “Có cả luận án tiến sĩ khoa học, mới bảo vệ năm vừa rồi xong (năm 2010), chú thích thì lấy, về Lí luận văn học đấy". Lấy lí do không thuộc cái mình cần, tôi thoái thác không mua. Trước khi ra về, người chủ quán bảo chúng tôi để lại số điện thoại. " Để mấy hôm nữa anh tìm cho, khi nào có anh sẽ gọi hai chú".

Đi vài trăm mét nữa, đến khu B1 kí túc xá ĐH Sư phạm Ngoại ngữ (ĐHQGHN). Quán phô tô kiêm luôn quán nét, người thanh niên trông quán tỏ ra rất sành sỏi: "Các bạn thích mua lĩnh vực gì? Cái gì cũng có, tiếng Anh, Pháp, Nga, Nhật... toàn là luận văn vừa bảo vệ thôi. Thích thì đưa USB đây tôi copy cho, nếu cần in ra thì để sáng mai quay lại, giờ đang đông khách nên không in được".

Trên đường về, tôi ghé vào quán phô tô nằm trong toà nhà ghi tên: "Toà nhà NXB ĐHKTQD". Điều đáng ngạc nhiên là ở đây cũng rao bán luận văn. Quan sát xung quanh tôi nhận ra toà nhà nằm ngay gần khu giảng đường, nơi hàng ngày sinh viên và các giáo viên vẫn đi qua.

Vẫn chuyện "bình mới rượu cũ"

Nếu như trước đây phần lớn sinh viên đều tỏ ra thận trọng khi tìm mua những luận văn bảo vệ từ nhiều năm trước thì giờ đây, một vài người đã có xu hướng "mạo hiểm" chọn cả những đề tài mới được bảo vệ để đảm bảo tính "thời sự" cho vấn đề.

Và từ đấy, chủ các "chợ" cũng bắt đầu nảy sinh ra những "thủ thuật" quảng cáo mới. Bên cạnh chuyện tiếp thị, mời chào, để thu hút được sinh viên nhiều hơn, và  nâng cao uy tín của mình, các quán phô tô còn không ngừng đổi mới về mẫu mã "sản phẩm".

Đến bất cứ của hàng phô tô nào, chỉ cần có yêu cầu về một đề tài thật "nóng", thậm chí vừa mới bảo vệ cách đây không lâu cũng được các chủ quán đáp ứng đầy đủ. Thế nhưng không ai có thể đảm bảo được rằng đấy thực sự là những đề tài mới hay cũng vẫn là chuyện "bình mới rượu cũ" mà thôi.

Một sinh viên trường Đại học Bách khoa sau khi thấy chúng tôi hỏi mua một đề tài mà chủ quán giới thiệu là vừa được bảo vệ đầu năm 2010 đã ngay lập tức rỉ tai tôi: " Các ông gà lắm. Làm quái gì có đề tài mới ở đây. Toàn là cái cũ nó "xào" lại, thay vỏ mới thôi. Tôi gặp mấy lần rồi tôi biết".

Theo sinh viên này thì sau khi có đề tài nào được bán đi, ngay lập tức tên đề tài đó được "tân trang", tô vẽ cho cái tên thật "kêu", phần còn lại của luận văn lại được bê nguyên si cái cũ. "Bởi lẽ họ nắm rõ được tâm lí khách hàng đến đây đều là những người hoặc là  lười hoặc không biết tí gì cả nên chỉ ngó qua tên đề tài thôi chứ ai hơi đâu mà đọc nội dung làm gì. Cũng là "treo đầu dê bán thịt chó" cả thôi" - Cậu sinh viên nọ bật mí.

Từ những điều mắt thấy tai nghe tại một quán phô tô của một số trường đại học có thể thấy rõ ràng chính sinh viên đã và đang vô tình trở thành những "con dao đồ tể", giúp đỡ cho công việc buôn bán trái phép luận văn của các chủ quán phô tô.

Khi tôi hỏi các bạn tự truyền tai cho nhau hay có được sự nhờ vả môi giới gì của các chủ quán không thì cậu sinh viên Đại học Lao động - Xã hội nói rằng đến quán nào mua, trước khi về đều được các chủ quán "cầu cạnh": "Có bạn bè nào muốn mua thì giới thiệu đến cho chị nhé". Vậy là việc truyền bá đều diễn ra một cách vô tư theo kiểu người đi trước "dìu dắt" người đi sau.                

Theo Hồng Quý/ĐS&PL