Công tác vệ sinh, an toàn lao động còn "hổng" nhiều khu vực

22/12/2012 14:04
T.L
(GDVN) - Thiếu đội ngũ thanh tra, nhiều doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh không được thanh tra. Đồng thời, tại các làng nghề thủ công truyền thống, người lao động không có kỹ năng, không được đào tạo an toàn lao động... Đó là những vấn đề bất cập cần được giải quyết.
40 năm mới đi hết 1 vòng doanh nghiệp Đây là con số thực tế được chỉ ra trong báo cáo về thực trạng công tác thanh tra an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) trong năm 2012. Thống kê năm 2011 của Thanh tra Bộ LĐTBXH, hiện cả nước có 420 thanh tra viên lao động đảm nhận chức năng ở nhiều vực như: Người có công, bảo hiểm xã hội, lao động trẻ em, khiếu nại tố cáo, chính sách lao động… nhưng cán bộ thực hiện thanh tra về ATVSLĐ trong cả nước chỉ chiếm 1/3 số cán bộ thanh tra nói trên (khoảng 130 người). Theo báo cáo của Tổng Cục Thống kê, số doanh nghiệp đang hoạt động trong cả nước là 3.750.000 doanh nghiệp. Như vậy, tính bình quân một thanh tra viên phải quản lý trên 1.300 doanh nghiệp.
Nguy cơ tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp trong các cơ sở có lao động tự do làm việc là rất lớn.
Nguy cơ tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp trong các cơ sở có lao động tự do làm việc là rất lớn.
“Căn cứ theo phương thức thanh tra theo đoàn thì bình quân một thanh tra viên chỉ đi được 30 doanh nghiệp/năm. Để thanh tra hết số doanh nghiệp mà mình phụ trách như đã tính ở trên thì phải mất khoảng 40 năm” - ông Hà Tất Thắng - Cục trưởng Cục An toàn lao động lược tính. Theo Bộ LĐTB&XH, ước tính, Việt Nam cần phải bổ sung thêm để có 1 thanh tra/40.000 lao động. Hoặc chí ít phải cân bằng để 1 thanh tra viên phụ trách 300 doanh nghiệp, đảm bảo khoảng 2 năm thanh tra 1 lượt doanh nghiệp về ATLĐ. Cũng theo ông Thắng, không chỉ thiếu, nguồn thanh tra viên còn yếu kém về trình độ. Có tới 30 - 50% cán bộ mới ra trường hoặc chuyển công tác. 25% cán bộ có trình độ cao đẳng, trung cấp. Thực tế, Thanh tra các Sở LĐTBXH ở các tỉnh thành chưa đáp ứng được nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra ở các địa phương. Thời gian chủ yếu là làm việc và giải quyết đơn thư, phần lớn các Sở chưa tổ chức thanh tra theo kế hoạch.Bỏ sót hàng nghìn daonh nghiệp
Năm 2012, cả nước chỉ tiến hành được 4.184 cuộc thanh tra về pháp luật ATVSLĐ và 1.366 cuộc kiểm tra liên ngành. Tuy nhiên, việc thanh tra vẫn còn hình thức, chất lượng chưa cao.  Cá biệt có những tỉnh như Vĩnh Long, Vĩnh Phúc cả năm không có nổi một cuộc thanh tra liên ngành. Số các tỉnh khác có thanh tra Luật ATVSLĐ, nhưng số cuộc thanh tra chỉ đếm trên đầu ngón tay như Cao Bằng 2 vụ; Thừa Thiên - Huế 5 vụ; Quảng Bình 6 vụ. Trong khi đó, việc thanh tra mới chỉ chủ yếu diễn ra tại các doanh nghiệp Nhà nước, còn các doanh nghiệp khác thì rất ít. Thống kê của Cục An toàn lao động cho thấy, 60% cuộc thanh tra diễn ra trong doanh nghiệp Nhà nước, 20% tại doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và chỉ 6% là thanh tra với các loại hình khác. “Điều này dẫn tới thực trạng, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp có lao động tự do, lao động nông nghiệp không được thanh tra. Như vậy thì rõ ràng, vấn đề đảm bảo về ATVSLĐ trong những ngành này bị bỏ ngỏ là chuyện đương nhiên” - ông Thắng thừa nhận thực tế. Từng nhiều năm làm công tác thanh tra lao động tại cơ sở, bà Lãng Thị Phiền, Trưởng phòng Lao động - Việc làm, Sở LĐTBXH Lạng Sơn kiến nghị, cần bố trí thêm các thanh tra viên cho các tỉnh thành, nâng cao năng lực, hiệu quả thanh tra về ATVSLĐ. “Ngoài ra, hiện nay trang thiết bị, máy móc cũng đã lạc hậu nhiều. Vì vậy, cần phải bổ sung máy móc, đo đạc, xe cộ… phục vụ cho việc thanh tra về ATVSLĐ, có vậy công tác thanh tra đánh giá mới hiệu quả” - bà Phiền nói.
Thực trạng An toàn vệ sinh Lao động tại khu vực làng nghề
Việc phát triển các làng nghề không chỉ đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra của cải vật chất cho xã hội, góp phần vào việc tăng trưởng kinh tế mà còn góp phần phân phối lại lực lượng lao động trong xã hội, giải quyết việc làm, tăng thu nhập của người lao động, xoá đói giảm nghèo.  Bên cạnh sự phát triển đó thì đồng thời tại các làng nghề đã phát sinh ra các yếu tố nguy hiểm, gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến sức khỏe của người lao động, cộng đồng dân cư như bụi, ồn, hóa chất độc hại,…  Nguyên nhân là do hộ gia đình, doanh nghiệp làng nghề với công nghệ lạc hậu, đơn giản, vốn đầu tư thấp nên việc cải tiến công nghệ và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật rất hạn chế. Phần lớn các hộ gia đình, doanh nghiệp có mặt bằng sản xuất chật hẹp, nằm cận kề khu dân cư hoặc  tại gia đình, xưởng tạm bợ, thiếu ánh sáng; vật liệu sản xuất và sản phẩm làm ra bố trí, sắp xếp lộn xộn, bừa bãi. 
Nhiều lao động làng nghề chưa được đào tạo về an toàn vệ sinh lao động.
Nhiều lao động làng nghề chưa được đào tạo về an toàn vệ sinh lao động.
Việc tổ chức sản xuất – tổ chức lao động không hợp lý, với lao động thủ công chiếm tới 70 – 80 % , và có tới gần 80% các khâu trong dây chuyền công nghệ người lao động phải làm việc trong điều kiện nặng nhọc, vất vả. Việc phát triển mang tính tự phát của các làng nghề cùng với mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận nên các chủ hộ gia đình, doanh nghiệp thường ít chú ý đầu tư cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động. Việc thực hiện các trách nhiệm pháp lý về Môi trường, an toàn vệ sinh lao động hầu như không thực hiện.  Hầu hết các cơ sở sản xuất đều không có hệ thống thông gió, hút bụi, xử lý hơi khí độc trong nhà xưởng, ngay cả các cơ sở sản xuất sử dụng nhiều hoá chất, nhiều chất dễ cháy, dễ nổ (axít, xút, cao su, xà phòng, đồ nhựa…).  Không có hoặc thiếu bộ phận làm công tác ATVSLĐ. Không trang bị hoặc trang bị không đầy đủ các phương tiện bảo vệ cá nhân cho NLĐ.  Việc tổ chức huấn luyện ATVSLĐ cho NLĐ mang tính sơ sài, hình thức, thậm chí nhiều nơi không tổ chức huấn luyện. Không có sổ sách theo dõi, thống kê đầy đủ tình hình tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và thực hiện không nghiêm túc chế độ khai báo khi xảy ra tai nạn  lao động với các cơ quan chức năng; … Công tác quản lý an toàn vệ sinh lao động các cấp đối với khu vực này gần như đang bị bỏ ngỏ, rất ít các cuộc thanh kiểm tra việc tuân thủ luật pháp về lĩnh vực an toàn vệ sinh lao đông, kiểm tra việc sử dụng các thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn tại các hộ gia đình, doanh nghiệp. Để đáp ứng được mục tiêu phát triển bền vững về kinh tế, xã hội, giảm thiểu ô nhiễm Môi trường, đảm bảo sức khỏe cho người lao động cũng như cộng đồng dân cư đồng thời tăng cường sự tham gia của các cấp chính quyền, người dân trong công tác xã hội hóa an toàn vệ sinh lao động và bảo vệ môi trường, các cơ quan quản lý Nhà nước các cấp cần khuyến khích triển khai áp dụng Mô hình quản lý An toàn vệ sinh lao động tại khu vực làng nghề theo phân cấp.Tai nạn lao động tiềm ẩn tại các làng nghề  Việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, làng nghề trên địa bàn tỉnh Bắc Giang trong những năm qua đã góp phần giảm công sức lao động, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và lợi ích kinh tế cho người dân. Tuy vậy, những năm qua, công tác bảo đảm an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) ở lĩnh vực này chưa được quan tâm. Đầu năm 2011, với mong muốn giảm bớt công sức chăm sóc đàn lợn, gia đình ông Phan Văn B, thôn Mẫu Sơn, xã Chu Điện (Lục Nam) mua máy thái rau chạy bằng mô tơ điện. Trong lúc sử dụng, ông B sơ suất nên bị máy cắt vào tay. Được biết, khi mua máy chủ cửa hàng hướng dẫn ông chú ý giữ khoảng cách an toàn khi sử dụng, nhưng vì chủ quan nghĩ rằng đưa rau vào ở cữ đó sẽ khó xảy ra tai nạn. Cũng gặp phải trường hợp tương tự, sức khoẻ ông Nguyễn Văn K, xã Xuân Hương (Lạng Giang) giảm sút nhiều kể từ sau vụ tai nạn do điện giật hồi tháng bảy vừa qua. Hôm ấy, khi ông đang cắm ổ điện để khởi động máy tuốt lúa thì bất ngờ bị điện giật, phải đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.  Sau vụ tai nạn, nửa bàn tay phải của ông bị hoại tử, hệ tim mạch cũng ảnh hưởng lớn nên không làm việc được như trước. Tìm hiểu tại các địa phương khác đều thấy, tai nạn lao động luôn tiềm ẩn trong từng việc làm, lĩnh vực sản xuất, tuy nhiên do chủ quan, sắp xếp máy móc, thiết bị sử dụng điện chưa hợp lý nên không ít người đã gặp tai nạn. Ở làng nghề mây tre đan Tăng Tiến (Việt Yên), nhiều hộ dân đã đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại vào sản xuất, góp phần giảm chi phí, tăng năng suất, hiệu quả lao động. Anh Đinh Văn Sinh, thôn Chùa cho biết: "Gần mười năm gia đình tôi làm nghề thu mua cây dùng phấn sau đó cắt thành từng đoạn bán lại cho bà con trong thôn. Thay vì cưa bằng tay như trước vừa tốn công sức, hiệu quả lại không cao, năm 2010 gia đình đã đầu tư mua máy cắt điện, mỗi lao động có thể cắt được từ 5 đến 7 tấn dùng phấn/ngày, gấp nhiều lần so với trước".  Cũng theo anh Sinh, máy cắt vận hành máy khá đơn giản, chỉ cần cắm điện, bật công tắc là lưỡi cưa sẽ quay tít, nhanh chóng cắt đứt vật tiếp xúc. Nghe giới thiệu như vậy nhưng khi chứng kiến anh và nhiều lao động khác làm việc trong không khí bụi bặm lẫn tiếng ồn, không đội mũ, kính, đeo khẩu trang, găng tay bảo hộ và trước lưỡi cưa sắc lẹm, chúng tôi không khỏi lo lắng vì nguy cơ tai nạn lao động (TNLĐ) luôn rình rập. Theo thông tin từ Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, mặc dù chưa có thống kê cụ thể nhưng trên thực tế, số vụ TNLĐ trong sản xuất nông nghiệp, làng nghề xảy ra phổ biến. Tuỳ theo lĩnh vực, người bị nhẹ thì biểu hiện hoa mắt, chóng mặt, nặng có thể dẫn đến tử vong. Đáng lo ngại nạn nhân đều là lao động chính nên khi tai nạn xảy ra để lại hậu quả nặng nề cho gia đình và xã hội. Nhiều gia đình chỉ vì một phút bất cẩn đáng tiếc khi làm việc mà khiến con mất cha, vợ mất chồng; kinh tế gia đình, sức khoẻ giảm sút. Nguyên nhân chủ yếu là do người dân chưa ý thức mức độ nguy hiểm, độc hại của công việc tiếp xúc như: thiếu kiến thức sử dụng điện, thiết bị, máy nông nghiệp; lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, chất kích thích tăng trưởng, chất bảo quản; môi trường làm việc chứa nhiều độc hại do khói bụi ô nhiễm, tiếng ồn... Đặc biệt, nhiều loại máy nông nghiệp có kim loại sắc, nhọn (dao, lưỡi phay) khả năng sát thương cao như: máy cày, máy thái rau, máy đập lạc, máy tuốt lúa... rất nguy hiểm nếu người sử dụng không nắm vững quy trình. Cùng với hạn chế nhận thức từ người lao động trực tiếp, công tác tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra thực hiện ATVSLĐ ở nông thôn trên địa bàn tỉnh thời gian qua chưa được các cấp, ngành quan tâm.  Ông Vũ Văn Đủ, nông dân thôn Biềng, xã Nam Dương (Lục Ngạn) cho biết: "Khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phần lớn các gia đình vẫn sản xuất theo kinh nghiệm, sử dụng như thế nào cho đủ hàm lượng, phun đúng quy cách, thời kỳ ra sao để bảo đảm an toàn, vệ sinh, khoa học thì hầu như chưa ai nắm rõ". Còn anh Hoàng Văn Thuỷ, thôn Tân Phượng, xã Tân Mỹ (TP Bắc Giang) tâm sự, gia đình anh mua máy tuốt lúa về phục vụ bà con thu hoạch mùa vụ được gần ba năm. Sau khi mua máy anh đưa ra đồng sử dụng luôn chứ chưa qua lớp đào tạo, tập huấn nào nên đã vài lần gặp sự cố. Để người dân nắm chắc kiến thức trong sản xuất nông nghiệp, làng nghề, thời gian tới ngành chức năng tiếp tục chỉ đạo, phối hợp với chính quyền, hội nông dân các cấp đẩy mạnh hoạt động thông tin tuyên truyền. Trên cơ sở tính chất nguy hiểm của từng công việc ưu tiên tuyên truyền nội dung an toàn khi tiếp xúc, sử dụng điện; hoá chất bảo vệ thực vật; thiết bị, máy nông nghiệp... Hội Nông dân các xã, thị trấn phát động phong trào thi đua phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp; xây dựng nông thôn "xanh - sạch - đẹp". Cơ quan chức năng sớm triển khai điều tra tổng thể nhằm kiểm soát, đánh giá thực trạng công tác ATVSLĐ trong nông nghiệp, làng nghề và xây dựng các giải pháp, mô hình quản lý phù hợp thực tiễn. Đồng thời ban hành văn bản quy định rõ trách nhiệm, điều kiện bắt buộc của đơn vị, cá nhân có hoạt động sản xuất, kinh doanh, sử dụng máy, thiết bị đồng thời tăng cường hoạt động quản lý, kiểm tra, xử phạt những trường hợp sử dụng thiết bị điện tự chế, vi phạm nguyên tắc an toàn đồng thời khuyến khích các làng nghề, chủ hộ xây dựng quy ước, xây dựng môi trường làm việc năng suất, chất lượng, hiệu quả, bảo đảm sức khoẻ cho người lao động.
Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi!
T.L