Đề xuất thu "Phí được quyền mua ô tô, xe máy" của người dân

06/06/2011 00:05
Nhằm giảm ùn tắc giao thông, Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam đề xuất ban hành “Phí được quyền mua ô tô, xe máy”.
Nhằm giảm ùn tắc giao thông, Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam đề xuất ban hành “Phí được quyền mua ô tô, xe máy”. Đề xuất trên vừa được Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) gửi tới Bộ Tài chính, Bộ GTVT, Bộ Công Thương và Ủy ban An toàn giao thông quốc gia.
Mua xe đắt tiền, nộp từ 2-10 lần giá trị xe
VAFI cho rằng các sắc thuế hiện hành nếu áp dụng hết khung cũng không thể ngăn chặn được tình trạng nhập khẩu ngày càng gia tăng, nhất là đối với các loại ô tô, xe máy đắt tiền. Việc sử dụng công cụ “Phí được quyền mua ô tô, xe máy” ở mức rất cao so với giá trị thị trường của ô tô, xe máy như nhiều quốc gia trên thế giới sẽ giúp Chính phủ kiểm soát được số lượng, cơ cấu phương tiện và giá trị nhập khẩu theo từng thời kỳ.
Theo VAFI, để bảo đảm quyền lợi của số đông người dân có thu nhập thấp, dòng xe bình dân (sẽ có quy định về một con số cụ thể cho cả ô tô và xe máy - PV) ở các vùng nông thôn và TP nhỏ sẽ không thu phí; đối tượng sử dụng xe bình dân ở các TP lớn sẽ thu phí ở mức độ thấp hoặc mức vừa phải để từng bước khuyến khích người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng.
Nếu đề xuất của VAFI được chấp nhận, khi mua ô tô và xe máy đắt tiền, người dân phải nộp thêm từ 3-10 lần giá trị xe. Ảnh: TẤN THẠNH
Nếu đề xuất của VAFI được chấp nhận, khi mua ô tô và xe máy đắt tiền,
người dân phải nộp thêm từ 3-10 lần giá trị xe. Ảnh: TẤN THẠNH
Riêng với các loại xe đắt tiền (giá trị gấp từ 3 lần trở lên so với xe bình dân), sẽ thu phí bằng từ 2 - 4 lần giá trị xe. Đặc biệt, đối với dòng ô tô con hạng sang, VAFI đề xuất phí thu từ 100% giá trị xe đến gấp 10 lần giá trị thị trường của dòng xe này. VAFI cho rằng phương pháp này có thể ngăn chặn được việc sử dụng xe đắt tiền và giảm 1/2 tổng giá trị nhập khẩu phụ tùng, linh kiện, xe nguyên chiếc.
Ngoài ra, VAFI cũng kiến nghị Chính phủ không cấp phép thành lập các nhà máy sản xuất ô tô, xe máy phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước vì đã có quá nhiều nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô, xe máy nên năng lực sản xuất quá dư thừa, dẫn tới giá thành sản xuất cao.
Trái với hiến pháp
Trao đổi với phóng viên, Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Chống gian lận thương mại và Hỗ trợ người tiêu dùng TPHCM (AFCA), cho rằng đề xuất của VAFI có thể vi phạm đến điều 58 của Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam: “Công dân có quyền sở hữu về thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở, tư liệu sinh hoạt, tư liệu sản xuất, vốn và tài sản khác trong doanh nghiệp hoặc trong các tổ chức kinh tế khác...”. 
Theo ông Hậu, việc ban hành “Phí được quyền mua ô tô, xe máy” chẳng khác nào công dân phải bỏ ra một khoản tiền để mua quyền được sở hữu ô tô, xe máy, trong khi điều 58 của Hiến pháp đã khẳng định công dân đương nhiên có quyền sở hữu về tư liệu sinh hoạt, tư liệu sản xuất... “Thiệt thòi lớn nhất chính là người tiêu dùng vì sự tăng giá quá cao của các loại phương tiện giao thông sẽ gây thêm khó khăn cho cuộc sống hằng ngày của họ. Kế đến là sự trì trệ của nền kinh tế vì việc sản xuất, lưu thông hàng hóa cũng bị ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp từ việc hạn chế sản xuất, lưu hành ô tô, xe máy trong nước” - Luật sư Hậu phân tích.
Luật sư Hậu cho rằng việc VAFI kiến nghị không thành lập thêm nhà máy sản xuất ô tô, xe máy phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước cũng có thể vi phạm điều 16 của Hiến pháp về việc đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vật chất và tinh thần của nhân dân trên cơ sở phát huy mọi năng lực sản xuất, tiềm năng của các thành phần kinh tế gồm kinh tế Nhà nước, kinh tế tập thể…
Đề xuất vì nhiều biện pháp chưa hữu hiệu
Theo ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng Thư ký VAFI, tâm lý người dân Việt Nam là muốn đi xe đẹp, có xe máy thì lại muốn có ô tô. Đó là nhu cầu chính đáng nhưng với việc các phương tiện tăng nhanh như hiện nay thì tình trạng ùn tắc ở các đô thị sẽ trở nên hết sức nghiêm trọng. “Thời gian qua, các cơ quan Nhà nước đã áp dụng nhiều biện pháp hạn chế các phương tiện giao thông cá nhân nhưng đều không hoặc chưa hiệu quả nên VAFI đã đề xuất giải pháp “Phí được quyền mua ô tô, xe máy” - ông Hải nói. 
Ông Hải cho biết các nước phát triển đều chú ý việc phát triển giao thông công cộng. Tuy nhiên, tình trạng ùn tắc giao thông vẫn chưa được cải thiện nên họ sử dụng thêm nhiều biện pháp khác như thu phí quyền mua ô tô, đấu giá quyền sử dụng bến bãi… Việc thu loại phí này còn giúp điều chỉnh cả cơ cấu ngoại tệ, giảm 1/2 giá trị ngoại nhập đối với các dòng ô tô, xe máy, đặc biệt với dòng xe cao cấp, đắt tiền.
Theo PHÙNG KHA/NLĐ