Đại học tổng hợp Kỹ thuật Dresden, nơi đào tạo những tiến sĩ, kỹ sư của Việt Nam

15/04/2018 06:38
Đinh Tuyết Mai
(GDVN) - Sau khi tốt nghiệp tất cả tiến sĩ và kỹ sư trở về Việt Nam để làm việc, xây dựng Tổ quốc, rất nhiều anh chị em đã trở thành những cán bộ lãnh đạo chủ chốt.

LTS: Là người từng chia sẻ nhiều bài viết về nền giáo dục Cộng hòa Liên bang Đức, trong bài viết lần này, tác giả Đinh Tuyết Mai tiếp tục gửi đến độc giả Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam những thông tin về Trường đại học tổng hợp Kỹ thuật Dresden tại Đức.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Trường đại học tổng hợp Kỹ thuật Dresden - Technische Universität Dresden, viết tắt là TU Dreden, nằm ở thành phố Dresden, thủ phủ của tiểu bang Sachsen (Đông Đức cũ).

Nhà trường có 18 khoa với xấp xỉ 6.300 người làm việc, bao gồm Giáo sư, Phó giáo sư, Trợ giáo có trình độ Tiến sĩ, cán bộ nghiên cứu, cán bộ các phòng chức năng...

Hàng năm nhà trường đào tạo khoảng 35.000 sinh viên. Trong đó có hàng nghìn sinh viên và nghiên cứu sinh từ 125 nước khác nhau trên thế giới.

Đây là trường đại học lớn nhất tiểu bang Sachsen và là trường lớn thứ 12 trên toàn Cộng hòa liên bang Đức

Theo kết quả xếp hạng các trường đại học trên thế giới năm 2017 của tổ chức thế giới mang tên “Times Higher Education Ranking”: TU Dresden được xếp vị trí 164.

Lịch sử phát triển của Trường đại học tổng hợp Dresden

Vào 1/5/1828 Trường đào tạo kỹ thuật Dresen được thành lập. Các ngành được đào tạo hồi đó chủ yếu là chế tạo máy, cơ khí, đóng tàu.

Tiếp theo đó, các chuyên ngành khác như xây dựng, kiến trúc, điện tử, kỹ thuật khai thác gỗ và nghiên cứu rừng được đào tạo.

Ngày nay, 2 chuyên ngành về rừng này được kết hợp với các chuyên ngành công nghệ môi trường và trở thành “Viện khoa học môi trường” của TU Dresden.

Viện Khoa học môi trường tại Tharandt, TU Dresden hiện nay (Ảnh: tác giả cung cấp)
Viện Khoa học môi trường tại Tharandt, TU Dresden hiện nay (Ảnh: tác giả cung cấp)

Vào năm 1883, lần đầu tiên sinh viên tốt nghiệp tại trường được nhận văn bằng Diplom.

Từ đó, nhà trường đào tạo rất nhiều kỹ sư các ngành kỹ thuật với chất lượng cao.

Vì vậy vào 1890, Nhà trường đã được nhận tên mới: “Technische Hochschule Dresden - Đại học Kỹ thuật Dresden” gọi tắt là TH Dresden.

Khoa xây dựng, Trường đại học kỹ thuật - TH Dresden vào năm 1913 (Ảnh: tác giả cung cấp).
Khoa xây dựng, Trường đại học kỹ thuật - TH Dresden vào năm 1913 (Ảnh: tác giả cung cấp).

Từ năm 1900,  nhà trường bắt đầu đào tạo tiến sĩ khoa học kỹ thuật. Một trong những vĩ nhân nổi tiếng được phong học vị Tiến sĩ danh dự của TH Dresden hồi đó là ông Friedrich Siemens...

Đai chiến thế giới thứ II kết thúc với hậu quả là: nước Đức bị phân chia thành hai nước BRD và DDR.

Vào tháng 10/1961 chính phủ Cộng hòa Dân chủ Đức - DDR (Đông Đức cũ) chính thức đổi tên trường TH Dresden thành Technische Universität Dresden, gọi tắt l à TU Dresden.

Cấu trúc của trường được thay đổi, 22 khoa mới được thành lập... Từ đó TU Dresden là 1 trong 3 trường đại học nổi tiếng của DDR và đào tạo rất nhiều sinh viên và nghiên cứu sinh từ các nước Xã hội chủ nghĩa.

Tính đến thời gian thống nhất 2 nước Đức vào cuối 1990, TU Dresden là một trong 3 trường đại học đào tạo nhiều sinh viên và nghiên cứu sinh Việt Nam nhất của DDR.

Tòa nhà của Viện Khoa học Kinh tế, TU Dresden (Ảnh: tác giả cung cấp).
Tòa nhà của Viện Khoa học Kinh tế, TU Dresden (Ảnh: tác giả cung cấp).

Từ năm 1990, mọi hoạt động của các trường đại học vùng Đông Đức cũ dần dần được hiện đại hóa và thay đổi cho phù hợp với luật Giáo dục và Đào tạo chung của toàn Cộng hòa liên bang Đức...

Phòng đọc chính của thư viện, TU Dresden (Ảnh: tác giả cung cấp).
Phòng đọc chính của thư viện, TU Dresden (Ảnh: tác giả cung cấp).

Những tiến sĩ và kỹ sư Việt Nam tốt nghiệp từ TU Dresden

Từ 1961 đến 1990, hàng năm Chính phủ Việt Nam gửi những bạn trẻ học lực giỏi, có trình độ tiếp thu nhanh đến học tập tại các trường đại học ở DDR.

Số lượng sinh viên Việt Nam tại DDR được tăng dần theo thời gian.

Từ giữa những năm 70, Nhà nước bắt đầu tuyển chọn và gửi các trí thức trẻ, có trình độ chuyên môn cao sang DDR để làm luận án Tiến sĩ.

Hàng năm, khoảng trên 20 nghiên cứu sinh và trên 100 sinh viên được gửi đến nhiều trường đại học tại DDR. Khoảng 25% đến 30% trong số đó được đào tạo ở TU Dresden.

Sinh viên tốt nghiệp các ngành kỹ thuật tại TU Dresden được cấp “Bằng Diplom”, còn nghiên cứu sinh được cấp học vị Tiến sĩ với “Bằng Doktor” (viết tắt là Dr.).

Tòa nhà của Viện khoa học giáo dục, TU Dresden (Ảnh: tác giả cung cấp).
Tòa nhà của Viện khoa học giáo dục, TU Dresden (Ảnh: tác giả cung cấp).

Sau khi tốt nghiệp TU Dresden, tất cả tiến sĩ và kỹ sư trở về Việt Nam để làm việc, xây dựng Tổ quốc.

Rất nhiều anh chị em đã trở thành những cán bộ lãnh đạo chủ chốt, đầu ngành tại các viện nghiên cứu kỹ thuật hoặc trở thành Giám đốc, Phó giám đốc ở các nhà máy, xí nghiệp trong toàn quốc.

Nhiều tiến sĩ là giảng viên ở Trường đại học Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh và Trường đại học Bách khoa Hà Nội, trong đó có giáo sư Phạm Minh Tuấn và phó giáo sư Nguyễn Thanh Thuyết...

Hiện nay, rất nhiều người đã nghỉ hưu.

Chi hội Hữu nghị cựu LHS TU Dresden  thuộc “Trung ương Hội Hữu nghị Việt Đức”

Nhiều cựu lưu học sinh (LHS) tốt nghiệp từ TU Dresden, sống và làm việc tại Hà Nội, tổ chức gặp nhau hàng năm để ôn lại những kỷ niệm không thể nào quên ở Dresden. Từ đó ý tưởng thành lập hội được thực hiện.

Ngày 27/11/1994, Hội nghị thành lập “Hội Cựu sinh viên TU Dresden” tại Hà Nội đã diễn ra tại Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng.

Hơn 90 hội viên đã nhất trí thông qua mục tiêu của Hội là tiếp tục củng cố và phát triển mối quan hệ giữa cựu lưu học sinh Việt Nam tại Trường đại học Tổng hợp Kỹ thuật Dresden.

Chủ trương hoạt động chính là:

1) Tổ chức các cuộc gặp mặt hàng năm.

2) Tổ chức các cuộc tham quan, giải trí.

3) Giúp đỡ, hỗ trợ nhau vượt qua những khó khăn trong cuộc sống, cũng như trong công tác.

Một nhiệm vụ quan trọng của Hội là: gìn giữ và phát triển mối quan hệ với Trường Đại học tổng hợp kỹ thuật Dresden đồng thời với những tổ chức khác của Đức tại Việt Nam.

Hội viên “Chi hội Hữu nghị cựu Lưu học sinh TU Dresden” năm 2013 (Ảnh: tác giả cung cấp).
Hội viên “Chi hội Hữu nghị cựu Lưu học sinh TU Dresden” năm 2013 (Ảnh: tác giả cung cấp).

Cuối 1995 Hội đã được “Trung ương Hội Hữu nghị Việt Đức” công nhận là một chi hội của Trung ương Hội và có tên gọi mới là “Chi hội Hữu nghị cựu Lưu học sinh TU Dresden”.

Từ tháng 10/2008 hơn 20 bạn trẻ tốt nghiệp tại Trường đại học tổng hợp Kỹ thuật Dresden và nhiều tiến sĩ là cán bộ giảng dạy tại Trường đại học Bách Khoa Hà Nội, đã trở thành hội viên của Chi hội.

Giáo sư Phạm Minh Tuấn, cựu nghiên cứu sinh khoa động lực ở TU Dresden, hiện nay làm việc tại Trường đại học Bách khoa Hà Nội, là thành viên tích cực trong ban chấp hành Chi hội.

Đến nay, số hội viên của Chi hội Hữu nghị cựu Lưu học sinh TU Dresden đã lên tới 150.

Ngày 17/10/2009: Nhân dịp kỷ niệm 15 năm ngày thành lập, Chi Hội Hữu nghị cựu Lưu học sinh TU Dresden đã được nhận Bằng khen của Liên hiệp các Tổ chức hữu nghị Việt Nam (VUFO) trao tặng.

Đinh Tuyết Mai