Du học dưới con mắt cựu du học sinh.

16/06/2012 11:03
Theo Dantri
(GDVN) - Trong bối cảnh Việt Nam phát triển và hòa nhập vào thị trường toàn cầu, đòi hỏi về nhân lực đạt tiêu chuẩn quốc tế, một số bạn đã chọn con đường du học để tiếp cận với nền giáo dục ở các quốc gia tiên tiến.

Trong đó, vương quốc Anh đang trở thành điểm đến thu hút nhiều học sinh. Để hiểu rõ hơn về môi trường học tập tại vương quốc Anh, chúng ta hãy cùng tìm hiểu những chia sẻ của các bạn đã trải nghiệm môi trường học tập này và hiện tại đang có vị trí làm việc ổn định tại Việt Nam.

Bạn Huỳnh Ngọc Linh, cựu du học sinh A Levels at Chichester College; BA Media Arts at Royal Holloway University of London. Công việc hiện tại: Biên tập viên/Dẫn chương trình - Kênh VTV6 - Ban Thanh thiếu niên, Đài Truyền hình Việt Nam; Quản lý truyền thông - UKAV Hiệp hội cựu sinh viên Việt Nam tại Anh - British Council.

Bạn Huỳnh Ngọc Linh trong lễ tốt nghiệp.
Bạn Huỳnh Ngọc Linh trong lễ tốt nghiệp.


Khi được hỏi về những trải nghiệm và ấn tượng về môi trường học tập, môi trường sống, con người và văn hóa Anh trong thời gian bạn du học tại Anh, Huỳnh Ngọc Linh cho biết: “Mình hay nói đùa mọi người là Du Học thì có 2 phần là ‘Du’ và ‘Học’ trong đó thì ‘Du’ chiếm đến 50%. Bản thân việc phiêu lưu đã cho mình những trải nghiệm văn hóa mới (đặc biệt là một đất nước có nền văn hóa lâu đời như Anh Quốc). Về học tập, những tiết học "seminar" khuyến khích sinh viên đưa ra ý kiến riêng của mình. Đó là sự độc lập trong cách làm việc và tư duy, sự chủ động khi tiếp cận với kiến thức mới và cách nhìn nhận sâu sắc về các vấn đề. Về con người Anh, họ tự nhận mình là rất kín đáo nhưng khi đã mở lòng thì họ rất sâu sắc và đặc biệt họ có 1 lòng tự tôn dân tộc rất cao.

Bạn Lê Việt Thắng là cựu du học sinh University of Warwick. Công việc hiện tại của Thắng là Phó Tổng Giám đốc Fivevet Jsc cũng cho biết: “Môi trường học tập ở những trường tôi đã học thì đều rất tốt. Họ dạy cho sinh viên hiểu bản chất của vấn đề chứ không phải chỉ biết vấn đề là gì. Tôi nhận thấy ở nước Anh có một văn hóa trong xây dựng mối quan hệ là dựa trên sự tôn trọng và tin tưởng (không phân biệt cấp trên cấp dưới và khoảng cách thầy trò). Và mọi ý kiến bạn đưa ra đều được tôn trọng dù đúng hay sai, quan trọng là bạn bảo vệ được ý kiến đó có thuyết phục hay không?".

Bạn Lê Việt Thắng (ngoài cùng bên phải) cùng bạn bè quốc tế.
Bạn Lê Việt Thắng (ngoài cùng bên phải) cùng bạn bè quốc tế.


Đi du học là cơ hội tuyệt vời được tiếp cận kiến thức của nhân loại. Đó cũng chính là cơ hội tạo ra thay đổi lớn và tạo dựng một tương lai tốt đẹp cho chính mình. Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội là những thách thức, sinh viên phải trang bị cho mình một hành trang cần thiết để vững bước trên con đường mình đã chọn. Điều khó nhất là vượt lên chính mình, dám thay đổi chính mình để phù hợp với cuộc sống mới.
Cựu du học sinh Huỳnh Ngọc Linh cũng có một số điều muốn chia sẻ với các bạn đang có ý định hoặc đang chuẩn bị sang nước Anh du học đó là “phải ham học hỏi, luôn xác định mục tiêu rõ ràng và cởi mở khi tiếp cận với nền văn hóa mới. Một điều nữa là bạn nên chuẩn bị một vốn hiểu biết vững vàng về văn hoá lịch sử Việt Nam vì mỗi du học sinh là một ‘vị đại sứ’ cho Việt Nam tại Anh. Nếu bạn không hiểu rõ về văn hoá của mình thì sẽ dễ bị lúng túng và thiếu tự tin hơn khi tiếp xúc với bạn bè quốc tế.”

Bạn Lê Việt Thắng chia sẻ: “Theo tôi, khi bạn du học thì không phải chỉ để lấy kiến thức qua bài vở, bạn nên cố gắng thu xếp thời gian, cân đối giữa việc học và chơi, tìm hiểu văn hóa, hòa mình vào cuộc sống của họ. Ngoài ra, đối với những bạn chưa cảm thấy tự tin với trình độ tiếng Anh của mình, thì có thể mang theo 1 máy ghi âm đến các lớp học rồi về nghe lại. Chịu khó sử dụng tiếng Anh thật nhiều, vì thực tế trong gần 3 năm trở về Việt Nam, tôi thấy tiếng Anh đã đem lại cho tôi và những người bạn của tôi rất nhiều lợi thế so với những người khác.”

Những người bạn trẻ như Huỳnh Ngọc Linh, Lê Việt Thắng… với nỗ lực tuyệt vời đã trở thành du học sinh ở những trường đại học danh tiếng trên thế giới, vượt biết bao khó khăn trong quá trình sống và học tập nơi xứ người, phấn đấu không ngừng để tiếp thu những kiến thức tiên tiến. Nhiều người trong số họ từng có cơ hội làm việc tốt nếu ở lại nhưng họ đã chọn con đường quay về với mong muốn được trực tiếp đóng góp sức trẻ ngay tại quê hương mình.

Điểm nóng
Những tấm bằng cao học “đáng đồng tiền bát gạo”. 10 trường kinh doanh tư thục Mỹ có chi phí thấp nhất.
Thăm quan các trường Đại học ở nước Đức (P3). Giải mã thành công của các DHS Việt Nam tại Mỹ và Canada
“Ưa mạo hiểm” như sinh viên nước ngoài. Các chuyên ngành học hi hữu trên thế giới


Theo Dantri