Học sinh hư ở Mỹ, kỷ luật rất nặng

03/11/2018 07:12
Đinh Thu Hồng
(GDVN) - Khi những hành vi phạm lỗi của học sinh xảy ra, thày cô cần có nhận định đúng về hành vi để tìm ra biện pháp xử lý phù hợp.

LTS: Tiếp tục chia sẻ về kỷ luật trường học tại Hoa Kỳ, cô giáo Đinh Thu Hồng (hiện đang sinh sống và giảng dạy tại Hoa Kỳ) chia sẻ về hình thức xử lý học sinh hư theo từng cấp độ.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Tiếp theo phần 1 nói về việc trường học, nhất là cấp 1, quản lý hành vi của học sinh thế nào trong phạm vi lớp, trong phần 2 này Thu Hồng sẽ nói về các bước xử lý kỷ luật khi học sinh có hành vi vi phạm luật lệ của trường cũng như phạm những lỗi nặng tạo hậu quả, hệ quả tiêu cực đối với môi trường học tập an toàn, tích cực của lớp.

Khi những hành vi phạm lỗi của học sinh xảy ra, thày cô cần có nhận định đúng về hành vi để tìm ra biện pháp xử lý phù hợp.

Ảnh minh họa: David Turnley/ Getty
Ảnh minh họa: David Turnley/ Getty

Thông thường hành vi của học sinh có 2 loại chính sau: 

* Mang tính đơn lẻ (One-time incident, at-the-moment): những lỗi này nếu không nghiêm trọng, không điển hình cho tính cách của học sinh đó thì hoàn toàn có thể bỏ qua hay tha thứ được.

Nếu muốn xử lý thì cũng nên chọn cách xử lý nhẹ nhàng, tích cực, chứ không mang tính răn đe, nặng nề như những lỗi lặp đi lặp lại.

Ví dụ: học sinh A vốn rất nhút nhát, hiền lành, nghe lời cô, một hôm bỗng nhiên nói nặng lời với bạn hay xô ngã bạn lúc giờ ra chơi, thày cô hoàn toàn chỉ cần nhắc nhở, hay cùng lắm là cho đổi từ màu xanh sang vàng trong bảng xếp hạng hành vi của ngày hôm đó.

Thưởng và phạt trong trường học ở Mỹ

Cuối ngày nếu vẫn ngoan, chú ý nghe giảng bài, làm bài đầy đủ trong lớp thì sẽ quay lại màu xanh và lỗi được bỏ qua.

* Mang tính lặp lại, thành một chuỗi, mang tính hệ thống và có xu thế thành khuôn, dạng nhất định (repeated behavior, pattern): những lỗi này thường nặng hơn lỗi kể trên, và học sinh hay tái phạm.

Ví dụ: nói hỗn với cô, cãi lại thày cô, lấy đồ của bạn khác nhiều lần, tự do đi lại, nói chuyện liên tục, không theo nội quy. Và học sinh đó ngày nào cũng mắc lỗi tương tự của ngày hôm trước.

Khi học sinh phạm lỗi theo kiểu số 2 này, sẽ có 3 cách xử lý sau:

1. Behavior contract: học sinh sẽ phải ký hợp đồng hành vi với thày cô, trong đó nêu rõ hành vi muốn hướng tới. Ví dụ: "Hôm nay em sẽ nghe lời"; hay “Hôm nay em sẽ giơ tay trước khi phát biểu”...

Hợp đồng là giữa thày cô và học sinh, nên trong phạm vi của lớp, chưa cần sự can thiệp của ban giám hiệu. Xem hình minh họa để có cái nhìn cụ thể hơn.

Nếu thực hiện hợp đồng thành công, thày cô sẽ thưởng cho học sinh đó một phần thưởng nho nhỏ nào đó như kẹo hay stickers hay được ngồi chỗ khác trong hay một điều đặc biệt nào đó dựa trên nguyện vọng của bạn nhỏ.

2. Behavior action plan: khi đã thử ký hợp đồng hành vi mà không thấy hiệu quả sau một thời gian thực hiện hay học sinh vẫn chứng nào tật ấy thì thày cô sẽ viết kế hoạch cải thiện hành động.

Kế hoạch này sẽ được nộp cho trường/ban PBIS hoặc giám hiệu/văn phòng trường (school office). Đồng thời thày cô chủ nhiệm giữ một bản, phụ huynh giữ một bản.

Trong tờ kế hoạch này có 3 phần: phần dành cho giáo viên, phần dành cho học sinh, và phần dành cho phụ huynh.

Phần dành cho giáo viên: giải thích, miêu tả rõ sự việc dẫn đến kế hoạch hành động cho học sinh đó.

Đồng thời, điền vào tất cả những biện pháp giáo viên đã thực hiện trước khi tạo kế hoạch cho học sinh đó.

Học sinh hư ở Mỹ, kỷ luật rất nặng ảnh 3Ở Mỹ, học sinh vi phạm kỷ luật sử dụng điện thoại, mạng xã hội bị xử lý thế nào?

Thông thường giáo viên phải thực thi ít nhất 3 phương pháp/chiến thuật/biện pháp trong số những chiến thuật sau: nhắc nhở, hướng dẫn lại (re-direct), đến gần học sinh (teacher proximity), đổi chỗ ngồi (seating change), tảng lờ/chú ý/khen ngợi (ignore/attend/praise), liên lạc bố mẹ (parent contact), nói chuyện riêng với học sinh (student conference), hay cho học sinh sang lớp khác ngồi (time out in different class).

Sau khi đã làm ít nhất 3 biện pháp mà tình hình không cải thiện thì mới viết action plan.

Giáo viên cũng phải nêu rõ mục tiêu cải thiện hành vi, là nghe lời hướng dẫn hay ít nói chuyện đi, là tôn trọng người khác hay thể hiện sự tự làm chủ mình, là chú ý trong lớp hay tôn trọng tài sản...

Năm nay tôi may mắn có lứa học sinh rất ngoan, yêu thương nhau nên trộm vía từ đầu năm chưa hề phải viết kế hoạch hành động cho bất cứ ai, cùng lắm thì mới đến đoạn dọa gửi sang lớp khác ngồi và gọi điện thoại cho bố mẹ.

Năm ngoái thì hay phải viết, vì có mấy cậu bé hay quấy nhiễu trật tự lớp, nói chuyện, đi đi lại lại, hay nói leo không giơ tay (call out), hoặc nói hỗn và cãi lại cô.

Phần dành cho học sinh: học sinh giải thích sự việc và nêu rõ đáng lẽ nên làm khác đi ra sao. Phần giải thích sự việc nếu các bạn bé như mẫu giáo, lớp 1, có thể vẽ thay vì viết.

Phần dành cho phụ huynh: thừa nhận đã đọc kỹ về kế hoạch hành động, đọc lại cuốn sổ tay học sinh (trong đó có nêu rõ các nội quy), và ký tên.

3. Discipline referral: hay còn gọi là write-up, là mức xử lý cao nhất, sẽ dùng để phạt khi: 

* Học sinh đã 3 lần có kế hoạch cải thiện hành vi (after 3 behavior action plans) 

Học sinh hư ở Mỹ, kỷ luật rất nặng ảnh 4Triết lý giáo dục của Mỹ

* Học sinh vi phạm lỗi nặng như: ăn cắp, đánh nhau, chửi bậy, phá hoại tài sản, đe dọa người khác, có hành động hoặc lời nói mang tính bạo lực, liên quan đến vũ khí.

Trong discipline referral có 6 phần: 

- Thông tin chung: họ tên học sinh, ngày tháng

- Nguyên nhân của việc kỷ luật

- Những điều giáo viên đã làm

- Những điều ban giám hiệu đã làm

- Nhận xét của ban giám hiệu/kết luận

- Phần ký xác nhận, ghi ngày tháng

Mức kỷ luật tuỳ từng lỗi có thể từ phạt ở lại trường, nộp phạt, đình chỉ học trong trường (in-school suspension), hay đình chỉ học ngoài trường (out-school suspension).

Nói tóm lại, phạm vi xử lý và cách phân loại các hành vi như sau: 

Thày cô xử lý những lỗi nhẹ: gọi bạn là "thằng lùn", "con dở hơi" (name calling), chơi đánh nhau, nhảy ngựa, xô, đẩy; cãi lại, trợn mắt với cô; không làm bài, bướng bỉnh, không nghe lời; chạy ngoài hành lang, ném đồ ăn;

Làm phiền, ngắt lời người khác; soi xét đồ dùng, bàn học của người khác; lỗi về mặc đồng phục (không đi giày đen, quần hay áo sai màu); ăn trộm đồ không mấy giá trị như cục tẩy, bút chì.

Ban giám hiệu xử lý những lỗi nặng: dối trá (giả chữ ký bố mẹ, nhờ người khác viết hay làm bài hộ); ăn cắp; đánh nhau, cắn, nhổ nước bọt, cố ý làm đau và xúc phạm; chửi bậy;

Phá hoại tài sản, đe dọa người khác; có hành động hoặc lời nói mang tính bạo lực, liên quan đến vũ khí (trả vờ chĩa súng; gần đây các trường học ở Mỹ hết sức nhạy cảm với vấn đề bạo lực, vũ khí và an ninh, do đó, kể cả học sinh mẫu giáo nếu vẽ hình súng hay làm động tác bắn bạn cũng sẽ bị phạt rất nặng như nghỉ học - OSS từ 2-10 ngày).

Đinh Thu Hồng