Lễ ký biên bản ghi nhớ giữa Tổng Cục Dạy nghề và Công ty ISEP Hàn Quốc

19/09/2013 15:47
PV
(GDVN) -Ngày 10/9, tại Hà Nội đã diễn ra Lễ ký biên bản ghi nhớ (MOU) giữa Tổng cục Dạy nghề, Bộ Lao động Thương binh & Xã hội và Công ty ISEP Hàn Quốc về hợp tác đào tạo giáo viên Việt Nam tại Hàn Quốc ở 5 lĩnh vực ngành nghề có thế mạnh của Hàn Quốc.
Tham dự buổi lễ có: 

- Về phía Tổng cục Dạy nghề: Ông Dương Đức Lân, Tổng Cục trưởng; ông Lê Vinh, Vụ trưởng Vụ Giáo viên và Cán bộ Quản lý dạy nghề; ông Nguyễn Chiến Thắng, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính; Ông Phạm Đức Thắng, Phó Vụ trưởng Vụ Dạy nghề Chính quy; Đại diện các cơ sở dạy nghề. - Về phía Công ty ISEP và Công ty Quốc Anh có: Ông Jung Keun Kim, Chủ tịch Công ty ISEP Hàn Quốc.

- Về phía Công ty IEC Quốc Anh (đơn vị tư vấn):  Bà Đào Thị Liên Hương, Giám đốc Công ty.
Phát biểu tại buổi lễ, Tổng cục trưởng TCDN Dương Đức Lân nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của việc ký Biên bản ghi nhớ giữa Tổng cục Dạy nghề và Công ty ISEP Hàn Quốc về hợp tác đào tạo giáo viên dạy nghề Việt Nam tại Hàn Quốc ngày hôm nay. 

Lễ ký biên bản ghi nhớ (MOU) giữa Tổng cục Dạy nghề, Bộ Lao động Thương binh & Xã hội và Công ty ISEP Hàn Quốc về hợp tác đào tạo giáo viên Việt Nam tại Hàn Quốc
Lễ ký biên bản ghi nhớ (MOU) giữa Tổng cục Dạy nghề, Bộ Lao động Thương binh & Xã hội và Công ty ISEP Hàn Quốc về hợp tác đào tạo giáo viên Việt Nam tại Hàn Quốc

Đây là một hoạt động nhằm từng bước cụ thể hóa Chiến lược Phát triển dạy nghề 2011 – 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, là một chiến lược mà trong đó đặt vấn đề đột phá về chất lượng dạy nghề ở Việt Nam và giải pháp đột phá của chiến lược này đó chính là Đào tạo giáo viên và Cán bộ Quản lý dạy nghề  đạt trình độ của các nước ASEAN và trên thế giới.

Hàn Quốc là quốc gia về dạy nghề đạt đỉnh cao về dạy nghề và ở các Kỳ thi tay nghề thế giới Hàn Quốc luôn đứng đầu cho nên  hợp tác với Hàn Quốc trong lĩnh vực dạy nghề là một cơ hội lớn cho ngành dạy nghề Việt Nam. Vì trong bối cạnh cạnh tranh khốc liệt hiện nay thì đòi hỏi về nguồn nhân lực qua đào tạo nghề rất lớn.

Để đạt được đầu ra được quốc tế công nhận thì các yếu tố đầu vào cũng phải đạt tiêu chuẩn quốc tế về: giáo viên, chương trình giáo trình, phương pháp kiểm tra đánh giá và ngân hàng câu hỏi. Tất cả các yếu tố kể trên phải đảm bảo chất lượng tiêu chuẩn quốc  tế.
Mục đích của thỏa thuận này là thiết lập một khuôn khổ chung về hợp tác học tập, nghiên cứu và đào tạo chuyên môn có thể thực hiện giữa các cơ sở đào tạo nghề của Hàn Quốc và Việt Nam. Theo đó, Tổng cục Dạy nghề xác định nhu cầu các ngành nghề của Việt Nam đề nghị được hỗ trợ về đào tạo giáo viên (tối đa là 5 nghề).

 Cụ thể: Phía Việt Nam sẽ chọn 5 lĩnh vực mà phía Hàn Quốc có thế mạnh là: Du lịch, Làm đẹp, Cơ khí, Điện, Điện tử. Công ty ISEP Hàn Quốc sẽ lựa chọn cơ sở đào tạo Hàn Quốc có tiềm năng để cung cấp Hội thảo đào tạo chuyên môn và các khóa đào tạo cho giáo viên dạy nghề của các cơ sở dạy nghề ở Việt Nam tại các cơ sở đào tạo của Hàn Quốc. 
PV