Thắt chặt xin thị thực du học Anh

23/10/2013 14:21
Theo Quốc Dũng - Pháp luật TP.HCM
Đây là quy định mới chính phủ Anh vừa yêu cầu công dân Việt Nam khi nộp hồ sơ xin cấp thị thực nhập cảnh Anh với thời gian lưu trú từ sáu tháng trở lên.
Từ nay, để được cấp visa sang Vương quốc Anh du học, ngoài việc chứng minh được chấp nhận vào một khóa học tại một cơ sở đào tạo đã được cấp phép bởi Cục Biên giới Anh (UKBA), có đủ điều kiện tài chính để du học, lấy dấu vân tay và ảnh chụp thì người học cần phải nộp kèm giấy chứng nhận không bị bệnh lao. Đây là quy định mới chính phủ Anh vừa yêu cầu công dân Việt Nam khi nộp hồ sơ xin cấp thị thực nhập cảnh Anh với thời gian lưu trú từ sáu tháng trở lên. Trước đó hơn một năm (tháng 4-2012), Anh đã từng thắt chặt thị thực đối với visa sinh viên (bậc 4) khi yêu cầu phải tăng chứng minh tài chính, khống chế thời gian học và thắt chặt quy định về thời gian thực tập, đồng thời visa dành cho người đi làm sau khi tốt nghiệp (một phần của visa bậc 1) cũng không được cấp cho các hồ sơ nộp mới. 
Phải có chứng nhận không bệnh lao
Với quy định này, những người trên 11 tuổi sẽ được chụp X-quang phổi để kiểm tra lao phổi. Riêng những người xin nhập cảnh Anh dưới sáu tháng và những người mang hộ chiếu ngoại giao sẽ không phải làm thủ tục này. Người xin thị thực phải liên hệ với hai phòng khám IOM tại Hà Nội và TP.HCM để đăng ký cuộc hẹn. Có khi người xin thị thực phải chờ 10 ngày để có cuộc hẹn, đặc biệt là vào mùa cao điểm của việc xin thị thực sinh viên đi Vương quốc Anh trong khoảng giữa tháng 6 và tháng 9.
Vương quốc Anh cấp cả visa sinh viên nhỏ tuổi dành cho học sinh dưới 16 tuổi (visa Child Student). Vì vậy, tất cả trẻ em dưới 16 tuổi đến phòng khám kiểm tra lao phổi phải có cha mẹ hoặc người giám hộ đi kèm. Riêng trẻ em dưới 11 tuổi, phụ huynh hoặc người giám hộ phải mang trẻ đến một phòng khám được chỉ định và điền bản câu hỏi về sức khỏe. Kỹ thuật viên phòng khám sẽ quyết định liệu trẻ này có cần kiểm tra lao phổi hay không. Nếu kỹ thuật viên quyết định không kiểm tra trẻ thì họ sẽ cấp một giấy chứng nhận trẻ không được kiểm tra, chi phí cho giấy chứng nhận là 30 USD (khoảng 630.000 đồng). Giấy chứng nhận này cần được gửi kèm với đơn xin thị thực Vương quốc Anh của trẻ. Đại sứ quán Anh tại Việt Nam cho biết việc yêu cầu công dân Việt Nam xét nghiệm bệnh lao phổi trước khi nộp hồ sơ xin thị thực trên sáu tháng phù hợp với chính sách chung của Cục Biên giới Anh (UKBA) và đã được áp dụng tại một số nước trong khu vực. Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) được ủy quyền hướng dẫn công dân thực hiện việc xét nghiệm và xin giấy chứng nhận tại cơ sở y tế do IOM chịu trách nhiệm chỉ định trên địa bàn Hà Nội (IOM Hà Nội, tòa nhà CMC, tầng 12A, Duy Tân, quận Cầu Giấy) và TP.HCM (IOM TP.HCM, 1B Phạm Ngọc Thạch, quận 1). Giấy cấp sẽ có giá trị trong sáu tháng kể từ ngày cấp. Chi phí xét nghiệm, cấp giấy chứng nhận là 90 USD/người nhưng phí này phải được trả bằng tiền đồng Việt Nam trực tiếp cho phòng khám IOM (khoảng 1,89 triệu đồng). Dịch vụ thị thực khẩn Từ ngày 1/10 năm nay, khi nộp hồ sơ xin thị thực Anh, nếu muốn hồ sơ của mình được xét duyệt nhanh và trước những hồ sơ khác không sử dụng dịch vụ này, người nộp có thể trả thêm phí. Tuy nhiên, sử dụng dịch vụ thị thực khẩn không đồng nghĩa hồ sơ xin thị thực sẽ thành công. Dịch vụ này áp dụng cho người nộp đơn thuộc một trong các diện sau: Người xin thị thực công tác, đã từng đến Anh, Mỹ, Canada, Úc, New Zealand hay các nước châu Âu trong vòng năm năm gần đây và vợ chồng hay con cái đi cùng (dưới 18 tuổi); người xin thị thực thuộc diện bậc 1 (người di trú) và bậc 2 (lao động có trình độ) của hệ thống thang điểm và vợ chồng hay con cái đi cùng (dưới 18 tuổi). Với dịch vụ này, thời gian xét duyệt thị thực khẩn sẽ từ ba đến năm ngày làm việc. Tuy nhiên, hồ sơ xin thị thực có thể bị kéo dài thời gian xét duyệt nếu: Không nộp kèm hóa đơn xác nhận đã thanh toán dịch vụ thị thực khẩn cho hồ sơ của mình; đã bị từ chối đơn xin thị thực trước đây; đã bị trục xuất, di lý hay bằng cách nào khác được yêu cầu rời khỏi Anh trước đây; đã lưu trú quá hạn tại Anh; đã bị từ chối thị thực Úc, Canada, New Zealand, Mỹ hoặc thị thực các nước châu Âu trước đây; đã bị kết án phạm tội tại bất kỳ nước nào...  
Những thay đổi trong Luật Nhập cư
 
Từ 1/10/2013, Luật Nhập cư của Anh có một số thay đổi. Những thay đổi này sẽ đem lại sự linh hoạt hơn cho các doanh nghiệp và người lao động. Theo đó, xóa bỏ yêu cầu về trình độ tiếng Anh đối với người lao động dịch chuyển giữa các công ty đa quốc gia; đơn giản hóa việc chuyển đổi giữa diện thị thực nhà doanh nghiệp trẻ sau tốt nghiệp và thị thực bậc 2; xóa bỏ những giới hạn về sở hữu cổ phần đối với những nhân viên cấp cao; cho phép một số sinh viên làm công việc thực tập theo diện thị thực bậc 5 chương trình trao đổi giữa các chính phủ.
 
Ngoài ra, cho phép người đi công tác và du lịch được tham gia một số hoạt động học tập nếu đây không phải là mục đích chính của chuyến đi; mở rộng một số hoạt động có thể thực hiện tại Anh của người đi công tác; xóa bỏ loại thị thực sinh viên triển vọng./.
Theo Quốc Dũng - Pháp luật TP.HCM