Tương lai và thách thức đối với sinh viên VN học ngành hàng không

12/05/2012 13:36
Vân Sang,“Người Việt Kharkov”
(GDVN) - Ngành hàng không Việt Nam trong thời kỳ hiện nay đang phát triển như thế nào? Tương lai của nó ra sao? Những thách thức và cơ hội nào mở ra đối với những người đang là sinh viên, hoặc đang có ý định theo học các chuyên ngành hàng không?... Chắc hẳn đây là những câu hỏi của không ít các bạn trẻ, nhất là những bạn được sinh ra lớn lên trên đất nước Ucraina, một trong những quốc gia có vị trí cao trong lĩnh vực đào tạo chuyên gia ngành hàng không và vũ trụ.



Tương lai phát triển của hàng không Việt Nam

Trong thời kỳ mở cửa và với tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam như hiện nay, việc hội nhập quốc tế, giao thương, hợp tác kinh tế với các nước trên thế giới được đặt ra vô cùng cấp thiết. Cùng với sự phát triển đó, giao thông bằng con đường hàng không đang là cánh cửa mở ra một chân trời mới, giúp Việt Nam giữ một vị trí quan trọng trong lòng bạn bè quốc tế.

Mô hình máy bay tại Đại học Hàng không Vũ trụ Quốc gia Kharkov
Mô hình máy bay tại Đại học Hàng không Vũ trụ Quốc gia Kharkov


Ra đời năm 1951, trải qua 61 năm hình thành và phát triển, hàng không Việt Nam đã có những bước chuyển biến không ngừng. Trong những năm qua, hàng không Việt Nam đã đáp ứng nhu cầu vận chuyển, phục vụ công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, góp phần to lớn đưa nước ta hội nhập với thế giới.

Bên cạnh đó, những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội do chính sách đổi mới của Đảng và Nhà nước cũng đã tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển ngành hàng không Việt Nam. Một minh chứng cụ thể là trong tương lai, Việt Nam sẽ có 10 cảng hàng không quốc tế mới, theo quyết định điều chỉnh quy hoạch một số cảng hàng không trên cả nước của Thủ tướng Chính phủ.

Bằng những nỗ lực không ngừng nghỉ, trong những năm gần đây, hàng không nước nhà đã đạt được những thành công đáng khích lệ, khi chính thức trở thành thành viên của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế và gia nhập SkyTeam (liên minh hàng không lớn thứ 2 thế giới). Ngoài ra, Tổng công ty Hàng không Việt Nam “Vietnam Airlines” đã ký thỏa thuận mua 8 chiếc Boeing 787 Dreamliner, đây là một trong những loại máy bay chở khách hiện đại nhất hiện nay, vừa được đưa vào sử dụng năm 2011. Đó là những yếu tố khẳng định về chất lượng dịch vụ tiêu chuẩn quốc tế, giúp hàng không Việt Nam tiến xa hơn trên con đường hội nhập.

Theo đánh giá của Tổng giám đốc Hiệp hội hàng không thế giới (IATA) Giovanni Bisignani, Việt Nam có khả năng trở thành thị trường vận chuyển hành khách, hàng hóa quốc tế phát triển nhanh thứ ba trên thế giới. Tương lai của ngành hàng không Việt Nam rất khả quan.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, ngành hàng không Việt Nam cũng đang phải đối mặt với không ít vấn đề khó khăn. Trước tiên, phải kể đến làn sóng suy thoái kinh tế toàn cầu, giá nhiên liệu tăng vọt, các đại dịch diễn ra trên các châu lục, nhu cầu đi lại sụt giảm, gây ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động của ngành hàng không... Bên cạnh những tác động chung thì hàng không Việt Nam còn chịu những khó khăn khác như nhiều cảng hàng không xuống cấp, chất lượng lịch vụ chưa thực sự tốt... Đặc biệt hơn nữa, gánh nặng thiếu trầm trọng nguồn nhân lực lành nghề chuyên sâu về máy bay đang là bài toán cấp bách cần có lời giải. Hiện nay, “Vietnam Airlines” (VNA) đang phụ thuộc nhiều vào nước ngoài, khi  phải sử dụng đến 30% phi công nước ngoài và vẫn phải thuê máy bay của các nước khác (giá thuê máy bay chiếm 37% - 41% giá thành), hơn 80 dịch vụ bảo dưỡng phải mua của nước ngoài.

Ngành hàng không của chúng ta đang thiếu rất nhiều nhân lực, và lượng tiền chúng ta bỏ ra nước ngoài để chi trả cho những dịch vụ hàng không là rất lớn. Đây là một vấn đề hết sức nhức nhối, mà nhiều chuyên gia, nhà phân tích đã không ít lần đề cập tới, tuy nhiên trong nhiều năm nay thực tế này vẫn chưa thể khắc phục được.

Các trường Đại học đào tạo ngành hàng không tại Ucraina

Để giảm sức ép thiếu nhân lực, trong những năm gần đây, nhà nước ta đã cử nhiều sinh viên ra nước ngoài đào tạo chuyên ngành hàng không và Ucraina là một trong số những địa chỉ đáng tin cậy. Bởi lẽ, Ucraina không chỉ được được biết đến bởi xứ xở của lúa mì và những cô gái đẹp nhất châu Âu, mà ở đây còn gắn liền với lịch sử hàng không lâu đời, với những tên tuổi nổi tiếng như Antonov, Zhukovsky  cùng chiếc máy bay vận tải lớn nhất thế giới AN-225 (Mriya - “Ước mơ”, theo tiếng Ucraina). Là một trong số ít quốc gia trên thế giới có kinh nghiệm trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành hàng không và vũ trụ.

Hiện nay, trên đất nuớc Ucraina có hai trường Đại học có uy tín về lĩnh vực hàng không và vũ trụ - đó là: Đại học Hàng không Quốc gia Ucraina (NАU) và trường Đại học Hàng không Vũ trụ Quốc gia Kharkov (KHAI). Ngoài ra, tại một số trường kỹ thuật khác cũng có đào tạo chuyên ngành về hàng không, chẳng hạn như ĐH Bách khoa Quốc gia Kiev...

1. Đại học Hàng không Quốc gia Ucraina


Trường Đại học Hàng không Quốc gia Ucraina (NAU - Kiev) là một trong những cơ sở hàng đầu trên thế giới trong lĩnh vực hàng không công nghệ cao, là nơi học tập của hơn 35 ngàn sinh viên đến từ 50 quốc gia. Tại đây, sinh viên được học trong môi trường quốc tế với những trang thiết bị hiện đại. Tiềm năng to lớn trong công tác đào tạo và hoạt động khoa học của nhà trường tạo ra khả năng đào tạo không chỉ những chuyên ngành kĩ thuật hàng không, mà cả trong lĩnh vực kinh tế, pháp luật, môi trường, dịch thuật, tâm lý và xã hội học...

Hiện nay, Đại học Hàng không Quốc gia Ucraina đào tạo các chuyên ngành: Hàng không và Tên lửa, Định vị hàng không, Bảo dưỡng máy bay, Kĩ thuật điện máy, Điện và Công nghệ điện tử, Tự động hóa và tích hợp công nghệ máy tính. Ngoài ra, trường còn đào tạo phi công hàng không dân dụng theo tiêu chuẩn của Hiệp hội Hàng không Thế giới (ICAO).

Sinh viên Việt Nam học tại trường khá đông. Thời kỳ cao điểm nhất có tới gần hai trăm sinh viên theo học. Tại Việt Nam, rất nhiều những chuyên gia và cán bộ đang giữ những chức vụ quan trọng trong ngành hàng không và Tổng công ty Hàng không Quốc gia Việt nam đã từng tu nghiệp tại trường này. Ngoài ra, hàng năm, “Vietnam Airlines” vẫn gửi các cán bộ của mình sang học tập và nâng cao nghiệp vụ tại trường.

Đặng Văn Thơ - cựu sinh viên Đại học Hàng không Quốc gia Ucraina - cho biết: tại trường NAU có chương trình dạy bằng tiếng Anh, các thầy cô giảng khá tốt. Mình học tiếng Nga nhưng nhà trường vẫn cho phép làm đồ án bằng tiếng Anh, điều đó đã giúp mình rất nhiều trong công việc sau này. Mình nghĩ đây là một lợi thế nền tảng cho những ai học tại trường NAU.

2. Đại học Hàng không Vũ trụ Quốc gia Kharkov

Đại học Hàng không Vũ trụ Quốc gia Kharkov (KHAI) được thành lập năm 1930. Lịch sử của KHAI gắn với lịch sử hình thành và phát triển của hàng không nội địa, công nghiệp không gian và khoa học. Trường được biết đến với công trình sáng chế máy bay tốc độ cao đầu tiên của châu Âu và dự án động cơ phản lực đầu tiên của đất nước…

KHAI là cơ sở đào tạo hệ đại học duy nhất tại Ucraina được cấp chứng chỉ trên 4, là diện đào tạo toàn diện cho việc thiết kế và sản xuất tất cả các loại máy bay, động cơ máy bay, tên lửa, thiết bị điện và máy móc. Phần lớn đội ngũ kỹ thuật tại các doanh nghiệp nổi tiếng thế giới như “Antonov”, “Progress”, “Aviant”… là sinh viên tốt nghiệp của KHAI.

Hiện nay, trường có hơn  40 sinh viên Việt Nam đang theo học, trong số đó hầu hết là sinh viên nhà nước cử sang, một phần nhỏ học theo diện tự túc. Tính cho tới thời điểm cuối năm 2011, đã có 10 sinh viên tốt nghiệp, hiện đang làm việc tại các công ty dịch vụ hàng không ở Việt Nam, một số người trở thành giảng viên Học viện Phòng không Không quân.

Nói về việc học tập tại Đại học Hàng không Vũ trụ Quốc gia Kharkov, Nguyễn Văn Thinh - một nghiên cứu sinh Việt Nam - cho biết: “Qua quá trình học  tại trường, mình thấy chương trình  nghiên cứu và giảng dạy ở đây khá tốt, chúng mình có nhiều cơ hội được thực hành, nghiên cứu tại các phòng thí nghiệm của trường. Giáo trình được cập nhật thường xuyên, phù hợp với xu thế phát triển ngành hàng không và vũ trụ thế giới”.

Chu Văn Tuấn - sinh viên năm thứ 5 chuyên ngành thiết kế máy bay: “Các thầy trong khoa mình rất nghiêm khắc, đòi hỏi mỗi người phải thực sự nỗ lực trong học tập. Hầu hết sinh viên ở khoa muốn đạt điểm tốt đa đều gặp nhiều áp lực, tuy nhiên các thầy cũng rất tận tình hướng dẫn sinh viên, chính vì thế chúng mình luôn cố gắng để làm tốt những yêu cầu của các thầy”.

Sinh viên hàng không nói gì về công việc tại Việt Nam?


Trường học danh tiếng, ngành nghề hợp với xu thế phát triển của thời đại chưa hẳn đã là tất cả điều kiện cần và đủ cho tương lai của một sinh viên ra trường. Ở mỗi môi trường đào tạo bạn đều có những hạn chế và thuận lợi riêng.

Với câu hỏi: “Liệu bằng cấp tại Ucraina có giá trị khi về Việt Nam làm việc hay không?”, Đặng Khôi Nguyên - cựu sinh viên Đại học Hàng không Quốc gia Ucraina - nhận xét: “Theo mình được biết, tại Việt Nam rất coi trọng bằng cấp, mà bằng cấp ở nước ngoài thường được đánh giá cao hơn, học tại nước ngoài bạn sẽ được đánh giá là có triển vọng trong công việc. Tuy nhiên, bạn phải có kiến thức thật sự, vì chẳng một nhà tuyển dụng nào lại muốn nhân viên của mình chỉ có cái bằng nhưng kiến thức thì trống rỗng”.

Thanh Sơn - cựu sinh viên KHAI: “Các nhà tuyển dụng thường có cái nhìn thiện cảm hơn nếu bạn có tấm bằng tốt nghiệp loại giỏi ở nước ngoài. Khi bạn có khả năng thực sự thì cũng không quá khó tìm cho mình một công việc đúng ngành nghề và ổn định, tuy nhiên không phải ai học ngành hàng không ra cũng kiếm được một công việc tốt với lương tháng chục triệu cho đến vài ngàn đô la đâu”.

Đỗ Quốc Tuấn - cựu sinh viên từng học hệ thạc sĩ tại NAU, hiện là nghiên cứu sinh tại KHAI: “Mình là người trong quân đội, được cử sang đây theo học ngành hàng không nên khi trở về cũng không quá lo lắng về vấn đề tìm việc làm. Tuy nhiên, theo mình, điều quan trọng ở đây không phải là bằng cấp, mà là kiến thức nhận được có đáp ứng được yêu cầu công việc hay không”.

Thanh Sơn - cựu sinh viên KHAI, hiện đang làm việc tại Việt Nam: “Hàng không Việt Nam đang thực sự cần các chuyên gia trình độ cao. Mình và hầu hết các bạn quay trở về Việt Nam làm việc đều cần một thời gian nhất định để thích nghi. Mình đã phải mất 3 tháng để tự mày mò ôn lại những kiến thức cần sử dụng trong công việc. Những gì học tại trường Đại học chỉ là kiến thức nền tảng, khi ra trường đòi hỏi bạn phải cố gắng nỗ lực rất nhiều để đáp ứng được yêu cầu của công việc. Mình đã trải qua một khoảng thời gian khá vất vả, nhưng giờ mọi chuyện đều suôn sẻ rồi (cười)”.

Lợi thế mình thấy rõ nhất là vốn tiếng Nga và tiếng Anh. Ở Việt Nam hiện tại có nhiều máy bay được nhập từ Nga và các nước Đông Âu, mình có thể đọc và dịch tài liệu, chính vì điều đó mà mình được đánh giá khá cao”, - Đặng Văn Thơ, cựu sinh viên trường NAU chia sẻ.

Cuộc sống thật là đa dạng. Và chúng ta không thể lấy một ngành nào đó làm phép quy đổi tương xứng đối với tất cả các ngành nghề khác trong cuộc sống, dù ngành đó có nhiều cơ hội phát triển đến đâu đi nữa so với những ngành khác. Đối với những ai có trí tuệ và khả năng thực sự, ngành hàng không nói riêng hay bất cứ ngành nghề nào khác đều có thể mở ra những cánh cửa rộng lớn cho chúng ta bước vào đời.

Điểm nóng
Những hình ảnh hài hước của các bạn sinh viên trên khắp thế giới (P14)
Điểm mặt những trường Đại học hàng đầu tại Đức
Nỗ lực xây dựng bản sắc Việt nơi xứ người
Khám phá 10 trường Đại học sản sinh ra nhiều tỷ phú nhất thế giới.(P2)
Danh sách 100 trường Đại học xuất sắc nhất thế giới (P6).




Vân Sang,“Người Việt Kharkov”