30 câu hỏi và đáp về Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể

06/08/2015 10:32
Phương Thảo
(GDVN) - Bộ Giáo dục đưa ra hơn 30 câu hỏi liên quan tới Chương trình giáo dục phổ thông tổng (Chương trình tổng thể) thể để phần nào giải đáp thắc mắc của xã hội.

Lần này Bộ GD&ĐT xây dựng Dự thảo Chương trình tổng thể, xin góp ý rộng rãi trước khi hoàn thiện và ban hành chính thức để làm căn cứ xây dựng các Chương trình môn học. 

Bộ tài liệu những câu hỏi liên quan này do Bộ phận thường trực đổi mới chương trình cung cấp nhằm mục đích cung cấp thông tin, tạo thuận lợi để bạn đọc tìm hiểu, góp ý bản Dự thảo Chương trình tổng thể. Sau này các Chương trình môn học cũng sẽ được gửi xin góp ý trước khi hoàn thiện. 

Độc giả có thể đặt câu hỏi trực tiếp thông qua Báo điện tử Giáo dục Việt Nam (Email: toasoan@giaoduc.net.vn, hoặc trực tiếp về Bộ phận thường trực đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông (Bộ GD&ĐT – Email: dvninh@moet.edu.vn).

Một số giải đáp trước những thắc mắc căn bản như tại sao phải đổi mới Chương trình giáo dục phổ thông? Cơ sở pháp lý và cơ sở khoa học của việc đổi mới Chương trình giáo dục phổ thông? 

Trả lời: Phải đổi mới Chương trình giáo dục phổ thông vì một số lí do sau đây:

Thứ nhất: Chương trình  và sách giáo khoa (CT và SGK) hiện hành theo Nghị quyết số 40/2000/QH10 đã được triển khai trong toàn quốc từ 2002 đến nay. Mặc dù CT và SGK hiện hành có nhiều ưu điểm so với trước đó, nhưng trước yêu cầu phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; nhưng trước sự phát triển nhanh chóng của khoa học - công nghệ và khoa học giáo dục; trước những đòi hỏi hội nhập quốc tế, CT và SGK hiện hành khó đáp ứng yêu cầu của đất nước trong giai đoạn mới.

Ảnh minh họa. Xuân Trung
Ảnh minh họa. Xuân Trung

Thứ hai: Xu thế phát triển CT và SGK của thế giới thay đổi rất nhanh; có nhiều thành tựu mới của khoa học giáo dục cần được bổ sung kịp thời vào Chương trình giáo dục. Đầu thế kỉ XXI nhiều nước có nền giáo dục phát triển đã chuyển hướng từ CT coi trọng nội dung giáo dục sang CT coi trọng phát triển năng lực người học. Chương trình giáo dục Việt Nam cần đổi mới để đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

Cơ sở pháp lý của việc đổi mới Chương trình giáo dục phổ thông lần này là dựa vào các Văn kiện chính trị của Đảng, Quốc hội và Chính phủ; cụ thể là:

Nghị quyết số 29-NQ/TW, Nghị quyết số 88/2014/QH13, Nghị quyết số 44/NQ-CP ngày 09 tháng 6 năm 2014 của Chính phủ ban hành CT hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW (sau đây viết tắt là Nghị quyết số 44/NQ-CP) và Quyết định số 404/QĐ-TTg ngày 27 tháng 3 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án đổi mới CT, SGK GDPT (sau đây viết tắt là Quyết định số 404/QĐ-TTg). 

Có 2 cơ sở khoa học chính của việc đổi mới CT và SGK:

Kết quả tổng kết đánh giá CT, SGK hiện hành so với yêu cầu của Nghị quyết số 40/2000/QH10 và yêu cầu mới của Nghị quyết số 29-NQ/TW nhằm rút được những ưu điểm và hạn chế, bất cập của CT, SGK hiện hành; từ đó xác định những gì cần kế thừa, những gì cần phát triển, bổ sung, đổi mới.

Kinh nghiệm quốc tế về xây dựng và quản lý phát triển CT; biên soạn và sử dụng SGK, tài liệu giáo dục… nhằm tiếp thu, học tập một cách sáng tạo kinh nghiệm của nước ngoài đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

Những hạn chế, bất cập của Chương trình giáo dục phổ thông hiện hành? 

Trả lời: Đối chiếu với yêu cầu của Nghị quyết số 40/2000/QH10 ngày 19 tháng 12 năm 2000 của Quốc hội về đổi mới CT GDPT (sau đây viết tắt là Nghị quyết số 40/2000/QH10) và các Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04 tháng 11 năm 2013 Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương khoá XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế và Nghị quyết số 88/2014/QH13 thì chương trình giáo dục phổ thông hiện hành có những hạn chế, bất cập chính sau đây: 

Mới chú trọng việc truyền đạt kiến thức, chưa đáp ứng tốt yêu cầu về hình thành và phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh; nặng về dạy chữ, nhẹ về dạy người, chưa coi trọng hướng nghiệp. 

Quan điểm tích hợp và phân hoá chưa được quán triệt đầy đủ; các môn học được thiết kế chủ yếu theo kiến thức các lĩnh vực khoa học, chưa thật sự coi trọng yêu cầu về sư phạm; một số nội dung của một số môn học chưa đảm bảo tính hiện đại, cơ bản, còn nhiều kiến thức hàn lâm, nặng với học sinh.

Nhìn chung, CT còn nghiêng về trang bị kiến thức lý thuyết, chưa thật sự thiết thực, chưa coi trọng kỹ năng thực hành, kỹ năng vận dụng kiến thức; chưa đáp ứng các yêu cầu về mục tiêu giáo dục đạo đức, lối sống.

Hình thức tổ chức giáo dục chủ yếu là dạy học trên lớp, chưa coi trọng việc tổ chức các hoạt động xã hội, hoạt động trải nghiệm. Phương pháp giáo dục và đánh giá chất lượng giáo dục nhìn chung còn lạc hậu, chưa chú trọng dạy cách học và phát huy tính chủ động, khả năng sáng tạo của học sinh.

Trong thiết kế CT, chưa quán triệt rõ mục tiêu, yêu cầu của hai giai đoạn (giai đoạn giáo dục cơ bản và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp); chưa bảo đảm tốt tính liên thông trong từng môn học và giữa các môn học, trong từng lớp, từng cấp và giữa các lớp, các cấp học.

Còn hạn chế trong việc phát huy vai trò tự chủ của nhà trường và tính tích cực, sáng tạo của giáo viên trong quá trình thực hiện nhiệm vụ giáo dục; chưa đáp ứng tốt yêu cầu giáo dục của các vùng khó khăn; việc tổ chức, chỉ đạo xây dựng và hoàn thiện CT còn thiếu tính hệ thống.

Chương trình giáo dục phổ thông mới kế thừa những gì từ Chương trình hiện hành?

Kế thừa là một nguyên tắc và cũng là một trong các cơ sở khoa học quan trọng để thiết kế Chương trình giáo dục phổ thông mới. Vậy sẽ kế thừa những gì? Có thể nêu lên một số điểm của Chương trình giáo dục phổ thông hiện hành được kế thừa trong Chương trình giáo dục phổ thông mới:

Về mục tiêu Giaó dục phổ thông: Chương trình giáo dục mới tiếp tục mục tiêu giáo dục phát triển con người toàn diện “đức, trí, thể, mỹ”; hài hòa về thể chất và tinh thần; chú trọng các yêu cầu học đi đôi với hành, lý thuyết gắn liền với thực tiễn, nhà trường gắn liền với xã hội…

Về nội dung giáo dục: Chương trình giáo dục phổ thông mới tiếp tục tập trung vào những giá trị cơ bản của văn hoá, truyền thống và đạo lý dân tộc, tinh hoa văn hoá nhân loại; bảo đảm yêu cầu cơ bản, hiện đại, phù hợp với đặc điểm tâm - sinh lý lứa tuổi của HS các cấp học.

Nhìn chung hệ thống các lĩnh vực giáo dục và hệ thống các môn học của CT hiện hành được kế thừa từ tên gọi đến nội dung các mạch kiến thức lớn, thời lượng cho các môn học.

Kiến thức cơ bản của tất cả các môn học ở bậc phổ thông, nhất là một số môn học truyền thống của Việt Nam có thế mạnh, có chất lượng và hiệu quả (được chứng tỏ qua các kỳ đánh giá quốc gia và quốc tế) đều được kế thừa trong Chương trình giáo dục mới.

Chỉ bớt đi những kiến thức quá chuyên sâu, chưa hoặc không phù hợp với yêu cầu học vấn phổ thông và tâm –sinh lý lứa tuổi, không phục vụ nhiều cho việc phát triển phẩm chất và năng lực.

Nội dung các hoạt động giáo dục của Chương trình hiện hành cũng được kế thừa trong Hoạt động trải nghiệm sáng tạo của Chương trình giáo dục mới như chào cờ, sinh hoạt lớp, hoạt động đoàn đội, hoạt động ngoài giờ lên lớp v.v…

Về phương pháp dạy học: Phương pháp dạy học của CT mới thể hiện rõ tính kế thừa ở chủ trương: tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy và học theo định hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh… Tất cả các phương pháp dạy học truyền thống và hiện hành đều được kế thừa trong Chương trình giáo dục mới với một tinh thần và định hướng mới.

Đó là vận dụng linh hoạt, kết hợp nhuần nhuyễn các phương pháp giáo dục phù hợp với đối tượng, hoàn cảnh và đều tập trung hình thành, phát triển năng lực người học.

Về thi, kiểm tra - đánh giá: Tính kế thừa thể hiện ở chỗ dù mục tiêu kiểm tra đánh gía hướng tới năng lực và phẩm chất nhưng vẫn phải dựa trên cơ sở hệ thống kiến thức, kĩ năng cơ bản thông qua các môn học và hoạt động giáo dục. 

Các hình thức và công cụ đánh giá như kiểm tra miệng, kiểm tra viết, câu hỏi trắc nghiệm, câu hỏi tự luận, đề theo hướng mở, kiểm tra thường xuyên, kiểm tra định kỳ,… đều được kế thừa trong Chương trình giáo dục mới, kết hợp và bổ sung thêm những hình thức và công cụ mới nhằm đánh giá đúng phẩm chất và năng lực của học sinh.

Về quy trình xây dựng chương trình: Chương trình giáo dục phổ thông mới tiếp thu và kế thừa tất cả các ưu điểm về quy trình phát triển Chương trình giáo dục phổ thông trước đây, từ việc đánh giá và xác định nhu cầu đổi mới; tiến hành các nghiên cứu cơ bản, đề xuất các căn cứ khoa học cho đến đề xuất các định hướng đổi mới… Bảo đảm các bước thiết kế CT phù hợp với yêu cầu hội nhập quốc tế. Quy trình xây dựng từ dự thảo CT, xin ý kiến công luận đến tiếp thu, sửa chữa, thẩm định và phê duyệt … đều kế thừa kinh nghiệm của lần đổi mới CT năm 2000

Phần hỏi -đáp độc giả tham khảo tại đây.

Phương Thảo