7 kiến nghị về kỳ thi quốc gia của giáo dục Đà Nẵng

04/08/2018 08:00
Tấn Tài
(GDVN) - Đà Nẵng kiến nghị Bộ Giáo dục nên quy định phải có cán bộ, giảng viên của trường đại học tham gia chấm thi (thành phần bắt buộc) cả về tự luận và trắc nghiệm.

Liên quan đến việc rà soát, đánh giá công tác tổ chức kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2018 theo yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ngày 31/7, Ban chỉ đạo kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2018 của Đà Nẵng cũng đã có 7 kiến nghị liên quan đến kỳ thi này.

Theo báo cáo của sở Giáo dục và Đào tạo thì kỳ thi đã diễn ra một cách nghiêm túc, chặt chẽ, an toàn, đúng quy chế thi và đảm bảo tính khách quan, công bằng trong việc đánh giá chất lượng giáo dục.

Tuy nhiên, quá trình tổ chức còn một số hạn chế. Cụ thể, vòng 1 và vòng 2 của khu vực in sao đề thi chưa đảm bảo cách ly tuyệt đối (khu giếng trời, cầu thang).

Ban chỉ đạo kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2018 của Đà Nẵng gửi 7 kiến nghị đến Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ảnh: TT
Ban chỉ đạo kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2018 của Đà Nẵng gửi 7 kiến nghị đến Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ảnh: TT

Dấu niêm phong chưa có sự phân biệt tên điểm thi, ban in sao đề thi, ban coi thi và ban chấm thi.

Một số điểm thi có nhiều thí sinh, có ít phòng giữ túi xách cho thí sinh và điểm thi chưa phân khu vực gửi túi xách cho từng phòng thi nên khi gửi và nhận thí sinh gây ồn, mất trật tự.

Trên cơ sở đó, Ban chỉ đạo kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2018 của Đà Nẵng đã có 7 kiến nghị gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Trả lời của Bộ trưởng Bộ Giáo dục về tiêu cực thi cử tại Hà Giang, Sơn La

Cụ thể, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên quy định phải có cán bộ, giảng viên của trường đại học tham gia chấm thi (thành phần bắt buộc) cả về tự luận và trắc nghiệm.

Đối với chấm thi các bài thi trắc nghiệm có thể hình thành các cụm liên tỉnh (do Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì).

Khi chấm bài thi trắc nghiệm, mỗi máy quét bài nên yêu cầu có một công an PA83 giám sát và một thanh tra (bắt buộc).

Thứ hai, cần có quy định cụ thể hơn về dấu niêm phong.

Thứ ba, có phương án giao nhận đề thi giữa Bộ và các Sở sao cho thuận tiện hơn (hiện nay việc giao nhận tổ chức thành 3 đợt), có thể giao một lần có cả đề chính thức và đề dự phòng, các Sở sẽ gửi đề dự phòng (không sử dụng) qua đường bưu điện (như giao đĩa CD1, CD2).

Thứ tư, cần có hình thức ra đề thi, chấm thi riêng, công tác hỗ trợ đối với thí sinh khuyết tật.

Cụ thể đối với các thí sinh khiếm thị, vì thực tế trong quá trình tổ chức coi thi, chấm thi cho các đối tượng này gặp rất nhiều khó khăn và đảm bảo quyền lợi cho thí sinh khuyết tật;

Thứ năm: Thay đổi Thông tư liên tịch số 66/2012/TTLT-BTC-BGDĐT  (Hướng dẫn về nội dung, mức chi, công tác quản lý tài chính thực hiện xây dựng ngân hàng câu trắc nghiệm, tổ chức các kỳ thi phổ thông, chuẩn bị tham dự các kỳ thi olympic quốc tế và khu vực).

Yêu cầu 63 tỉnh rà soát, đánh giá lại khâu coi thi, chấm thi

Lý do, vì hiện nay một số chức danh trong Hội đồng thi, các ban của Hội đồng thi không có trong Thông tư 66/2012/ TTLT-BTC-BGDĐT và định mức chi một số chức danh theo Thông tư này thấp (phụ trách trách nhiệm cho công an, bảo vệ, phục vụ…);

Thứ 6: Bộ Giáo dục và Đào tạo nên sửa đổi điều kiện đặc cách tốt nghiệp trung học phổ thông (điểm b, khoản 1, điều 34 của Thông tư 04/2017/TT-BGDĐT).

“Đối với thí sinh đã dự thi một số môn thì điều kiện đặc cách là: (điểm của những bài đã thi + điểm trung bình cả năm lớp): 2 đều  đạt từ 5,00 điểm trở lên hoặc điểm môn đã thi lớn hơn hoặc bằng điểm trung bình các thí sinh dự thi (tính toàn quốc)”.

Cuối cùng là cần có hướng dẫn cụ thể, rõ hơn về thành lập Hội đồng thi, các ban của Hội đồng thi, quy định tại điều 8, Thông tư 04/2017/TT-BGDĐT.

Tấn Tài