8 giải pháp của cô Phan Tuyết để thực hiện Đề án Ngoại ngữ quốc gia

02/01/2018 09:37
Phan Tuyết
(GDVN) -Nâng cao trình độ cho giáo viên là việc phải làm cần thiết nhưng căn bản nhất vẫn là giảm sĩ số học sinh trong từng lớp. Đây chính là biện pháp quan trọng nhất.

LTS: Sau những trục trặc và điều chỉnh của Đề án Ngoại ngữ 2020, cô giáo Phan Tuyết đã chỉ ra những bất cập trong việc dạy và học tiếng Anh ở hệ thống giáo dục của nước ta hiện nay.

Qua đó, cô cũng đưa một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh trong nhà trường.

Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Trước thất bại của Đề án Ngoại ngữ 2020 thì mới đây, Thủ tướng vừa ký Quyết định số 2080/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2017 - 2025.

Theo đó, đề án đặt mục tiêu đổi mới việc dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân; tiếp tục triển khai chương trình dạy và học ngoại ngữ mới ở các cấp học, trình độ đào tạo, nâng cao năng lực sử dụng ngoại ngữ đáp ứng nhu cầu học tập và làm việc.

Đến năm 2020, hoàn thành việc ban hành chương trình môn ngoại ngữ tự chọn lớp 1 và lớp 2. Đến năm 2025, phấn đấu 100% học sinh từ lớp 3 đến lớp 6 được học chương trình ngoại ngữ 10 năm (bắt đầu từ lớp 3 đến lớp 12). [1]

Dạy và học tiếng anh (Ảnh minh họa: tuoitre.vn)
Dạy và học tiếng anh (Ảnh minh họa: tuoitre.vn)

Để thực hiện các mục tiêu nêu trên, Đề án đưa ra 8 giải pháp.

Tuy nhiên đọc kĩ 8 giải pháp này, chúng tôi thấy lo ngại cho sự thành công của đề án (sau khi đã được chỉnh sửa).

Bởi nguyên nhân không kém phần quan trọng làm cho đề án dạy và học ngoại ngữ thất bại vẫn chưa được Bộ Giáo dục và Đào tạo đề cập đến.

Thực trạng dạy và học ngoại ngữ ở trường phổ thông và những nguyên nhân chính

Thời gian qua, khá nhiều địa phương triển khai chương trình ngoại ngữ 10 năm (bắt đầu từ lớp 3 đến lớp 12), cùng với việc đội ngũ giáo viên dạy tiếng Anh ở các trường học cũng đã được nâng chuẩn theo khung tham chiếu Châu Âu.

Thế nhưng chất lượng học tiếng Anh của học sinh chúng ta cũng không có nhiều biến chuyển. Học 10 năm không thể nghe-nói. Đây chính là thất bại quá lớn đối với việc dạy và học tiếng Anh ở các trường phổ thông.

Từ đầu năm học 2015-2016, nhiều phụ huynh lớp 1, 2 ngỡ ngàng khi Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đột ngột thay đổi sách giáo khoa tiếng Anh.

Thay vì học bộ sách Family and Friends do Nhà xuất bản Oxford biên soạn được sử dụng từ năm 2011-2012 thì học sinh sẽ học bộ sách mới là Family and Friends Special Edition.

Theo phản ánh, một tháng Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh có đến hai công văn thay sách.

Việc thay sách giáo khoa tiếng Anh xoành xoạch như thế khiến giáo viên mệt mỏi khi phải đi học tập huấn thay sách, đổi mới phương pháp dạy học và học sinh cũng khó tiếp cận với chương trình mới. [2]

8 giải pháp của cô Phan Tuyết để thực hiện Đề án Ngoại ngữ quốc gia ảnh 2Không nên dạy tiếng Anh kiểu hồn nhiên kèm cuồng nhiệt

Chương trình tiếng Anh ở bậc phổ thông hiện nay khá nặng.

Nội dung chương trình lại nặng về ngữ pháp, thời lượng không đủ để giáo viên chuyển tải 4 kỹ năng nghe - nói - đọc - viết đến học sinh trong một tiết học, đặc biệt ở tiểu học chỉ 35 – 40 phút/tiết.

Sĩ số mỗi lớp học quá đông, lớp ít cũng 35 học sinh, lớp nhiều khoảng 60 em. Các em thường phát âm sai nhưng do lớp học quá đông, giáo viên cũng không thể có đủ thời gian để sửa cho từng em.

Học mà không được thực hành nói, giao tiếp với bạn, với giáo viên chỉ biết viết đầy vào vở khiến các em thiếu tự tin, học thụ động và mất dần kĩ năng giao tiếp và kiến thức căn bản.

Việc dạy từ vựng quá nhiều cũng khiến các em khó tiếp thu, mệt mỏi dẫn đến tình trạng mất hứng thú học tập và sợ học ngoại ngữ.

Đã thế, trang thiết bị học tập tiếng Anh lại thiếu thốn. Dạy và học tiếng Anh mà trường sang chỉ có mỗi cái máy cát sét phát âm rè rè. Trường nghèo, giáo viên dạy chay thì sao có thể hiệu quả được?

Có phụ huynh cho biết: “Con tôi nói học tiếng Anh mà không có một tiết nghe máy, không được nói, được giao lưu. Vào giờ học là thầy cô chỉ đọc và trò căng tay ra viết, thi cũng chỉ có viết trên giấy”.

Nếu học ở các trung tâm ngoại ngữ, một lớp học chỉ khoảng 10-15 em nên thầy cô dành nhiều thời gian luyện nói, giao tiếp, hát, đóng kịch… thì học ngoại ngữ trong các trường phổ thông lại mang nặng tình trạng học để đối phó với các kì kiểm tra. 

Ông Tạ Quang Sum - Hiệu Trưởng trường trung học phổ thông Trần Hưng Đạo, Cam Ranh, Khánh Hòa cho biết:

“Do áp lực thi cử nên việc dạy và học ngoại ngữ lại chỉ gói ghém trong hai hoạt động: thầy chỉ dạy đủ cho học sinh đi thi, học sinh chỉ học đủ để đi thi. Việc rèn luyện các kĩ năng khác hầu như bị bỏ qua”.

Những giải pháp nâng chất lượng dạy và học tiếng Anh

Chúng tôi cho rằng, để nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh trong nhà trường phổ thông, cần phải làm được những điều sau:

Giảm thiểu đơn vị bài học; Giảm việc học ngữ pháp để tăng thời gian luyện tập thêm các kĩ năng nghe, nói cho các em; Học sinh phải được thực hành thường xuyên trong các tiết học.

8 giải pháp của cô Phan Tuyết để thực hiện Đề án Ngoại ngữ quốc gia ảnh 3Bí quyết đổi mới đào tạo ngoại ngữ của người thầy tâm huyết

Nâng cao trình độ cho giáo viên tiếng Anh là việc phải làm cần thiết, nhưng căn bản nhất vẫn là giảm sĩ số học sinh trong từng lớp.

Đây chính là biện pháp quan trọng nhất.

Một tiết học 35-40 phút (cấp tiểu học) với khoảng vài chục học sinh thì giáo viên không thể nào có thể tổ chức cho học sinh tương tác với mình, với bạn được.

Cần bố trí 2 tiết tiếng Anh cùng thời điểm; Lớp có sĩ số đông cần tăng cường 2 giáo viên cùng dạy một tiết học. Đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất như phòng thực hành giúp các em nghe và luyện nói thường xuyên.

Học tiếng Anh mà học chay hay nghe qua một chiếc máy cát sét rè rè, hỏi sao kĩ năng nghe của các em không yếu?

Giáo viên cần vận dụng nhiều phương pháp dạy học tích cực như tổ chức các trò chơi học tập như hát, đóng kịch, giao lưu... để tiết học thêm phần sôi động và lôi cuốn.

Cần thay đổi cách thi, tăng cường thi vấn đáp, trả lời phỏng vấn, giảm việc thi viết. Có như thế giáo viên sẽ thay đổi cách dạy và học sinh cũng sẽ thay đổi ngay cách học của mình.

Bằng những giải pháp như trên, chúng tôi nghĩ rằng đề án dạy và học ngoại ngữ (sau khi được chỉnh sửa bổ sung) sẽ không đi vào vết xe đổ như đề án ngoại ngữ năm 2020 trước đây.

Tài liệu tham khảo:

[1]http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/100-hoc-sinh-lop-3-den-lop-6-duoc-hoc-chuong-trinh-ngoai-ngu-10-nam-tu-nam-2025-post182533.gd

http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Bo-truong-Giao-duc-thua-nhan-De-an-Ngoai-ngu-2020-that-bai-post172498.gd

[2]https://news.zing.vn/thay-sach-tieng-anh-tieu-hoc-xoanh-xoach-post652052.html

Phan Tuyết