Ấn Độ mời Nhật Bản tham gia tranh thầu tàu ngầm đối phó TQ?

01/02/2015 09:07
Đông Bình
(GDVN) - Ấn Độ đấu thầu chương trình 75I trị giá 8,1 tỷ USD, muốn hợp tác chế tạo 6 tàu ngầm, trong đó Nhật Bản được mời là một lợi thế trong cạnh tranh nước lớn.

Ấn Độ mời Nhật Bản tham gia tranh thầu tàu ngầm

Tờ "Tin tức Tham khảo" Trung Quốc ngày 31 tháng 1 đưa tin, Ấn Độ đã mời Nhật Bản tham gia đấu thầu chương trình 75I trị giá 8,1 tỷ USD của Hải quân Ấn Độ.

Chương trình trì hoãn đã lâu này nhằm mua 6 tàu ngầm động cơ diesel-điện có năng lực tấn công đối đất và có thiết bị đẩy không khí độc lập (AIP).

Tàu ngầm thông thường AIP lớp Soryu do Nhật Bản chế tạo
Tàu ngầm thông thường AIP lớp Soryu do Nhật Bản chế tạo

Theo trang mạng "Jane's Defense Weekly" Anh ngày 29 tháng 1, nguồn tin chính thức cho biết, Ấn Độ gần đây đã mời Nhật Bản xem xét dùng tàu ngầm lớp Soryu 4.200 tấn tham gia tranh thầu chương trình 75I của Hải quân Ấn Độ.

Lời mời này cũng đã thể hiện, Thủ tướng Ấn Độ Modi tìm cách tăng cường quan hệ quốc phòng Ấn-Nhật, đồng thời hình thành một “tập đoàn trên biển 4 bên” rộng lớn hơn, trong đó có Australia và Mỹ.

Đồng thời, Ấn Độ còn có kế hoạch sử dụng khoảng 1,65 tỷ USD mua 12 thủy phi cơ ShinMaywa US-2i của Nhật Bản. Hiện nay, đàm phán đã đạt tiến triển, dự tính hai bên sẽ ký kết thỏa thuận vào đầu năm 2016.

Đấu thầu chương trình 75I đã trì hoãn gần 7 năm. Kế hoạch đấu thầu chương trình này được Bộ Quốc phòng Ấn Độ phê chuẩn vào tháng 10 năm 2014, đấu thầu có khả năng tiến hành vào cuối năm 2015. Ấn Độ hy vọng thông qua chương trình này tăng thêm tài sản dưới nước cho Hải quân Ấn Độ. Hiện nay, Ấn Độ sở hữu 11 tàu ngầm, nhưng có kế hoạch sở hữu 24 chiếc trong tương lai.

Kế hoạch của chương trình 75I là để cho người trúng thầu (các bên tranh thầu gồm có Cơ quan đóng tàu Hải quân Pháp, nhà máy đóng tàu Howaldtswerke-Deutsche Werft Đức, nhà máy đóng tàu Navantia Tây Ban Nha và công ty Rosoboronexport Nga) cùng với một nhà máy đóng tàu Ấn Độ hợp tác chế tạo tàu ngầm trúng thầu.

Tàu ngầm thông thường AIP lớp Soryu do Nhật Bản chế tạo
Tàu ngầm thông thường AIP lớp Soryu do Nhật Bản chế tạo

Một ủy ban do trung tướng Hải quân Ấn Độ Subedar lãnh đạo gần đây đã hoàn thành xét duyệt đối với 7 nhà máy đóng tàu trong nước (trong đó có 5 nhà máy đóng tàu nhà nước, 2 nhà máy đóng tàu tư nhân) để đánh giá năng lực chế tạo tàu ngầm của họ.

Quan chức Hải quân Ấn Độ dự tính, chiếc tàu ngầm đầu tiên của chương trình 75I sẽ đi vào hoạt động trong các năm 2025 - 2027.

Ấn Độ rất hy vọng Nhật Bản tham gia chương trình chế tạo công nghiệp quân sự của họ, bởi vì Ấn Độ hy vọng có được công nghệ để củng cố nền tảng công nghiệp quốc phòng của họ.

Ấn Độ còn tìm cách thúc đẩy quan hệ chiến lược song phương với Nhật Bản, để chống lại các hành động quân sự ngày càng cứng rắn (hung hăng, hăm dọa) của Trung Quốc ở khu vực Biển Đông và Ấn Độ Dương.

Theo bài báo, hai nước Ấn-Nhật và Trung Quốc đều có "tranh chấp lãnh thổ" chưa giải quyết. Mỹ cũng chủ trương tăng cường hợp tác quốc phòng với Ấn Độ, Nhật Bản, Australia.

Trong thời gian thăm Ấn Độ vừa qua của Tổng thống Mỹ Barack Obama, hai nước đã cùng công bố "Triển vọng chiến lược hợp tác khu vực châu Á-Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương giữa Mỹ-Ấn", đã tiếp tục thúc đẩy quan hệ 4 bên này. Quan hệ hợp tác công nghiệp quốc phòng do Ấn Độ đề nghị xây dựng sẽ ngày càng củng cố loại quan hệ chiến lược này.

Nhật Bản muốn xuất khẩu 6 tàu ngầm lớp Soryu cho Ấn Độ

Trang mạng "Lợi ích quốc gia" Mỹ ngày 29 tháng 1 cũng có bài viết cho rằng, nhiều năm qua, giữa Trung-Nhật luôn nằm trong trạng thái đối đầu và Nhật Bản thường ở thế yếu. Nhật Bản đã bắt đầu tiếp xúc với Ấn Độ, muốn bán 6 tàu ngầm cho Ấn Độ, điều này sẽ trợ giúp Nhật Bản giành chiến thắng trong cuộc cạnh tranh nước lớn.

Phía Nhật Bản có lẽ mượn cơ hội này để tiến hành "báo thù" đối với Trung Quốc.

Ngày 31 tháng 10 năm 2013, Nhật Bản hạ thủy tàu ngầm Kokuryu số hiệu SS-506 lớp Soryu.
Ngày 31 tháng 10 năm 2013, Nhật Bản hạ thủy tàu ngầm Kokuryu số hiệu SS-506 lớp Soryu.

Theo bài báo, thông tin trên truyền thông Ấn Độ cho rằng, chính quyền Narendra Modi đã tiếp xúc với phía Nhật Bản về vấn đề có liên quan đến Ấn Độ chế tạo 6 tàu ngầm mới.

Tờ "The Times of India" ngày 29 tháng 1 dẫn một nguồn tin giấu tên cho biết: "New Delhi đã chuyển 'một đề nghị' với Tokyo, mong muốn Nhật Bản có thể cân nhắc khả năng chế tạo tàu ngầm diesel-điện lớp Soryu mới nhất ở Ấn Độ". New Delhi đã đưa ra "chương trình 75", chương trình này có kế hoạch chi hơn 500 tỷ rupee (khoảng 8 tỷ USD).

Hiện nay, Cơ quan đóng tàu Pháp (DCNS), nhà máy đóng tàu HDW Đức, Công ty Rosoboronexport Nga và Công ty Navantia Tây Ban Nha đều sẽ tham gia tranh thầu hợp đồng của chương trình này. Trong khi đó, Ấn Độ kỳ vọng công ty nước ngoài tranh thầu có thể hợp tác với nhà máy đóng tàu Ấn Độ xây dựng một công ty liên doanh.

Bài viết cho hay, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đều là nhà lãnh đạo theo chủ nghĩa dân tộc, vì vậy rất nhiều người cho rằng quan hệ hai người thân mật.

Sau khi ông Narendra Modi và Shinzo Abe lên cầm quyền, hai bên càng không ngừng tăng cường quan hệ hai nước, trong bối cảnh này, Ấn Độ đưa ra đề nghị này với Nhật Bản. Điều này sẽ có lợi cho Nhật Bản đạt được ưu thế trong cạnh tranh nước lớn.

Bài viết cho rằng, Nhật Bản đặc biệt quan tâm đánh vào thị trường tàu ngầm toàn cầu do các nước Nga, Pháp và Đức làm chủ đạo. Một số nhà phân tích quốc phòng cho rằng, tàu ngầm lớp Soryu Nhật Bản có sức cạnh tranh cao so với sản phẩm của Nga, Pháp và Đức.

Bài viết dẫn quan điểm đưa ra vào tháng 9 năm 2014 của tác giả TNI là Robert Farley: Kích cỡ của tàu ngầm lớp Soryu lượng giãn nước 4.200 tấn vượt xa tàu ngầm Type 214 Đức và tàu ngầm lớp Scorpene Pháp, càng là phiên bản nâng cấp của tàu ngầm lớp Kilo về tính năng. Tàu ngầm lớp Soryu Nhật Bản có thể mang theo nhiều vũ khí hạng nặng hơn, ưu thế về trọng tải làm cho nó sinh ra ít tiếng ồn hơn khi hoạt động, có hành trình xa hơn so với các tàu ngầm khác trên thị trường.

Tàu ngầm thông thường AIP Tateryu (Thần Long) lớp Soryu Nhật Bản hạ thủy ngày 8 tháng 10 năm 2014
Tàu ngầm thông thường AIP Tateryu (Thần Long) lớp Soryu Nhật Bản hạ thủy ngày 8 tháng 10 năm 2014

Hơn nữa, hiện  nay, định giá thị trường của tàu ngầm lớp Soryu là 500 triệu USD, hoàn toàn không đắt hơn bao nhiêu so với các tàu ngầm khác. 2 doanh nghiệp sản xuất công nghiệp quân sự lớn của Nhật Bản là công nghiệp nặng Mitsubishi và công nghiệp nặng Kawasaki giành được hợp đồng "chương trình 75" của Ấn Độ chắc chắn sẽ đem lại lợi ích lớn hơn cho họ.

Nhưng, bài viết cũng cho rằng, không cần kỳ vọng quá sớm vào việc Hải quân Ấn Độ có thể sử dụng tàu ngầm Nhật Bản. Ấn Độ có lẽ sẽ không bỏ thầu bất cứ chương trình nào của Nhật Bản trong 2 năm, chương trình đấu thầu tiếp theo có thể phải đợi 7 - 8 năm sau thì chiếc tàu ngầm đầu tiên của Ấn Độ đi vào dây chuyền lắp ráp. Bài viết cho rằng, xét tới vấn đề tiêu cực trong chi tiêu quốc phòng gai góc của Ấn Độ, thời gian biểu nêu trên tốt nhất có lẽ không nên quá tin là thật.

Đông Bình