An toàn giao thông đường sắt là trách nhiệm của toàn xã hội

27/10/2016 14:00
Mai Anh
(GDVN) - Đảm bảo an toàn giao thông, an toàn giao thông đường sắt nói riêng là trách nhiệm của toàn xã hội nhất là khi số vụ tai nạn đường sắt đang có xu hướng tăng.

Trong ngành giao thông vận tải loại hình vận tải đường sắt đóng vai trò hết sức quan trọng, bởi vận tải đường sắt là cầu nối giữa các quốc gia, các vùng dân cư lãnh thổ.

Đường sắt với lợi thế chuyên chở tốt nhất, lớn nhất nguyên vật liệu cho sản xuất công nghiệp, nông nghiệp phục vụ cho việc phát triển kinh tế, xã hội giữa các địa phương, phục vụ an ninh quốc phòng. 

Tuy nhiên, tình trạng vi phạm trật tự an toàn giao thông đường sắt hiện nay đang ảnh hưởng đến sự phát triển ngành đường sắt đồng thời gây ra vụ tai nạn thương tâm để lại hậu quả nặng nề cho xã hội.

Ngành vận tải đường sắt đóng góp lớn vào sự sự phát triển của đất nước do năng lực vận chuyển lớn, đặc biệt trong vận chuyển nguyên vật liệu sản xuất công nghiệp - ảnh nguồn Hà Nội Mới.
Ngành vận tải đường sắt đóng góp lớn vào sự sự phát triển của đất nước do năng lực vận chuyển lớn, đặc biệt trong vận chuyển nguyên vật liệu sản xuất công nghiệp - ảnh nguồn Hà Nội Mới.

Lợi thế giao thông đường sắt Việt Nam

Hiện cả nước đường sắt có 7 tuyến chính đi qua 34 tỉnh, thành phố với chiều dài 3.143 km (trong đó có 2.632 km đường chính tuyến, 403 km đường ga, 108 km đường nhánh, tuyến thống nhất Hà Nội – Thành phố Hồ Chí Minh dài 1.727 km). 

Trên toàn bộ các tuyến đường sắt quốc gia có tổng số 5.751 điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt, trong đó có 1.483 đường ngang (631 đường ngang có người gác, 320 đường ngang cảnh báo tự động bằng tín hiệu và chuông reo, 532 đường ngang có biển báo); 4.268 đường dân sinh (1.398 đường liên xã, liên thôn, 2.870 đường vào các hộ gia đình); 331 đường ngang là điểm đen tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông (trong đó có 188 đường ngang có nguy cơ cao xảy ra tai nạn giao thông). 

Đến nay trên toàn tuyến đã cắm được 1.357 biển “Chú ý tàu hỏa” tại 700 lối đi dân sinh và tổ chức cảnh giới được 192 đường ngang (trong đó ngành đường sắt cảnh giới được 46 đường ngang, địa phương cảnh giới được 146 đường ngang).

Đường sắt Việt Nam bị hạn chế tốc độ do quá nhiều đường ngang giao cắt - ảnh nguồn VOV Giao thông.
Đường sắt Việt Nam bị hạn chế tốc độ do quá nhiều đường ngang giao cắt - ảnh nguồn VOV Giao thông.

Những con số trên cho thấy Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải rất quan tâm đầu tư, sửa chữa, nâng cấp hệ thống giao thông đường sắt (kết cấu hạ tầng giao thống đường sắt, hệ thống đầu máy toa xe đào tạo cán bộ quản lý kỹ thuật lái tàu…). 

Song do sự tác động của nguyên nhân khách quan và chủ quan (sự tăng trưởng của nền kinh tế, phương tiện giao thông đường sắt tăng nhanh, trong khi kết cấu hạ tầng giao thông đường sắt chậm được duy tu, bảo dưỡng và xây dựng mới), hoạt động đường sắt vẫn còn bộc lộ nhiều yếu kém, thiếu sót đặc biệt là vấn đề tai nạn giao thông đường sắt vẫn còn những diễn biến phức tạp đã có ảnh hưởng không nhỏ tới tình hình trật tự an toàn giao thông đường sắt.
Tai nạn đường sắt gia tăng

Theo thống kê của Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia, tính trong thời gian từ 2010 đến tháng 6 năm 2015, trung bình mỗi năm, số vụ tai nạn giao thông đường sắt xảy ra khoảng 2854 vụ, làm 1095 người chết, 1434 người bị thương, làm chậm 3596 giờ, làm thiệt hại 52 đầu tầu, 55 toa xe, 395 ô tô và xe máy, hơn 3100m đường sắt... 

Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2015, đường sắt xảy ra 112 vụ tai nạn giao thông (tăng hơn 33% so với cùng kỳ năm 2014), làm chết 100 người (tăng hơn 26%) và bị thương 29 người (tăng hơn 61%). 

Riêng trong tháng 6 năm 2015, cả nước đã xảy ra 26 vụ tai nạn giao thông đường sắt (tăng hơn 136% so với cùng kỳ năm 2014), làm 24 người chết (tăng hơn 166%) và 5 người bị thương (tăng 150%). 

Tính chung năm 2015 đường sắt xảy ra 405 vụ tai nạn giao thông, làm chết 218 người, bị thương 239 người. So với năm 2014, tăng 64 vụ (18,77%), tăng 38 người chết (21,11%), tăng 23 người bị thương (10,65%).

Hậu quả là sau mỗi vụ tai nạn giao thông đường sắt thường rất lớn, không những về người mà còn về tài sản, làm ngưng trệ giao thông đường sắt nhiều giờ đồng hồ. 

Hiện trường vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra ngày 24/10/2016, chiếc xe Honda CRV chở theo 7 người trong lúc băng qua đường tàu đã bị tàu hỏa tông trực diện - ảnh nguồn Pháp Luật Việt Nam.
Hiện trường vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra ngày 24/10/2016, chiếc xe Honda CRV chở theo 7 người trong lúc băng qua đường tàu đã bị tàu hỏa tông trực diện - ảnh nguồn Pháp Luật Việt Nam.

Điển hình như vụ tai nạn xảy ngày 2/3/2015, khi tàu hỏa chạy tuyến Bắc - Nam đi qua đoạn đường sắt gần ga Sông Phan (thuộc xã Sông Phan, huyện Hàm Tân, Bình Thuận) đã đâm thẳng vào một chiếc xe máy cày của người dân chở khoai mì (sắn) đang nằm vắt ngang qua đường sắt.

Tai nạn xảy ra khiến chiếc máy cày bị “cắt” làm đôi. Đầu máy xe lửa của tàu này cũng bị hư hỏng nặng. Tài xế của xe máy cày bị thương được đưa đi cấp cứu.  

Trước đó ngày 24/10, xảy ra vụ tai nạn nghiêm trọng khi xe Honda CRV chở theo 7 người trong lúc băng qua đường tàu đã bị tàu hỏa tông trực diện.
Sau cú va chạm, chiếc ô tô bị húc văng ra ngoài. Hậu quả làm 5 người tử vong, 2 người bị thương nặng.

Nói đến nguyên nhân xảy ra các vụ tại nạn giao thông đường sắt theo ông Nguyễn Văn Hiển, Phó Chánh Thanh tra Cục Đường sắt Việt Nam tình trạng có quá nhiều các đường ngang kể cả hợp pháp và không hợp pháp giao cắt đồng mức với đường sắt; tình trạng xây dựng nhà cửa lấn chiếm hành lang…

Trong đó, nguyên nhân nổi cộm do các giao cắt giữa đường sắt và đường bộ chủ yếu là giao cắt đồng mức.

Vấn đề quy hoạch, phát triển kinh tế, xã hội của các địa phương, đặc biệt là việc xác định hành lang bảo vệ an toàn giao thông đường sắt chưa được đặt ra một cách đầy đủ, toàn diện.

Đồng thời do việc buông lỏng quản lý của một số địa phương và chủ đầu tư các dự án giao thông đường bộ trong một thời gian dài đã dẫn đến tình trạng vi phạm, lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường sắt, mở các lối đi trái phép qua đường sắt. 

Cùng với nó là nhiều đường ngang chưa đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật về an toàn như tầm nhìn đường ngang bị hạn chế, độ dốc của đường bộ trên đoạn đường ngang vượt quá quy định, đặc biệt là những đường ngang tại vị trí đường bộ nằm liền kề với đường sắt, đường ngang ra vào các khu dân cư... 

Đặc biệt là ý thức tự giác chấp hành các quy định về bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường sắt của người tham gia giao thông đường bộ còn nhiều hạn chế; công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường sắt chưa được thường xuyên, hiệu quả chưa cao, trong khi đó phương tiện tham gia giao thông đường bộ ngày càng tăng.

Các hành vi vi phạm về trật tự an toàn giao thông đường sắt chưa được phát hiện và xử lý nghiêm minh; sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan đến công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường sắt chưa thường xuyên liên tục.

Giải pháp quan trọng phải từ ý thức người dân

Cũng giống như tai nạn giao thông đường bộ, tai nạn giao thông đường sắt gây ra nhiều tổn thất to lớn về người và tài sản đối với người tham gia giao thông; làm hư hỏng các công trình xã hội. 

Để giảm tình trạng tai nạn giao thông đường sắt cần thực hiện đồng bộ các giải pháp.

Cảnh họp chợ cóc lấn chiếm hành lang đường sắt, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông diễn ra tại khu vực cầu Trắng, giáp ranh giữa hai phường Phương Liệt, Q. Thanh Xuân và Giáp Bát, Q. Hoàng Mai (Hà Nội) - ảnh VietQ
Cảnh họp chợ cóc lấn chiếm hành lang đường sắt, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông diễn ra tại khu vực cầu Trắng, giáp ranh giữa hai phường Phương Liệt, Q. Thanh Xuân và Giáp Bát, Q. Hoàng Mai (Hà Nội) - ảnh VietQ

Cụ thể, thực hiện có hiệu quả chỉ đạo của Đảng, Chính phủ tại Chỉ thị số 18-CT/TW, ngày 4/9/2012 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm TTATGT; Nghị quyết số 88/NQ-CP, ngày 24/8/2011 của Chính phủ về tăng cường thực hiện các giải pháp trọng tâm bảo đảm trật tự an toàn giao thông;

Quyết định số 1856/QĐ-TTg, ngày 27/2/2007 phê duyệt kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt và Quyết định số 994/QĐ-TTg, ngày 19/6/2014 về việc phê duyệt kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt giai đoạn 2014 – 2020, Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 2/6/2015 về việc tăng cường các giải pháp cấp bách nhằm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng ô tô và công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường sắt.

Trước mắt tập trung vào giải quyết vấn đề đường bộ đi ngang ua đường sắt lập hệ thống Bađie và rào chắn hệ thống đèn biển báo từ xa.

Cùng với đó Bộ giao thông vận tải phải chủ trì, phối hợp chặt chẽ với chính quyền, Công an các địa phương các cấp sớm đầu tư  xây dựng hệ thống cầu chui, cầu vượt, đường hầm qua đường sắt thay thế các đường ngang nguy hiểm.

Rà soát lại toàn bộ lại các lối đi dân sinh tự phát, các đường ngang tự mở bất hợp pháp, có kế hoạch để đóng, rào, rỡ bỏ, hạn chế giao thông.

Về lâu dài, phải tổ chức các nút giao cắt khác mức giữa đường sắt và đường bộ, tránh tình trạng luật quy định như vậy nhưng khi phê duyệt triển khai các dự án đầu tư đường bộ chỉ đề cập chung chung.

Ngoài ra, ngành đường sắt cần rà soát, bổ sung, kiện toàn lại toàn bộ lực lượng thanh tra giao thông đường sắt đảm bảo lực lượng này đủ mạnh về lượng và chất để có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đồng thời có đề xuất, kiến nghị với Chính phủ, Bộ tài chính, Bộ Giao thông vận tải, Bộ kế hoạch đầu tư sớm đầu tư kinh phí theo Quyết định số 994/QĐ-TTg ngày 19/6/2014 giai đoạn 2015 – 2020 để Tổng công ty đường sắt Việt Nam triển khai thực hiện ưu tiên xây dựng đường gom, hàng rào cách ly để xóa bỏ dần các lối đi dân sinh bất hợp pháp.

Để giảm tình trạng tai nạn giao thông, điều cần thiết là trong thời gian tới, cơ quan chức năng cần có chế tài xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm luật lệ an toàn giao thông đường sắt như cố tình vượt qua đường sắt khi tín hiệu phòng vệ đã cảnh báo có tàu. 

Tại các cầu chung, đường ngang ở các khu đô thị, khu dân cư có mật độ người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ cao, cần bố trí lực lượng thanh tra giao thông, cảnh sát giao thông thường trực và xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường sắt. 

Song song với nó là các địa phương phải thực hiện nghiêm việc không cấp đất, không cho xây dựng các công trình vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt, không cho mở đường ngang trái phép qua đường sắt.

Ngoài nỗ lực của cơ quan quản lý nhà nước, giao thông đường sắt luôn gắn liền với hoạt động giao thông vận tải con người, có ảnh hưởng không nhỏ từ tập quán, thói quen và ý thức chấp hành luật đường sắt của mỗi cá nhân trong xã hội. 

Vì vậy, muốn đấu tranh ngăn chặn các vụ tai nạn giao thông đường sắt phải nâng cao nhận thức người dân hiểu và thực hiện đúng quy định của luật an toàn giao thông nói chung và Luật Đường sắt nói riêng.

Mai Anh