Bài ca năm tháng tiền trường, mỗi năm lại có thêm nhiều khoản thu mới

24/09/2016 10:31
Khánh Văn
(GDVN) - Phụ huynh này đồng ý thì người khác sẽ làm theo, năm này qua năm khác lại có thêm nhiều khoản thu mới phát sinh nên chuyện tiền trường là “bài ca năm tháng".

LTS: Là một giáo viên đồng thời là một phụ huynh ở An Giang, thầy giáo Khánh Văn đã có bài viết cho rằng tâm lý ngại con bị “đì” và nộp theo đám đông với những khoản chi phí đầu năm học là nguyên nhân thúc đẩy "lạm thu" nở rộ.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả!

Đã nhiều năm nay, việc vận động xã hội hóa giáo dục đã được nhiều địa phương, nhiều trường triển khai và thực hiện.

Và, rõ ràng việc xã hội hóa giáo dục và chi những đồng tiền vận động của xã hội đúng là một việc làm mang tính nhân văn trong xã hội chúng ta, bởi việc xã hội hóa giáo dục là nhằm hướng tới mọi học sinh đều được hưởng thành quả giáo dục như nhau.

Song, đâu đó lại lợi dụng việc xã hội hóa giáo dục để trục lợi cho bản thân một vài cá nhân nên đã dẫn đến những dư luận không tốt cho xã hội khi nghĩ về đội ngũ giáo viên.

Cứ đến đầu năm học, dư luận lại râm ran về chuyện “lạm thu” tiền trường ở khắp mọi nơi trên cả nước và trên các phương tiện thông tin đại chúng đã liệt kê ra tên các trường, các địa phương với hàng loạt loại tiền do “phụ huynh tự nguyện” đóng.

Lạm thu tiền trường (Ảnh: tuoitre.vn).
Lạm thu tiền trường (Ảnh: tuoitre.vn).

Có những trường đưa ra hàng chục loại khoản thu mà bất kì phụ huynh học sinh nào nhìn thấy cũng choáng ngợp, cũng sợ.

Tình hình lạm thu một số nơi đã diễn ra nhiều năm nhưng vẫn chưa khắc phục được dẫn đến việc nhiều phụ huynh không dám đi họp phụ huynh cho con trong những ngày đầu năm học.

Nhiều người khi nhận được thư mời thì thốt lên: “Có gì đâu mà họp, lại chuyện thu tiền chứ gì?”

Bản thân người viết bài này là một giáo viên và cũng là một phụ huynh học sinh nên rất dễ đồng cảm với những băn khoăn, lo lắng của bao nhiêu phụ huynh đang trực tiếp nuôi con ăn học.

Nhất là những phụ huynh có hoàn cảnh khó khăn, những địa phương kinh tế còn nhiều khó khăn mà tiền đóng góp đầu năm cao thì mỗi khoản tiền trường lại oằn thêm bao nỗi lo toan, muộn phiền của các bậc làm cha, làm mẹ.

Bởi, đứng trước sự lựa chọn giữa tương lai con em mình và hiện thực của gia cảnh hiện tại nhiều phụ huynh phải đắn đo.

Biết rằng, đầu tư cho con em học tập là đầu tư cho tương lai, là để con em mình thoát nghèo, nhưng lấy gì để đầu tư cho con đi học cũng là nỗi canh cánh phải trăn trở, nghĩ suy của hàng trăm bậc cha mẹ học sinh.

Vì sao có tình trạng lạm thu tiền trường vẫn là câu hỏi mà nhiều năm chúng ta đi tìm câu trả lời để lí giải cho việc một số Ban Giám hiệu nhà trường đã “dám nghĩ” và đã “sáng kiến” ra những loại tiền mà các bậc phụ huynh không có sự lựa chọn, không dám nói và cứ miễn cưỡng làm theo từ năm này sang năm khác.

Bởi nhiều phụ huynh luôn quan niệm nói chẳng được cái gì bởi tất cả lời kêu gọi đã được hợp thức hóa toàn bộ giấy tờ; sự kêu gọi không phải là nhà trường mà là của Hội cha mẹ học sinh.

Bài ca năm tháng tiền trường, mỗi năm lại có thêm nhiều khoản thu mới ảnh 2

Người thầy 60 năm đứng lớp suy nghĩ về triết lý giáo dục

Bởi các khoản thu đó là do Hội cha mẹ học sinh đã đề nghị với Ban Giám hiệu, và Ban Giám hiệu đã xin ý kiến của lãnh đạo địa phương.

Và, một khi phụ huynh này đồng ý thì người khác sẽ làm theo, khi mọi người làm theo thì năm sau lại có thêm nhiều khoản thu mới phát sinh nên chuyện tiền trường của một số đơn vị sẽ là bài ca năm tháng chưa có hồi dừng.

Một nguyên nhân nữa là ai cũng sợ nói thì thầy cô không quan tâm đến con em mình, “đì” con mình trong học tập nên đành… chấp thuận đồng ý rồi “tự nguyện” đóng góp.

Bản thân người viết không hề muốn so sánh bởi sự so sánh nào cũng sẽ là khập khiễng trong “muôn nẻo tiền trường” mà chúng ta đã từng đọc, từng biết qua các phương tiện thông tin đại chúng nhưng xin kể về hai ví dụ như sau.

Đơn vị nơi tôi đang công tác, ngoài những khoản thu như học phí, bảo hiểm y tế thì không bắt buộc thu các khoản khác.

Đồng phục nhà trường đầu năm vẫn lấy về nhưng em nào có nhu cầu thì mua, quỹ Hội phụ huynh chỉ vài chục nghìn đồng nhưng không bắt buộc, em nào có điều kiện thì đóng và tiền này dùng để hỗ trợ học tập cho các em có hoàn cảnh khó khăn, không bao giờ chi phục vụ cho giáo viên.

Vì nhiều năm nay thực hiện khoản kinh phí cho hoạt động của đơn vị nên mỗi năm nhà trường tiết kiệm trong chi tiêu và cuối năm số tiền còn dư thừa dùng để sắm  sửa cơ sở vật chất.

Bài ca năm tháng tiền trường, mỗi năm lại có thêm nhiều khoản thu mới ảnh 3

Bảo hiểm tự nguyện đang bị “bắt buộc” mua ở nhà trường

Thư viện được đầu tư khang trang với nhiều đầu sách báo, bàn ghế đầy đủ, máy móc phục vụ cho giảng dạy công nghệ thông tin được mua sắm mới, hiện đại đáp ứng đủ nhu cầu của giáo viên trong trường.

Chưa năm nào nhà trường phải vận động tiền của cha mẹ học sinh để sắm sửa cơ sở vật chất.

Không lấy tiền của Hội để phục vụ cho mục đích cá nhân của giáo viên mà nhà trường còn lập quỹ Khuyến học (giáo viên đóng hàng tháng) để chi hỗ trợ cho các em học sinh khó khăn.

Mỗi khi tết nguyên đán đến nhà trường lại vận động quyên góp của giáo viên trong trường để mua những phần quà tặng cho các em  thể hiện sự động viên để các em yên tâm học tập.

Những khoản tiền như điện, nước, vệ sinh môi trường… đều được lấy từ kinh phí của nhà trường để trả. Để làm được những việc trên đã có sự đồng thuận từ Ban Giám hiệu đến toàn thể giáo viên, nhân viên trong nhà trường.

Các ngày lễ tết giáo viên không có quà, không có tiền thưởng của nhà trường, của Hội cha mẹ học sinh nhưng luôn thấy lòng thanh thản, chưa bao giờ cảm thấy áy náy khi lấy tiền của các em phục vụ cho lợi ích cá nhân thầy cô và của nhà trường.

Ví dụ thứ 2 là tôi có một con trai năm nay đang học Tiểu học (thuộc địa bàn trung tâm của thành phố) nhưng đầu năm thấy nhà trường thông báo thu 607.000  đồng, trong đó tiền bảo hiểm y tế và bảo hiểm thân thể đã 500.000 đồng, còn lại là một số lại tiền phục vụ cho học tập.

Với một số tiền như vậy đảm bảo không một phụ huynh nào phải thắc mắc bởi số tiền đã công khai ngay đầu năm học, họp phụ huynh chỉ báo cáo tình hình nhà trường, nội quy của nhà trường và tình hình học tập của các cháu, không một từ nào đề cập đến các loại tiền “tự nguyện” như một số địa phương mà thông tin đại chúng đã đưa tin như thời gian qua.

Các bậc phụ huynh nên biết rằng:

Mặc dù đất nước ta còn nghèo nhưng những năm gần đây ngân sách Nhà nước chi mỗi năm cho giáo dục tới 20% ngân sách, số tiền này dù chưa nhiều so với các nước phát triển nhưng rõ ràng đây đã là sự cố gắng lớn của Chính phủ và chắc chắn số tiền đó dành cho từng trường học không phải là quá thiếu thốn.

Bài ca năm tháng tiền trường, mỗi năm lại có thêm nhiều khoản thu mới ảnh 4

Cay đắng buổi họp "tiền đâu" đầu năm học!

Vì thế, phụ huynh phải biết để chúng ta có thể phản đối những những khoản tiền thu không phù hợp của một số đơn vị.

Bởi các trường đã được cân đối ngân sách từng năm học một cách cụ thể về tất cả các khoản chi nên nếu Ban giám hiệu lấy lí do này, lí do khác để thu tiền của học sinh là một việc làm sai quy định.

Bởi không có văn bản nào cho phép Ban giám hiệu nhà trường vận động cha mẹ học sinh để đầu tư cơ sở vật chất và chi cho giáo viên trong các ngày lễ hay hoạt động chuyên môn của nhà trường.

Khánh Văn