Bán đất công giá bèo, quan chức nào đã bị biến chất?

06/05/2018 06:19
Vũ Phương
(GDVN) - Theo Tiến sĩ Bùi Trinh, việc bán, cho thuê đất công vị trí vàng giá bèo chỉ lợi cho nhóm lợi ích, tiền rơi vào túi một vài cá nhân và quan chức biến chất.

Nhiều tài sản là nhà, đất công nằm ở vị trí vàng tại một số địa phương đã được “phù phép” bán rẻ như cho gây thất thoát hàng ngàn tỷ đồng cho ngân sách Nhà nước. 

Đà Nẵng là một thí dụ điển hình khi hàng chục tài sản nhà đất công ở các vị trí đắc địa, mặt phố lớn “hái ra tiền” đã rơi vào tay Phan Văn Anh Vũ hay còn gọi là Vũ “nhôm”.

Với việc Đà Nẵng bán, chuyển nhượng đất cho Vũ “nhôm” với giá bèo, thấp hơn cả chục lần so với giá thị trường. Kết quả là sau khi đất công vào tay Vũ “nhôm”, có mảnh đất chỉ sang tay đã ăn chênh lệch hàng trăm tỷ đồng.

Bán đất công giá bèo, quan chức nào đã bị biến chất? ảnh 1Đất công bị "phù phép" giá bèo bọt vì có quan chức thoái hóa, biến chất

Câu hỏi đặt ra là các quy định, công cụ pháp luật đã có về việc thanh lý, bán tài sản công, nhưng một số tỉnh vẫn phớt lờ, bỏ qua quy định nhằm mục đích gì.

Câu trả lời được nhiều chuyên gia đưa ra là có sự móc ngoặc, câu kết giữa người có chức có quyền và cá nhân, doanh nghiệp sân sau nhằm trục lợi, chia chác.

Doanh nghiệp không tự nhiên, vô cớ được “ưu ái”mà phải có sự thỏa thuận ngầm ăn chia ở đây, bản thân doanh nghiệp không thể hưởng lợi một mình mà lợi nhuận chia cho nhóm lợi ích.

Trong câu chuyện này, doanh nghiệp, người có chức có quyền tại địa phương được hưởng lợi và chỉ có ngân sách nhà nước và người dân bị thiệt.

Vụ việc mới đây nhất là vụ bán hơn 30 héc-ta đất công khu Phước Kiển (xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, Thành phố Hồ Chí Minh) cũng gây xôn xao dư luận.

Được biết lô đất dự án trên thuộc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Đầu tư và Xây dựng Tân Thuận (100% vốn thuộc Văn phòng Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh).

Công ty thuộc Văn phòng Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đã chuyển quyền chủ sở mảnh đất trên cho Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai với giá bèo 1,2 triệu đồng/m2 thu về cho ngân sách 419 tỷ đồng.

Trong khi đó, theo giá thị trường mảnh đất trên có giá lên đến hơn 2.400 tỷ đồng, như vậy nếu vụ việc diễn ra suôn sẻ ngân sách nhà nước bị thiệt hại khoảng 2.000 tỷ đồng.

Hàng loạt vị trí đất vàng trên đường Lê Duẩn (Đà Nẵng) bán cho Vũ "nhôm". Ảnh: Báo Giao thông.
Hàng loạt vị trí đất vàng trên đường Lê Duẩn (Đà Nẵng) bán cho Vũ "nhôm". Ảnh: Báo Giao thông.

Chỉ cần nêu hai ví dụ trên để thấy rõ ngân sách nhà nước bị thất thu hàng ngàn tỷ đồng thông qua các thương vụ cho thuê dài hạn, bán, chuyển nhượng tài sản công một cách vô tội vạ, bất chấp quy định pháp luật.  

Nhiều chuyên gia bày tỏ quan ngại trước công tác quản lý tài sản công đang còn nhiều kẽ hở, gây thất thoát, lãng phí lớn. Xuất hiện nhóm lợi ích “làm phép” để trục lợi lớn từ tài sản công.

Nhóm lợi ích ở đây không chỉ đơn thuần là câu kết trục lợi rất nhiều tiền mà còn là sự câu kết để tạo lập phe cánh bảo vệ che chắn cho nhau và thao túng kiếm lợi.

Tham nhũng nói chung, tham nhũng trong lĩnh vực đất đai không thể không có sự câu kết, tiếp tay của người có quyền lực trong quản lý tài sản công của nhà nước với các cá nhân được coi là sân sau của các quan chức tham ô, tham nhũng.

Tiến sĩ Bùi Trinh cho rằng, bất động sản là tài sản công đang rơi vào tay một nhóm lợi ích. Ảnh: Thu Phương
Tiến sĩ Bùi Trinh cho rằng, bất động sản là tài sản công đang rơi vào tay một nhóm lợi ích. Ảnh: Thu Phương

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, Chuyên gia kinh tế - Tiến sĩ Bùi Trinh cho rằng: “Không chỉ Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh mà nhiều tỉnh thành trên cả nước cũng đang có những nhóm lợi ích trục lợi từ đất công. Nguyên nhân một phần do không minh bạch được định nghĩa về đất công, tài sản công.

Tài sản công, đất công được hiểu theo đúng như tên gọi của nó, tài sản công nói chung và đất công nói riêng là tài sản của Nhân dân, những người có chức vụ làm nhiệm vụ quản lý những tài sản này cho Nhân dân.

Đất công theo đúng tên gọi phải được sử dụng vào mục đích công cộng, không thể tự ý bán hoặc cho doanh nghiệp thuê dài hạn.

Điều này dẫn đến tài sản công là bất động sản rơi vào tay một số người có quan hệ, sân sau của người có chức có quyền.

Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thì mọi chính sách đầu tiên phải hướng tới người dân.

Lợi dụng việc này, nhiều vị trí đất công ở vị đất vàng, đắc địa lại được bán, chuyển nhượng giá bèo cho tư nhân như Đà Nẵng vừa qua. Số tiền gây thất thoát cho ngân sách nhà nước rất lớn. Số tiền đó rơi vào túi ai, rơi vào túi doanh nghiệp và một số quan chức thoái hóa, biến chất”.

Bán đất công giá bèo, quan chức nào đã bị biến chất? ảnh 4Ông Ngô Văn Sửu: Phải xác minh, chứ tôi chưa tin Đại tá Tam

Tiến sĩ Bùi Trinh cũng cho biết thêm: “Ngoài đất công ở vị trí vàng được bán cho tư nhân với giá bèo thì còn việc doanh nghiệp lấy đất nông nghiệp của bà con đang canh tác làm dự án, nhưng đền bù với giá rất rẻ mạt cũng gây bức xúc dư luận.

Đáng nói, có doanh nghiệp tư nhân lấy đất của dân về nguyên tắc, luật pháp anh phải thoả thuận đền bù với nhân dân, nhưng lại được chính quyền hậu thuẫn, giúp đỡ nên được giao đất với giá rẻ”.

Cũng theo chuyên gia kinh tế Bùi Trinh, ở Việt Nam bất động sản là lĩnh vực mang lại lợi nhuận rất cao, thậm chí siêu lợi nhuận.

Theo số liệu của Tổng cục thống kê, ngành kinh doanh bất động sản có năng suất lao động rất cao, cao hơn bình quân các ngành khác khoảng 20 lần. Điều này cho thấy giá trị gia tăng của nhóm ngành này là rất lớn.

“Doanh nghiệp tư nhân cứ móc ngoặc, câu kết với chính quyền để được mua, thuê đất công ở những vị trí đắc địa giá thấp hơn nhiều so với giá thị trường hoặc lấy đất nông nghiệp của người dân đền bù giá rẻ mạt làm dự án.

Lợi ích từ tài sản công chỉ phục vụ cho một nhóm lợi ích là một vài doanh nghiệp tư nhân và những người đứng đầu địa phương, người có quyền quyết định. Việc thất thoát tài sản công là có phần trách nhiệm từ công tác cán bộ đã đề bạt, bổ nhiệm những cán bộ đục khoét, vơ vét”, ông Trinh nói.

Theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, số người bị xử lý vì sai phạm trong việc bán, chuyển nhượng đất công thành đất tư vừa qua chưa phản ánh đúng thực tế. Ảnh: Quang Huy.
Theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, số người bị xử lý vì sai phạm trong việc bán, chuyển nhượng đất công thành đất tư vừa qua chưa phản ánh đúng thực tế. Ảnh: Quang Huy. 

Đồng quan điểm, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh – nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng: “Việc nhiều tài sản công, đất công, nhà công bị bán, chuyển nhượng với giá thấp gây thất thoát cho ngân sách nhà nước vì vi phạm 2 nguyên tắc.

Thứ nhất, anh bán, chuyển nhượng tài sản công không theo quy luật kinh tế thị trường. Tức anh bán tài sản công không sát với giá thị trường.

Thứ hai là anh bán không công khai minh bạch, không thông qua đấu giá để chọn được đơn vị mua giá cao nhất mang về cho ngân sách nhiều nhất có thể. Tức là anh phải công khai minh bạch bán tài sản công.

Ngoài việc anh phải công bố, tiến hành mời mọi người tham gia đấu giá mà còn phải đấu giá một cách bình đẳng.

Chính vì anh vi phạm hai nguyên tắc trên nên dẫn đến rất nhiều sai phạm, mà sai phạm một cách nghiêm trọng”.

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh nhấn mạnh: “Số người đã bị xử lý vừa qua không thấm gì so với những người đã hưởng lợi, lạm dụng tài sản công, đất công để trục lợi.

Bởi vậy, ngoài việc xử lý hình sự, cũng cần phải xem xét việc bổ sung các văn bản có liên quan.

Nếu không áp dụng các biện pháp mạnh, cũng như sửa đổi các văn bản liên quan thì còn xảy ra nhiều sai phạm về tài sản công nữa. Mức độ, quy mô sẽ ngày càng tinh vi hơn, số tiền ngân sách nhà nước có thể còn thất thoát lớn hơn nữa”.

Vũ Phương