Bao giờ giáo viên chủ nhiệm mới thoát kiếp “đại lý bảo hiểm bất đắc dĩ"?

26/08/2017 07:00
Đỗ Quyên
(GDVN) - Trong tổng số tiền một học sinh tiểu học ở quê tôi phải đóng khoảng gần 900.000 đồng thì tiền hai loại bảo hiểm đã chiếm tới 876.000 đồng.

LTS: Trong các khoản đầu năm học ở bậc tiểu học thì nặng nề nhất là khoản tiền bảo hiểm.

Với nhiều phụ huynh ở nông thôn, khoản tiền đó không phải là nhỏ và chất lượng khám chữa bệnh theo bảo hiểm y tế còn nhiều bất cập.

Cô giáo Đỗ Quyên phản ánh nỗi khổ của giáo viên khi phải trở thành "đại lý bảo hiểm" bất đắc dĩ.

Theo đó, các thầy cô phải làm mọi cách để các học sinh đóng tiền đầy đủ nếu không muốn bị nhà trường hạ thi đua.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!

Tiền trường đầu năm không chỉ là nỗi ám ảnh của nhiều bậc phụ huynh mà còn là gánh nặng của tất cả giáo viên chủ nhiệm.

Nhưng nghịch lý thay, “tiền trường” phần lớn không phải thu tiền cho nhà trường mà lại thu hộ tiền cho cơ quan bảo hiểm.

Bởi trong tổng số tiền một học sinh tiểu học ở quê tôi phải đóng khoảng gần 900.000 đồng thì tiền hai loại bảo hiểm đã chiếm tới 876.000 đồng.

Tiền bảo hiểm mỗi năm một tăng đến chóng mặt. Cách đây dăm năm, bảo hiểm y tế chỉ khoảng 289.000 đồng thì năm học này đã tăng lên 689.000 đồng.

Bảo hiểm tai nạn từ 75.000 đồng cũng tăng lên 187.000 đồng.

Nói là mua bảo hiểm để học sinh có được quyền lợi khám chữa bệnh nhưng phần lớn phụ huynh lại không mặn mà. Vì sao lại thế?

Nhiều phụ huynh không mặn mà với việc đóng bảo hiểm y tế vì nhiêu bất cập trong khám chữa bệnh theo bảo hiểm. (Ảnh minh họa: Báo Nhân Dân)
Nhiều phụ huynh không mặn mà với việc đóng bảo hiểm y tế vì nhiêu bất cập trong khám chữa bệnh theo bảo hiểm. (Ảnh minh họa: Báo Nhân Dân)

Khám bệnh và cấp phát thuốc quá lâu

Một phụ huynh ở phường Long Bình, Đồng Nai cho biết:

Con tôi có bảo hiểm nhưng tôi thường xuyên ra ngoài mua thuốc cho nhanh vì đưa con đi khám ở bệnh viện, mẹ phải xin nghỉ làm, con phải xin nghỉ học, chầu chực cả buổi sáng mới lấy được vài chục ngàn tiền thuốc nên nản quá”.

Có người thì cho rằng: “Thuốc bảo hiểm cho nhẹ đô, uống lâu mới khỏi bệnh nên ra ngoài mua thuốc uống cho mau”.

Có người lại nói mình ở quá xa bệnh viện nên mỗi khi nhức đầu sổ mũi cũng không thể chạy lên bệnh viện để xin vài liều thuốc.

Thôi thì trăm ngàn lý do để phụ huynh không muốn mua bảo hiểm. Nhưng có lẽ một lý do chủ yếu nhưng nhiều người không muốn đề cập là số tiền bảo hiểm hàng năm tăng quá cao.

Số tiền bảo hiểm thường xuyên tăng như thế, nhưng chất lượng khám chữa bệnh vẫn chưa được cải thiện.

Hơn nữa việc bắt học sinh mua bảo hiểm thường xảy ra vào đầu mỗi năm học là thời điểm phụ huynh phải đóng góp rất nhiều khoản tiền khác cho việc học của con.

Bởi thế, nhiều phụ huynh không còn muốn mua bảo hiểm cho con. Chính điều này đã gây khó khăn cho giáo viên, cho nhà trường.

Nhiều trường học chế tài bằng việc đưa vào tiêu chí thi đua

Từ khi bán bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn cho học sinh thì giáo viên giáo viên chủ nhiệm mặc nhiên trở thành “đại lý bất đắc dĩ” cho cơ quan bảo hiểm xã hội.

Khoan hãy nói đến việc bán bảo hiểm được hoa hồng, bởi hoa hồng bảo hiểm trả cho nhà trường bao nhiêu giáo viên không biết.

Bao giờ giáo viên chủ nhiệm mới thoát kiếp “đại lý bảo hiểm bất đắc dĩ"? ảnh 2

Thầy cô giáo đâu phải kẻ... đòi nợ thuê

Chỉ biết rằng, các thầy cô giáo được nhận khoảng 1% số tiền nhỏ nhoi chẳng thấm tháp gì so với công sức thầy cô bỏ ra để vận động, thậm chí có người phải hăm dọa học sinh và năn nỉ ỉ ôi phụ huynh.

Giáo viên may mắn thì gặp phụ huynh dễ dãi “nể tình thầy cô tôi mua ủng hộ”.

Nhưng cũng có không ít người lại sỗ sàng mắng lại, cứ y như là thầy cô đi bán bảo hiểm cho chính mình.

Học sinh trở thành đối tượng bắt buộc phải tham gia bảo hiểm y tế.

Để việc bán bảo hiểm đạt 100% nên nhà trường phải đưa ra những chế tài để giáo viên buộc phải vận động.

Một đồng nghiệp ở Tây Nguyên tâm sự:

Trường em đưa cả việc bán bảo hiểm vào thi đua giáo viên. Năm học vừa qua, lớp em mua bảo hiểm chưa đạt 100% nên em chỉ còn xếp loại khá”.

Một giáo viên ở Tây Ninh cũng nói:

Mình làm tốt mọi chuyện nhưng học sinh không tham gia bảo hiểm 100% cũng bị khống chế nên không được xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ”.

Bởi thế, cô đồng nghiệp nói mình phải ra sức vận động phụ huynh, phải nói khéo để thuyết phục.

Thường thì gọi điện thoại để vận động, nhưng với phụ huynh khó tính phải đến từng nhà năn nỉ.

Có người vì nể nên mua, có người còn đuổi thẳng thừng:

Gia đình tôi không có tiền, nhà trường muốn mua thì bỏ tiền ra mà đóng”.

Không ít giáo viên lại dùng chiêu gây áp lực với học sinh bằng việc nêu tên trước lớp, la mắng, hăm dọa để chính các em về nhà gây áp lực lại cho cha mẹ để họ buộc phải mua bảo hiểm.

Không ít người đặt câu hỏi:

Vì sao Ban giám hiệu các trường lại cứ thúc bách, cứ ép buộc giáo viên phải bán bảo hiểm đạt 100%?”

Bao giờ giáo viên chủ nhiệm mới thoát kiếp “đại lý bảo hiểm bất đắc dĩ"? ảnh 3

Ma trận tiền trường đã hoàn thành, đang chờ phụ huynh nhập cuộc

Họ được lợi gì trong chuyện này?

Chuyện cơ quan bảo hiểm trích bao nhiêu phần trăm về trường hay hiệu trưởng được lợi gì giáo viên cũng chẳng thể biết.

Chỉ biết rằng hàng năm, cơ quan bảo hiểm vẫn dành nhiều ưu ái cho kế toán và hiệu trưởng các trường đi tham quan du lịch mà chi phí bỏ ra cho một người lên đến vài triệu đồng.

Chẳng lẽ vì chuyện này mà nhiều trường học đành biến giáo viên của mình thành những “đại lý bảo hiểm” hay sao?

Chẳng lẽ vì chuyện này mà lớp nào không đạt chỉ tiêu 100% sẽ bị hạ thi đua giáo viên thì liệu có hợp lý?

Cần có cách làm linh hoạt

Giáo viên đều hiểu bảo hiểm y tế nói chung và bảo hiểm y tế học sinh nói riêng là một chính sách an sinh xã hội lớn mang đầy tính nhân văn của Đảng và nhà nước.

Thế nên, thầy cô cũng rất ủng hộ, cũng muốn góp phần xứng đáng để chính sách này được thực hiện và phát huy hiệu quả, nhưng không phải cách làm như hiện nay.

Muốn để người dân tình nguyện tìm bảo hiểm để mua thì các cơ sở y tế, phải đổi mới cách làm, cách phục vụ, phải nâng cao chất lượng y tế để người dân thấy được mua bảo hiểm chính là quyền lợi mà nhà nước dành cho mình. 

Bên cạnh đó, cơ quan bảo hiểm không thể khoán trắng cho nhà trường, nhà trường cũng đừng áp xuống đầu giáo viên bằng những biện pháp khống chế trong xếp loại như một số trường ở các địa phương đang làm hiện nay.

Đừng để giáo viên đơn độc trong khi đây không phải là nhiệm vụ chính của họ.

Đỗ Quyên