Bệnh “chuồn chuồn”

20/07/2015 07:36
Xuân Dương
(GDVN) - Người xưa nói “lưới trời lồng lộng, thưa mà khó lọt”, trốn đi đâu cũng vẫn bị truy nã, sợ nhất là “lưới người” dù ken rất dày nhưng vẫn chừa "cửa thoát hiểm".

Bệnh “chuồn chuồn” là loại bệnh thời hiện đại, bệnh này có những biểu hiện mà ai cũng có thể  nhận thấy như “chuồn” khỏi công sở giờ hành chính, “chuồn” tài sản cho người khác, “chuồn” ra nước ngoài… 

Đối tượng nhiễm căn bệnh này thường là những người “giàu lên rất nhanh” mà không rõ nguồn gốc tài sản, những người “thừa” thời gian ở công sở mà túi thì lại quá rủng rỉnh hay những người tai rất thính, họ không đánh hơi bằng mùi mà bằng tiếng nhạc chuông smartphone. 

Dân gian đôi khi “quá đà” còn gọi là bệnh này là bệnh “công bộc”, sở dĩ nói là “quá đà” vì không phải tất cả “công bộc” đều mắc bệnh mà chỉ là “một bộ phận không nhỏ” mà thôi. 

Phát biểu nhân vụ án Giang Kim Đạt, ông Phạm Anh Tuấn, Phó trưởng Ban Nội chính TƯ cho rằng:  “thủ đoạn chuyển hóa tài sản tham nhũng qua tên bố mẹ như trường hợp Giang Kim Đạt là tương đối phổ biến”. [1] 

“Chuyển hóa” là cách nói với truyền thông, ngôn ngữ quan trường vốn phải như thế, dân gian chỉ dùng một từ mà cũng lột tả hết ý nghĩa, đó là từ “chuồn”, vậy nên nếu thử diễn đạt lại câu nói của ông Tuấn “thủ đoạn “chuồn” tài sản tham nhũng qua tên bố mẹ như trường hợp Giang Kim Đạt là tương đối phổ biến” thì dân quê nghe cũng vẫn hiểu được. 

Vì ý kiến của ông Tuấn liên quan đến vụ Giang Kim Đạt nên ông chỉ nói đến chiều ngược, tức là con cái “chuồn” tài sản cho cha mẹ, cũng vì nó là “ngược” nên nó chỉ “tương đối phổ biến”.  

Theo chiều “thuận”, vận dụng ý kiến của ông Tuấn thì “thủ đoạn chuồn tài sản tham nhũng qua tên con cái, người thân là khá phổ biến”. 

Không biết sử dụng cụm từ “khá phổ biến” đã đủ độ “ngược” với “tương đối phổ biến” hay chưa? Mặt khác nói “khá phổ biến” có phải là nhận định chủ quan, không có cơ sở hay không? 

Để trả lời, xin nêu nhận định của truyền thông, chẳng hạn vtc.vn ngày 13/6/2014 viết “Quan chức mất tiền tỷ: Khai phần nhỏ, phần lớn chuyển con cháu”, Tienphong.vn ngày 25/3/2015 thì viết “Chặn tiền tham nhũng chảy vào túi người thân”, còn Phapluattp.vn ngày 27/11/2014 viết “Tài sản tham nhũng bị tẩu tán tinh vi”…

Chuyện “chuồn” tài sản cho người thân chắc là không cần dẫn chứng thêm nữa, còn “chuồn” đi chơi trong giờ hành chính thì cũng không thiếu dẫn chứng, như lãnh đạo và nhân viên quận Ngô Quyền, Hải Phòng đi chơi ở Singapore đến ngày làm việc vẫn chưa về, hay chuyện một vị cấp phó của EVN trong giờ hành chính “chuồn” đi chơi golf thì nhiều báo đã đăng tải. [2]

Ảnh chụp màn hình Baogiaothong.vn ngày 17/7/2015
Ảnh chụp màn hình Baogiaothong.vn ngày 17/7/2015

Riêng chuyện ra nước ngoài, lúc đầu người dân tưởng chỉ có Dương Chí Dũng mắc phải “bệnh chuồn chuồn”, mấy hôm nay xuất hiện thêm “bệnh nhân” thứ hai là Giang Kim Đạt, dù cũng “chuồn chuồn” như Dương Chí Dũng song kết cục cũng chả khác gì. 

Sự giống nhau của hai “bệnh nhân” này là đều đã “đánh hơi” được vụ việc nên đã nhanh chân “chuồn” sang nước khác. Thậm chí Giang Kim Đạt còn “Trốn truy nã, sang Singapore mua nhà 3,6 triệu đô”. [3]

Bệnh “chuồn chuồn” ảnh 2
Vinashin làm thâm hụt gần 5.000 tỉ đồng vốn của Nhà nước, nguy cơ lỗ thêm khoảng 8.500 tỉ đồng (Ảnh chụp màn hình)

Từ năm 2011, đã có tiếng nói báo động, rằng Vinashinlines lỗ 5.000 tỷ và có thể lỗ thêm 8.500 tỷ. [4] Về vụ Giang Kim Đạt, báo Dantri.com.vn viết:

 “Các trinh sát an ninh mà chủ công Cục An ninh kinh tế tổng hợp luôn trăn trở với câu hỏi về khoản lỗ, nợ lên đến 10.000 tỉ đồng của Công ty Vinashinlines, công ty này rơi vào tình trạng phá sản…”. [5]

Bệnh “chuồn chuồn” ảnh 3
Vinashinlines lỗ, nợ 10.000 tỷ (Ảnh chụp màn hình)

10.000 tỷ là khoảng 450 triệu USD, một khi doanh nghiệp nhà nước “rơi vào tình trạng phá sản” thì ngoài khoản thu hồi ít ỏi, ngân sách phải trả nợ thay. 

Với 18 triệu USD mà phía Mỹ cung cấp đã mua được 6 tàu tuần tra cao tốc ven biển. Vậy thì khoản lỗ cộng với nợ của Vinashinlines tương đương giá tiền mua 150 tàu tuần tra cao tốc hoặc dân gian tự tham khảo mà tự định giá rằng có thể mua được hàng chục chiếc máy bay tiêm kích hiện đại kiểu như Su-30MK2.

Nếu cảnh sát biển có thêm 150 tàu tuần tra, chắc ngư dân sẽ yên tâm làm ăn không sợ bị bọn xấu uy hiếp đâm tàu, cướp ngư cụ,... Nếu có thêm một trung đoàn tiêm kích hiện đại, chắc chắn kẻ thù phải lo sợ nếu chúng có ý đồ xâm phạm vùng trời, vùng biển Tổ quốc.

Với chức vụ quyền Trưởng pḥòng kinh doanh Vinashinlines, một chức vụ có thể coi là loại “thường”, Giang Kim Đạt đã có thể kiếm cho gia đình 40 bất động sản có giá trị lên đến hàng trăm tỷ đồng, nghĩa là bằng khoảng 1% khoản lỗ, nợ của Vinashinlines. 

Vậy nên với khoản lỗ nợ 10.000 tỷ, con số tội phạm chắc chắn không phải chỉ là vài ba người, nếu có những “con chuồn chuồn” to hơn Giang Kim Đạt thì gia sản của nó sẽ bằng chừng nào?

Để bắt được Giang Kim Đạt, Bộ công an phải tiến hành chuyên án trong 5 năm trời, các cán bộ, chiến sĩ công an phải ăn mì tôm ngồi theo dõi ở nước ngoài.

Trí tuệ và công sức ngành Công an bỏ ra không thể đo đếm bằng tiền mà chỉ có thể bằng niềm tin của nhân dân vào những chiến sĩ công an ngày đêm thầm lặng thực hiện nhiệm vụ được giao.

Người xưa nói “lưới trời lồng lộng, thưa mà khó lọt”, trốn đi đâu cũng vẫn bị truy nã đem về trị tội, sợ nhất là “lưới người” dù ken rất dày nhưng lại vẫn chừa “cửa thoát hiểm”. 

Không hề thiếu các văn bản quy phạm pháp luật về phòng chống tham những, thế nhưng gần triệu người kê khai tài sản, thu nhập, chỉ có 4 người phải xem xét, nói như ông Phạm Trọng Đạt, Cục trưởng Cục Chống tham nhũng - Thanh tra Chính phủ: “không có cơ sở để nghi ngờ việc chỉ có 4 cán bộ không trung thực trong tổng số gần 1 triệu người kê khai tài sản, thu nhập” (dantri.com.vn 6/7/2015). 

Không có cơ sở để nghi ngờ, thế là minh bạch, thế là trong sạch, thế thì phải mừng vì đội ngũ toàn là người đã được xác nhận là “không có cơ sở để nghi ngờ”! 

Bệnh “chuồn chuồn” ảnh 4

Có một loại thước đo "đặc biệt" để đánh giá sự trung thực của cán bộ

(GDVN) - Không ai hiểu cán bộ bằng dân. Hãy để người dân tự đánh giá cán bộ tốt hay xấu...

“Bệnh chuồn chuồn” luôn đi kèm một loại vacxin tự chế của bệnh nhân là “dọn ổ”, về điều này vov.vn ngày 24/10/2014 dẫn lời ông Lê Như Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội: 

Tôi đã nhiều lần nói với cơ quan thông tin và cơ quan quản lý là nên có quy định cấm cán bộ lãnh đạo quản lý trước khi nghỉ hưu ký quyết định nhân sự và công trình đầu tư, dự án...

Chuẩn bị nghỉ thì không còn gì để mất và cố làm chuyến tàu vét cuối cùng trước khi hạ cánh. Đó là tâm lý chung
”. 

Khi đã “dọn ổ” xong, khi đã “làm chuyến tàu vét cuối cùng”  thì yên tâm “chuồn chuồn về ổ” mặc cho các loại “chuồn” khác tha hồ “dự báo thời tiết”. Nói thế là dựa vào câu nói dân gian “chuồn chuồn bay thấp thì mưa, bay cao thì nắng, bay vừa thì râm”.

Tuy vậy, dự báo thời tiết dân gian nhiều khi sai bét, bay cao đến 10.000 mét trên máy bay Boeing sang tận Singapore như “chuồn chuồn kim” Kim Đạt, một khi Bộ Công an đã vào cuộc thì cũng chẳng có “trời” nào “nắng” nổi.

Khác với các loại bệnh thông thường, “bệnh chuồn chuồn” hiện nay ngành Y chưa có một bệnh viện nào nhận chữa và cũng chưa có thuốc đặc hiệu, cũng may còn có “bệnh viện” của ngành Công an. 

Ngoài việc cần đội ngũ “bác sĩ” chuyên nghiệp có tay nghề cao, thiết nghĩ Nhà nước nên khuyến khích các ông “lang vườn” mạnh dạn kê đơn, trợ giúp các chiến sĩ công an, phòng bệnh bao giờ chả tốt hơn chữa bệnh. 

Tài liệu tham khảo: 

[1]http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/250936/vu-giang-kim-dat--phat-sung--thu-hoi-tai-san-tham-nhung.html

[2]http://www.baogiaothong.vn/pho-tong-giam-doc-evn-mien-bac-di-choi-golf-trong-gio-hanh-chinh-d112740.html

[3]http://www.thanhnien.com.vn/chinh-tri-xa-hoi/tron-truy-na-sang-singapore-mua-nha-36-trieu-do-585114.html

[4] http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/20110603/vinashin-lo-hang-nghin-ti-dong/440768.html

[5]http://dantri.com.vn/su-kien/vu-an-vinashin-con-ca-lon-giang-kim-dat-so-huu-gan-40-biet-thu-can-ho-1098994.htm

Xuân Dương