Bệnh thành tích phải điều trị cho đội ngũ quản lý từ cấp trường đến Bộ

27/10/2016 06:15
Đỗ Tấn Ngọc
(GDVN) - Phải bắt đầu chữa từ tư tưởng, nhận thức, thái độ và hành động của bộ phận cán bộ quản lý giáo dục từ cấp trường, Phòng đến cấp Bộ.

LTS: Bệnh thành tích lâu nay được xem như căn bệnh trầm kha của xã hội, gây tác động tiêu cực lên chất lượng giáo dục thế hệ trẻ đất nước.

Nhằm đưa ra giải pháp hạn chế bệnh thành tích trong giáo dục, thầy Đỗ Tấn Ngọc có bài viết kiến nghị cần thay đổi nhận thức, hành động, thái độ của những người quản lý giáo dục nếu muốn “cuộc cách mạng” này thành công.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả!

Có thể nói, “bệnh thành tích” trong lĩnh vực giáo dục đã tồn tại suốt mấy chục năm nay để lại những hậu quả nặng nề lên các thế hệ trẻ.

Để hạn chế tình trạng này, Bộ Giáo dục và Đào tạo từng phát động phong trào “hai không”, trong đó có “Nói không với bệnh thành tích”.

Tuy nhiên, phong trào này chỉ phát huy được tác dụng trong mấy năm đầu, còn về sau, mọi việc đâu lại vào đó.

Những năm gần đây, bệnh thành tích lại hoành hành, bùng phát dữ dội bởi sự đồng bộ trong nhận thức, hành động của nhiều cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên dạy học là chưa cao.

Với những giáo viên tâm huyết, có trách nhiệm với nghề thì không bao giờ chịu thỏa hiệp, chấp nhận trước những việc làm sai trái, chỉ tiêu nhằm thỏa mãn khát vọng thành tích.

Vẫn còn đó những giáo viên đang bền bỉ đấu tranh để làm việc với đúng chức năng, nhiệm vụ và lương tâm của người thầy.

Bệnh thành tích đang kéo giáo dục Việt Nam tuột dốc (Ảnh: thanhnien.vn).
Bệnh thành tích đang kéo giáo dục Việt Nam tuột dốc (Ảnh: thanhnien.vn).

Nhiều người còn gửi gắm những tâm tư, ý kiến bức xúc của mình qua các diễn đàn báo chí với mong muốn chất lượng giáo dục được đánh giá trung thực, khách quan, căn bệnh thành tích sớm bị đẩy lùi.

Còn giới cán bộ quản lý giáo dục thì sao?

Phải nói rằng, một số ít người cũng rất có ý thức, trách nhiệm với công việc họ đang gánh vác, luôn chỉ đạo, yêu cầu các giáo viên cấp dưới đánh giá, cho điểm chính xác, sâu sát với thực tế học sinh.

Ở những trường lớp có cán bộ quản lý giáo dục làm việc công chính, giáo viên vui lắm vì họ được là chính mình, mọi đánh giá, nhận xét học sinh theo quy định, không chịu bất cứ ràng buộc, sức ép nào từ cấp trên.

Tuy nhiên, phần đông cán bộ quản lý giáo dục bây giờ vẫn cố chấp, bảo thủ, chạy theo bệnh thành tích.

Giáo viên nào làm không đúng chỉ tiêu, tỉ lệ thì dùng nhiều cách từ tác động tâm lý, tình cảm đến mệnh lệnh, hù dọa để buộc giáo viên phải điều chỉnh theo ý mình.

Giáo viên nào “cứng đầu”, chỉ đạo mãi không chịu nghe thì gây khó dễ, phong tỏa, thậm chí trù dập, cắt thi đua - khen thưởng.

Nếu có nhiều thành tích thì rõ ràng lãnh đạo các đơn vị nhà trường được lợi ích đủ thứ: cấp trên khen ngợi, chú ý cất nhắc, dành các danh hiệu thi đua; cha mẹ học sinh phấn khởi, tin tưởng…

Lợi ích nhiều như vậy, cán bộ quản lý giáo dục các cấp tội gì mà không vì quyền lợi của mình để năm nào cũng chạy đua theo thành tích; bất chấp, phớt lờ những ý kiến xây dựng, phản đối của giáo viên và dư luận xã hội?

Có người cho rằng những quy định, chỉ tiêu về số lượng học sinh trên trung bình, học sinh đến lớp để công nhận trường chuẩn quốc gia, đạt thứ hạng cao trong đánh giá, kiểm định chất lượng giáo dục… là một “phần lỗi” đẩy bệnh thành tích giáo dục càng trở nên nghiêm trọng, khó chữa hơn.

Nhưng, tôi lại suy nghĩ khác, các quy định, ràng buộc kia không hề “có lỗi”, vì trường, lớp nếu qua kiểm tra, đánh giá không đạt tiêu chuẩn thì cũng không được cộng nhận danh hiệu.

Lỗi là ở tại các vị cán bộ quản lý giáo dục các cấp do lòng tham thành tích, được nhiều lợi lộc nên mới cố tình chỉ đạo sai, làm bậy, không đạt cũng nâng lên cho đạt, không có cũng dựng lên cho có.

Cho nên, muốn chữa được dứt điểm bệnh thành tích trong giáo dục hiện nay, theo tôi, phải bắt đầu chữa từ tư tưởng, nhận thức, thái động và hành động của bộ phận cán bộ quản lý giáo dục từ cấp trường đến cấp Phòng, cấp Bộ.

Nhưng chữa bằng cách nào?

Bệnh thành tích phải điều trị cho đội ngũ quản lý từ cấp trường đến Bộ ảnh 2

Những điều cấm kỵ ở nhà trường mà thầy cô muốn yên ổn đều buộc phải thuộc

Trước hết, phải có những chỉ đạo rõ ràng, nhất quán của Bộ Giáo dục và Đào tạo thể hiện cụ thể trong triển khai nhiệm vụ năm học mới, cán bộ quản lý giáo dục các cấp tuyệt đối không được ép buộc, ấn định chỉ tiêu, thành tích đối với tất cả giáo viên, cấp dưới.

Cấp Bộ, cấp Sở có hộp thư, đường dây nóng riêng để tiếp nhận và xử lý tốt các ý kiến, đơn thư phản ánh của giáo viên về tình trạng ép chỉ tiêu, thành tích.

Mặt khác, trong chọn lựa, lấy phiếu tín nhiệm cán bộ quản lý để bổ nhiệm mới hoặc tái bổ nhiệm; tập thể viên chức, giáo viên, nhân viên cần bộc lộ rõ chính kiến của mình, loại bỏ những cán bộ quản lý giáo dục thiếu năng lực, tâm huyết, có tư tưởng cơ hội, thích thành tích, chỉ biết lo cho lợi ích của bản thân.

Công tác tổ chức cán bộ của nhiều Phòng, Sở Giáo dục và Đào tạo được xem là khâu yếu hiện nay cũng được củng cố, xây dựng lại để biết xem xét lựa chọn đúng người, đúng việc, không vì những “quan hệ” khác.  

Đỗ Tấn Ngọc