Bí thư Đinh La Thăng đề nghị ngành giáo dục thí điểm chế độ đãi ngộ giáo viên

13/08/2016 07:53
Phương Linh
(GDVN) - Bí thư Đinh La Thăng đề nghị ngành giáo dục TP.Hồ Chí Minh cần nghiên cứu thí điểm chế độ đãi ngộ, gắn kèm với trách nhiệm nhà giáo theo hướng không cào bằng.

Chiều ngày 12/8, Sở Giáo dục và Đào tạo TP.Hồ Chí Minh đã tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm học 2015 – 2016, triển khai công tác của ngành trong năm học 2016 – 2017 và phát động phong trào thi đua trong ngành cho năm học mới.

Uỷ viên Bộ Chính trị - Bí thư Thành ủy TP.Hồ Chí Minh Đinh La Thăng, lãnh đạo UBND thành phố, cơ quan đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo tại thành phố, Ban Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cùng với Trưởng phòng Giáo dục các quận huyện, Hiệu trưởng các trường trung học phổ thông trên địa bàn đến dự.

Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng khẳng định, trong điều kiện còn nhiều khó khăn, áp lực của một thành phố lớn, nhưng ngành Giáo dục và Đào tạo của thành phố đã có nhiều cố gắng đạt được nhiều thành tích tiêu biểu, góp phần vào sự phát triển chung của thành phố.

Theo Bí thư Đinh La Thăng, những gì mà ngành giáo dục làm được đều được, có nhiều nỗ lực thì đều được cảm nhận, ghi nhận một cách rất chính xác. Chính những con số báo cáo của ngành, sẽ giúp cho người dân hình dung rõ về thực tại của ngành giáo dục và đào tạo của thành phố.

Dù vậy, Bí thư Thành ủy TP.Hồ Chí Minh cũng đã chỉ ra rất nhiều bất cập yếu kém, cần phải sớm được khắc phục: Tệ nạn dạy thêm và học thêm, thiếu cơ sở và giáo viên được đào tạo theo chuẩn cho việc chăm sóc trẻ em ở độ tuổi mầm non.

Chương trình dạy kiến thức còn tạo áp lực lên học sinh và phụ huynh, hiện tượng quá tải học sinh trong lớp học còn xảy ra, còn tình trạng bạo lực học đường xảy ra ở các giáo viên và học sinh.

Bí thư Thành ủy TP.Hồ Chí Minh Đinh La Thăng phát biểu tại hội nghị (ảnh: P.L)
Bí thư Thành ủy TP.Hồ Chí Minh Đinh La Thăng phát biểu tại hội nghị (ảnh: P.L)

Chất lượng chuyên môn của giáo viên, nhất là giáo viên tiếng Anh còn nhiều hạn chế, chưa thống nhất được đầu mối quản lý trong giáo dục nghề nghiệp, quản lý cơ sở giáo dục có yếu tố nước ngoài còn nhiều bất cập.

Từ đó, Uỷ viên Bộ Chính trị - Bí thư Thành ủy TP.Hồ Chí Minh Đinh La Thăng đã đề nghị, ngành giáo dục và đào tạo của TP.Hồ Chí Minh cần chú ý 5 nhiệm vụ trọng tâm trong năm học mới sắp đến:

Một là cần mạnh dạn đề xuất những giải pháp sáng tạo, có tính đột phá, mang tính đặc thù của thành phố, nhằm mang lại hiệu quả tích cực.

Nhanh chóng giảm tải chương trình phổ thông, không quá nặng về khối lượng, không quá thiên về kiến thức chuyên môn, phát triển toàn diện văn thể mỹ, theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị tổng kết năm học 2015 – 2016, triển khai năm học 2016 – 2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Hai là: Tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện về chương trình, nội dung, phương pháp giảng dạy và học tập, phương pháp kiểm tra, đánh giá kết quả học tập và rèn luyện của học sinh.

Chú trọng công tác đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao, tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng và truyền thống đạo đức, lối sống, ý chí phụng sự Tổ quốc, xã hội và ý chí khởi nghiệp trong học sinh, sinh viên.

Ba là: Tiếp tục nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, lý  luận chính trị cho đội ngũ, chú trọng đổi mới tư duy, bồi dưỡng kỹ năng sử dụng phương pháp dạy học hiện đại, đề xuất thêm chương trình, giải pháp, chính sách để nhằm nâng cao chế độ đãi ngộ, giúp cán bộ, giáo viên ngành giáo dục yên tâm công tác.

Nghiên cứu thí điểm chế độ đãi ngộ gắn liền với trách nhiệm nhà giáo, theo hướng không cào bằng, có thể định lượng được, có tác dụng sàng lọc để tìm ra và phát huy năng lực các nhân tố giỏi, tích cực.

Bốn là: Huy động mọi nguồn lực, nhất là nguồn lực xã hội hóa đề đầu tư xây dựng, mở rộng hệ thống mạng lưới trường lớp, tăng cường trang thiết bị, đồ dùng dạy học hiện đại, đẩy nhanh tiến độ xây dựng, tăng thêm quyền tự chủ về tài chính, nhân sự cho các trường tiên tiến, hiện đại, hội nhập với khu vực và quốc tế.

Năm là: Phối hợp và phát huy sức mạnh tổng hòa của việc gắn kết nhà trường – gia đình và xã hội, giữ mối liên hệ và kết hợp chặt chẽ với hệ thống chính trị địa phương, với phụ huynh học sinh, thực hiện tốt chế độ chính sách xã hội trong giáo dục.

Hỗ trợ và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn, thiệt thòi được học tập trong môi trường thuận lợi, đáp ứng yêu cầu và quyền lợi học tập của con em nhân dân thành phố.

Phương Linh