Bộ Tài chính và Bộ Nội vụ không muốn nhà giáo có lương cao nhất

14/03/2018 08:40
Thanh Sơn
(GDVN) - Nội dung tăng lương nhà giáo không nhận được ý kiến đồng thuận của 2 bộ có liên quan trực tiếp tới vấn đề này là Bộ Tài chính và Bộ Nội vụ.

Theo tờ trình mà Bộ Giáo dục và Đào tạo thay mặt Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 12/3 về dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Giáo dục, nội dung tăng lương nhà giáo không nhận được ý kiến đồng thuận của 2 bộ có liên quan trực tiếp tới vấn đề này là Bộ Tài chính và Bộ Nội vụ. 

Nội dung tăng lương nhà giáo không nhận được ý kiến đồng thuận của 2 bộ có liên quan trực tiếp tới vấn đề này là Bộ Tài chính và Bộ Nội vụ. (Ảnh minh họa: VTV)
Nội dung tăng lương nhà giáo không nhận được ý kiến đồng thuận của 2 bộ có liên quan trực tiếp tới vấn đề này là Bộ Tài chính và Bộ Nội vụ. (Ảnh minh họa: VTV)

Về nội dung đề xuất “lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp”, văn bản góp ý của Bộ Tài chính nêu rõ: 

“Ngày 4/11/2013, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 11 đã thông qua Nghị quyết số 29 -NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, trong đó có nội dung lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp. 

Tuy vậy, hiện nay, Bộ Nội vụ đang chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, đánh giá hệ thống thang bảng lương, phụ cấp đối với từng ngành, lĩnh vực, khu vực. 

Vì vậy, đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo làm việc với Bộ Nội vụ để trình Chính phủ, trình Quốc hội phương án tổng thể về tiền lương và phụ cấp của nhà giáo để đảm bảo sự tương quan, thống nhất về tiền lương, phụ cấp với các ngành, nghề khác trong giai đoạn tới”.

Bộ Tài chính và Bộ Nội vụ không muốn nhà giáo có lương cao nhất ảnh 2Đề xuất tăng hệ số lương, bỏ phụ cấp ưu đãi, phụ cấp thâm niên giáo viên

Trong khi đó, Bộ Nội vụ chỉ rõ:

“Trong thời gian qua, nhiều bộ, ngành khi xây dựng luật chuyên ngành đã đưa quy định về tiền lương (cả phụ cấp) làm phá vỡ thiết kế ban đầu của chế độ tiền lương trong hệ thống chính trị, làm phát sinh bất hợp lý giữa các ngành, nghề”. 

Đồng thời Bộ Nội vụ nêu quan điểm:

“Hiện nay, Ban chỉ đạo Trung ương về nghiên cứu cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công do Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ làm Trưởng ban đang xây dựng Đề án cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong các doanh nghiệp để báo cáo Ban Cán sự Đảng Chính phủ trình Hội nghị Trung ương 7 khóa XII. 

Vì vậy, Bộ Nội vụ đề nghị không quy định tiền lương của nhà giáo tại khoản 23 Điều 1 Dự án Luật. 

Vấn đề này cần phải được nghiên cứu, xây dựng ban hành đồng bộ khi cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang trong hệ thống chính trị trong thời gian tới, bảo đảm tương quan chung, phù hợp với khả năng ngân sách nhà nước”. 

Trước đó, như Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã thông tin, ngày 16/11/2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật giáo dục với nhiều điểm mới.

Thay đổi quan trọng nhất so với hiện nay là chế độ tiền lương giáo viên.

Điều 81 dự thảo nêu rõ: "Lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp. Nhà giáo được hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề, phụ cấp thâm niên và các phụ cấp khác theo quy định của Chính phủ”.

Trong khi đó, theo báo cáo thực hiện chính sách tiền lương mới nhất của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy, tổng thu nhập bình quân nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đối với các cơ sở giáo dục mầm non phổ thông công lập do Nhà nước đảm bảo 100% chi thường xuyên dao động trong khoảng từ 3 đến 10 triệu đồng tùy thuộc vào thâm niên công tác của giáo viên. 

Lương giáo viên hiện nay được chia làm 3 mức: 

Mức lương thấp của giáo viên (Ảnh chụp tài liệu)
Mức lương thấp của giáo viên (Ảnh chụp tài liệu)
Mức lương trung bình của giáo viên (Ảnh chụp tài liệu)
Mức lương trung bình của giáo viên (Ảnh chụp tài liệu)
Mức lương cao của giáo viên (Ảnh chụp tài liệu)
Mức lương cao của giáo viên (Ảnh chụp tài liệu)

Đến nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nhận được ý kiến của 22 Bộ, ngành, về Luật giáo dục trong đó có 7/22 cơ quan đồng ý với dự thảo luật; có 15/22 đơn vị có ý kiến góp ý. 

- Có 07/22 cơ quan đồng ý với dự thảo Luật, cụ thể: Đài Truyền hình Việt Nam; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Bảo hiểm xã hội Việt Nam; Thông tấn xã Việt Nam; Ban quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; Bộ Tài nguyên và Môi trường.

- Có 15/22 đơn vị có ý kiến góp ý, cụ thể: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Ngoại giao, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Quốc phòng, Thanh tra Chính phủ, Bộ Công thương, Ủy ban Dân tộc, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Xây dựng, Bộ Y tế và Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Thanh Sơn