Cả chính quyền và dân đều "khóc" vì FLC

08/10/2018 12:49
XUÂN QUANG
(GDVN) - Người dân vô cùng bức xúc vì đã nhiều năm mà chưa nhận được tiền đền bù của Tập đoàn FLC. Họ dần mất hết niềm tin vào dự án FLC Hoàng Long.

Dân kêu mãi không thấu

Vùng đất trù phú với hàng trăm héc-ta nằm ven đường tránh Thành phố Thanh Hoá đã phải nhường chỗ dự án FLC Hoàng Long. Những cánh đồng lúa xanh tươi rì rào, nay thay bằng những bãi đất lồi lõm, nhấp nhô, bởi dấu vết san lấp còn dang dở. Trên khoảng đất rộng mênh mông ấy, giờ chỉ toàn cỏ dại, vũng lầy hoang hóa.

Tại khu vực cổng chào, tấm biển “Khu công nghiệp FLC Hoàng Long” đã bị gỡ xuống, chỉ còn trơ lại vài cọng sắt, nhưng nỗi bức xúc của hàng trăm hộ dân Thanh Hóa về dự án được gọi là “kiểu mẫu” này thì chưa thể nguôi ngoai.

Có lẽ vì vậy mà trưởng thôn Lê Khả Hoàn (thôn 3, xã Hoằng Thịnh, Hoằng Hóa, Thanh Hóa) chưa bao giờ nghĩ mình lại lâm vào cảnh khó xử với người dân như hôm nay cũng chính bởi vì dự án FLC Hoàng Long chậm tiến độ kéo dài, nợ tiền đền bù của dân.

Trưởng thôn Lê Khả Hoàn bức xúc về việc FLC chậm chi trả tiền đền bù cho dân. 

“Sau khi dự án được phê duyệt, tôi được mời ra ngoài huyện họp và lắng nghe chỉ đạo về việc đền bù giải phóng mặt bằng, sau đó về phổ biến cho người dân trong xóm.

Người dân hy vọng sẽ có một nhà máy, công ty được xây dựng để giải quyết công ăn việc làm nên rất phấn khởi và ủng hộ tuyệt đối việc giải phóng mặt bằng.

Nhưng sau hơn 3 năm, khu công nghiệp chưa thấy đâu, trong khi doanh nghiệp vẫn chưa trả hết tiền đền bù về hoa lợi, tiền đất cho dân.

Nhiều người trong thôn đến hỏi tôi rằng, bây giờ tiền đền bù thì ai giải quyết cho dân?

Với cương vị là trưởng thôn thì tôi chỉ có thể trả lời rằng, việc này bà con lên hỏi xã, huyện và huyện có trách nhiệm hỏi lên tỉnh để đôn đốc, chi trả tiền đền bù.

Nhưng dân hỏi mãi vẫn không có tiền đền bù. Nhân dân rất bức xúc, không hiểu rằng trách nhiệm này thuộc về ai?”, trưởng thôn Lê Khả Hoàn cho hay.

Ông Lê Khả Thành - Chủ nhiệm Hợp tác dịch vụ nông nghiệp xã Hoằng Thịnh nhớ lại: “Ngày khởi công dự án có cả lãnh đạo cấp cao về dự nên người dân rất tin tưởng và ủng hộ dự án này. 

Khi bắt đầu triển khai dự án, cán bộ từ thôn đến xã chạy sình sịch vì yêu cầu giải phóng mặt bằng nhanh, gọn, khẩn trương cho chủ đầu tư có mặt bằng sạch.

Nhưng sau khi thực hiện giải phóng mặt bằng (đợt 2) vẫn chưa thấy FLC quay lại để trả tiền. Đã nhiều năm trôi qua họ vẫn im lặng.

Rất nhiều lần trong các cuộc tiếp xúc cử tri từ xã đến tỉnh, người dân đều nêu vấn đề chi trả tiền đền bù nhưng chưa được giải quyết. Dân họ bức xúc lắm! Họ hỏi FLC có mua đất không? Nếu không mua thì bây giờ giải quyết như thế nào?

Những băn khoăn của người dân là chính đáng, nhưng vì cán bộ xã không thể quyết định được vấn đề chi trả tiền đền bù cho dân nên cũng đành chịu”, ông Thành cho biết.

Ông Lê Khả Thành - Chủ nhiệm Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Hoằng Thịnh nhớ lại: “Khi bắt đầu triển khai dự án, cán bộ từ thôn trở lên chạy sình sịch với yêu cầu giải phóng mặt bằng nhanh, gọn, khẩn trương". Ảnh của Xuân Quang.
Ông Lê Khả Thành - Chủ nhiệm Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Hoằng Thịnh nhớ lại: “Khi bắt đầu triển khai dự án, cán bộ từ thôn trở lên chạy sình sịch với yêu cầu giải phóng mặt bằng nhanh, gọn, khẩn trương". Ảnh của Xuân Quang.

Với tư cách là chủ nhiệm Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Hoằng Thịnh, ông Thành băn khoăn vì dự án “treo” nhiều năm ảnh hưởng tới hoạt động tổ chức sản xuất nông nghiệp:

“Giờ đất nông nghiệp bị hoang hóa, quỹ đất hạn chế, cho nên chúng tôi muốn tổ chức sản xuất, phát triển nông nghiệp cũng hết sức khó khăn.

Một phần cũng vì do tư liệu sản xuất bị ảnh hưởng nên số người đến độ tuổi lao động chủ yếu đi làm công nhân. Còn người quá tuổi lao động thì không phải ai cũng làm được nông nghiệp”, ông Thành nói và đề nghị nếu FLC không mua đất nữa thì phải trả lại tư liệu sản xuất cho bà con lấy kế sinh nhai.

Vị chủ nhiệm hợp tác xã Hoằng Thịnh cũng thể hiện thái độ hết kiên nhẫn về dự án này, đồng thời không còn đặt niềm tin vào sự thành công của dự án. 

Theo báo cáo của Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Hoằng Hóa, hiện tại xã Hoằng Thịnh có 166 hộ, Hoằng Đồng có 257 hộ chưa nhận được tiền đền bù. Tổng số tiền mà Tập đoàn FLC phải trả lên tới hàng chục tỷ đồng.

Cán bộ xã cũng bị mất uy tín vì FLC?

Hàng trăm héc-ta đang trở nên hoang hóa theo thời gian, hàng nghìn nhân khẩu bị ảnh hưởng trực tiếp, gián tiếp về tư liệu sản xuất khiến cho bất cứ ai nhìn thấy cảnh tượng ấy đều vô cùng xót xa.

Trong tình cảnh ấy, đã có người dân vì quá xót xa, cũng là để cải thiện đời sống nên lại ra đồng.

Chiều muộn, ông T. (người dân xã Hoằng Đồng) vẫn cặm cụi thay dầu mỡ cho chiếc máy cày sắp hết “đát” vừa mua được từ người quen. Người nông dân có thâm niên mấy chục năm gắn bó với đồng ruộng tỏ vẻ tiếc nuối vì đất đai hoang hóa bởi dự án “treo” FLC Hoàng Long.

Cả chính quyền và dân đều "khóc" vì FLC ảnh 2

Hết kiên nhẫn với “chúa chổm” FLC

Chính vì vậy, ông quyết định mua máy móc cải tạo đồng ruộng, tái sản xuất, dẫu biết rằng nếu dự án thực sự triển khai thì toàn bộ hoa màu trồng cấy sẽ bị bỏ đi, không được đền bù.

Ông bảo: “Bây giờ họ chưa làm khu công nghiệp thì mình tham gia cải tạo đồng ruộng, sản xuất để kiếm thêm thu nhập.

Thôi thì bây giờ tôi sẽ xin bà con làng xóm, gom góp đất, cải tạo sản xuất được tí nào hay tí đó, chứ để đất như vậy lãng phí lắm! Còn tiền đền bù thì chưa biết đến bao giờ họ mới trả cho chúng tôi”.

Dọc con đường dẫn vào xóm 7, 8 (xã Hoằng Đồng), nhắc đến FLC rất nhiều người dân lắc đầu ngán ngẩm. Họ không thể ngờ rằng, cuộc sống của nhiều gia đình bỗng chốc lâm vào cảnh khốn đốn vì tư liệu sản xuất bị "treo" suốt mấy năm nay.

Bà T.T (60 tuổi, người dân thôn 8) từng 3 đời sinh sống bằng nghề làm nông nghiệp tỏ rõ nỗi bức xúc vì lời "hứa hão" của FLC: "Bây giờ đi dọc xóm này người dân sẽ nói cho các anh biết về dự án này. Mấy năm nay, chúng tôi kêu tiền đền bù nhiều lắm rồi nhưng không thấu. Ai phải trả lời cho chúng tôi về khoản tiền đền bù đây?

Năm ngoái Tập đoàn FLC bảo đến tháng 9 sẽ trả tiền đền bù cho gần 1 sào đất, nhưng mấy cái tháng 9 rồi mà dân vẫn chưa thấy tiền đâu. Gia đình tôi đông người, ruộng đã ít nay bị lấy mất một phần đất thì ăn bằng gì đây? Bây giờ FLC có lấy đất không? Nếu không lấy đất thì trả lại cho chúng tôi”.

Tấm biển “Khu công nghiệp FLC Hoàng Long” đã "biến mất", còn trơ phần cọng sắt. Ảnh của Xuân Quang.
Tấm biển “Khu công nghiệp FLC Hoàng Long” đã "biến mất", còn trơ phần cọng sắt. Ảnh của Xuân Quang.

Không chỉ người dân, nỗi trăn trở về dự án FLC Hoàng Long cũng khiến ông Nguyễn Hữu Phương - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Hoằng Đồng nhiều đêm mất ăn mất ngủ. 

“Ngày có thông báo thu hồi đất, bà con không hề có biểu hiện chống đối hoặc gây cản trở công việc giải phóng mặt bằng. Ngược lại họ đồng tâm nhất trí cùng với chính quyền, doanh nghiệp, hoàn thiện hồ sơ giúp chủ đầu tư làm dự án.

Nhưng đã 3 năm nay, người dân mòn mỏi chờ đợi tiền đền bù. Mấy chục héc-ta đất đai bây giờ bỏ hoang hóa như kiểu bị nhiễm mặn, hay nhiễm hóa chất ấy...”, ông Phương nói.

Nhưng điều khiến ông Phương đau xót hơn cả chính là việc lãnh đạo xã mất uy tín với dân cũng chỉ bởi tin tưởng vào lời hứa của FLC.

“Một lãnh đạo xã hiện nay đã chuyển công tác xã khác từng bị mất uy tín, thậm chí bị kiểm điểm vì phổ biến cho bà con về việc FLC sẽ trả tiền đề bù cho dân, sau khi nghe thông tin doanh nghiệp sẽ trả tiền vào tháng 9/2017.

Đến hẹn không thấy doanh nghiệp trả tiền như vị cán bộ xã đã thông báo, người dân bức xúc hỏi, cán bộ hứa kiểu gì với dân mà tiền chả thấy đâu? Cán bộ nói tại sao không làm?”, ông Phương chia sẻ.

Theo tính toán sơ bộ của ông Phương, trong 3 năm không thể sản xuất, người dân trong xã mất khoảng 1000 tấn lúa. Các khoản thu đóng góp địa phương trong lĩnh vực nông nghiệp cũng vì thế mà giảm đi nhiều.

“Tại các hội nghị, họp Hội đồng nhân dân, người dân luôn tỏ ra băn khoăn về dự án này. Có người hỏi, thế hệ trước đã đấu tranh với ngoại bang giành lại đất đai, tư liệu sản xuất, bây giờ các anh nghĩ thế nào khi để đất đai bỏ hoang? Ai sẽ là người trả lời cho dân câu hỏi này?

Dân thắc mắc về dự án thì họ hỏi chính quyền là đúng. Nhưng khổ một nỗi, chúng tôi cũng không thể làm người dân thỏa mãn câu trả lời vì địa phương chỉ là đơn vị phối hợp với hội đồng giải phóng mặt bằng để thực hiện một số khâu trong việc giải phóng mặt bằng.

Còn tiền đền bù thì làm sao chúng tôi biết được khi nào doanh nghiệp chi trả để trả lời với dân đây”, ông Phương nói.

Ông Nguyễn Hữu Phương, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Hoằng Đồng. Ảnh của Xuân Quang.
Ông Nguyễn Hữu Phương, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Hoằng Đồng. Ảnh của Xuân Quang.

Ông Lê Văn Chiến - Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Hoằng Long (Thành phố Thanh Hóa) cho biết, xã có khoảng hơn 800 hộ và 110 héc-ta đất bị ảnh hưởng bởi dự án. Với diện tích này sẽ cho sản lượng lúa khoảng 600 tấn/năm/2 vụ.

Tuy nhiên mấy năm nay, đất đa phần bỏ hoang khiến thu nhập của người dân có phần bị ảnh hưởng.

Ruộng nương hoang hóa vì dự án treo, nhưng thành phố chưa cho dân chuyển đổi cây trồng để canh tác, khiến lao động mất tư liệu sản xuất phải bỏ xứ đi làm ăn. Một bộ phận khác thì xin vào các doanh nghiệp lân cận để mưu sinh.

Vị Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Hoằng Long tỏ vẻ bất lực với chủ đầu tư dự án này: “Họ hứa đến quý IV sẽ triển khai tiếp dự án, nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện việc đề bù, giải phóng mặt bằng.

Bức xúc trước cách hành xử của doanh nghiệp, nhiều hộ dân đề nghị doanh nghiệp phải trả lời dứt khoát với dân, có làm dự án nữa hay không? Nếu không làm thì trả lại đất cho bà con sản xuất canh tác”.

XUÂN QUANG