Cả nước đang thừa, thiếu bao nhiêu giáo viên?

22/08/2017 06:00
Linh Hương
(GDVN) - Nếu năm học 2015-2016 cả nước có 313.526 giáo viên thì đến năm học 2016-2017 cả nước có 308961 giáo viên, giảm hơn 4.000 giáo viên.

Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ trong năm học vừa qua chủ yếu là thừa giáo viên trung học cơ sở, trong khi đó, thiếu giáo viên mầm non, tiểu học, đặc biệt là giáo viên dạy các môn Tin học, Ngoại ngữ, Nhạc, Mỹ thuật…

Cụ thể, trong năm qua, toàn ngành có 500.327 giáo viên, cán bộ giáo dục mầm non. 

Trong đó, số lượng giáo viên mầm non là 344.994, tăng 26.661 người so với năm học trước.

Tỷ lệ giáo viên/lớp đạt 1,8 (tăng 0,04%). 

Giáo viên, giảng viên ở các cấp học năm 2016-2017 so với năm học 2015-2016. (Nguồn: Bộ Giáo dục và Đào tạo)
Giáo viên, giảng viên ở các cấp học năm 2016-2017 so với năm học 2015-2016. (Nguồn: Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Ngoài ra, trong khi số lượng giáo viên cấp tiểu học và Trung học cơ sở không thay đổi nhiều so với năm trước thì ở cấp Trung học cơ sở số lượng giáo viên trong năm học 2016-2017 đã giảm. 

Cụ thể, năm học 2015-2016 cả nước có 313.526 giáo viên thì đến năm học 2016-2017 cả nước có 308961 giáo viên, giảm hơn 4.000 giáo viên.

Cả nước đang thừa, thiếu bao nhiêu giáo viên? ảnh 2

Thừa - thiếu giáo viên đang ở mức mất cân bằng rất nghiêm trọng

Bên cạnh đó, theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, công tác tuyển dụng viên chức ngành giáo dục ở một số địa phương chưa bảo đảm đúng quy định;

Và tình trạng ký hợp đồng và chấm dứt hợp đồng lao động, tuyển dụng, luân chuyển, bổ nhiệm, miễn nhiệm; đánh giá giáo viên chưa đúng quy định... gây nhiều bức xúc cho các thầy giáo, cô giáo và xã hội. 

Tại hội nghị tổng kết năm học 2016-2017 của ngành giáo dục, nhiều địa phương cho biết việc phân bổ biên chế chưa thực sự hợp lí.

Bà Nguyễn Thị Minh Giang - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kiên Giang cho rằng với quy định hiện nay phân bổ biên chế theo số lượng học viên là chưa hợp lí đối với các khu vực vùng sâu, vùng xa.

Hiện nay ngành giáo dục tỉnh Kiên Giang đang thiếu gần 1.000 biên chế các cấp, mầm non còn thiếu hơn 500 biên chế nhưng khi làm việc với Bộ Nội vụ thì biên chế phân theo số học sinh. 

Chúng tôi là tỉnh vùng sâu, vùng xa, có hơn 700 trường học mà tới 1900 điểm lẻ. Chúng tôi đã giảm hết mức các điểm lẻ, khoảng cách các điểm là 5 - 10km nên không thể giảm hơn được nữa. 

Chúng tôi chỉ có thể tính số biên chế theo lớp chứ không thể làm theo đầu người. Như vậy là hết sức khó khăn trong quá trình điều hành, giảng dạy
”, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kiên Giang thông tin.

Bà Nguyễn Thị Minh Giang đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cần làm việc với các bộ, ngành liên quan để có những điều chỉnh hợp lí.

Cả nước đang thừa, thiếu bao nhiêu giáo viên? ảnh 3

Không nên đưa giáo viên thừa ở bậc trung học sang dạy mầm non

Cùng với đó, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cũng đề nghị tăng cường biên chế, đặc biệt là biên chế cho các trường mầm non để đảm bảo hoạt động giáo dục.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhận định:

Việc thừa, thiếu giáo viên cục bộ nhiều nơi, đặc biệt là giáo viên mầm non đã được đề cập nhiều nhưng những giáo viên thừa chúng ta lại loại đi mà không tính đến chuyện bồi dưỡng để chuyển đổi là trách nhiệm của cả Bộ Giáo dục và Đào tạo và các tỉnh, địa phương. 

Trước đó, tại hội nghị với 63 Giám đốc Sở ngày 14/1 diễn ra tại Hà Nội, Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo) đã cho biết, tình trạng dôi dư, thừa thiếu giáo viên xảy ra ở nhiều địa phương và có ở tất cả các cấp học mầm non, phổ thông.
 
Một số tỉnh có số lượng dôi dư giáo viên cấp trung học cơ sở như: Thái Bình: 1.224, Phú Thọ: 1.191, Thanh Hóa: 2.188, Nghệ An: 1.742, Quảng Nam: 1.096; các tỉnh còn thiếu giáo viên mầm non như: Sơn La: 1.040, Bắc Giang: 1.921, Thái Bình: 1.500, Thanh Hóa: 1.405, Nghệ An: 3.328, TP.HCM: 1.195.

Trong khi đó, một số nơi lại thiếu - đặc biệt là tiểu học như Hà Nội (2.696), Sơn La (1.133), Gia Lai (1.196)...

Tính chung trong toàn quốc, tổng số giáo viên công lập dôi dư: 26.750 (trong đó, tiểu học: 3.194, trung học cơ sở: 21.005, trung học phổ thông: 2.551).

Tổng số giáo viên công lập còn thiếu: 45.058 (trong đó, mầm non: 32.641, tiểu học: 7.824, trung học cơ sở: 2.799, trung học phổ thông: 1.794).

Năm học mới sắp bắt đầu, chuyện lạm thu trong các trường học ngày càng trở nên tinh vi là nỗi ám ảnh, bức xúc của phụ huynh học sinh và các thày cô giáo chân chính.

Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam trân trọng mời quý độc giả gửi thông tin phản ánh tình trạng lạm thu và tiêu cực ở các trường, các hội phụ huynh về hòm thư điện tử toasoan@giaoduc.net.vn, để chung tay góp phần làm trong sạch môi trường giáo dục nước nhà.

Các thông tin cá nhân của người cung cấp nguồn tin được chúng tôi cam kết bảo mật theo pháp luật nhà nước.

Trân trọng!

Linh Hương