Các trường chịu trách nhiệm trước nhà nước về tự trị đại học

15/09/2013 06:50
Nguyễn Thiện Tống
(GDVN) - Trong những thập niên vừa qua, các tổ chức giáo dục đại học trên thế giới chịu nhiều áp lực phải cải tổ, mà cao điểm là khuynh hướng phát triển tự trị đại học.
Kinh nghiệm và xu hướng ở các nước Châu Á vá Châu Phi cho thấy vai trò chính quyền đối với giáo dục đại học bắt đầu thay đổi trong thập niên 1970 bằng việc tăng cường luật lệ, chính sách và kế hoạch, rồi tiến đến nới lỏng kiểm soát hành chính trong thập niên 1980 để khuyến khích quyền chủ động của các viện đại học đa lĩnh vực theo tinh thần tự trị đại học của Anh Mỹ.

Chịu trách nhiệm trước nhà nước về tự trị đại học

Tự trị đại học là quyền hạn của viện đại học trong việc quyết định sứ mạng và chương trình hoạt động của mình và quyền hạn trong việc quyết định phương tiện và cách thức thực hiện sứ mạng và chương trình hoạt động đó. Những quyền hạn này được căn cứ trên sự công nhận rằng với số nhân sự chuyên gia có uy tín trong nhiều lĩnh vực mà viện đại học đa lĩnh vực có được thì chính viện đại học có năng lực nhất trong việc quyết định làm điều gì và làm như thế nào. 

Nói một cách ngắn gọn thì tự trị đại học toàn diện là sự tự quản trị lấy những nhiệm vụ được giao phó cho viện đại học về các phương diện đào tạo, nghiên cứu, tài chính, hành chính, đối ngoại, tổ chức nhân sự, và chịu trách nhiệm trước công chúng, trước pháp luật, trước các cơ quan quản lý nhà nước về việc tổ chức những chương tình hoạt động để thực hiện những nhiệm vụ đó.

Ảnh chỉ mang tính chất minh họa.
Ảnh chỉ mang tính chất minh họa.

Như thế khi các trường đại học chuyên ngành của Việt Nam sát nhập với nhau để tổ chức thành viện đại học đa lĩnh vực bao gồm những lĩnh vực tri thức như khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn, giáo dục và sư phạm, kỹ thuật và công nghệ, luật, kinh tế, y tế, nông lâm, kiến trúc… thì cơ cấu tổ chức quản lý của viện đại học tự trị mới có thể áp dụng được. Các trường đại học chuyên ngành dù công lập hay ngoài công lập mà còn tồn tại riêng lẻ thì không được giao quyền tự trị đại học toàn diện.

Ở phần lớn các nước trên thế giới, một đạo luật quốc hội định chế hóa sự thành lập viện đại học và quyền tự trị đại học được ủy thác cho hội đồng quản trị viện đại học. Đạo luật quốc hội xác định tổ chức, quyền hạn và nhiệm vụ của hội đồng quản trị viện đại học, hội đồng giáo sư, và các chức vụ quan trọng như viện trưởng, phó viện trưởng. 

Hội đồng quản trị viện đại học là cơ quan quyền lực cao nhất của viện đại học, được đạo luật quốc hội giao cho quyền quyết định các luật lệ nội bộ và các vấn đề như xây dựng chương trình đào tạo, nghiên cứu khoa học, cấp phát văn bằng của viện đại học... Hội đồng quản trị viện đại học thường gồm một số thành viên do quốc hội, do hội đồng tỉnh thành liên quan chỉ định, và một số thành viên do tập thể giáo sư, giảng viên, tập thể sinh viên, cựu sinh viên bầu cử, với thời gian nhiệm kỳ khác nhau giữa các loại thành viên.
Cơ sở cho tự trị đại học

Việt Nam vừa có Luật Giáo dục Đại học 2012 nhưng quyền tự trị đại học chưa được xác định, nên việc quản lý điều hành các viện đại học đa lĩnh vực sẽ còn gặp nhiều khó khăn. 

Trong Luật Giáo dục Đại học 2012 có Điều 32 về “Quyền tự chủ của cơ sở giáo dục đại học” như sau:

Cơ sở giáo dục đại học tự chủ trong các hoạt động chủ yếu thuộc các lĩnh vực tổ chức và nhân sự, tài chính và tài sản, đào tạo, khoa học và công nghệ, hợp tác quốc tế, bảo đảm chất lượng giáo dục đại học. Cơ sở giáo dục đại học thực hiện quyền tự chủ ở mức độ cao hơn phù hợp với năng lực, kết quả xếp hạng và kết quả kiểm định chất lượng giáo dục. 

Cơ sở giáo dục đại học không còn đủ năng lực thực hiện quyền tự chủ hoặc vi phạm pháp luật trong quá trình thực hiện quyền tự chủ, tùy thuộc mức độ, bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Với cách tổ chức hệ thống giáo dục đại học theo các chuyên ngành riêng lẻ như hiện nay thì các cơ sở giáo dục đại học đó không thể nào có được số nhân sự chuyên gia có uy tín trong nhiều lĩnh vực như ở viện đại học đa lĩnh vực cho nên các cơ sở giáo dục chuyên ngành không đủ năng lực để được giao quyền tự trị đại học toàn diện.

Điều 8 Luật Giáo dục Đại học 2012 xác định mô hình “đa lĩnh vực” và “quyền chủ động cao” của hai “viện” đại học quốc gia như sau:

Đại học quốc gia là trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học, công nghệ đa ngành, đa lĩnh vực chất lượng cao, được Nhà nước ưu tiên đầu tư phát triển.

Đại học quốc gia có quyền chủ động cao trong các hoạt động về đào tạo, nghiên cứu khoa học, tài chính, quan hệ quốc tế và tổ chức bộ máy. Đại học quốc gia chịu sự quản lý nhà nước của Bộ Giáo dục và Đào tạo, của các bộ, ngành khác và Ủy ban nhân dân các cấp nơi đại học quốc gia đặt địa điểm, trong phạm vi chức năng theo quy định của Chính phủ và phù hợp với pháp luật.

Thật ra “quyền chủ động cao” của “Viện” Đại học Quốc gia không phải là “quyền tự trị đại học toàn diện” như ở các viện đại học của các nước trong khu vực và trên thế giới.

Điều 16, 17, 18 Luật Giáo dục Đại học 2012 quy định về tổ chức, quyền hạn của ba loại hội đồng quyền lực của ba loại cơ sở giáo dục đại học. Đó là a) Hội đồng đại học cho các “viện” đại học; b) Hội đồng trường cho các trường cao đẳng, trường đại học công lập; c) Hội đồng quản trị cho các trường cao đẳng, trường đại học tư thục. 

Với những quy định ở các Điều 16, 17, 18 nêu trên thì các hội đồng này không có đủ thẩm quyền trong việc quản trị đại học. 

Mặc dầu Luật Giáo dục Đại học 2012 có nhiều điểm tiến bộ so với Luật Giáo dục 2005, nhưng mô hình viện đại học đa lĩnh vực và quyền tự trị đại học chưa được coi trọng nên giáo dục đại học sẽ tiếp tục kém hiệu quả và không đáp ứng nhu cầu nhân lực của phát triển. 

Việt Nam vừa có Luật Giáo dục Đại học nhưng mô hình viện đại học đa lĩnh vực và quyền tự trị đại học chưa được coi trọng nên giáo dục đại học sẽ tiếp tục kém hiệu quả và không đáp ứng nhu cầu nhân lực của phát triển.

Nếu Việt Nam chỉ có những đổi mới manh mún và chậm chạp mà không có chủ trương và chính sách cải tổ một cách cơ bản hệ thống giáo dục đại học bằng biện pháp sáp nhập và tái cấu trúc các cơ sở giáo dục đại học thành các viện đại học đa lĩnh vực được giao quyền tự trị đại học thì giáo dục đại học Việt Nam tiếp tục kém hiệu quả, kém chất lượng và không đáp ứng nhu cầu nhân lực của phát triển, rồi biến thành trở lực cho phát triển.
Nguyễn Thiện Tống