Cần cắt bỏ biên chế lực lượng nào trong giáo dục?

06/11/2017 06:07
Nguyễn Nguyên
(GDVN) - Có 11.164 ông bà phó giám đốc trung tâm giáo dục cộng đồng…ngồi chơi rồi hết tháng nhận lương. Một sự lãng phí vô cùng lớn.

Ngoài những bất cập về việc sử dụng nhân lực ở các đơn vị giáo dục do cấp sở quản lí thì ngay đối với các phòng giáo dục và đào tạo hiện đang phụ trách, quản lí các trường trung học cơ sở, tiểu học, mầm non, các trung tâm giáo dục cộng đồng cũng thể hiện nhiều bất cập không kém.

Bởi khi cơ cấu các chức danh trong các đơn vị trường học, dù lớn hay nhỏ thì các chức danh đó đều phải có nhân sự.

Việc tăng nhân sự cũng đồng nghĩa tăng thêm tiền chi trả lương hàng tháng. Sự cơ cấu không hợp lí sẽ dẫn đến một sự lãng phí lớn cho đất nước.

Thông tư liên tịch của Bộ Giáo dục- Đào tạo và Bộ Nội vụ số 35/2006/TTLT/BGDĐT-BNV ban hành ngày 23 tháng 08 năm 2006 đã Hướng dẫn định mức biên chế viên chức ở các cơ sở giáo dục phổ thông công lập là:

Cần cắt bỏ biên chế lực lượng nào trong giáo dục? ảnh 1

"Nói thì hay, làm thì dở, chỉ xoay xở để làm lãnh đạo"

Với cấp tiểu học và trung học cơ sở thì trường loại I mới được bố trí 2 phó hiệu trưởng, trường loại 2, 3 thì chỉ được bố trí 1 phó hiệu trưởng.

Nhưng, vẫn có nhiều trường đều bố trí tăng 1 phó hiệu trưởng, nhất là đối với trường loại II.

Điều này đã được minh chứng bằng số liệu cụ thể: Nghệ An hiện có 201 phó hiệu trưởng các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở thừa so với qui định.

Huyện Thanh Oai (Hà Nội) thừa 55 phó hiệu trưởng cấp trung học cơ sở và tiểu học; Huyện Krông Pắc (Đắk Lăk) thừa 32 phó hiệu trưởng [1].

Cũng tại Thông tư liên tịch này hướng dẫn rất cụ thể về định mức biên chế về các chức danh thư viện, thiết bị, văn thư- thủ quĩ, kế toán và y tế học đường như sau:

1. Trường tiểu học:  Biên chế viên chức làm công tác thư viện, thiết bị, văn phòng:

Công tác thư viện, thiết bị:  Trường hạng 1 được bố trí 2 biên chế; trường hạng 2, hạng 3 được bố trí 1 biên chế.

Công tác văn phòng (văn thư, thủ quỹ, kế toán, y tế trường học):

Trường hạng 1 được bố trí 3 biên chế : 01 văn thư và thủ quỹ, 01 kế toán, 01 y tế trường học;

Trường hạng 2, hạng 3 được bố trí 2 biên chế:  01  kế toán và văn thư, 01 y tế trường học và thủ quỹ.

2. Trường trung học cơ sở: Biên chế viên chức làm công tác thư viện, thiết bị, thí nghiệm, văn phòng:

Công tác thư viện: Mỗi trường được bố trí 01 biên chế;

Công tác thiết bị, thí nghiệm: Trường hạng 1 được bố trí 02 biên chế; trường hạng 2, hạng 3 được bố trí  01 biên chế;

Công tác văn phòng (văn thư, thủ quỹ, kế toán, y tế trường học):

Cần cắt bỏ biên chế lực lượng nào trong giáo dục? ảnh 2

Ngành giáo dục cần tinh giảm bao nhiêu biên chế quản lý?

Mỗi trường được bố trí 03 biên chế : 01 văn thư và thủ quỹ, 01 kế toán, 01 ytế trường học; trường có từ 40 lớp trở lên được bố trí thêm 01 biên chế [2].

Như vậy, trường loại II, III phần lớn các chức danh này có thể một người kiêm nhiệm hai chức danh nhưng phần lớn các trường thường bố trí mỗi chức danh 1 người.

Ngoài các chức danh trên thì trong các trường tiểu học và trung học cơ sở còn có các chức danh khác như: giáo viên phụ trách ngoài giờ, phổ cập, giáo viên làm công tác giáo dục cộng đồng…

Đối với thời gian làm việc thì những nhân viên này thực hiện chế độ làm việc 40 giờ/ tuần, tương đương với 5 ngày trực.

Nhưng cứ vào trường học chứng kiến thời gian làm việc của họ sẽ hiểu, họ có đủ lý do để đi trễ, để nghỉ. Thư viện thì sách vở cũ mèm, ít được đầu tư mua mới. Sách báo dành cho học sinh không có.

Hơn nữa, thời đại công nghệ thông tin cũng ít ai vào thư viện nên nhân viên thư viện chỉ có nhiệm vụ chủ yếu là mở cửa và quét phòng.

Nhân viên thiết bị thì cũng mở cửa mấy phòng công nghệ cho giáo viên dạy.

Phòng thiết bị Lý, Hóa thì giáo viên tự soạn đồ và tự cất, bởi cách bố trí nhân viên thiết bị hiện nay phần lớn là trái chuyên môn nên họ đâu có thể biết là thiết bị nào dạy cho bài nào mà soạn trước.

Hơn nữa thiết bị nhà trường phần lớn là hư và cũ nên giáo viên cũng ít sử dụng. Kế toán và thủ quĩ thì hàng tháng mới nhận lương và nhận tiền kinh phí một lần, hiện nay lương thì phần lớn đã trả qua thẻ nên họ cũng rất nhàn rỗi.

Nhân viên y tế thì khi học sinh, giáo viên bệnh mới chăm sóc, nhưng chỉ có đau bụng, nhức đầu, sổ mũi thì cho thuốc còn nặng hơn là chở ra bệnh xá của xã (phường) hoặc điện thoại cho người nhà đến đón…

Chính vì vậy, họ chỉ có gò bó về thời gian để đến trường còn công việc thì gần như chẳng có gì nhiều. Phần lớn là đến trường trò chuyện, đọc báo, chơi game online trên máy tính nhà trường.

Tuy nhiên, đội ngũ này phần lớn đều có phụ cấp chức vụ từ 0,1- 0,2 % và được hưởng 25% phụ cấp công vụ (do đơn vị tiết kiệm và chi trả theo quí).

Hiện nay, đối với cấp trung học cơ sở là cấp học thừa giáo viên nhiều nhất.

Trong báo cáo tổng kết học kỳ 1 năm học 2016-2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, hiện cả nước dôi dư giáo viên cấp trung học cơ sở là 21.005. 

Cần cắt bỏ biên chế lực lượng nào trong giáo dục? ảnh 3

Một vài tâm tư gửi Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ

Tuy nhiên, đây là cấp học bố trí nhân lực dễ dàng nhất. Bởi phần lớn giáo viên cấp học này có trình độ đào tạo là cao đẳng mà đào tạo cao đẳng trước đây là đào tạo 2 chuyên ngành học.

Môn này thừa, có thể bố trí sang dạy ngành khác. Tuy nhiên, thực tế thì nhiều nơi giáo viên đứng lớp thừa quá nhiều. Thậm chí có những môn, giáo viên chỉ dạy từ 5-10 tiết/ tuần.

Trong khi, theo qui định hiện hành thì mỗi giáo viên phải dạy 19 tiết/ tuần.

Hiện tượng thừa giáo viên trung học cơ sở xảy ra khắp nơi.

Mới đây, theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An, năm học 2017 - 2018 toàn tỉnh giảm 213 lớp so với năm học trước, tập trung nhiều ở các huyện Yên Thành, Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Đô Lương.

Việc giảm quy mô trường lớp dẫn tới “dư” gần 1.500 giáo viên, chủ yếu ở bậc trung học cơ sở.

Sự lãng phí nhất là hiện nay mỗi xã đều có một Trung tâm giáo dục cộng đồng.

Nghĩa là mỗi xã phải bố trí một giáo viên đảm nhận vị trí ở đây với chức danh là phó giám đốc Trung tâm giáo dục cộng đồng.

Tuy nhiên, các giáo viên làm việc ở các trung tâm này không có công việc cụ thể, hơn nữa, chức vụ giám đốc lại do 1 phó chủ tịch xã đảm nhận nên sự phân công công việc cũng không hề dễ dàng.

Thỉnh thoảng giáo viên làm công việc này ghé vào xã cho có mặt rồi cuối tháng nhận lương…ở trường.

Thế nhưng, hiện nay một số địa phương bố trí các giáo viên đảm nhận vị trí này toàn là các giáo viên lớn tuổi.

Mỗi tháng phải chi gần chục triệu tiền lương lại còn cái chức danh phó giám đốc nữa nên phải chi thêm tiền phụ cấp cấp chức vụ.

Tính đến ngày 18 tháng 8 năm 2017, Việt Nam có 11.164 đơn vị hành chính cấp xã, bao gồm 1.587 phường, 589 thị trấn và 9038 xã.

Như vậy, cũng đồng nghĩa có 11.164 ông bà phó giám đốc trung tâm giáo dục cộng đồng…ngồi chơi rồi hết tháng nhận lương. Một sự lãng phí vô cùng lớn.

Liệu chúng ta có cần duy trì các trung tâm giáo dục cộng đồng nữa hay không?

Giáo viên phụ trách phổ cập thì nhiều năm nay có mấy địa phương mở được lớp đâu nên chỉ có mỗi nhiệm vụ là “lấp” hồ sơ cho “hợp thức hóa” số học sinh bỏ học để mỗi năm 1-2 lần cấp trên về kiểm tra và công nhận “đạt chuẩn phổ cập” rồi thôi.

Thế nhưng, công việc này đang chiếm một lượng lớn thời gian của các nhà trường.

Mỗi trường, thường có 1 giáo viên đảm trách mảng này hoặc nếu thành viên ban giám hiệu đảm trách thì mỗi năm khi cấp trên về kiểm tra thì nhà trường phải huy động rất nhiều giáo viên vào làm phổ cập.

Tại sao chúng ta lại không thể gộp chức danh phó giám đốc Trung tâm giáo dục cộng đồng và giáo viên phụ trách phổ cập vào 1 cho đỡ lãng phí thêm nhân lực? Bởi 2 chức danh này cũng chỉ làm việc theo thời vụ mà thôi.

Từ những thực trạng như đã nêu ở trên, chúng tôi chợt nhớ về câu chuyện xưa: Sau khi rời khỏi ngai vàng, vua Trần Nhân Tông lên tu ở núi Yên Tử, lập nên thiền phái Trúc Lâm nổi tiếng.

Trong một lần, ông về thăm vua Trần Anh Tông xem con điều hành đất nước như thế nào, lần giở cuốn sổ ghi danh sách quan chức, thấy vua con phong quan nhiều quá, Thượng hoàng đã giận dữ ném cuốn sổ ra giữa sân rồng và nói như thét:

“Đất nước bé bằng bàn tay, quan nhiều như thế, dân làm sao sống nổi”. Câu nói đã mấy thế kỉ trôi qua nhưng vẫn còn nguyên giá trị đến tận bây giờ!.

Tài liệu tham khảo:

[1]http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Bo-nhiem-thua-pho-hieu-truong--trach-nhiem-thuoc-ve-ai-post180427.gd

[2]Thông tư Số: 35 /2006/TTLT-BGDĐT-BNV

Nguyễn Nguyên