Cao tốc Hà Nội - Bắc Giang: BOT trên đường Quốc lộ, chưa xứng để thu phí

19/07/2016 09:03
Mai Anh
(GDVN) - TS. Nguyễn Xuân Thủy khẳng định, đoạn cao tốc Hà Nội - Bắc Giang chưa xứng để được thu phí khi có nhiều bất cập chưa được giải quyết.

Có dấu hiệu tận thu BOT Hà Nội - Bắc Giang

Quốc lộ 1 tuyến giao thông huyết mạch nối trung tâm hành chính Hà Nội với các tỉnh Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Ninh nay được “băm” khúc chia ra từng đoạn đầu tư theo hình thức BOT.

Sau khi hoàn thành, tuyến được thay với tên gọi mỹ miều “cao tốc” nhưng chất lượng giao thông người dân được hưởng không tương xứng với đồng tiền bỏ ra.

Theo đó tuyến đường cao tốc Hà Nội - Bắc Giang thực chất là đoạn Quốc lộ 1 Hà Nội - Bắc Giang được nâng cấp, cải tạo không mở rộng theo hình thức hợp đồng BOT (đầu tư - kinh doanh - chuyển giao).

Dự án có chiều dài 45,8 km do Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại 319, Công ty cổ phần Đầu tư Văn Phú Invest làm chủ đầu tư.  

Cao tốc Hà Nội - Bắc Giang đoạn qua tỉnh Bắc Ninh không đủ tiêu chuẩn cao tốc khi không có đường gom nên cả xe máy ô tô cùng đi trên đường cao tốc/ ảnh nguồn ANTĐ
Cao tốc Hà Nội - Bắc Giang đoạn qua tỉnh Bắc Ninh không đủ tiêu chuẩn cao tốc khi không có đường gom nên cả xe máy ô tô cùng đi trên đường cao tốc/ ảnh nguồn ANTĐ

Tổng mức đầu tư dự án là 4.213 tỷ đồng, được thông xe vào tháng 1/2016 và ngày 25/5/2016, dự án được phép thu phí hoàn vốn thời gian thu phí 18 năm 7 tháng (tức khoảng năm 2035 sẽ kết thúc thu phí hoàn vốn)

Theo thiết kế, đường được nâng cấp thành tiêu chuẩn đường cao tốc, cho phép xe chạy với vận tốc 100 km/giờ. Tuy nhiên phản ánh của phần lớn lái xe ô tô đi trên tuyến đường này cho biết, với hiện trạng hạ tầng hiện nay tuyến đường Hà Nội - Bắc Giang không xứng với tên gọi cao tốc. 

Mức phí các phương tiện phải trả trên tuyến cao tốc Hà Nội - Bắc Giang.
Mức phí các phương tiện phải trả trên tuyến cao tốc Hà Nội - Bắc Giang.

Cụ thể, vị trí trạm thu phí tại Km152+080 Quốc lộ 1 (xã Phù Chẩn, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh) chỉ cách trạm thu phí Phù Đổng cũ (thuộc địa phận huyện Gia Lâm, Hà Nội) vài km, đồng nghĩa với việc, muốn vào Hà Nội hoặc đi Hà Nam, các phương tiện đi từ Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Ninh, Quảng Ninh (theo đường 1A) đều buộc phải qua trạm thu phí này. 

Hơn nữa, việc đặt trạm thu phí ngay đầu tuyến đường chỉ cách cầu Phù Đồng vài km khiến người dân có cảm giác đang bị tận thu. Không cần quan tâm đi toàn tuyến hay đi bao nhiêu km, chỉ cần qua trạm thu phí, các phương tiện đều bị thu cùng mức tiền theo nhóm xe.

Cao tốc Hà Nội - Bắc Giang: BOT trên đường Quốc lộ, chưa xứng để thu phí ảnh 3

Phải xử lý trách nhiệm cá nhân mới mong BOT minh bạch

(GDVN) - "Tại sao những anh tự thu phí BOT cao hơn, những anh phê duyệt cự ly vị trí trạm BOT không đúng khoảng cách không bị xử lý, cách chức”, TS Thủy đặt vấn đề.

Cao tốc Hà Nội - Bắc Giang: BOT trên đường Quốc lộ, chưa xứng để thu phí ảnh 4

Điểm danh những dự án BOT bị nghi vấn nhất hiện nay

(GDVN) - Quốc lộ 1A đoạn Hà Nội – Bắc Giang, Quốc lộ 1B Pháp Vân – Cầu Giẽ, Quốc lộ 51... là những dự án BOT đang bị dư luận đặt nhiều nghi vấn nhất hiện nay.

Từ đây đặt ra câu hỏi: Trên tuyến đường có nhiều lối rẽ vào các địa điểm như Từ Sơn, chùa Phật Tích... cách trạm thu phí khoảng 10 km, nếu chỉ đi trên đường khoảng 10 - 12km nhưng vẫn trả phí bằng với mức phí đi cả tuyến đường có hợp lý không?

Mặt khác theo quy định, cao tốc chỉ dành cho ô tô, xe máy và xe thô sơ phải đi vào đường gom, đi vòng.

Tuy nhiên tuyến cao tốc Hà Nội - Bắc Giang, đoạn qua tỉnh Bắc Ninh có chiều dài hơn 20km nhưng chủ đầu tư không xây dựng đường gom nên hiện các phương tiện xe máy, xe thô sơ vẫn đi trên cùng tuyến đường. 

Chưa xứng để thu phí

Trước những phản ánh thu phí BOT trên tuyến cao tốc Hà Nội - Bắc Giang, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, TS. Nguyễn Xuân Thủy - nguyên Giám đốc nhà xuất bản giao thông một người nhiều năm dành thời gian nghiên cứu giao thông đô thị cho rằng: Với những bất cập trên đoạn cao tốc Hà Nội - Bắc Giang chưa xứng để thu phí.

Theo TS. Nguyễn Xuân Thủy, nguyên tắc đi đường cao tốc đi bao nhiêu km trả tiền bấy nhiêu. Không thể đặt trạm thu phí BOT ngay đầu tuyến đường để thu chung một mức. Thay vào đó, ở mỗi nút giao thông đi ra khỏi đường cao tốc phải có trạm thu phí để từ đó đảm bảo công bằng cho người dân.

TS. Nguyễn Xuân Thủy cho rằng, với cách thu phí BOT kiểu “cào bằng” không căn cứ vào thực tế số km người dân đi sẽ khiến hiểu nhầm nhà đầu tư đang tận thu.

Cùng với đó, TS. Thủy nhấn mạnh đường cao tốc cho phép phương tiện chạy với vận tốc 100 km/h vì thế xe máy, xe thô sơ không được phép di chuyển trên tuyến đường để đảm bảo an toàn giao thông.

“Với việc hiện nay chưa có đường gom nên các phương tiện từ xe máy, ô tô cùng di chuyển trên tuyến đường sẽ dẫn đến: Thứ nhất hạn chế tốc độ di chuyển của xe ô tô do không dám đi nhanh vì có xe máy phương tiện thô sơ cùng di chuyển; Thứ hai, tiềm ẩn tai nạn giao thông”, TS. Thủy nói.

Theo đó TS. Thủy khẳng định, đoạn cao tốc Hà Nội - Bắc Giang chưa xứng để được thu phí khi có nhiều bất cập chưa được giải quyết.

Ông Thủy cũng nêu quan điểm, trên tuyến Quốc lộ 1 đoạn Hà Nội - Bắc Giang là tuyến đường chính nối Hà Nội với Lạng Sơn. Nguyên tắc người tham gia thông phải có sự lựa chọn đi đường BOT hay đường quốc lộ nhưng hiện nay với việc thực hiện BOT trên đường quốc lộ, độc đạo nên người dân không có lựa chọn, muốn đi buộc phải đóng phí. 

“Quan điểm của tôi không làm BOT trên quốc lộ, mà làm đường BOT phải song song với đường quốc lộ, phải luôn có sự lựa chọn cho người dân”, TS. Thủy cho biết.

Trước đó, trả lời Báo An ninh thủ đô, ông Lê Ngọc Tuyển - Giám đốc Sở Giao thông vận tải Bắc Ninh cho biết: Dự án cao tốc Hà Nội - Bắc Giang đoạn qua Bắc Ninh không có đường gom hai bên. Do đó, toàn bộ người dân sinh sống hai bên đường không có đường để lưu thông khi nhà đầu tư thực hiện phương án phân luồng cao tốc này.

“Nhà đầu tư phân luồng cho xe máy, xe thô sơ của người dân đi vào các đường nông thôn, đường vòng quanh nhưng chính chủ đầu tư còn không tìm ra đường, không đi được thì sao bắt người dân phải đi”, ông Lê Ngọc Tuyển bày tỏ.

Cũng liên quan tới vấn đề này, Công an tỉnh Bắc Ninh, UBND tỉnh Bắc Ninh, Ban An toàn giao thông tỉnh Bắc Ninh và thậm chí Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an đã có văn bản gửi Bộ Giao thông vận tải, kiến nghị một số điều vô lý đối với cao tốc Hà Nội - Bắc Giang đoạn qua Bắc Ninh.

Ông Nguyễn Tiến Nhường, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh cho biết, cao tốc Hà Nội - Bắc Giang có 20km chạy qua địa bàn tỉnh Bắc Ninh với 7 cầu vượt và 28 điểm đấu nối. Dự án BOT Hà Nội - Bắc Giang cải tạo, nâng cấp trên nền đường cũ, chỉ trải thêm bê tông nhựa, không mở rộng, không mở thêm làn cho phương tiện mô tô, xe máy và xe thô sơ và cũng không xây dựng đường gom. Do vậy, việc khai thác sử dụng Quốc lộ 1 theo tiêu chuẩn đường cao tốc (vận tốc thiết kế là 100km/h) là không hợp lý, tiêm ẩn nhiều nguy cơ dẫn đến tai nạn giao thông.
Mai Anh