Chế độ đối với học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số

03/09/2014 14:59
Luật gia Vũ Thuỳ Trang
(GDVN) - Nhà nước có chính sách trợ cấp và miễn giảm học phí cho người học là người dân tộc thiểu số ở vùng có điều kiện KTXH đặc biệt khó khăn.

Chế độ đối với học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số

Hiện tại, tôi là sinh viên năm thứ hai tại một trường đại học công lập và là người dân tộc thiểu số. Gia đình tôi nằm trong xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Đề nghị Phòng Tư vấn pháp luật và Bạn đọc Báo Giáo Dục Việt Nam cho biết, theo quy định của pháp luật hiện hành, tôi sẽ được hưởng những chính sách nào của nhà nước trong thời gian học tập tại trường?

Hoàng Văn Tuấn

Khoản 2 Điều 89 Luật giáo dục 2005 quy định: “Nhà nước có chính sách trợ cấp và miễn giảm học phí cho người học là đối tượng được hưởng chính sách xã hội, người dân tộc thiểu số ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, người mồ côi không nơi nương tựa, người tàn tật, khuyết tật có khó khăn về kinh tế, người có hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn vượt khó học tập”.

Điều 4 Thông tư liên tịch số 20/2014/TTLT-BGDĐT-BTC-BLĐTBXH hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 49/2010/NĐ-CP ngày  14.05.2010 của Chính phủ quy định về miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân từ năm học 2010 – 2011 đến năm học 2014 – 2015 và Nghị định số 74/2013/NĐ-CP ngày 15.07.2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 49/2010/NĐ-CP quy định các đối tượng được miễn học phí, trong đó bao gồm: - Học sinh, sinh viên học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học là người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo và hộ cận nghèo. Chuẩn hộ nghèo và hộ cận nghèo được thực hiện theo quy định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo từng thời kỳ; - Học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số rất ít người ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; Học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số rất ít người ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Người dân tộc thiểu số rất ít người bao gồm: La Hủ, La Ha, Pà Thẻn, Lự, Ngái, Chứt, Lô Lô, Mảng, Cống, Cờ Lao, Bố Y, Si La, Pu Péo, Rơ Măm, BRâu, Ơ Đu. Vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn theo quy định tại các văn bản theo luật định.

Đồng thời, Quyết đinh số 66/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ chi phí học tập đối với sinh viên là người dân tộc thiểu số học tại các sở sở giáo dục đại học có hiệu lực từ ngày 01.01.2014 quy đinh như sau: Sinh viên là người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo của Nhà nước thi đỗ vào đại học, cao đẳng hệ chính quy tại các cơ sở giáo dục đại học bao gồm: đại học, học viện, trường đại học, trường cao đẳng (không áp dụng với sinh viên cử tuyển, các đối tượng chính sách được xét tuyển, đào tạo theo địa chỉ, đào tạo liên thông, văn bằng hai, học đại học, cao đẳng sau khi hoàn thành chương trình dự bị đại học) được hỗ trợ chi phí học tập. Mức hỗ trợ chi phí học tập bằng 60% mức lương tối thiểu chung và được hưởng không quá 10 tháng/năm học/sinh viên.

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Như vậy, căn cứ các quy định nói trên, theo thông tin ông đã cung cấp, ông là sinh viên người dân tộc thiểu số tại trường đại học công lập, do đó, ông sẽ được hưởng các chế độ dành cho sinh viên là người dân tộc thiểu số khi ông thuộc một trong những đối tượng được hưởng theo các quy định đã trích dẫn ở trên. 

Lưu ý: Nội dung tư vấn chỉ mang tính tham khảo.

Để được tư vấn và nhận được sự trợ giúp của Phòng Tư vấn pháp luật của Báo Giáo dục Việt Nam, bạn đọc có thể liên lạc qua:

Điện thoại: 043.5569666;  0938.766.888

Email: phapluat@giaoduc.net.vn; hoặc

Trực tiếp tại trụ sở Báo Giáo Dục Việt Nam (Tầng 6, Tòa nhà 25T1, Khu N05, đường Hoàng Đạo Thúy, Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) vào các ngày thứ 3 và thứ 5 hàng tuần (từ 9h đến 11h).

Chuyên mục được thực hiện với sự hợp tác của Công ty Luật TNHH YouMe

Luật gia Vũ Thuỳ Trang