“Chết" vì từng đạt danh hiệu học sinh giỏi

06/03/2018 06:35
Thanh An
(GDVN) - Những năm tháng trên giảng đường em luôn tràn đầy niềm hy vọng và hạnh phúc. Vậy mà, khi ra trường thì cánh cửa cuộc đời đã vội đóng sập lại với em.

LTS: Kể câu chuyện có thật về những người thân, học trò của mình, thầy giáo Thanh An cho thấy thực trạng đáng buồn khi nhiều học sinh từng có thành tích, năng lực nhưng không thể theo đuổi với ước mơ nghề giáo của mình.

Toà soạn trân trọng gửi đến giới thiệu đến độc giả bài viết.

Một số em học sinh hay chọn ngành nghề tương lai cho mình bằng môn học mà mình đã từng tham gia thi học sinh giỏi ở cấp phổ thông.

Chính từ sự yêu thích môn học, chính từ hy vọng sẽ được theo đuổi môn mà mình đã đầu tư, yêu thích nhiều năm để thi đại học mà nhiều em phải ôm hận, dở dang cả sự nghiệp của mình.

Chúng tôi đã gặp nhiều những trường hợp như thế ở ngoài đời…

Tôi có một cô em gái đã tốt nghiệp ngành Sử của một trường đại học sư phạm có tiếng ở phía Bắc nhưng sau nhiều năm ra trường mà không xin được việc.

Bây giờ lấy chồng và đã có 2 đứa con lớn rồi nhưng em lại đi bán hàng ngoài chợ huyện.

Một số em học sinh hay chọn ngành nghề tương lai cho mình bằng môn học mà mình đã từng tham gia thi học sinh giỏi ở cấp phổ thông. (Ảnh minh hoạ: giaoducthoidai.vn)
Một số em học sinh hay chọn ngành nghề tương lai cho mình bằng môn học mà mình đã từng tham gia thi học sinh giỏi ở cấp phổ thông. (Ảnh minh hoạ: giaoducthoidai.vn)

Có lẽ ước mơ được làm cô giáo của em ngày càng trở nên xa vời và khó có cơ hội thực hiện.

Nhớ lại ngày học lớp 9, em tham gia đội tuyển thi học sinh giỏi môn Sử và đạt giải cấp tỉnh.

Tình yêu môn Sử vì thế mà lớn dần trong suy nghĩ của một cô bé tuổi mới lớn đã giúp em có thêm động lực để lên cấp trung học phổ thông vẫn trung thành với môn học mà mình đã có thành tích ở cấp trung học cơ sở.

Suốt 3 năm cấp trung học phổ thông, em vẫn dành tình yêu của mình cho môn Sử và tiếp tục đạt giải nhì học sinh giỏi ở lớp 12.

Rồi em vào đại học sư phạm với môn học mà mình đã từng gắn bó, yêu thích thời phổ thông.

Có lẽ những ngày trên giảng đường em chưa biết mình lại có kết cục bi thảm như lúc ra trường nên chỉ biết học và phấn đấu.

Em được kết nạp Đảng khi đang là sinh viên đại học, tham gia nhiều phong trào của Đoàn, của nhà trường, từng được nhận

Bằng khen của Trung ương Đoàn và tốt nghiệp đại học loại giỏi…

“Chết" vì từng đạt danh hiệu học sinh giỏi ảnh 2Sự ân hận muộn màng của những học sinh giỏi

Những năm tháng trên giảng đường em luôn tràn đầy niềm hy vọng và hạnh phúc.

Sự giỏi giang của em cũng nhen nhóm niềm tự hào cho cha mẹ, người thân.

Vậy mà, khi ra trường thì cánh cửa cuộc đời đã vội đóng sập lại với em.

Nhiều năm lắng nghe, theo dõi thông tin tuyển dụng, cũng chạy vạy, nhờ vả khắp nơi mà chưa một lần được đứng trên bục giảng kể từ ngày ra trường.

Thực tế các trường đang thừa giáo viên, nhất là đối với môn Sử mỗi tuần chỉ có 1 đến 1,5 tiết/ lớp nên nhu cầu về nhân lực môn học này không có.

Cuối cùng đành cất tấm bằng vào tủ làm kỷ niệm để…đi lấy chồng.

Nhiều năm dạy học, chúng tôi cũng đã từng chứng kiến một số em học sinh giỏi của nhà trường đã thi và đạt danh hiệu học sinh giỏi cấp tỉnh.

Trong số đó, có nhiều em xem danh hiệu này chỉ là tham gia cho có phong trào rồi sau đó cất vào kho kỷ niệm thì cũng có những em lại theo đuổi môn học mà mình đã từng đạt giải vì quá đam mê.

Có một em đã từng đạt giải nhất môn Giáo dục công dân lớp 9 cấp tỉnh rồi lên cấp 3 lại tiếp tục đạt giải học sinh giỏi môn học này và sau đó thi vào khoa sư phạm chính trị của 1 trường đại học để sau này tiếp tục được kế nghiệp thầy cô của mình.

Thế nhưng, ra trường lại không phải thời điểm mà ngành sư phạm thiếu nhân lực nên em đã tham gia thi tuyển dụng nhiều năm mà vẫn trượt.

Nhiều năm qua, ở địa phương chúng tôi tuyển dụng bằng hình thức thi tuyển. Nhưng, môn Giáo dục công dân thì mỗi tuần chỉ có 1 tiết/ lớp.

Như vậy các trường loại 2-3 chỉ cần 1 giáo viên là đảm nhận đủ số tiết quy định cho môn học.

Vì thế, cơ hội để các em sinh viên ra trường phải nói là rất nhỏ.

“Chết" vì từng đạt danh hiệu học sinh giỏi ảnh 3Học sinh thường đã chả thèm vào sư phạm, sao mơ đến học sinh giỏi!

Mỗi năm tỉnh chỉ vài chỉ tiêu cho môn học này nhưng trường đại học trong tỉnh mỗi năm đào tạo 1 lớp với mấy chục sinh viên.

Đó là chưa kể các sinh viên học ở các trường đại học sư phạm ngoài địa bàn tỉnh, rồi các em sinh viên “ế” từ các năm trước dồn ứ lại.

Vậy nên, tỉ lệ chọi khi tuyển dụng cao gấp nhiều lần khi thi tuyển sinh vào đại học.

Có trường chỉ có 1 chỉ tiêu tuyển dụng thì có đến hàng chục hồ sơ đăng ký thi nên đa phần các em thi chỉ với mục đích là có thêm… kinh nghiệm để năm sau thi tiếp.

Vì thế, nhiều em sinh viên sư phạm khi ra trường mà vẫn muốn đi dạy thì chủ yếu là xin vào các trung tâm gia sư để trả bài cho học sinh và đây cũng là cơ hội để các em gần gũi với học trò và chuyên môn của mình đã được đào tạo.

Một số em thì ngày đi phụ quán cà phê, tối thì đi gia sư cho học trò để kiếm thêm thu nhập và cũng là để trau dồi chuyên môn cho mình.

Là một giáo viên dạy Văn và năm nào cũng ôn học sinh giỏi môn Văn, có nhiều em đạt giải các cấp nhưng những năm qua chúng tôi không dám tư vấn cho học trò theo đuổi môn Văn mà chỉ dám định hướng các em học giỏi Văn để thi tốt nghiệp và đăng kí thi, xét tuyển vào các trường đại học đối với các ngành khối D (Toán, Anh, Văn).

Bởi, thực tế định hướng vào môn của thầy cũng đồng nghĩa cơ hội việc làm sau khi ra trường gần như rất hiếm và thậm chí là không có cơ hội.

“Chết" vì từng đạt danh hiệu học sinh giỏi ảnh 4Học xong mà thất nghiệp thì đời nào người giỏi lại vào sư phạm

Như vậy, vừa có lỗi với học trò, vừa lãng phí thời gian học tập đầu tư của các em và gia đình.

Ngày trước, khi chúng tôi học phổ thông (những năm cuối của thế kỷ XX), thầy cô luôn định hướng thi sư phạm và khi mỗi kì thi đi qua thì thầy cô rất vui khi học trò của mình đỗ được vào sư phạm.

Những năm đó, ngành sư phạm điểm thường rất cao bởi vừa được miễn học phí mà ra trường chưa có khái niệm xin việc và thất nghiệp.

Còn bây giờ, những em vào sư phạm là sự thờ ơ, thương cảm của nhiều người.

Vì thế, dù rất chạnh lòng nhưng không mấy thầy cô dám tư vấn cho trò của mình vào sư phạm.

Dự thảo luật tới đây là từ năm học này ngành sư phạm chỉ tuyển học sinh giỏi vào đại học và học sinh khá vào sư phạm rất khó trở thành hiện thực.

Muốn làm được điều này thì trước hết ngành giáo dục và các địa phương hãy tuyển hết các em sinh viên sư phạm tốt nghiệp loại khá giỏi đang thất nghiệp ở địa bàn của mình trước đã.

Nếu không, sức hút của ngành sư phạm chẳng có gì đảm bảo cho dự thảo mà Bộ giáo dục đang lấy ý kiến của công luận.

Thanh An