"Chỉ nhìn lý lịch, rất khó đánh giá tâm đức, năng lực của Đại biểu Quốc hội"

19/07/2016 06:59
Ngọc Quang
(GDVN) - GS.TS Nguyễn Minh Thuyết chia sẻ, cần phải tổ chức các cuộc tranh cử trực tiếp để người dân đánh giá chính xác hơn về cái tâm, trình độ của đại biểu.

Cuộc bầu cử Quốc hội khóa XIV được đánh giá là cơ bản đã đạt được kết quả tốt đẹp, tuy vậy vẫn cần có những đánh giá thẳng thắn, nêu ra bất cập, tồn tại nhằm đạt được kết quả tốt hơn trong lần bầu cử tiếp theo.

Trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đánh giá: "Cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp đã diễn ra đúng kế hoạch, an toàn, bầu được đủ số đại biểu để các cơ quan dân cử khóa mới hoạt động.

Theo tổng kết thì có tới 98,77% cử tri cả nước đã đi bầu, đó là tỷ lệ không tưởng đối với rất nhiều nước. Hầu hết các chỉ tiêu đề ra đã đạt được.

Ví dụ, số Đại biểu Quốc hội trúng cử là 496/500 chỉ tiêu; tỷ lệ các thành phần đại diện cho người dân tộc ít người, tỷ lệ nữ cũng đạt yêu cầu; đại biểu có trình độ trên đại học chiếm 62,50%, trình độ đại học 36,30%.

Người dân hy vọng các đại biểu dân cử sẽ luôn đi sâu đi sát, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của cử tri, tích cực hoạt động, đưa ra những quyết sách đúng đắn phù hợp với tâm nguyện của cử tri, đáp ứng yêu cầu xây dựng một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, một nước Việt Nam tự chủ, hùng cường, thân thiện".

GS.Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, cần có các cuộc tranh luận trực tiếp để người dân có căn cứ chính xác hơn khi lựa chọn Đại biểu Quốc hội và Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp. ảnh: Giáo dục Việt Nam.
GS.Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, cần có các cuộc tranh luận trực tiếp để người dân có căn cứ chính xác hơn khi lựa chọn Đại biểu Quốc hội và Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp. ảnh: Giáo dục Việt Nam.

Bên cạnh đó, GS.Nguyễn Minh Thuyết cũng thẳng thắn chỉ ra 4 điểm cần phải rút kinh nghiệm sâu sắc, để cuộc bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp những khóa tới đạt được kết quả tốt hơn:

Thứ nhất, qua hoạt động 2 khóa ở Quốc hội, tôi thấy mỗi lần bầu cử, hầu hết đại biểu là người lần đầu tham gia cơ quan dân cử, chưa có kinh nghiệm hoạt động, kinh nghiệm phân tích chính sách, bởi vậy việc thực hiện các nhiệm vụ lập pháp, giám sát và quyết định các dự án kinh tế - xã hội chưa thành thạo.

Có lẽ nên nghiên cứu để mỗi lần bầu, chỉ bầu mới khoảng 1/3 đại biểu thôi để có người mới người cũ hỗ trợ nhau hoạt động.  

"Chỉ nhìn lý lịch, rất khó đánh giá tâm đức, năng lực của Đại biểu Quốc hội" ảnh 2

Tổng Bí thư yêu cầu đánh giá về hạn chế, bất cập trong công tác bầu cử

Thứ hai, cần phải xem lại quy trình lựa chọn ứng cử viên; nếu cần thì sửa Luật Bầu cử để quy trình hợp lý và hiệu quả hơn.

Ví dụ, ứng cử viên phải lấy được chữ ký giới thiệu của một số lượng cử tri nhất định, trong đó có trên 50% cử tri nơi làm việc và trên 50% cử tri nơi thường trú mới đủ điều kiện đăng ký ứng cử.

Mặt trận Tổ quốc các cấp chỉ hiệp thương để giới thiệu người của Mặt trận và các tổ chức thành viên Mặt trận cấp đó ra ứng cử; không làm thay cử tri cả nước và cử tri địa phương trong việc lựa chọn ứng cử viên Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp.

Thứ ba, cần phải tạo điều kiện để những người ứng cử tranh luận trực tiếp, qua đó góp phần cung cấp thông tin và nâng cao giác ngộ cho người dân, giúp nhân dân đánh giá chính xác hơn, lựa chọn được đại biểu thực sự xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân.

GS.Thuyết phân tích: “Nhiều người ứng cử không phải Đảng viên và không có chức vụ, nếu người dân chỉ nhìn vào bản lý lịch thôi thì không thể đánh giá đúng được tâm đức, năng lực thực sự của họ.

Như vậy, rất dễ xảy ra khả năng bỏ qua những ứng cử viên có đức có tài nhưng không có chức có quyền”.

"Chỉ nhìn lý lịch, rất khó đánh giá tâm đức, năng lực của Đại biểu Quốc hội" ảnh 3

“Đã chạy chức, chạy quyền thì chẳng mấy ai chịu lỗ”

Ông tâm sự: “Tôi năm nay gần 70 tuổi, cũng đã từng làm Đại biểu Quốc hội 2 khóa. Thế mà lần bầu cử này mới là lần đầu tiên được mời tham gia tiếp xúc với các ứng cử viên đại biểu Hội đồng nhân dân phường.

Còn ở các cấp cao hơn nữa thì chưa bao giờ được mời tiếp xúc với ứng cử viên hoặc đại biểu.

Tại buổi tiếp xúc với các ứng cử viên bầu Hội đồng nhân dân phường, tôi thấy những người dự họp rất nghiêm túc. Một số cụ đã ngoài 80 tuổi, từng giữ cương vị cao trong chính quyền đến rất sớm, ghi chép cẩn thận và còn rất tích cực góp ý với các ứng viên.

Nhưng tôi cũng phải nói thật là trong một buổi tiếp xúc ngắn ngủi như vậy mà có 7 ứng cử viên cùng trình bày thì người dân không thể đủ thời gian để có thể hỏi đáp, trao đổi, cân nhắc, đánh giá chính xác.

Thông tin về các ứng viên đã được gửi tới nhà của cử tri, tuy nhiên chỉ có lý lịch thôi, chứ không có chương trình hành động kèm theo.

Lẽ ra phải có chương trình hành động kèm theo để cử tri đọc trước, sau đó tổ chức nhiều cuộc tiếp xúc để người dân hỏi các ứng cử viên, qua đó sẽ đánh giá được tâm huyết và năng lực của từng người”.

Thứ tư, sau cuộc bầu cử vừa qua, một số ứng cử viên hoạt động rất năng nổ tại Quốc hội khóa XIII, thường có những phát biểu hết sức thẳng thắn thì lại không trúng cử Đại biểu Quốc hội khóa XIV.

“Tôi lấy ví dụ như trường hợp bà Bùi Thị An là Đại biểu Quốc hội khóa XIII hoạt động rất năng nổ, phát biểu rất thẳng thắn, nhưng không trúng cử Quốc hội khóa XIV.

Qua đây, phải xem lại việc sắp xếp danh sách các ứng cử viên tại từng điểm bầu cử. Để việc sắp xếp danh sách ứng cử viên hợp lý hợp tình, tốt nhất là để ứng cử viên tự chọn địa bàn ứng cử.

Tôi mong rằng qua cuộc bầu cử lần này, các cơ quan hữu quan của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có những đánh giá, rút kinh nghiệm sâu sắc để những lần bầu cử sau đạt kết quả tốt hơn”, GS.Thuyết chia sẻ.

Ngọc Quang