Chiến thuật thay đổi nguyện vọng, một bấm ăn liền

18/07/2018 07:00
Thùy Linh
(GDVN) - Nếu chỉ cố để có cơ hội đỗ, các bạn đăng kí nhiều nguyện vọng, mỗi nguyện vọng vào một ngành khác nhau thì định hướng nghề nghiệp của các bạn sẽ phân tán.

Ngày 19/7 - 28/7 sắp tới, thí sinh sẽ chính thức được điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển của mình duy nhất 1 lần. 

Với điểm thi của mình, đến nay nhiều thí sinh lo lắng khả năng trúng tuyển, phân vân chưa biết điều chỉnh thế nào, chọn trường – chọn ngành ra sao? 

Chọn theo đam mê hay chọn theo số đông?

Chọn nghề yêu thích hay chọn trường hot?...

Trước băn khoăn này, tại Ngày hội tư vấn xét tuyển 2018, các thầy cô đều khuyên thí sinh rằng: “Cần chọn nghề trước khi chọn trường”. 

Theo nhiều chuyên gia, khi đăng ký xét tuyển trước hết thí sinh hãy chọn một ngành, nhóm ngành phù hợp với mình và đăng kí nhiều nguyện vọng vào nhóm ngành đó. (Ảnh: Thùy Linh)
Theo nhiều chuyên gia, khi đăng ký xét tuyển trước hết thí sinh hãy chọn một ngành, nhóm ngành phù hợp với mình và đăng kí nhiều nguyện vọng vào nhóm ngành đó. (Ảnh: Thùy Linh)

Theo đó, Phó giáo sư Trần Văn Tớp- Phó hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng thí sinh phải thực sự cân nhắc trước khi chọn ngành học. 

Bởi lẽ ông Tớp chỉ ra thực tế rằng, ngay tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, có những ngành điểm chuẩn cao, thí sinh cũng đạt điểm rất cao để trúng tuyển, nhưng hoá ra chỉ chọn ngành theo phong trào, đến khi vào học rồi mới nhận ra mình không thích ngành học đó. 

Do đó, ông Tớp đưa ra lời khuyên: “Trong bối cảnh hiện nay, thí sinh cần xác định có thể học hoặc không học đại học, cao đẳng vẫn có thể lập nghiệp. Song, nếu được học, được đào tạo bài bản thì cơ hội sẽ lớn hơn. 

Trong khi đó, Tiến sĩ Đào Trọng Tùng - Trưởng ban Quản lý đào tạo, Học viện Tài chính tư vấn rằng:  

"Hoặc là các bạn chọn trường và đăng kí nguyện vọng vào các ngành khác nhau của trường. Hoặc các bạn chọn ngành yêu thích, phù hợp và đăng kí nguyện vọng vào ngành đó của nhiều trường khác nhau" . 

Chiến thuật thay đổi nguyện vọng, một bấm ăn liền ảnh 2Những thí sinh nào đủ điều kiện vào ngành công an, quân đội?

Còn theo kinh nghiệm tư vấn hướng nghiệp một thời gian khá dài của Phó giáo sư Phạm Mạnh Hà (Đại học Giáo dục – Đại học Quốc gia Hà Nội), vị này đưa ra lời khuyên với các thí sinh rằng: 

"Nếu chỉ cố để có cơ hội đỗ, các bạn đăng kí nhiều nguyện vọng, mỗi nguyện vọng vào một ngành khác nhau thì định hướng nghề nghiệp của các bạn sẽ phân tán.

Có thể các bạn sẽ trúng tuyển vào một ngành nào đó nhưng lại không chọn được nghề phù hợp và sớm muộn sẽ thất vọng.

Vì thế, trước hết hãy chọn một ngành, nhóm ngành phù hợp với mình và đăng kí nhiều nguyện vọng vào nhóm ngành đó.

Các bạn vẫn có thể có nhiều có hội nhưng chắc chắn sẽ chọn được nghề mình mong muốn" - thầy Phạm Mạnh Hà tư vấn.

Ngoài ra, thầy Hà cũng nói thêm, việc thí sinh thay đổi nguyện vọng xét tuyển dựa trên điểm chuẩn của 2 năm trước với hi vọng rằng có thể đỗ đại học sẽ làm xáo trộn toàn bộ những thứ tự sắp xếp nguyện vọng lúc đầu.

Chiến thuật thay đổi nguyện vọng, một bấm ăn liền ảnh 3Cả nước có 23.929 thí sinh đạt điểm khối A từ trên 19 tới 20 điểm

Tuy nhiên, trên thực tế điều này khiến rất nhiều thí sinh đã đỗ một cách oan ức hoặc trượt một cách oan ức.

“Các em sợ rằng mình sẽ trượt nên đã rút nguyện vọng ban đầu đi để đẩy nguyện vọng các trường có điểm chuẩn năm ngoái thấp hơn lên số nguyện vọng 1, 2, 3.

Đến khi tiến hành xét điểm các hồ sơ, nếu đỗ ngay từ nguyện vọng 1 thì các em sẽ mất cơ hội để vào ngành, trường mình thực sự thích bởi các em đã xếp vào các nguyện vọng sau”, Phó giáo sư Hà phân tích.

Theo thầy Hà, nếu tất cả các thí sinh cùng đổi nguyện vọng thì sẽ tạo ra một độ “ảo” nhất định về điểm chuẩn. Vì vậy, có nhiều trường top dưới, top giữa tăng 2-3 điểm chuẩn, trong khi đó các trường top trên thường ít bị thay đổi hơn.

Thùy Linh