Chính phủ trong sạch vừa là lợi thế cạnh tranh, vừa là niềm tự hào

17/05/2016 07:40
Hồng Thủy
(GDVN) - Để có được niềm tin phải mất nhiều thời gian công sức xây dựng, nhưng để mất nó thì rất nhanh.

The Straits Times ngày 14/5 đăng bài tham luận của Thủ tướng Cộng hòa Singapore Lý Hiển Long nêu bật 4 kinh nghiệm của đảo quốc này trong việc chống tham nhũng mà ông sẽ phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh chống tham nhũng tổ chức tại London, Anh quốc tuần này.

Thủ tướng Cộng hòa Singapore Lý Hiển Long, ảnh: todayonline.com.
Thủ tướng Cộng hòa Singapore Lý Hiển Long, ảnh: todayonline.com.

Mở đầu bài viết, Thủ tướng Lý Hiển Long khẳng định: "Tham nhũng là một thảm họa không bao giờ có thể được dung thứ. Các quốc gia đã cố gắng bằng mọi cách để chống lại nó. Họ tạo ra các cơ quan chống tham nhũng. Họ thông qua các đạo luật mạnh mẽ. Họ ban hành quy tắc ứng xử cho công chức. Các công ty cam kết sẽ kinh doanh trong sạch. 

Tuy nhiên, thường thì tham nhũng vẫn là vấn đề cố hữu, là một loại ung thư trong xã hội. Làm thế nào Singapore đã đạt được thành công nhất định trong việc xóa bỏ tham nhũng?" Thủ tướng Lý Hiển Long đặt câu hỏi. Ông đưa ra 4 yếu tố dẫn đến thành công của đảo quốc Sư tử.

"Đầu tiên, chúng tôi được thừa hưởng một hệ thống trong sạch và làm việc từ chính quyền thuộc địa Anh. Chúng tôi đã có rất nhiều lý do thuyết phục để muốn chấm dứt chế độ thực dân và làm chủ vận mệnh của chính mình. Tuy nhiên điều đáng mừng là, người Anh đã để lại Singapore một hệ thống làm việc và bộ máy luật pháp lành mạnh của Anh, một hệ thống dịch vụ dân sự hoạt động và một nền tư pháp trung thực, hiệu quả.

Quan trọng hơn là các viên chức Dịch vụ Thuộc địa (của Anh) luôn duy trì hệ thống tiêu chuẩn cao. Những người như ngài William Goode - Toàn quyền cuối cùng và là Quốc trưởng đầu tiên của nhà nước, đã có ý thức trách nhiệm trong việc quản lý. Sau Singapore, William Goode từng là Thống đốc Bắc Borneo tại bang Sabah, Malaysia.

Ông đã để lại ấn tượng tại Bắc Borneo như tại Singapore. Ngay cả các thế hệ sau này, người dân Sabah vẫn nhớ đến ông ấy một cách đầy trìu mến.

Thứ hai, khi người Anh rời khỏi đây, các nhà lãnh đạo tiên phong của chúng tôi đã xác định phải giữ cho hệ thống bộ máy thật trong sạch. Đảng Nhân dân hành động (PAP) lên nắm quyền đầu tiên vào năm 1959 khi Singapore đạt được quyền tự trị. Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là PAP không chiến đấu bằng trí tuệ để giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử năm 1959.

Đất nước này khi đó phải đối mặt với vô số vấn đề: Đói nghèo, sức khỏe cộng dồng yếu kém, thiếu hụt nhà ở trầm trọng, một nền kinh tế trì trệ và một dân số bùng nổ. Phải chăng PAP muốn kế thừa những vấn đề này? Tại sao không trở thành một đảng đối lập mạnh mẽ để một đảng khác lãnh đạo và thất bại?

Những vấn đề mang tính quyết định đối với ông Lý Quang Diệu - Thủ tướng Chính phủ do đảng chúng tôi thành lập và các cộng sự của ông chính là, cẩn trọng ngăn chặn sự suy thoái các dịch vụ công ích. Một chính phủ đã yếu kém, tham nhũng và không đủ năng lực thì không bao giờ còn có thể hợp tác được nữa. Vì vậy PAP đã chiến đấu để giành chiến thắng và thành lập chính phủ.

Chính phủ trong sạch vừa là lợi thế cạnh tranh, vừa là niềm tự hào ảnh 2

Singapore học hỏi cựu thù để phát triển phồn vinh

(GDVN) - Chúng ta gặp nhau không phải để nhen nhóm lại ngọn lửa cũ của hận thù, cũng không phải đòi nợ máu.

Khi Chính phủ mới tuyên thệ nhậm chức, ông Lý Quang Diệu và các cộng sự của mình mặc sơ mi trắng, quần trắng. Nó tượng trưng cho quyết tâm của họ để giữ cho Chính phủ trong sạch và liêm khiết. Điều đó đã thiết lập nên phong cách Singapore tự bấy giờ.

Thứ ba, với ý chí chính trị mạnh mẽ, chúng tôi thể chế hóa hệ thống khung luật pháp toàn diện chống tham nhũng, thực thi pháp luật, dịch vụ công mạnh mẽ và dài hạn. Chúng tôi đã ban hành đạo Luật Phòng chống tham nhũng (PCA), trong đó đặt nghĩa vụ chứng minh cho các bị cáo để thấy rằng ông / bà ta đã sở hữu tài sản một cách hợp pháp.

Bất kỳ sự giàu có nào không giải thích được, không tương xứng với nguồn thu nhập sẽ bị điều tra và có thể bị tịch thu. PCA có hiệu lực kể cả bên ngoài phạm vi lãnh thổ, do đó các hành động tham nhũng của công dân Singapore ở nước ngoài sẽ được xử lý giống như hành động của công dân Singapore ở trong nước, cho dù hành vi tham nhũng ấy có hậu quả đối với Singapore hay không.

Cơ quan chống tham nhũng của chúng tôi, Cục Điều tra Tham nhũng (CPIB) có nguồn lực đầy đủ và hoạt động độc lập. Họ có quyền điều tra bất cứ người nào, ngay cả cảnh sát và các Bộ trưởng, đồng thời có nhiệm vụ giáo dục cộng đồng và nâng cao nhận thức, định hình các chuẩn mực xã hội. 

Chúng tôi trả lương công chức công bằng và quy chuẩn thực tế với thu nhập như khu vực tư nhân. Ngược lại, chúng tôi đòi hỏi tiêu chuẩn rất cao về sự liêm chính và hiệu suất làm việc.

Thứ tư, chúng tôi đã nỗ lực chạy đua với thời gian để phát triển một xã hội và nền văn hóa nói không với tham nhũng. Singapore mong đợi và đòi hỏi một hệ thống trong sạch. Họ không tha thứ, không chấp nhận hiện tượng "bôi trơn xã hội" để đi tắt. Họ sẵn sàng tố cáo hành vi tham nhũng khi họ gặp phải chúng.

Người Singapore tin tưởng rằng luật pháp phải áp dụng cho tất cả, và Chính phủ sẽ thực thi pháp luật mà không sợ hãi hay thiên vị, ngay cả khi nó có thể vụng về hoặc lúng túng.

Các doanh nghiệp có niềm tin rằng, ở Singapore các quy tắc về minh bạch và công bằng được áp dụng. Có một câu chuyện kể về doanh nhân từ một nước châu Á sang thăm Singapore làm ăn. Ông bối rối không biết tỉ lệ chiết khấu hối lộ cho quan chức ở các cấp độ khác nhau của chính phủ là bao nhiêu, và ông ta kết luận sai rằng, chắc phải chi rất cao.

Singapore đã đạt được một số thành công trong tiêu diệt tham nhũng, nhưng chúng tôi không ảo tưởng rằng chúng tôi đã giải quyết được vấn đề này một cách hoàn toàn hay vĩnh viễn. Tham nhũng được chi phối bởi bản chất lòng tham của con người. Tuy nhiên dù hệ thống có nghiêm ngặt và chặt chẽ thì đôi khi một số cá nhân vẫn có thể vi phạm vì cám dỗ.

Chính phủ trong sạch vừa là lợi thế cạnh tranh, vừa là niềm tự hào ảnh 3

Việt Nam có thể khai thác được gì từ chuyến thăm của Tổng thống Mỹ?

(GDVN) - Mỹ là nước duy nhất có thể lập lại trật tự trên Biển Đông trước hành động leo thang của Trung Quốc. Do đó Việt Nam nên tận dụng tối đa.

Khi đó chúng tôi chắc chắn rằng họ sẽ bị bắt và xử lý nghiêm. Hai năm trước, chúng tôi đã truy tố một trợ lý của CPIB vì biển thủ 1,7 triệu USD. Chúng tôi giữ cho hệ thống của mình trong sạch không chỉ cho bản thân, mà còn duy trì và bảo vệ uy tín quốc tế của mình.

Do đó chúng tôi xử lý nghiêm ngay cả những cá nhân hoặc tổ chức lợi dụng các tổ chức tài chính tại Singapore để rửa tiền hoặc giao dịch các nguồn lợi bất chính có được từ tham nhũng. Chúng tôi rất sốt sắng trong việc bảo vệ tính toàn vẹn của Singapore với tư cách một trung tâm tài chính - trung tâm kinh doanh.

Có câu ngạn ngữ Trung Quốc đại ý, thượng bất chính hạ tắc loạn. Giữ một hệ thống trong sạch phải bắt đầu từ người đứng đầu. Một sĩ quan Singapore khi tham gia một khóa đào tạo ở nước ngoài đã từng được bạn học đặt câu hỏi, Singapore làm thế nào để giữ bộ máy nhà nước trong sạch.

Anh ta giải thích về hệ thống của chúng tôi và vai trò trung tâm của CPIB, bạn anh ta truy vấn tiếp, vậy CPIB sẽ báo cáo ai? Anh ta ngây thơ trả lời rằng, CPIB báo cáo trực tiếp cho Thủ tướng. Điều này càng khiến anh ta bối rối hơn trước những câu hỏi. Mãi về sau, anh chàng sĩ quan Singapore này mới hiểu tại sao. Câu hỏi thực sự anh gặp phải là, ai sẽ giám sát những người giám sát?

Không có công thức để trả lời câu hỏi ngàn xưa này, nhưng chúng tôi quyết tâm duy trì các tiêu chuẩn cao nhất về sự liêm chính từ lãnh đạo cao nhất của Chính phủ trở xuống. Năm 1996 xuất hiện tin đồn rằng ông Lý Quang Diệu và tôi đã được ưu đãi bất hợp pháp khi mua tài sản. Sau đó Thủ tướng Chính phủ đương nhiệm ông Goh Chok Tong ra lệnh điều tra và kết luận thông tin này không đúng.

Ông đưa vấn đề ra Quốc hội và tổ chức một phiên điều trần kéo dài 3 ngày. Cả ông Lý Quang Diệu và tôi phải trả lời chất vấn. Trong tuyên bố của mình, ông Lý Quang Diệu cho biết: "Tôi rất tự hào và hài lòng rằng, không có ngoại lệ về các câu hỏi giám sát kỹ lưỡng dành cho tôi và con trai mình - Phó Thủ tướng Chính phủ.

Quan trọng nhất là Singapore vẫn là một nơi không ai được ở trên sự giám sát kỹ lưỡng, bất kỳ câu hỏi nào về tính trong sạch của một quan chức dù cao cấp đến đâu mà có được lợi ích thông qua hành vi tham nhũng hay lợi dụng ảnh hưởng cá nhân đều phải được điều tra".

Để có được niềm tin phải mất nhiều thời gian công sức xây dựng, nhưng để mất nó thì rất nhanh. Chúng tôi đã trải qua hơn 50 năm xây dựng niềm tin ở Singapore, tính toàn vẹn của Chính phủ, hệ thống và những viên chức chính phủ chịu trách nhiệm với sự thành công của Singapore.

Chúng tôi xác định rằng, sự toàn vẹn và danh tiếng không bao giờ được để suy yếu, về lâu dài nó vừa là lợi thế cạnh tranh, vừa là niềm tự hào của Singapore."

Hồng Thủy