Chọn lãnh đạo cũng phải thi tuyển, sao lại cấm thi vào lớp 6?

25/05/2015 04:00
Ngọc Quang (ghi)
(GDVN) - Ths. Lê Tuệ Minh: "Những bài thi tiêu chuẩn không lẽ lại không tốt và minh bạch hơn việc xét tuyển bằng những tiêu chí mơ hồ, khó định lượng, khó xác định?"

Căn cứ vào Chỉ thị của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cuối tháng 5 này, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội sẽ công bố phương án tuyển sinh đầu cấp. Tuy nhiên, đến lúc này vẫn còn rất nhiều ý kiến cho rằng, việc cấm thi tuyển đầu vào lớp 6 là quá vội vàng.

Theo nhận định của Ths. Lê Tuệ Minh - Chủ tịch Điều hành Trường phổ thông song ngữ liên cấp Wellspring, đây là một mệnh lệnh hành chính, nhưng chưa phù hợp với thực tế, vì việc xét tuyển này mơ hồ, khó định lượng.

Không thể áp đặt một cách làm cho tất cả các trường

Thực ra, tôi luôn cho rằng trong bất kỳ lĩnh vực gì, xã hội luôn có nhiều nhu cầu và điều kiện đa dạng khác nhau nên khó có thể đưa ra một giải pháp quản lý, một đáp số chung, áp đặt cho toàn xã hội như kiểu Chỉ thị của Bộ giáo dục số 1258 về việc “Cấm thi tuyển sinh vào lớp 6” với tất cả các trường THCS là giải quyết được các vấn đề hiện nay.

Việc thi tuyển sinh vào lớp 6 thực sự chỉ phát sinh khi “cung” thấp hơn “cầu”. Đó là một hiện tượng rất tự nhiên và về bản chất không tự nó gây ra việc “học thêm, luyện thi quá tải hay chạy điểm, chạy trường”.

Việc tham gia tuyển sinh đa phần là hoàn toàn tự nguyện và do nhu cầu tự thân của chính học sinh và phụ huynh đó chứ không phải do họ không có trường để học vì về mặt lý thuyết, mạng lưới trường học theo quy hoạch đúng tuyến luôn phải đủ đáp ứng cho nhu cầu phổ cập giáo dục đến cấp cần phổ cập.

Tôi cho rằng một cách tự thân, con người luôn phấn đấu tìm kiếm, cố gắng nỗ lực tối đa để vươn lên đạt được những vị trí tốt hơn. Việc thi tuyển sinh vào những trường chuyên, trường tốt cũng nằm trong quy luật rất logic và con người đó.

Và cũng rất hợp với lẽ thường là việc những trường như vậy chọn cách thức tổ chức thi tuyển để chọn được những học sinh phù hợp trong số nhiều học sinh nộp đơn vì về mặt lý thuyết, chính là cách thức công bằng nhất, chọn học sinh bằng chính năng lực của các em. Tiêu chí thi tuyển càng rõ ràng bằng các bài thi tiêu chuẩn thì tôi cho rằng trường đó càng minh bạch.

Giờ việc chọn lựa “công chức” hay kể cả “lãnh đạo các ban ngành” bằng phương cách thi tuyển đang được cả xã hội đồng tình và mong mỏi ngày càng được nhân rộng và được coi như “giải pháp” cho sự minh bạch và phát triển của toàn xã hội cơ mà?

Ths. Lê Tuệ Minh: Việc dùng những bài thi tiêu chuẩn đã được thiết kế bởi các chuyên gia giáo dục không lẽ lại không tốt và minh bạch hơn việc xét tuyển bằng những tiêu chí “mơ hồ, khó định lượng, khó xác định”?
Ths. Lê Tuệ Minh: Việc dùng những bài thi tiêu chuẩn đã được thiết kế bởi các chuyên gia giáo dục không lẽ lại không tốt và minh bạch hơn việc xét tuyển bằng những tiêu chí “mơ hồ, khó định lượng, khó xác định”?

Việc dùng những bài thi tiêu chuẩn đã được thiết kế bởi các chuyên gia giáo dục không lẽ lại không tốt và minh bạch hơn việc xét tuyển bằng những tiêu chí “mơ hồ, khó định lượng, khó xác định” như hiện nay các trường đang phải “xoay sở” để không làm trái với chỉ thị?

Có nhiều người nói, chỉ nên cấm thi tuyển với trường công đại trà, còn các trường công đặc biệt như trường chuyên, trường điểm, trường tư … thì hãy để cho họ được quyền chọn phương án thi/ xét tuyển để chọn được những học sinh theo tiêu chí của họ.

Điều đó thực chất cũng chẳng khác gì không ban hành chỉ thị cấm vì trường công đại trà thì có không cấm, họ cũng không cần phải tổ chức thi tuyển làm gì vì “cầu” đâu có vượt “cung”?

Còn chỉ thị cấm áp dụng với khối trường chuyên, trường tư thục… theo tôi thực sự là đang mang nhiều tính chất của một mệnh lệnh hành chính, áp đặt và không phù hợp với thực tế đang diễn ra của xã hội.

Nếu để đảm bảo công bằng và đạt mục tiêu phổ cập giáo dục trong khối trường công thì tốt hơn hết nên đầu tư cho những phần mà có thể áp dụng được cho hầu hết các trường, nâng cao mặt bằng chất lượng giáo dục nói chung như chương trình, đào tạo giáo viên trong các trường sư phạm…

Không nên chăm chăm đầu tư vào một số trường, xong rồi lại cấm học sinh và phụ huynh được mong ước và được phấn đấu một cách cạnh tranh để vào cái trường có điều kiện tốt hơn đó.

Như vậy là đi ngược với lẽ tự nhiên, như thể là treo lơ lửng cái tốt đẹp ở trước mặt nhưng lại cấm học sinh được mơ ước, được cố gắng, nỗ lực, phấn đấu để đạt được cái tốt hơn vậy.

Một khi tồn tại cái tốt hơn mặt bằng chung, thì tránh sao được tình trạng cung thấp hơn cầu đây?

Và khi cung đã thấp hơn cầu, cách nào minh bạch hơn là những bài thi khảo sát được năng lực thực sự của các em với các tiêu chí rõ ràng và quy trình đánh giá mình bạch, công bằng?

Ở những nước tiên tiến vẫn có thi tuyển

Qua nghiên cứu các nền giáo dục khác nhau, tôi cho rằng, nếu chưa tốt ở khâu ra đề hay khâu đánh giá, thì việc cải tổ lại khâu đó là cần thiết phải làm.

Thí dụ, bài thi rất nổi tiếng thế giới để phục vụ cho một trong những tiêu chí xét tuyển vào những trường Đại học uy tín của Hoa Kỳ là bài thi SAT - Scholastic Assesment Test của Hội đồng Đại học (College Board) cũng đang trong quá trình cải tổ để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ và chức năng “là một trong những tiêu chí căn bản đánh giá khả năng học thuật ở bậc Đại học của thí sinh” chứ không ai nói đến chuyện phải bỏ hẳn bài thi cả.

Tại Hoa Kỳ, ở các cấp học thấp hơn, các trường tư, trường chuyên thậm cũng đều có những bài thi khảo sát đầu vào tùy theo yêu cầu đào tạo của trường. Thậm chí, kỳ thi vào các trường chuyên tại New York còn được đánh giá là có tính cạnh tranh cao hơn cả tỷ lệ cạnh tranh vào Havard.

Còn đối với khối trường tư thục, họ ở vị trí người cung cấp “sản phẩm giáo dục cạnh tranh theo nhu cầu”, cũng phải tìm mọi cách xây dựng các giá trị và chất lượng sản phẩm của mình để được “chọn lựa” giữa một rừng các sản phẩm cạnh tranh khác thì họ lại càng xứng đáng được bảo lưu quyền phát triển sản phẩm của mình theo cách mà họ mong muốn, tuân thủ các các quy tắc về giáo dục chứ?

Vì về mặt nguyên tắc, họ không có chức năng thực hiện giáo dục phổ cập bắt buộc mà thực hiện giáo dục theo định hướng riêng, đáp ứng một bộ phận nhu cầu xã hội nhất định.

Tại Hoa Kỳ, hầu hết các trường tư thục có uy tín đều áp dụng các bài thi tiêu chuẩn của một tổ chức khảo thí độc lập để khảo sát năng lực của học sinh ngay từ đầu vào, ví dụ như bài thi của Văn phòng Khảo thí Giáo dục (ERB – Education Record Bureau – erblearn.org).

Tại Singapore, bài thi hết cấp Tiểu học (PSLE) có vai trò rất quan trọng trong việc định hướng tiếp tục trường trung học của các em để có thể phân luồng ngay từ cấp trung học, để các em được học đúng với khả năng của mình, nhằm tiếp tục đến cấp THPT hoặc chọn nghề trong tương lai.

Có 4 dòng chương trình THCS để học sinh chọn lựa: Đặc biệt - Special, Nhanh - Express, Bình thường hướng học thuật - Normal Academic, và Bình thường hướng nghề - Normal (Technical).

Việc xếp học sinh vào dòng chương trình THCS nào là tùy thuộc trước tiên vào kết quả thi tốt nghiệp Tiểu học của các em và tiếp theo là nguyện vọng của từng gia đình. Điều này thực sự tránh lãng phí cho mỗi người, mỗi gia đình và cả xã hội.

Cuối tháng 5, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội công bố phương án tuyển sinh lớp 6. ảnh minh họa, petrotimes.
Cuối tháng 5, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội công bố phương án tuyển sinh lớp 6. ảnh minh họa, petrotimes.

Dù muốn hay không, chúng ta cần phải thừa nhận rằng mỗi con người có một năng lực khác nhau nên cần có những lộ trình học tập và phát triển khác nhau nên không nên đưa ra một đáp số chung bắt buộc mà hãy để cho xã hội phát triển đúng với quy luật của nó.

Và sẽ là hạnh phúc nhất khi mỗi chúng ta được có một môi trường phù hợp nhất với năng lực và định hướng phát triển của mình chứ không bị níu lại học chậm, thấp hơn khả năng hay buộc phải “bơi, với” trong một môi trường ngoài khả năng của mình để rồi rơi vào trạng thái căng thẳng triền miên.

Là một trường phổ thông tư thục liên cấp song ngữ, chúng tôi có phần lớn học sinh chuyển tiếp liên thông từ lớp 5 trường Tiểu học Wellspring lên và việc xét tuyển được tiến hành với các tiêu chí tương tự như các tiêu chuẩn lên lớp khác để áp dụng chương trình có tính tiếp nối liên tục ở cấp trung học.

Với định hướng giáo dục là phát huy tối đa năng lực của từng cá nhân của học sinh theo một lộ trình tối ưu nhất cho cá nhân đó nên việc khảo sát năng lực xuất phát để hiểu được khả năng hiện tại, điểm mạnh, điểm yếu… của từng em để thiết kế chương trình, lộ trình và hướng phát triển phù hợp nhất với khả năng và tốc độ học tậpcủa cá nhân học sinh để các em được tiến bộ và phát triển tối ưu nhất được chúng tôi đặt lên hàng đầu.

Đặc biệt là Tiếng Anh và các môn theo chuẩn quốc tế, với tình hình giáo dục song ngữ ở cấp tiểu học mới phát triển như hiện nay, hầu như mỗi em tùy từng điều kiện học tập tiếng Anh trước đó mà có những mức độ tiếng Anh khác nhau nên khi học tiếp tục lên cấp THCS, việc quan trọng nhất là các em nên được học tiếp chương trình phù hợp từ điểm xuất phát của mình.

Khi được học chương trình Tiếng Anh có tính chất nối tiếp của Tiểu học từ lớp 6 trở đi, các em sẽ tiết kiệm được nhiều thời gian và sức lực, tiếp tục tiến bộ nhanh hơn chứ không phải học lại từ đầu như đa số các trường khác áp dụng khi chuyển cấp. Các em có xuất phát điểm tiếng Anh chưa cao cũng được học chương trình phù hợp, không bị quá với.

Tôi cho rằng đã đến lúc chúng ta phải chấp nhận sự đa dạng này để thiết kế chương trình, lộ trình, nhịp độ học tập đa dạng, phù hợp với các cá nhân khác nhau để có kết quả giáo dục tối ưu nhất chứ không thể áp dụng một chương trình đại trà cho tất cả các học sinh. Đó chính là ý nghĩa quan trọng khiến chúng tôi phải khảo sát năng lực đầu vì sự phát triển tối ưu của chính học sinh đó.

Ngọc Quang (ghi)