Chông chênh Hãng phim truyện Việt Nam

26/09/2018 07:11
Trương Khắc Trà
(GDVN) - Trong xu hướng bán vốn nhà nước trong doanh nghiệp, Hãng phim truyện Việt Nam là cái tên để lại nhiều điều tiếng dư luận.

LTS: Câu chuyện về việc cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam khiến không ít người đau lòng.

Tác giả Trương Khắc Trà cho rằng đây là một bài học lớn với hình thức doanh nghiệp làm nghệ thuật.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Đã đến lúc nhà chức trách phải có chút thay đổi cách nhìn về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Tiền và nỗi lòng người lao động, bản sắc doanh nghiệp, cái nào quan trọng nhất?

Những bạn trẻ tốt nghiệp cử nhân liên quan đến nghệ thuật không dễ kiếm công ăn việc làm, cơ hội cho những “nghệ sỹ quốc doanh” ngày một ít đi. Xã hội hóa “môn nghệ thuật thứ bảy” vì thế không chỉ là rút hết vốn nhà nước!

Trong xu hướng bán vốn nhà nước trong doanh nghiệp, Hãng phim truyện Việt Nam là cái tên để lại nhiều điều tiếng dư luận. Bắt đầu bằng công việc quan trọng nhất là “định giá” hãng.

Chuyện đã rồi nhưng qua đó không biết bao nhiêu bài học được rút ra, hãng phim không phải là một doanh nghiệp bình thường, sản phẩm của nó đôi khi rất khó quy ra tiền, người yêu điện ảnh không thể không biết đến những bộ phim trứ danh như “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”, “Em bé Hà Nội”, “Chung một dòng sông”,…

Hãng phim truyện Việt Nam. Ảnh: VTV
Hãng phim truyện Việt Nam. Ảnh: VTV

Với loại hình doanh nghiệp làm nghệ thuật nên định giá thế nào để không làm buồn lòng nhiều lớp thế hệ nghệ sỹ gạo cội cống hiến cả đời xây dựng? Hay nói một cách “nông cạn” giá trị vô hình (thương hiệu) của doanh nghiệp được tính toán ra sao.

Những gì thuộc về nghệ thuật, là thứ được nuôi dưỡng bằng dòng máu nóng chảy trong huyết quản người nghệ sỹ. Nếu là nghệ sỹ chân chính họ rất khó chấp nhận sự tanh tao của đồng tiền nhuốm màu ích lợi.

Những gì mà nhiều nghệ sỹ nổi tiếng như Minh Châu, Thanh Vân, Quốc Tuấn…tranh đấu trong suốt 4 năm qua cũng chỉ để giữ lại một doanh nghiệp 60 tuổi đời mà họ coi như “ngôi nhà thứ hai”, “ngôi đền” của ngành.

Cổ phần hóa biến một doanh nghiệp điện ảnh trở nên xơ xác, đốt hết nhiệt thành tâm huyết của nghệ sỹ, họ không đủ tỉnh táo để tiếp tục sáng tạo cống hiến, không có sản phẩm nên càng lún sâu trong khó khăn.

Chông chênh Hãng phim truyện Việt Nam ảnh 2Từ vụ AVG, bàn về định giá thương hiệu

Bán hãng phim cho một công ty không liên quan gì đến điện ảnh là “nhắm mắt đưa chân”, hoàn toàn trái ngược với chủ trương tìm kiếm “nhà đầu tư chiến lược” đủ năng lực để doanh nghiệp nhà nước không tiêu tan sau cổ phần hóa.

Thanh tra Chính phủ kiến nghị để cho nhà đầu tư (Công ty vận tải biển - Vivaso) rút vốn trước thời hạn, tức là bằng sự nhạy cảm của người nghệ sỹ, nhà đầu tư này không đủ năng lực để hãng phim tiếp tục đi đúng con đường đã chọn cách đây nhiều thập kỷ.

Cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam còn để ngỏ nhiều câu hỏi khó trả lời, mặc dù xuống cấp nhưng hãng này sở hữu 5.000 mét vuông đất “vàng” (số 4 Thụy Khuê, Tây Hồ), bất động sản này liệu rằng chỉ là con số 0 đồng tròn trĩnh?

Cổ phần hóa là xu thế hợp thời dưới làn sóng kinh tế thị trường, nhưng có khi nào chúng ta đặt vấn đề tâm tư nguyện vọng của người lao động với tư cách là “tế bào” của doanh nghiệp lên trước lợi ích kinh tế?

Trái tim khó chiến thắng lý trí trong trường hợp này, nhưng một khi người lao động cảm thấy hết động lực, khi họ nhận ra sự cống hiến bằng mồ hôi nước mắt của mình sẽ tiêu tan vào đâu đó, không chóng thì chầy doanh nghiệp cũng rệu rã.

Cách đây 3 tháng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có buổi đối thoại với 1.000 công nhân tại Hà Nam, ông khẳng định “thành công của đất nước không thể không có vai trò của công nhân”.

Chông chênh Hãng phim truyện Việt Nam ảnh 3Hãng phim quốc gia, số phận chờ kế hay!

Trong bản kết quả xác định giá trị doanh nghiệp, hãng phim có tuổi đời 56 năm không được định giá thương hiệu.

Bên cạnh đó, hơn 1,4 ha đất do VFS sử dụng trong vài chục năm qua không được tính vào giá trị doanh khi cổ phần hóa.

Thật khó tin một doanh nghiệp nổi tiếng như Hãng phim truyện bị “lãng quên” giá trị thương hiệu, đồng nghĩa với việc 3 chữ VFS huyền thoại cùng với bản nhạc nền kinh điển trở thành biểu tượng của hãng không đáng giá một xu!

Trong khi thông lệ quốc tế rất xem trọng giá trị thương hiệu, nó là cánh cửa đầu tiên để doanh nghiệp gia nhập thị trường, “quả táo khuyết” là của người Mỹ không ai có thể đánh cắp, hay Toyota mãi mãi là giá trị của Nhật Bản,…

Hóa ra việc bán vốn nhà nước không chỉ là vấn đề giá cả cổ phiếu trên thị trường, mọi thứ trở nên rắc rối hơn rất nhiều nếu người lao động thực sự coi doanh nghiệp không chỉ là nơi kiếm chén cơm.

Chúng ta đã nhắc đến khái niệm “doanh nhân dân tộc”, “doanh nghiệp phụng sự Tổ quốc” điều đó chỉ có thể khi doanh nghiệp có bản sắc riêng.

Rất tiếc nếu “quá trình cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam đến nay đã kéo dài đến năm thứ 4 và làm hãng phim kiệt quệ cả về vật chất, tinh thần và con người, biến Hãng phim thành cái xác rỗng” - như trăn trở của Nghệ sĩ Nhân dân, đạo diễn Nguyễn Thanh Vân.

Trương Khắc Trà