Chủ trương bỏ biên chế giáo viên từng được đặt ra từ năm 1992

31/05/2017 08:33
Thùy Linh
(GDVN) - Muốn thực hiện chế độ hợp đồng phải thực hiện sự đổi mới đồng bộ các luật lệ, quy định, các chế độ chính sách, các yếu tố về truyền thống tâm lý xã hội...

Được biết, từ năm 1992, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo - Trần Hồng Quân (nay là Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam) cùng cán bộ của Bộ Giáo dục và Đào tạo từng xây dựng chủ trương bỏ công chức, viên chức thay đổi bằng chế độ hợp đồng, giảng dạy và nghiên cứu khoa học. 

Về việc cần thiết thay đổi cơ chế từ biên chế sang hợp đồng được các nhà làm giáo dục những năm 1991 - 1992 lí giải: 

Vào thời điểm đó, cơ chế quản lí, sử dụng cán bộ giáo dục đại học khi đó bộc lộ nhiều điểm lạc hậu không phát huy hết tiềm năng cả đội ngũ và từng cá nhân, không kích thích sự phấn đấu trong chuyên môn, gây tâm lí dựa dẫm, cách làm việc tắc trách; tạo ra sự quản lý khép kín, xơ cứng, thiếu mềm dẻo linh hoạt, không sàng lọc được dễ dàng và thường xuyên những người yếu kém, làm cho biên chế ngày càng đầy ứ, cồng kềnh, hết khả năng tiếp nhận lớp trẻ.

Chủ trương bỏ biên chế chuyển sang hợp đồng chính thức được đặt ra từ năm 1992 (Ảnh chụp tài liệu)
Chủ trương bỏ biên chế chuyển sang hợp đồng chính thức được đặt ra từ năm 1992 (Ảnh chụp tài liệu)

Cơ chế đó ngày càng tỏ ra không thích hợp, thậm chí còn cản trở công cuộc đổi mới của ngành giáo dục cũng như công cuộc đổi mới toàn xã hội. Thực tiễn đòi hỏi chúng ta phải đổi mới cơ chế quản lí, sử dụng cán bộ giáo dục đại học.

Để phù hợp với chủ trương đổi mới quản lí kinh tế xã hội được khẳng định tại Đại hội Đảng lần thứ VI và VII, để phục vụ yêu cầu cải cách quy trình, nội dung và phương pháp đào tạo ở đại học, chúng ta cần xây dựng cách quản lý, sử dụng cán bộ giáo dục theo hướng:

Tăng quyền tự quản cho trường đại học, tạo sự quản lí mềm dẻo, linh hoạt, sự tự sàng lọc dễ dàng, thường xuyên những người yếu kém, giảm nhẹ gánh nặng biên chế và mở rộng cửa cho những sinh viên ưu tú đi vào con đường khoa học.

Tạo quyền tự chủ cho người cán bộ giáo dục, phát huy tiềm năng của từng người để người giỏi được giảng dạy nhiều hơn và ở nhiều trường khác nhau, do đó, có thu nhập cao và đời sống khá, thu hút các cán bộ khoa học kĩ thuật, các nhà quản lý, kinh doanh giỏi... ngoài xã hội tham gia giảng dạy ở các trường đại học.

Chế độ hợp đồng giảng dạy và nghiên cứu khoa học là cách quản lí và sử dụng cán bộ giáo dục phù hợp với các phương hướng đã nêu.

Cách thực hiện kí hợp đồng 

Nghị định 135/HĐBT ngày 28/1/1992 của Hội đồng Bộ trưởng đã khẳng định việc thực hiện chế độ hợp đồng trong nghiên cứu khoa học.

Bộ đã phổ biến, hướng dẫn các trường đại học, các Viện nghiên cứu thuộc Bộ thực hiện kí hợp đồng nghiên cứu từ năm học 1992 – 1993.

Chủ trương bỏ biên chế giáo viên từng được đặt ra từ năm 1992 ảnh 2

Tại sao giáo viên sợ Hiệu trưởng như sợ cọp nếu bỏ công chức, viên chức?

Theo nguồn tin riêng của Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, các nhà làm giáo dục những năm 1991 – 1992 đã đưa ra một số ý kiến tổng quát xung quanh chế độ hợp đồng giảng dạy.

Đó là: 

Hợp đồng giảng dạy ở trường đại học là bản thỏa thuận giữa người trực tiếp giảng dạy với hiệu trưởng trường đại học về yêu cầu chuyên môn và điều kiện giảng dạy, về quyền và nghĩa vụ mỗi bên trong việc giảng dạy đại học, cao học và nghiên cứu sinh có hợp đồng dài hạn và ngắn hạn, có hợp đồng một phần thời gian và hợp đồng toàn thời gian, có hợp đồng trách nhiệm…

Thứ nhất, thực hiện chế độ hợp đồng giảng dạy là tạo điều kiện để cá nhân người cán bộ giáo giảng dạy nghiên cứu có toàn quyền quyết định khối lượng công việc nhận làm, mức thu nhập của bản thân và chịu trách nhiệm về chất lượng giảng dạy, đào tạo, nghiên cứu khoa học, về thời hạn hoàn thành công việc.

Thực hiện chế độ hợp đồng giúp cho cơ sở đào tạo đại học – với tư cách người nêu ra yêu cầu của việc đào tạo (số lượng, chất lượng, các ngành, nghề đào tạo…) được toàn quyền lựa chọn những người ưu tú, các thầy giáo giỏi, các nhà khoa học, các nhà quản lý kinh doanh giỏi…để kí hợp đồng. Do đó, chất lượng đào tạo có điều kiện để nâng lên. 

Quản lý và sử dụng cán bộ giảng dạy theo chế độ hợp đồng giảng dạy và nghiên cứu khoa học gắn với việc tổ chức sắp xếp lại các trường đại học. 

Lúc đó, ở các trường công lập chỉ còn một bộ phận nhỏ (chủ yếu là bộ khung của bộ máy hành chính, giảng dạy của nhà trường) là thuộc biên chế cơ hữu.

Đại đa số các cán bộ giảng dạy cũng như nhân viên trong trường sẽ chuyển từ chế độ biên chế suốt đời sang chế độ hợp đồng giảng dạy có thời hạn. Việc làm, thu nhập, đời sống của họ gắn chặt với việc hoàn thành nhiệm vụ giảng dạy của họ trong năm học trước. 

Chế độ hợp đồng giảng dạy cho phép luôn luôn tạo được sự tương ứng giữa khối lượng công việc giảng dạy với số lượng cán bộ giảng dạy cần thiết, tạo điều kiện đánh giá thường xuyên chất lượng giảng dạy của từng cá nhân, tạo khả năng sàng lọc hàng năm. 

Chủ trương bỏ biên chế giáo viên từng được đặt ra từ năm 1992 ảnh 3

Bỏ biên chế sẽ xóa bỏ được tình trạng "con ông cháu cha"

Do đó kích thích sự vươn lên của từng cá nhân cán bộ giảng dạy để khẳng định vị trí của mình trong giảng dạy và nghiên cứu. Đây chính là nguồn động lực tự thân của từng người cũng như cùa toàn bộ đội ngũ. 

Thực hiện chế độ hợp đồng giảng dạy là thực hiện chế độ trả lương theo việc làm. Điều cơ bản về phía nhà trường là xác định đúng khối lượng công việc; có cơ chế đánh giá đúng chất lượng giảng dạy và đào tạo.

Về phía cán bộ giảng dạy, điều quan tâm là mức lương trả cho họ có xứng đáng với chức danh với giá trị chất xám của họ kết tinh trong sản phẩm đào tạo hay không.

Nói cách khác nó đòi hỏi xã hội phải đặt đúng vị trí, trả lại giá trị đích thực cho nghề thầy giáo không phải chỉ bằng lời lẽ động viện mà còn bằng giá trị vật chất tương ứng. 

Thứ hai, việc chuyển sang quản lý, sử dụng cán bộ giảng dạy đại học theo cơ chế hợp đồng giảng dạy là việc lớn và khó.

Việc làm này đụng chạm đến nếp nghĩ, cách làm quen thuộc xưa nay đã ăn vào máu thịt của nhiều người, đụng chạm đến năng lực và đời sống từng cá nhân cán bộ giảng dạy.

Việc làm này có ý nghĩa xã hội sâu sắc, vì cán bộ giảng dạy đại học là tầng lớp trí thức, là vốn quý đã được đào tạo cơ bản, có hệ thống. 

Mặt khác, việc làm này đòi hỏi một sự thay đổi cơ bản trong hàng loạt các quy định, chế độ gắn liền với cách quản lý, sử dụng hiện nay (từ chế độ làm việc đến cách trả lương, từ luật lao động, định mức làm việc…). 

Muốn thực hiện chế độ hợp đồng giảng dạy phải thực hiện sự đổi mới đồng bộ các luật lệ, quy định, các chế độ chính sách, các yếu tố về truyền thống tâm lý xã hội…phải tính đến các vấn đề do lịch sử để lại. 

Việc chuyển sang quản lý và sử dụng cán bộ giảng dạy theo chế độ hợp đồng là việc lớn, liên quan đến nhiều ngành và nhiều mặt của toàn xã hội.

Do đó, cần được Nhà nước và xã hội đồng tình, ủng hộ bằng dư luận và bằng điều kiện tài chính.

Để giải quyết các vấn đề đối với đội ngũ cán bộ giảng dạy khi chuyển sang chế độ hợp đồng, đòi hỏi một nguồn tài chính lớn, để giải quyết các vấn đề phát sinh như: đào tạo lại, giải quyết việc làm, trợ cấp xã hội, trả lương theo quy định cho số biên chế dư không được kí hợp đồng trong giai đoạn chuyển tiếp...

Nguồn tài chính đó phải được Nhà nước cấp. Chỉ có như vậy mới tạo được bước chuyển tiếp êm đẹp, có thể vượt qua các khó khăn. 

Chế độ lương mới

Việc chuyển sang quản lý và sử dụng cán bộ giảng dạy theo chế độ hợp đồng phải qua giai đoạn chuyển tiếp và đi từ thấp đến cao, thực hiện sự thay đổi ngày càng toàn diện hơn phù hợp với sự chuyển biến của xã hội và cải cách của ngành đại học, với việc sắp xếp lại mạng lưới trường và việc thực hiện chế độ lương mới. 

Chủ trương bỏ biên chế giáo viên từng được đặt ra từ năm 1992 ảnh 4

Giáo sư Trần Hồng Quân: Biên chế là cái rọ an toàn cho những người yếu kém

Giai đoạn đầu, khi các quy định về lao động và làm việc chưa kịp có sự thay đổi, có thể thực hiện chế độ hợp đồng đối với cán bộ giảng dạy trẻ mới tuyển, hợp đồng mời các chuyên gia giỏi ngoài trường tham gia giảng dạy và đào tạo, hợp đồng giảng dạy ngoài định mức đối với các cán bộ giảng dạy trong trường đã hoàn thành định mức. 

Giai đoạn hai, khi thực hiện chế độ lương mới sẽ tiến hành kí hợp đồng trách nhiệm với toàn thể cán bộ giảng dạy trong biên chế.

Hợp đồng trách nhiệm xây dựng theo nguyên tắc: làm đủ định mức của chức danh lĩnh đúng mức lương quy định, nếu làm ít hơn hoặc cao hơn định mức sẽ lĩnh lương thấp hơn hoặc cao hơn mức lương quy định. 

Ở giai đoạn này, những người không được kí hợp đồng sẽ được nhận một mức lương quy định trong một thời hạn nhất định. Trong quãng thời gian đó họ có thể được đào tạo lại để chuyển sang công việc mới hoặc được đào tạo bổ túc để đủ năng lực giảng dạy.

Hết thời hạn quy định nếu họ tiếp tục không được kí hợp đồng giảng dạy thì bản thân người cán bộ giảng dạy hoặc nhà trường giúp họ tìm việc làm khác ngoài công tác giảng dạy. 

Giai đoạn ba, thực hiện triệt để chế độ hợp đồng giảng dạy toàn thời gian với toàn thể cán bộ giảng dạy. 

Tuy nhiên, sau đó, chủ trương này đã không được thực hiện bởi một số nguyên nhân trong bài viết sau Báo điện tử Giáo dục Việt Nam sẽ chỉ ra lý do cụ thể. 

Thùy Linh