Chúng ta đã thực sự hiểu con và hiểu mình?

13/08/2016 07:59
Yến Nguyệt
(GDVN) - Để nuôi dạy con tốt đòi hỏi phụ huynh phải kiên nhẫn, lắng nghe và thấu hiểu con.

Trong buổi nói chuyện về “Nghệ thuật làm cha mẹ - Giáo dục con trong một thế giới đang thay đổi” tại Văn phòng Bộ Ngoại giao, PGS. TS Lê Văn Hảo (Viện Tâm lý học, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) khẳng định: 

Nuôi dạy và giáo dục trẻ là công việc kéo dài suốt đời và không được trả công xứng đáng”.

Đặc biệt, ông nhấn mạnh câu hỏi:

So với 20, 30 năm trước thì làm cha mẹ ngày nay có khác nhiều không?” đã nhận được vô số ý kiến của các ông bố, bà mẹ.

Phần đông phụ huynh luôn lo lắng bởi nuôi dạy con thời nay “khó” và nhiều áp lực hơn trước rất nhiều.

Chúng ta đã thực sự hiểu con và hiểu mình?

Diễn giả đặt những câu hỏi, đánh trúng tâm lý của các bậc cha mẹ, đó là:

Bạn muốn con mình là đứa trẻ ngoan hay độc lập?”, “Chúng ta đã thực sự hiểu con và hiểu mình?”.

“Giáo dục con là công việc kéo dài suốt đời” (Ảnh: vietnamnet.vn).
“Giáo dục con là công việc kéo dài suốt đời” (Ảnh: vietnamnet.vn).

Một người mẹ cho rằng:

Ở cái tuổi teen, các con không còn nghe lời như trước, thậm chí có lúc con dám bật lại, cãi lại mẹ cha. Vì thế, không khí gia đình luôn trong tình trạng căng thẳng, bất đồng chỉ vì cha mẹ và con cái không có được tiếng nói chung”.

Một điều nữa, đứa trẻ “dở dở ương ương” của tuổi 12, 13 đã biết nhìn nhận vấn đề theo cách của riêng mình, chịu nhiều ảnh hưởng từ bạn bè, đúng hơn là nhiễm tâm lý “bầy đàn”.

Điều đó khiến cha mẹ không chỉ nghiêm khắc, ra chỉ thị là đủ mà quan trọng là phải hiểu con mong muốn gì, lắng nghe lời con nói thay vì áp đặt con phải thế này, phải thế khác.

Chúng ta đã thực sự hiểu con và hiểu mình? ảnh 2

Mẹ Đỗ Nhật Nam một lần nữa khẳng định cậu không phải là thần đồng

Trong buổi nói chuyện, diễn giả Lê Văn Hảo cũng khẳng định có không ít bạn trẻ vẫn sống phụ thuộc vào cha mẹ, kể cả các em đã “cập” tuổi trưởng thành vẫn không ngừng “bấu víu” mẹ cha.

Làm sao để con vừa ngoan nhưng vẫn độc lập, có tiếng nói riêng nhưng không phản kháng tiêu cực là một câu hỏi không dễ đối với nhiều bậc phụ huynh.

Cha mẹ không thể yêu cầu con phải mang thật nhiều điểm 10 về, hay yêu cầu con không được đi chơi về muộn.

Chúng ta chỉ có thể nhẹ nhàng mong con thay đổi theo hướng tích cực và mong xác suất thành công cao mà thôi.

Ông cũng cho rằng giáo dục con gái thường dễ dàng hơn con trai, con trai bị kỷ luật ở trường nhiều hơn con gái.

Xét về lòng tự trọng của con gái lại nhiều hơn con trai và tỉ lệ con trai bỏ học cũng nhiều hơn con gái.

Thông qua các tình huống, diễn giả phân tích cảm xúc là yếu tố đóng vai trò nền tảng, chủ chốt; cách nhanh nhất dẫn đến thất bại trong học đường của một đứa trẻ là chán học.

Có thể nói phản ứng và việc làm của người lớn quan trọng và có tính quyết định hành động tiếp theo của các em ra sao.

Kết quả từ một trò chơi có tới 2/3 số ông bố, bà mẹ khẳng định những gì ta làm với trẻ có sức mạnh hơn rất nhiều những gì ta nói với chúng.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Hảo cũng đề cập đến cả vấn đề hiểu con chính là giúp con phân biệt được khoảng an toàn và không an toàn, trong đó có cả người lớn “an toàn” và người lớn “không an toàn” trong xã hội.

Phần lớn các ông bố, bà mẹ đều đưa ra ý kiến muốn con trở thành một đứa trẻ ngoan nhưng sáng tạo và có những quyết định độc lập.

Một ông bố tâm sự:

Chúng ta đã thực sự hiểu con và hiểu mình? ảnh 3

Nhiều gia đình đầu hàng và tự phủi trách nhiệm dạy con

Tôi cho rằng khen thưởng và khích lệ là yếu tố quan trọng hàng đầu giúp đứa trẻ tiến bộ và ít mắc sai lầm.

Nhưng không ít phụ huynh lại xem nhẹ lời khen, hoặc khen thưởng thái quá khiến đứa con mất phương hướng hoặc thỏa mãn với những thành quả đạt được.

Chúng ta phải làm sao để con vừa thể hiện được cái tôi trong một thế giới đang thay đổi nhưng vẫn nằm trong khuôn khổ cho phép?”.

Dừng sự so sánh khập khiễng

Đa số phụ huynh chia sẻ rằng không nắm bắt được tâm lý của con hoặc nếu có chỉ là kiểm soát được cái bên ngoài.

Càng lớn thì con càng khó bảo nên đôi lúc cha mẹ và con cái bị lỗi nhịp trong suy nghĩ cũng như ứng xử trong gia đình là điều dễ hiểu.

PGS.TS Lê Văn Hảo đã gỡ bỏ những thắc mắc của phụ huynh thông qua những ví dụ và tình huống cụ thể. Từ đó cha mẹ nhận ra những trở ngại của mình trong nuôi dạy con chính là chưa hiểu con, chưa hiểu giới hạn, quyền hành của mình đến đâu.

Đa phần phụ huynh đều hy vọng được tiếp cận với những phương pháp dạy con hợp lý để tránh mắc sai lầm.

Con cái chúng ta cần được quan tâm, chăm sóc và cần được tôn trọng.

Muốn hiểu con trước hết chúng ta cần dừng lại sự so sánh kiểu như:

Giá như con được một phần của chị con thì hay biết mấy

hay: “Tại sao hai đứa con cùng bố mẹ sinh ra lại một đứa giỏi giang, ngoan ngoãn còn một đứa thì lười biếng, khó bảo?”.

Một người mẹ chia sẻ tại buổi tọa đàm:

Tôi thường xuyên đọc sách về chăm sóc, nuôi dạy trẻ nhưng vẫn thấy hoang mang không biết phải làm sao để hiểu con hơn”.

Đứa con ở khoảng 12-18 tuổi là giai đoạn nhiều thử thách, sống độc lập hơn nhưng dễ va chạm, xung đột với bố mẹ.

Vì thế  theo diễn giả, chọn những thời điểm đắt giá để giáo dục con mới có tác dụng nhất định chứ không phải lúc nào cũng “lên lớp” và “thao thao bất tuyệt” về yêu sách của mình, khiến con cảm thấy ngột ngạt, ức chế và sinh ra thái độ chống đối, phản kháng.

Cha mẹ và con cái là mối tương tác qua lại với nhau.

Ta chỉ có thể tác động tốt nhất với con chứ không thể lập trình con phải thế này thế khác.

Chúng ta đã thực sự hiểu con và hiểu mình? ảnh 4

Trao quyền cho trẻ đâu phải quá phức tạp

Thực tế, định hướng của cha mẹ là yếu tố quan trọng, nhưng rèn luyện sẽ giúp đứa con phát triển tốt nhất có thể.

Đặc biệt, diễn giả cũng chứng minh rằng khi đứa con thất bại hay thành công thì “lỗi” cũng như “công lao” của mẹ cha không nhiều như bấy lâu nay chúng ta nghĩ.

Cha mẹ chỉ có khả năng tác động, định hướng con, giúp con tiến bộ hằng ngày chứ yếu tố sống còn vẫn là do chính nội lực của đứa trẻ.

Một người mẹ tỏ ra băn khoăn:

Làm sao để con biết yêu thương bố mẹ hơn khi con luôn cho mình là số 1 trong gia đình?

Rất hiếm khi con tôi quan tâm tới bố mẹ và trong nhiều vấn đề con tỏ ra khó bảo, ương bướng và hay cãi lời”.

Chị Hương còn cho biết thêm:

Lúc con còn học cấp 1 thì việc gì ở trường cũng đều kể lại cho bố mẹ nghe. Nhưng từ khi lên cấp 2 thì con tỏ ra ít nói và không còn nghe lời mình nữa”.

Kỷ luật kiểu “người làm vườn”

Chúng ta nên phân biệt giữa kỷ luật và trừng phạt, đây là hai yếu tố hoàn toàn khác nhau, để một đứa trẻ sợ thì dễ nhưng để chúng tâm phục khẩu phục mới khó.

Vì vậy, yếu tố nền tảng, quan trọng chính là dung hòa mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái, làm sao để con tin tưởng và có thể mở lòng với cha mẹ thì trước nhất gia đình phải luôn là là nơi an toàn, tôn trọng lẫn nhau và tràn đầy yêu thương.

Bạo lực thường sẽ sinh ra bạo lực lớn hơn, khi ta đối xử với con thế nào thì đứa con cũng sẽ đối xử với mọi người như thế. Điều này xuất phát từ di truyền xã hội, học thông qua bắt chước.

Chúng ta đã thực sự hiểu con và hiểu mình? ảnh 5

Giáo viên tốt, hiếm khi bị học trò hành hung, xúc phạm

Chúng ta chỉ là người hỗ trợ con cái trên con đường phát triển chứ nhân vật chính phải luôn là các con.

Dù thương con nhưng hạn chế làm thay con mọi thứ, bởi điều đó đồng nghĩa với việc lấy đi cơ hội phát triển của con.

Diễn giả đã ví việc nuôi dạy con giống một người làm vườn.

Chăm sóc, giáo dục con cũng giống như một cái cây, cần làm đất, tưới nước, cung cấp đủ ánh sáng. Nhưng thành quả của đứa trẻ cũng giống như cái cây có sai quả hay không do nội lực của chính nó.

Chắc chắn, thay vì phán xét, kết tội mỗi khi con làm sai, cha mẹ nên lắng nghe con nói, để hiểu con hơn.

Tuy nhiên, không ít phụ huynh lại cho mình cái quyền ra lệnh, thậm chí tuyên bố theo kiểu “Nếu con cứ đi chơi về muộn thì đừng về cái nhà này nữa” hay trong lúc tức giận, nhiều ông bố lại nổi nóng kiểu: “Tao không có đứa con như mày”.

Không hiếm bậc mẹ cha lại suy diễn theo kiểu cực đoan: “Con lại… chứ gì?”, hay đòi hỏi: “Làm bài tập thì phải tươi tỉnh lên”, và đánh giá: “Mẹ không thể chịu đựng nổi”, “Đồ vô tích sự”…

Kết thúc buổi nói chuyện, diễn giả Lê Văn Hảo khẳng định:

Than vãn là trạng thái thường thấy ở mỗi ông bố, bà mẹ khi con hư hỏng. Tôi cho rằng điều đó chỉ càng khiến chúng ta lâm vào bi kịch trong nuôi dạy con.

Bởi cái gì cũng có hai mặt của nó, những đứa trẻ khó tính, thường xuyên không nghe lời, ương bướng kia lại là cơ hội để huấn luyện chúng ta trở thành những ông bố, bà mẹ tốt”.

Nhưng làm sao để đạt được mục đích trên đòi hỏi phụ huynh phải kiên nhẫn, lắng nghe và thấu hiểu con.

Cha mẹ luôn bên cạnh con, chia sẻ những niềm vui, nỗi buồn và cả những thất bại của con.

Nhưng đứa con phải sống cuộc sống của mình, được tôn trọng cái riêng, cái khác biệt chứ không thể ép mình sống cuộc đời của cha mẹ.

Bởi lẽ: “Trẻ con thường không giỏi trong việc nghe lời người lớn nhưng lại ít khi thất vọng trong việc bắt chước người lớn” – PGS.TS Lê Văn Hảo đúc kết.

Yến Nguyệt