Chương trình Ngữ văn mới sẽ khó và nặng kiến thức hơn rất nhiều

25/01/2018 06:48
Nguyễn Nguyên
(GDVN) - Theo Dự thảo, môn Ngữ văn tới đây đòi hỏi giáo viên, học sinh phải đầu tư thêm rất nhiều bởi kiến thức không được giảm tải mà có nhiều nội dung mới, khó hơn.

LTS: Trao đổi về Dự thảo Chương trình Ngữ văn mới, thầy giáo Nguyễn Nguyên cho rằng nếu áp dụng thì chương trình mới này sẽ khó và nặng khiến thức hơn chương trình hiện hành rất nhiều.

Trong bài viết, thầy Nguyễn Nguyên cũng bày tỏ lo ngại về hệ lụy học thêm, dạy thêm vì chương trình đòi hỏi quá nhiều ở học sinh.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Khi chương trình giáo dục tổng thể được thông qua vào cuối tháng 7/2017 thì nhiều giáo viên chúng tôi đã mừng thầm vì chương trình Ngữ văn mới chỉ quy định 6 tác phẩm văn học bắt buộc, những tác phẩm còn lại sẽ được giáo viên chủ động lựa chọn.

Tuy nhiên, trong chương trình môn học, điều chúng tôi cảm nhận được là về cơ bản nội dung chương trình Ngữ văn mới chỉ có chương trình Ngữ văn 7 là nhẹ hơn chương trình hiện hành chút ít.

Còn những lớp còn lại sẽ nặng nề hơn về các đơn vị kiến thức.

Nhiều tác phẩm văn học ở lớp 8-9 được đưa xuống lớp 6-7 và nhiều tác phẩm đang ở chương trình Ngữ văn cấp trung học phổ thông đã được đưa xuống lớp 8-9.

Cùng với kiến thức nặng nề hơn sẽ đi kèm với rất nhiều yêu cầu mới.

Vì vậy, môn Ngữ văn tới đây đòi hỏi giáo viên, học sinh phải đầu tư thêm rất nhiều bởi kiến thức không được giảm tải mà những nội dung mới, khó thì nhiều hơn chương trình hiện hành.

Thầy Nguyễn Nguyên lo ngại chương trình Ngữ văn mới khó và nặng kiến thức hơn so với chương trình hiện hành. (Ảnh minh họa: Báo Giáo dục và Thời đại)
Thầy Nguyễn Nguyên lo ngại chương trình Ngữ văn mới khó và nặng kiến thức hơn so với chương trình hiện hành. (Ảnh minh họa: Báo Giáo dục và Thời đại)

Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói về giáo dục nước nhà như sau:

“Đại học thì cần kết hợp lý luận khoa học với thực hành, ra sức học lý luận và khoa học tiên tiến của các nước bạn, kết hợp với thực tiễn nước ta, để thiết thực giúp ích cho công cuộc xây dựng nước nhà.

Trung học thì cần đảm bảo cho học trò những tri thức phổ thông chắc chắn, thiết thực, thích hợp với nhu cầu và tiền đồ xây dựng nước nhà, bỏ những phần nào không cần thiết cho đời sống thực tế.

Tiểu học thì cần giáo dục các cháu thiếu nhi: Yêu Tổ quốc, yêu nhân dân, yêu lao động, yêu khoa học, trọng của công.

Cách dạy phải nhẹ nhàng và vui vẻ, chớ gò ép thiếu nhi vào khuôn khổ của người lớn. Phải đặc biệt chú ý giữ gìn sức khoẻ của các cháu”.

Lời dạy của Bác thật nhẹ nhàng mà sâu sắc. Nếu chúng ta chỉ cần làm được như vậy thôi thì giáo dục Việt Nam hiện nay đã tốt lắm rồi.

Thế nhưng, mấy chục năm qua, chúng ta cứ nhồi nhét cho học sinh, sinh viên những kiến thức bề rộng, cao siêu.

Cái gì cũng học nhưng cuối cùng có bao nhiêu kiến thức “đọng lại” trong đầu người học.

Sinh viên ra trường thì thất nghiệp nhiều, xin vào các công ty nước ngoài, tư nhân thì phải đào tạo lại.

Học sinh phổ thông không chỉ phải học những kiến thức phổ thông mà còn phải tiếp cận với vô vàn kiến thức chuyên sâu của từng môn học.

Chương trình Ngữ văn mới sẽ khó và nặng kiến thức hơn rất nhiều ảnh 2Dự thảo Ngữ văn mới chỉ dạy học sinh biết nghe, nói, đọc, viết mà vẫn quá tải

Nhưng cuối cùng, đa phần các em cũng chỉ là “thợ học” mà thôi.

Quay lại với môn Ngữ văn trong lần chuẩn bị thay sách giáo khoa mới tới đây, điều mà chúng tôi cảm nhận được là không có nhiều thay đổi.

Quanh đi, quẩn lại cũng chừng ấy phương pháp, phẩm chất mà thôi.

Có chăng cũng chỉ là sự thay đổi tên gọi của các thuật ngữ cũ thành các thuật ngữ mới.

Và, có một số tác phẩm văn học đảo lên, lộn xuống ở các lớp.

Một số tác phẩm văn học và kiến thức tiếng Việt cấp trung học phổ thông đưa xuống chương trình Ngữ văn trung học cơ sở.

Vì thế, những kiến thức của chương trình mới sẽ dần nặng hơn, yêu cầu của người viết sách cao và khó hơn.

Nói là giáo viên tự chủ nhưng nội dung kiến thức vẫn là sự chủ quan của người viết sách.

Rồi đây, học sinh ôn tập cho thi cử sẽ vất vả hơn, sẽ phải học thêm nhiều hơn.

Bởi, chương trình được thiết kế là thi, kiểm tra những tác phẩm ngoài nội dung học thì làm sao học sinh có thể biết đường ôn luyện.

Trong khi, nền giáo dục nước mình vẫn còn nặng thi cử, nặng điểm số thì với yêu cầu mới của người làm chương trình càng khiến việc dạy và học ngày càng thêm vất vả.

Con đường duy nhất để học sinh vượt qua các kì thi chắc chắn không có con đường nào khả quan hơn là… học thêm.

Chúng ta cứ nhìn vào những tác phẩm đề xuất của ban biên soạn chương trình cho sách giáo khoa mới thì sẽ tường tận được độ khó của môn Ngữ văn tới đây.

Các tác phẩm: Chiếc lược ngà (Nguyễn Quang Sáng); Bài thơ về tiểu đội xe không kính (Phạm Tiến Duật);

Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ (Nguyễn Khoa Điềm); Mây và sóng (R.Tagore);

Viếng lăng Bác (Viễn Phương); Phong cách Hồ Chí Minh (Lê Anh Trà)… đang ở chương trình sách giáo khoa lớp 9 được đưa xuống chương trình lớp 6-7 tới đây.

Chương trình Ngữ văn mới sẽ khó và nặng kiến thức hơn rất nhiều ảnh 3Đây là toàn bộ dự thảo 20 môn học phổ thông mới

Những tác phẩm của chương trình Ngữ văn trung học phổ thông hiện hành cũng được đưa xuống cấp trung học cơ sở như:

Tuyên ngôn độc lập  (Hồ Chí Minh); Hồn Trương Ba, da hàng thịt (Lưu Quang Vũ); Romeo và Juliet (W. Shakespeare); một số bài thơ trong Nhật kí trong tù (Hồ Chí Minh).

Ngoài ra còn đưa vào mới một số bài thơ Đường luật, một số vở kịch nước ngoài cho chương trình lớp 8 và lớp 9.

Ngoài việc đưa một số tác phẩm văn học nặng hơn chương trình hiện hành thì yêu cầu học sinh về các kĩ năng viết cũng cao hơn trước.

Đối với học sinh lớp 8 yêu cầu cần đạt có nhiều mục tiêu tất cao như:

Biết viết một bài báo cáo nghiên cứu về vấn đề tự nhiên hoặc xã hội.

Biết sử dụng đồ thị, sơ đồ, hình minh họa, phụ lục tham khảo hoặc biểu đồ để tăng thêm hiệu quả thể hiện nội dung báo cáo; biết dùng công nghệ thông tin để tăng hiệu quả biểu đạt cho bài trình bày”.

Lớp 9 đã vào nội dung: “Phương tiện giao tiếp phi ngôn ngữ: hình ảnh, số liệu, biểu đồ, sơ đồ…”.

Nội dung cần đạt là: “Biết viết một báo cáo nghiên cứu về một vấn đề tự nhiên hoặc xã hội, có sử dụng các sơ đồ, bảng biểu, tranh minh họa, trích dẫn và chú thích nguồn trích dẫn;

Biết dùng công nghệ thông tin để tăng hiệu quả biểu đạt cho bài trình bày;

Biết viết một quảng cáo hoặc tờ rơi; về một sản phẩm hay một hoạt động, thể hiện được những đặc điểm nổi bật của sản phẩm hoặc hoạt động;

Sử dụng kết hợp ngôn ngữ và các phương tiện phi ngôn ngữ phù hợp với nhu cầu và tâm lý của người tiếp nhận.

Cấp trung học phổ thông cũng đưa vào nhiều đơn vị kiến thức cao hơn hiện hành.

Trong đó, có một sự khác biệt cơ bản với chương trình hiện hành là có 3 chuyên đề cho cấp học này:

Chuyên đề 1: Bút pháp ước lệ, tượng trưng trong thơ trung đại Việt Nam (10 tiết);

Chuyên đề 2: Thành tựu của văn xuôi Việt Nam sau 1986 qua một số tác giả, tác phẩm tiêu biểu (10 tiết); Chuyên đề 3. Viết ứng dụng (15 tiết).

Trong 3 chuyên đề này, chúng tôi đặc biệt lưu tâm đến chuyên đề 3.

Bởi mục tiêu của chuyên đề này được ban biên soạn đưa ra là: “Biết viết bản tin ngắn cho một tờ báo: đưa tin và bình luận về một sự kiện chính trị, văn hóa xã hội nào đó;

Biết viết bài tường thuật/ phóng sự ngắn về một đề tài quen thuộc, gần gũi với cuộc sống của học sinh một cách chân thực, sinh động, đúng quy cách;

Biết tạo ra một bài báo chủ yếu bằng hình ảnh có kết hợp với lời dẫn hoặc bình luận".

Chương trình Ngữ văn mới sẽ khó và nặng kiến thức hơn rất nhiều ảnh 4Điểm khác biệt lớn nhất trong chương trình môn Ngữ văn mới là gì?

Như vậy, chỉ vài năm nữa thôi, khi áp dụng chương trình sách giáo khoa mới thì ngành giáo dục Việt Nam chúng ta chắc sẽ khởi sắc vô cùng.

Mục tiêu của học sinh cấp trung học cơ sở là học sinh biết làm tất cả các thể thơ của truyền thống và hiện đại sau 4 năm của cấp học này.

Khi các em học xong cấp trung học phổ thông là các em biết viết tin, viết phóng sự, bình luận, biết đủ các kĩ năng để viết các thể loại báo chí.

Vậy là, trong tương lai, học sinh chỉ cần học một mình môn Văn hết cấp phổ thông cũng có thể thành những “nhà thơ”, “nhà báo”…

Theo chúng tôi, đối với học sinh phổ thông thì những người làm chương trình chỉ cần trang bị những kiến thức phổ thông là đủ.

Mỗi em có một đam mê, một sở thích của mình. Em nào có đam mê môn học nào thì theo đuổi chuyên sâu môn đó.

Điều quan trọng nhất của môn Ngữ văn là dạy các em nói và viết tốt được tiếng mẹ đẻ.

Biết viết được các văn bản hành chính để có thể soạn thảo văn bản, biết lí lẽ, lập luận trước mọi vấn đề - đây là yêu cầu cần thiết với bất kì lĩnh vực nào khi vào đời.

Và, điều quan trọng nhất là bồi dưỡng cho các em nhân cách, đạo đức, biết vươn lên, sống có nghị lực và biết chung sống với mọi người… Thế là đã tốt lắm rồi.

Đừng viển vông và đề ra những mục tiêu xa vời chỉ làm đẹp cho những trang giấy mà thôi.

Nguyễn Nguyên