Chương trình giáo dục phổ thông Nhật Bản - bước ngoặt về tư duy giáo dục

01/09/2015 06:10
Nguyễn Quốc Vương
(GDVN) - Mục tiêu là thứ quan trọng bậc nhất đối với một nền giáo dục, vì vậy chương trình đã dành hẳn chương đầu tiên để trình bày về “Mục tiêu chung của giáo dục".

LTS: Góp ý cho Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể của Bộ GD&ĐT, hôm nay tác giả Nguyễn Quốc Vương (Đại học Kanazawa, Nhật Bản) sẽ dẫn chứng cuộc cải cách giáo dục Nhật Bản dưới việc đổi mới từ Chương trình phổ thông Nhật Bản năm 1947.

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, như một nguồn để tham khảo trong quá trình làm chương trình mới ở nước ta.

Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả.

Hoàn cảnh ra đời đặc biệt

Bản “Hướng dẫn học tập tổng quát” có chức năng như chương trình giáo dục phổ thông của Nhật Bản công bố năm 1947 ra đời trong hoàn cảnh rất đặc biệt: nước Nhật bị quân Đồng minh chiếm đóng và cuộc cải cách toàn diện thời hậu chiến bắt đầu. 

Cuộc cải cách vĩ đại đó nhằm chuyển đổi nước Nhật quân phiệt thành nước Nhật “hòa bình”, “dân chủ” và “tôn trọng con người” dựa trên tinh thần cơ bản của Hiến pháp mới (1946). 

Hoàn cảnh đặc biệt ấy được ý thức rất rõ bởi các tác giả soạn thảo chương trình khi ở phần “Lời nói đầu” có viết: “Hiện nay giáo dục của nước ta đang tiến về hướng khác với phương hướng từ trước đến nay. 

Việc giáo dục sẽ hướng về đâu và thể hiện ra như thế nào là điều mà giờ đây ai cũng cảm nhận được. ..Giờ đây khi Tổ quốc đang ở điểm xuất phát mới thì hơn ai hết, các nhà giáo dục đều thống thiết thấy rằng trách nhiệm lớn lao đang đặt lên giáo dục”.

Bản chương trình này là kết quả của một loạt các động thái cải cách vĩ mô trước đó như công bố các bộ Luật về giáo dục (Luật giáo dục cơ bản, Luật giáo dục trường học…), sửa đổi hệ thống trường học quốc dân, đồng thời cũng là sự khởi đầu cho các cải cách giáo dục toàn diện ở trường phổ thông. 

Nó là kết quả của sự hợp tác đầy nhiệt tâm của các trí thức trong và ngoài Bộ giáo dục bao gồm cả những người đã từng có tư tưởng giáo dục khác biệt với dòng chảy giáo dục chính thống trước đó.

Mục tiêu giáo dục mới mẻ và rõ ràng

Mục tiêu giáo dục là thứ quan trọng bậc nhất đối với một nền giáo dục vì vậy bản chương trình đã dành hẳn chương đầu tiên để trình bày về “Mục tiêu chung của giáo dục”. 

Ở đây, chương trình không trình bày về mục tiêu tổng quát thường được gọi là “mục đích” của giáo dục được quy định trong Luật giáo dục cơ bản mà tập trung diễn giải rõ hơn các mục tiêu cụ thể cần đạt được thông qua giáo dục trường học. 

Hướng dẫn học tập bản tổng quát 1947 của Nhật Bản. Ảnh Quốc Vương
Hướng dẫn học tập bản tổng quát 1947 của Nhật Bản. Ảnh Quốc Vương

Theo đó, mục tiêu giáo dục này sẽ được xác định ở 4 phương diện cơ bản là “Đời sống cá nhân”, “Đời sống gia đình”, “Đời sống xã hội”, “Đời sống kinh tế và đời sống nghề phiệp”. 

Các mục tiêu này được xác định dựa trên nhu cầu của xã hội Nhật Bản và nhu cầu của xã hội địa phương. Trong các mục tiêu cụ thể này có những điều rất mới mẻ so với mục tiêu giáo dục trước chiến tranh. 

Chẳng hạn trong “Đời sống cá nhân” có mục tiêu “phân biệt được rõ ràng chính tà, thiện ác-thứ được coi là nền tảng cơ bản của đời sống con người, từ đó có thể tổ chức đời sống bản thân đồng thời sinh sống với tình cảm đạo đức sắc bén”. 

Đồng thời coi trọng mục tiêu giáo dục tư duy khoa học “Làm cho cách nhìn, cách tư duy về tự nhiên và xã hội trở nên hợp lý, khoa học, luôn có thái độ mong muốn học tập nghiên cứu chúng”. 

Các mục tiêu ở “Đời sống gia đình” và “Đời sống xã hội” chú ý tới mối quan hệ giữa cá nhân và cộng động, xã hội.

Ở đó giáo dục phải giúp cho học sinh “Kính yêu gia đình, tôn trọng trật tự luân lý của đời sống gia đình, có thái độ duy trì và làm cho nó phát triển”, “Yêu nhân loại rộng lớn, tôn trọng tự do của người khác, coi trọng nhân cách đồng thời có thái độ nhường nhịn, tôn trọng ý kiến của người khác”, “Có tinh thần trách nhiệm mạnh mẽ làm nền tảng cho sự phát triển đời sống xã hội, cho dù là việc gì thì trước tiên cũng phải nghĩ tới người khác để cùng sinh sống, cùng nhau hợp tác lao động và có thái độ vui vẻ”…

Đặc biệt, hướng tới mục tiêu tổng quát là giáo dục nên người công dân dân chủ, các mục tiêu cụ thể nhấn mạnh giáo dục phải làm cho học sinh “Lý giải xem chính nghĩa xã hội là gì, nhạy cảm với chính nghĩa xã hội và nỗ lực vì nó”, “Lý giải xem chính trị là gì, nó cần có như thế nào đặc biệt là lý giải được tinh thần của hiến pháp mới thể hiện gốc rễ nó”, “Biết được truyền thống dựa trên sự tiến bộ của xã hội là gì, tôn trọng nó, nỗ lực duy trì nó mặt khác nỗ lực cho sự tiến triển của quốc gia, xã hội”…

Mục tiêu giáo dục được xác định trên 4 mặt nói trên đã định ra phương hướng để xây dựng các môn học mới và các phương pháp hướng dẫn học tập đi kèm. 

Chú trọng “cải cách giáo dục từ dưới lên”

Bao trùm và xuyên suốt bản chương trình là tư duy mới về giáo dục trong đó có tư duy coi trọng sự tự trị, tự chủ trường học cùng sự năng động, sáng tạo của các giáo viên, hiệu trưởng ở các địa phương.

Chương trình chỉ ra một trong những hạn chế lớn của nền giáo dục trước đó là mọi việc đều do “phía trên quyết định và được tiến hành kiểu một chiều không giới hạn”. 

Hệ quả là “một khi nội dung đã được quyết định thì nó sẽ được thực hiện giống nhau cho dù là ở đâu với đối tượng học sinh nào.

Vì vậy mà nó trở thành thứ một chiều và không có khoảng trống cho sự công phu, sáng tạo trong thực tế giáo dục. Việc như thế đã đem đến không biết bao nhiêu sự bất hợp lý cho thực tiễn giáo dục và làm hao mòn sinh khí của giáo dục”.

Chương trình dẫn ra một ví dụ cụ thể của lối giáo dục chỉ huy từ trên xuống: “Ví dụ như chuyện do có quy định phải dạy học sinh rằng hoa anh đào nở vào đầu tháng tư nên có nơi cho dù hoa đã rụng cũng vẫn phải dạy như thế và có nơi thì lại phải vừa nhìn những cây anh đào hoa còn đương nụ vừa dạy về hoa”. 

Ảnh minh họa. Xuân Trung
Ảnh minh họa. Xuân Trung

Tư duy và cách làm đó đã bỏ qua sự khác biệt giữa các địa phương cho dù là thành phố hay nông thôn.

Kết quả là nó đã biến tư duy của giáo viên “thành thứ mang tính máy móc, làm mất đi sự công phu, sáng tạo của bản thân giáo viên, làm giảm đi những hoạt động sinh động trong giáo dục và đôi khi tư duy của giáo viên bị đẩy vào trạng thái chỉ cần dạy theo khuôn mẫu là ổn, làm mất đi cảm xúc muốn hướng dẫn thật sự”.

Từ chỗ phân tích hạn chế trên, bản chương trình chủ trương giáo dục mới phải chú ý tới sự khác biệt vùng miền, chú trọng tới vai trò tự chủ, sáng tạo của các địa phương và giáo viên.

Ở đó người giáo viên “phải nhìn vào đặc trưng của xã hội ở từng địa phương, hiểu học sinh, chuẩn bị công phu về nội dung và phương pháp, lựa chọn lấy thứ thích hợp và nỗ lực để đạt được mục tiêu giáo dục”. 

Chương trình chỉ là tham khảo

Mặc dù dung lượng của bản chương trình khá lớn đến cả trăm trang và xuất bản dưới dạng “sách” nhưng ngay ở phần bìa có ghi rõ “Tham khảo”. 

Ở phần “Lời nói đầu” các tác giả cũng khẳng định sứ mệnh của cuốn sách (chương trình) là “trình bày về hướng dẫn học tập nhưng nó không phải là thứ được tạo ra với mục đích quyết định nên con đường bất động và thể hiện điều đó như sách giáo viên tồn tại từ trước đến nay. 

Đây là cuốn sách được viết ra như là hướng dẫn nghiên cứu đối với bản thân từng giáo viên để làm sao phát huy được khóa trình giáo khoa mới tương ứng với yêu cầu mới của học sinh và yêu cầu của xã hội”. 

Các tác giả cũng thừa nhận việc biên soạn chương trình sẽ không thoát khỏi hạn chế cố hữu khi nó chỉ là sản phẩm của một nhóm các nhà khoa học, làm việc trong một khoảng thời gian nhất định. 

Vì vậy điều cần chú ý với giáo viên khi đọc chương trình là “trước tiên phải nghĩ rằng nó là thứ được tạo ra như là sự thử nghiệm và để có thứ hoàn hảo từ giờ về sau chúng tôi mong sẽ luôn nhận được ý kiến và hợp tác để nó ngày một hoàn thiện hơn”. 

Ngay trong bản thân chương trình đã dự liệu đến việc tiếp nhận các “phiếu thông báo” về tình hình thực hiện ở các trường, địa phương để Ủy ban biên soạn tiếp tục sửa đổi và làm cho “chương trình ngày một hoàn thiện hơn”. 

Các môn học và phương pháp kiểm tra, đánh giá mới

Bản “Hướng dẫn học tập tổng quát” đã đưa ra “khóa trình giáo khoa mới” với sự tái cơ cấu lại các môn học đã tồn tại trước đó và thiết lập các môn học mới. Các môn học ở các cấp học được phân làm hai loại “tự chọn” và “bắt buộc”. Ở đó các môn học mới có tính tổng hợp xuất hiện như: “Gia đình”, “Nghiên cứu xã hội”, “Thời gian nghiên cứu tự do”. 

Trong đó ở cấp tiểu học, môn “Nghiên cứu xã hội” (Xã hội), môn học được xác định là trung tâm của cải cách giáo dục có thời lượng lớn hơn cả môn Toán. 

Cùng với sự mới mẻ về mục tiêu-triết lý giáo dục, chương trình cũng giới thiệu những phương pháp “kiểm tra, khảo sát kết quả học tập” phong phú nhằm giúp cả giáo viên và học sinh nắm được hiệu quả học tập. 

Nếu như giáo dục trước đó chỉ chú trọng kiểm tra “tri thức” thì ở đây giới thiệu và hướng dẫn các phương pháp “kiểm tra, khảo sát” nhằm kiểm tra toàn diện “mục tiêu giáo dục” từ cảm xúc, thái độ, tri thức tới cách tư duy, kĩ năng, mức độ thành thạo. 

Bản chương trình nói trên sau khi công bố đã được thực hiện rộng rãi trên toàn nước Nhật. Đúng như tinh thần đã nêu trong chương trình, sự năng động, sáng tạo ở các địa phương đã tạo ra hiệu quả lớn trong thực tế cải cách giáo dục. 

Sau hơn 10 năm vừa tròn một chu trình sửa đổi chương trình, nước Nhật đã thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng thời hậu chiến và trở lại cộng đồng quốc tế đầy ấn tượng. Kết quả ấy là sự chứng minh rõ nhất cho lời “cam kết”  của những người làm giáo dục được viết ở phần cuối “Lời nói đầu” trong chương trình: 

“Chúng ta phải có tấm lòng yêu học sinh, yêu xã hội, yêu đất nước và mong ước giáo dục nên những công dân xuất sắc, tạo ra sự phát triển văn hóa thế giới. Để làm được điều đó trước hết chúng ta phải làm phong phú đời sống giáo viên và việc làm cho giáo dục Nhật Bản trở thành thứ vĩ đại bằng sức mạnh của chúng ta quan trọng biết nhường nào.

Nguyễn Quốc Vương