Chuyện Chó mà có khác chi chuyện Người

20/02/2018 06:46
Trương Khắc Trà
(GDVN) - Loài chó thật lắm vinh quang nhiều tủi nhục. Chuyện chó rõ dài dòng văn tự, nói hoài không hết. Chuyện chó mà…như chuyện người…

Thoắt cái, con gà Đinh Dậu đi qua nhường chỗ cho chú chó Mậu Tuất án ngữ trên tờ lịch tính theo “chu kỳ” của…chị Hằng.

Lời chúc xuân chẳng có gì hơn ngoài đóng vai gã “thợ chữ” lượm lặt mấy câu chuyện…chó, hầu bạn đọc.

Năm Tuất nói chuyện chó (Ảnh minh họa: 123RF).
Năm Tuất nói chuyện chó (Ảnh minh họa: 123RF).

Thương nhau có thể gọi nhau là “cún” ghét nhau lại văng ra “đồ chó…”, buồn, vui, hay bình thường cũng có thể lấy chó làm mồi nhậu, ma chay, cưới hỏi, đình đám vẫn lấy chó làm tiệc, giận vợ ghen chồng cũng sẵn sàng bốp vào con chó nếu không may nó nằm ngáng đường.

Đại gia chi hàng tỷ đồng “chơi” giống chó độc lạ, người nghèo nhất cũng nuôi con chó trong nhà bầu bạn.

Ở làng tôi, một ngày nọ có người đàn ông bỗng “khai quật” được chú chó tạc bằng đá tổ ong, vị trí khai quật nằm ngay ranh giới giữa hai làng vốn hiềm khích tị nạnh nhau nhiều đời.

Thế là một cuộc tranh cãi nảy lửa nổ ra, cuối cùng bên đông hơn, mạnh hơn giành phần thắng.

Điều trùng hợp, chó đá được bới lên vào năm Tuất (1994, Giáp Tuất) càng củng cố niềm tin của các bô lão thêm chắc mẩm đó là thần thánh trên Trời phái xuống giúp đỡ dân làng.

Một cuộc lễ rước “thần Tuất” vô cùng long trọng được diễn ra, sau đó người ta đặt chú chó đá trên cái bệ, chõ mõm về phía làng bên.

Trong 12 con giáp của người Việt, chó (Tuất) xếp thứ 11, chỉ trên con heo (Hợi).

Nhưng, thật khó để xếp hạng cho loài chó đứng vào đâu trong đời sống con người, khi vui loài chó có thể lấy làm biểu tượng của lòng trung thành, lúc buồn giận chó được đính kèm để biểu thị mức độ của câu chửi.

Chó có thể là linh vật của một cộng đồng, cũng có thể hiện thân cho mọi thứ mạt hạng.

Ứng xử với loài chó cũng có vô vàn quan điểm khác nhau.

Kẻ ăn thịt chó cho rằng “vật dưỡng sanh” vì chó cũng là loài động vật như gà vịt, ngan ngỗng, lợn, cá... Người không ăn thịt chó vì cho rằng loài chó là biểu tượng trung thành, có “nhân tính” và xem chó như một thành viên trong gia đình.

Chuyện Chó mà có khác chi chuyện Người ảnh 2Ai đang chơi “ván cờ người”?

Đến nay quan điểm được giới nghiên cứu thừa nhận rộng rãi rằng: Chó là loài động vật nuôi đầu tiên được con người thuần hóa cách đây 15.000 năm vào cuối Kỷ băng hà.  

Tổ tiên của loài chó là chó sói.

Loài vật này được sử dụng để giữ nhà hoặc làm thú chơi.

Trong các từ ghép Hán Việt chó được gọi là “cẩu” (狗) hoặc “khuyển” (犬).

Chó con được gọi là “cún”.

Vì chó trông giống con cầy nên chó còn được gọi là “cầy”. Họ chó có tên khoa học là Canidae (tiếng Latinh canis có nghĩa là chó) gồm khoảng 37 loài: chó sói, chó sacan, cáo, chó rừng và các giống chó nhà.

Tất cả các thành viên trong họ chó đều là loài ăn thịt và thích nghi đặc biệt để săn mồi. Răng của chúng dùng để giết mồi, nhai thịt và gặm thịt, thỉnh thoảng để cắn nhau.

Ở Việt Nam, thịt chó là món khoái khẩu của nhiều dân nhậu, bất kể tầng lớp, địa vị. Hễ đã ghiền thịt chó khó lòng dứt được.

Người Việt đang giữ ngôi á quân thế giới về…ăn thịt chó, con số khủng khiếp – 5 triệu con mỗi năm. Có lẽ vì thế mà giới “cẩu tặc” xuất phát từ Việt Nam?

Thế mà người Việt không phải không yêu chó, cả làng cả xã hùa nhau đánh chết người vì bị mất chó, họ bảo vệ chó đến mức giết người, chỉ là không biết họ coi mất chó như mất của hay mất bạn.

Trong văn chương, viết về loài chó chắc không ai qua được Jack London, nhà văn người Mỹ với tác phẩm “Tiếng gọi nơi hoang dã” (nguyên bản tiếng anh: The Call of the Wild).

Cốt truyện kể về một con chó tên là Buck đã được thuần hóa, cưng chiều.

Nhưng một loạt các sự kiện xảy ra khi Buck bị bắt khỏi trang trại để trở thành chó kéo xe ở khu vực Alaska lạnh giá, trong giai đoạn mọi người đổ xô đi tìm vàng thế kỷ 19, thiên nhiên nguyên thủy đã đánh thức bản năng của Buck.

Buck trở lại cuộc sống hoang dã. Buck trở về rừng, và sống chung với lũ sói.

Đọc “Tiếng gọi nơi hoang dã” khó ai kìm được nước mắt khi dõi theo hành trình nghiệt ngã của Buck để trở về với bản năng vốn có.

Tác phẩm này đã được đạo diễn lừng danh Jean-Jacques Annaud chuyển thể thành phim.

Với loài chó, ở Phương Tây còn có chuyện động trời. Chính trị thế giới năm 2017 vừa có một bước ngoặt.

Một chú chó pitbull vừa được bầu làm thị trưởng của thị trấn Rabbit Hash ở Kentucky nước Mỹ.

Chú chó tên Brynneth Pawltro đã “nhậm chức” và giờ sẽ lãnh đạo cả cộng đồng.

Tờ The Sun đưa tin, theo kênh truyền hình WDRB, đây là lần thứ 4 thị trấn nhỏ Rabbit Hash chọn một chú chó làm “người đứng đầu”.

Jordie Bamforth, chủ nhân của con chó 3 tuổi, cho biết nó đã đánh bại mèo, gà và con lừa để trở thành con vật đứng đầu thị trấn.

Chuyện Chó mà có khác chi chuyện Người ảnh 3Giải cứu “Văn hóa”

Đây còn động trời hơn, một chú chó nghiệp vụ trong đơn vị K9 của mật vụ Mỹ được phong hàm Đại úy.

Chú ta thường bảo vệ Tổng thống Obama khi công nước ngoài.

Làm nhiệm vụ trong quân ngũ, chó nghiệp vụ cũng có thời gian phục vụ theo quy định, được phong hàm và có thể được Chính phủ Mỹ khen tặng huân chương nếu có thành tích xuất sắc.

Trước cửa nhà ga Shibuya, thành phố Tokyo (Nhật Bản) người ta dựng bức tượng đồng chú chó Hachito.

Chú được giáo sư Hidesaburo Ueno mang về nuôi tại ngôi nhà cách ga Shibuya không xa.

Hachiko rất trung thành với người chủ hiền lành, tốt bụng. Cứ mỗi buổi sáng khi giáo sư đi làm, Hachiko lại tiễn ông đến ga Shibuya, chờ ông mua vé rồi đi khuất trong ga mới thôi.

Chú thường ngồi ở một bục nhỏ trước cửa ga để chờ giáo sư đi làm về mỗi buổi chiều muộn.

Cho tới một ngày tháng 5/1925, giáo sư Ueno không bao giờ trở về nữa.

Ông bị xuất huyết não đột ngột và qua đời, để mặc Hachiko ngày ngày đến ga chờ đợi trong suốt 9 năm, 9 tháng và 15 ngày sau đó.

Thật ái ngại nếu so sánh lòng trung thành, khí chất của loài người người với loài chó, có lẽ sẽ phiền lòng bạn đọc nhưng đó là sự thật.

Người ta có thể “nhả” ra rồi thu lại nhưng loài chó thì không.

Người ta có thể phản bội nhau kể cả khi ngủ nhưng loài chó thì không.

Con cái có thể ruồng rẫy bố mẹ vì bần hàn nhưng loài chó thì không.

Người ta có thể bỏ nhau vì một lời nói nhưng loài chó không bao giờ bỏ chủ dù bị đối xử dã man…

Giật mình ngộ ra, chẳng lẽ loài chó khiến con người phải ngước nhìn đến như vậy?

Con chó Vàng của Lão Hạc phải bị bán đi lấy tiền cưới vợ cho thằng con trai.

Ngày bán con Vàng, Nam Cao tả lời Lão Hạc:

“Nó cứ nằm im như nó trách tôi, nó kêu ư ử nhìn tôi như muốn bảo rằng: A! Lão già tệ lắm! Tôi ăn ở với lão như thế mà lão đối xử với tôi như thế này? Thì ra, tôi già bằng này tuổi đầu rồi còn đánh lừa một con chó, nó không ngờ tôi nỡ tâm lừa nó”.

Cho đến bây giờ, hình ảnh con chó Vàng vẫn đại diện cho một tầng nấc hiện thực nào đó. Để rồi mỗi lần nhắc đến lão Hạc và “cậu Vàng”, ta lại như thấy một chiều nắng hiu hắt, thấy trong lòng quạnh vắng, và có gì đâu đây như thể một nỗi buồn...

Loài chó thật lắm vinh quang nhiều tủi nhục. Chuyện chó rõ dài dòng văn tự, nói hoài không hết. Chuyện chó mà…như chuyện người…

Trương Khắc Trà