Chuyên gia đề nghị chưa nên thành lập đại trà Hội đồng trường đại học

25/03/2016 07:05
Lê Viết Khuyến
(GDVN) - Chỉ thành lập khi đã thể hiện đủ năng lực để được Nhà nước trao quyền tự chủ trên cơ sở nhận thức đầy đủ trách nhiệm xã hội của mình.

LTS: Cùng với xu hướng gia tăng quyền tự chủ của các trường đại học, cơ chế Hội đồng trường được sử dụng rất phổ biến trong quản trị giáo dục đại học ở nhiều nước trên thế giới. 

Tuy nhiên ở Việt Nam, cơ chế này mới được đưa vào áp dụng từ một vài năm gần đây. Thoạt đầu, khái niệm “Hội đồng trường” được đưa ra trong Điều lệ trường đại học ban hành kèm theo Quyết định số 153/QĐ-TTg ngày 30/7/2003 của Thủ tướng Chính phủ. Tại Điều 30 của Điều lệ này khẳng định:

“… Hội đồng đường trường là cơ quan quản trị của trường đại học; quyết nghị các chủ trương lớn để thực hiện quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm của trường đại học…”.

Đến Luật Giáo dục năm 2005, khái niệm “Hội đồng trường” lại được nêu lại tại Điều 53: Hội đồng trường là tổ chức chịu trách nhiệm quyết định về phương hướng hoạt động của nhà trường, huy động và giám sát việc sử dụng các nguồn lực dành cho nhà trường, gắn nhà trường với cộng đồng và xã hội, bảo đảm thực hiện mục tiêu giáo dục… 

Khái niệm này được giải thích rõ hơn tại Điều 24 của Nghị định số 75/2006/NĐ-CP ngày 02/8/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục năm 2005: Hội đồng trường là tổ chức quản trị, đại diện chủ sở hữu của nhà trường… 

Trong Đề án đổi mới giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2006 – 2020 cũng nêu: Trên cơ sở hình thành Hội đồng trường đại diện cho cộng đồng xã hội, các cơ sở giáo dục đại học hoạt động tự chủ và nâng cao trách nhiệm xã hội, tiến tới xoá bỏ cơ chế bộ chủ quản...

Bài viết của TS. Lê Viết Khuyến, Viện các vấn đề giáo dục - Trường Đại học Bình Dương sẽ làm rõ hơn mô hình Hội đồng trường trong các trường đại học công lập ở Việt Nam. Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.

Tòa soạn trân trọng giới thiệu với bạn đọc.

TS. Lê Viết Khuyến viết: Ở Việt Nam dường như cơ chế Hội đồng trường còn chưa được các trường đại học thực sự ủng hộ bởi vì cho tới nay trong tổng số trên 180 trường đại học công lập mới chỉ có vài trường có hội đồng trường.

Và ngay tại những trường này, hội đồng trường hoạt động rất mờ nhạt và hầu như không thể hiện được vai trò của một tổ chức quyền lực.

Do vậy rất cần làm sáng tỏ nguyên nhân vì sao một chủ trương quan trọng và đúng đắn như vậy lại không thực sự đi vào cuộc sống của các trường đại học công lập trong thời gian vừa qua.

Các mô hình Hội đồng trường trên thế giới và Việt Nam

Trong tổ chức quản trị xã hội và Nhà nước có hai loại cơ chế (hay định chế) tổ chức chính được sử dụng rất phổ biến. 

Một là, cơ chế có cấu trúc kiểu tập quyền (Hierachical) hay cơ chế hành chính/quan liêu (Bureaucratic), cấp trên bổ nhiệm cấp dưới và cấp dưới phải chấp hành chỉ thị của cấp trên dưới dạng các quyết định cá nhân. 

Hai là, cơ chế điều phối tự quản (Self – regulation) kiểu hội đồng, theo cách bầu chọn đại diện của các nhóm lợi ích có liên quan (Stakeholders). Các đại diện trong hội đồng có quan hệ bình đẳng và quyết định phải triển khai là những nghị quyết của tập thể hội đồng.

Riêng trong lĩnh vực quản trị giáo dục đại học cơ chế  Hội đồng trường được sử dụng rất phổ biến ở các nước phát triển và đang được sử dụng ngày càng nhiều hơn ở những nước đang phát triển và các nước có nền kinh tế chuyển đổi như Thái Lan, Malaysia, Ấn Độ, Đông Âu, Trung Âu…

Có rất nhiều mô hình và tên gọi khác nhau để chỉ Hội đồng trường như : Board of Trustees, Board of Regents, Board of Governors, University Board, University Council, University Court,…

Tuy nhiên, tất cả các mô hình này đều mang đặc trưng của một hội đồng cai quản với thẩm quyền cao nhất trong một trường đại học, đại diện cho chủ sở hữu của nhà trường, mà đối với các trường đại học công lập thì đó chính là chủ sở hữu cộng đồng, bao gồm các nhóm lợi ích có liên quan như: cơ quan chủ quản (nhà nước), giáo chức, cán bộ công nhân viên, sinh viên, giới tuyển dụng, nhà tài trợ, trường bạn, người đóng thuế, người dân trong vùng…

Ảnh minh họa Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội.
Ảnh minh họa Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội.

Vì sao cơ chế Hội đồng trường lại có sức hấp dẫn rất lớn đối với các hệ thống giáo dục đại học khác nhau trên thế giới?  Xin được nêu ra 3 lý do sau:

- Chỉ có Hội đồng mới đưa ra được các quyết định thể hiện ý muốn của chủ sở hữu cộng đồng.

- Chỉ có Hội đồng với tư cách đại diện của chủ sở hữu cộng đồng mới dám chấp nhận những hành đồng có nguy cơ “rủi ro” cao để tạo ra được sự đổi mới thật sự.

- Chỉ có cơ chế Hội đồng mới tạo nên sự phù hợp giữa quyền sử dụng của người quản lý nhà trường với quyền sở hữu của chủ sở hữu cộng đồng.

Hội đồng trường đại học của Liên Xô thời kỳ cải tổ (trước 1990)

Trước thời kỳ cải tổ ở Liên Xô không có khái niệm về Hội đồng trường và Hội đồng trường chỉ xuất hiện từ năm 1989. Theo Điều lệ trường đại học của Liên Xô ban hành ngày 7/7/1989, Hội đồng trường là tổ chức quản trị cao nhất trong một trường đại học thực hiện chức năng làm chủ của tập thể lao động trong trường.

Thành phần của Hội đồng bao gồm không quá 50% thành viên từ Hội đồng khoa học của trường. Những thành viên còn lại được bầu chọn trong các hội nghị của nhà trường: không ít hơn 50% đại diện cho giáo chức và cán bộ nghiên cứu, không dưới 25% đại diện cho sinh viên và nghiên cứu sinh, không dưới 10% đại diện cho đội ngũ nhân viên phục vụ. 

Số lượng thành viên hội đồng không dưới 100 người; nhiệm kỳ 5 năm. Hiệu trưởng kiêm nhiệm Chủ tịch Hội đồng trường.

Hội đồng Viện đại học Wayne (bang Michigan – Hoa Kỳ)

Hội đồng có 8 thành viên do người dân của bang Michigan bầu chọn và được Thống đốc bang bổ nhiệm với nhiệm kỳ 8 năm. Đây là điểm khác biệt rất lớn với phần đông các trường đại học khác của Hoa Kỳ.

Các thành viên của Hội đồng không có lương mà chỉ được thanh toán những chi phí cần thiết có liên quan tới công việc của hội đồng.

Chuyên gia đề nghị chưa nên thành lập đại trà Hội đồng trường đại học  ảnh 2

Tự chủ đại học - chặng đường ba mươi năm đổi mới

(GDVN) - Chặng đường 30 năm đổi mới, giáo dục đại học đã xuất hiện những mô hình mới gắn với các cơ chế tự chủ, gắn với loại hình sở hữu...

Hội đồng có trách nhiệm bầu ra Chủ tịch (Hiệu trưởng) Viện đại học, giám sát tổng thể Viện đại học; kiểm soát và định hướng mọi chi tiêu từ các quỹ của Viện đại học; định ra chính sách học phí và mọi chế độ chi tiêu trong Viện đại học; quy định các thể chế về sử dụng quà tặng, mua sắm và thanh lý các tài sản, về việc ký kết các thoả thuận và hợp đồng với các đơn vị và cá nhân bên ngoài Viện đại học…

Hội đồng trường theo Điều lệ trường đại học

Luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại học khẳng định Hội đồng trường là tổ chức quản trị, đại diện cho chủ sở hữu của trường đại học.

Hội đồng trường đại học có số lượng thành viên tối thiểu 15 người, bao gồm:
Các thành viên đương nhiên: Bí thư Đảng uỷ, Hiệu trưởng và Chủ tịch Công đoàn trường.

Đại diện cơ quan trực tiếp quản lý trường.

Các thành viên được bầu: đại diện Hội đồng khoa học và đào tạo, đại diện giáo chức, đại diện công chức khối hành chính, đại diện Đoàn TNCSHCM và Hội sinh viên.

Các thành viên được mời từ bên ngoài (UNND tỉnh, các tổ chức nghiên cứu khoa học, nhà quản lý giáo dục, nhà hoạt động chính trị – xã hội, nhà doanh nghiệp…) với số lượng không dưới 20% tổng số thành viên Hội đồng trường.

Hội đồng trường làm việc theo phương thức thảo luận, thông qua các nghị quyết tập thể.

Hội đồng trường có các nhiệm vụ:

Quyết nghị về mục tiêu chiến lược và kế hoạch phát triển của nhà trường.

Quyết nghị về quy chế tổ chức và hoạt động của trường.

Quyết định các chủ trương chi tiêu, đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị.

Giám sát việc thực hiện các quyết nghị của Hội đồng trường.

Nhiệm kỳ hoạt động của Hội đồng trường là 5 năm.

Tổ chức Hội đồng chỉ thích hợp và cần thiết khi lựa chọn cơ chế điều phối tự quản.

Theo cơ chế này, chủ sở hữu của trường đại học công lập là chủ sở hữu cộng đồng, không phải chỉ có cơ quan chủ quản mà còn có cả các giáo chức, cán bộ công nhân viên, sinh viên, giới tuyển dụng, nhà tài trợ, trường bạn, người đóng thuế, người dân trong vùng… 

Còn Hội đồng trường chính là người đại diện cho chủ sở hữu cộng đồng nên phải là tổ chức quyền lực cao nhất của trường đại học, phải có nhiều thành viên đại diện cho các nhóm lợi ích có liên quan (stakeholders) và phải làm việc theo nguyên tắc đưa ra các nghị quyết tập thể. 

Rõ ràng nếu tuân theo cơ chế này thì sẽ không còn khái niệm “Bộ chủ quản”, như đã được nêu trong Nghị quyết 14/2005/NQ-CP ngày 2/11/2005 về đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2006 – 2020.

Việc vẫn tồn tại “Bộ chủ quản”, tức là vẫn khẳng định sự tồn tại song hành mà thực chất là đóng vai trò quyết định của cơ chế kiểu tập quyền (Hierarchical) làm cho các hội đồng trường đã thành lập hoạt động rất khó khăn, mang tính hình thức và buộc phải chuyển dần qua chức năng tư vấn.

Đối với các trường đại học công lập, chủ sở hữu của trường là cộng đồng. Do đó Hội đồng trường với tư cách đại diện cho cộng đồng, để có được các quyết định khách quan phản ánh đúng ý nguyện của cộng đồng, thì trong thành phần của nó phải có rất nhiều thành viên độc lập “bên ngoài” nhà trường (xu hướng chung là chiếm đa số). 

Chuyên gia đề nghị chưa nên thành lập đại trà Hội đồng trường đại học  ảnh 3

Tự chủ, tự do học thuật và trách nhiệm giải trình của đại học ở Việt Nam

(GDVN) - Tự do học thuật đặc biệt quan trọng trong xã hội kinh tế tri thức của thế kỷ 21, vì rằng hiện nay trường đại học là cỗ máy then chốt của xã hội tri thức.

Trong cơ chế Hội đồng, Hiệu trưởng phải được Hội đồng trường tuyển chọn hoặc mạnh hơn phải được Hội đồng trường tuyển dụng để điều hành quản lý nhà trường.

Điều kiện nào để có Hội đồng trường?

Theo tôi, chưa nên thành lập đại trà Hội đồng trường ở tất cả các trường đại học. Hội đồng trường chỉ nên thành lập ở những trường đã hội đủ các điều kiện sau: Đã thể hiện đủ năng lực để được Nhà nước trao quyền tự chủ trên cơ sở nhận thức đầy đủ trách nhiệm xã hội của mình.

Đã được giải phóng khỏi cơ chế bộ chủ quản. Sự lãnh đạo của cơ quan chủ quản đối với nhà trường được thực hiện qua vai trò của các đại diện của mình trong Hội đồng trường (chấp nhận có số lượng tham gia chiếm tỷ lệ cao).

Cơ cấu thành viên của Hội đồng trường phải thể hiện tính “cộng đồng” thật sự của chủ sở hữu. Do đó số lượng các thành viên “ngoài trường” trong Hội đồng trường phải chiếm tỷ lệ cao (khoảng 70%). 

Không nên thành lập Hội đồng trường ở những trường còn duy trì cơ chế kiểu tập quyền, đặc biệt ở những trường trực thuộc các bộ, ngành khác (tức những trường không trực thuộc Bộ GD&ĐT). 

Phải phân định rạch ròi vai trò lãnh đạo của tổ chức Đảng và của Hội đồng trường đối với Hiệu trưởng và tập thể Ban giám hiệu. 

Cơ cấu và nhân sự của Hội đồng trường ban đầu không nên do Hiệu trưởng đề xuất mà nên được chỉ định bởi một cơ quan có thẩm quyền cấp cao hơn trường đại học (Chính phủ đối với đại học và Bộ GD&ĐT đối với trường đại học).

Lê Viết Khuyến