Có bao nhiêu phương thức xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực?

21/03/2018 07:06
Tấn Tài
(GDVN) - Nhiều ý kiến cho rằng nên xử phạt vi phạm hành chính đối với người kê khai thu nhập, tài sản không trung thực nhưng nếu áp dụng cũng sẽ nảy sinh mâu thuẫn.

Ngày 20/3, trong khuôn khổ hội thảo: “Góp ý hoàn thiện dự thảo luật phòng chống tham nhũng (sửa đổi)” do Viện Nghiên cứu lập pháp (Ủy ban Thường vụ Quốc hội) tổ chức tại Đà Nẵng, các đại biểu, chuyên gia pháp luật tiếp tục có những mổ xẻ, phân tích, góp ý về dự thảo luật này.

Nhiều phương thức xử lý

Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Kim, quyền Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Thanh tra Chính phủ), thực tế, việc xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực hoặc tài sản, thu nhập tăng thêm và không giải trình được một cách hợp lý là một vấn đề rất phức tạp ở cả khía cạnh pháp luật và thực tiễn.

Việc xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực hoặc tài sản, thu nhập tăng thêm và không giải trình được một cách hợp lý là một vấn đề rất phức tạp ở cả khía cạnh pháp luật và thực tiễn. Ảnh: TT
Việc xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực hoặc tài sản, thu nhập tăng thêm và không giải trình được một cách hợp lý là một vấn đề rất phức tạp ở cả khía cạnh pháp luật và thực tiễn. Ảnh: TT

Tại các quốc gia có những phương thức xử lý vấn đề này như: xử lý thông qua bản án của Tòa án (tội phạm hóa hành vi kê khai không trung thực và hành vi chiếm giữ tài sản, thu nhập mà không giải trình được về nguồn gốc một cách hợp lý;

Thông quá trình tự tố tụng dân sự (khởi kiện vụ án dân sự), thông qua xử phạt hành chính (tịch thu tài sản, thu nhập thông qua quyết định hành chính của các cơ quan có thẩm quyền).

Hoặc các công cụ về thuế (truy thu thuế thu nhập cá nhân tương ứng với giá trị tài sản kê khai không trung thực hoặc tài sản tăng thêm không giải trình được một cách hợp lý).

Có bao nhiêu phương thức xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực? ảnh 21 triệu bản kê khai tài sản, chỉ phát hiện 5 người vi phạm, xử lý được 4 người

“Tuy nhiên, nếu căn cứ vào quy định của Hiến pháp và các quy định hiện hành thì việc xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực hoặc tài sản, thu nhập tăng thêm và không giải trình được một cách hợp lý có liên quan đến quyền sở hữu tài sản của người kê khai và vợ/chồng, con chưa thành niên của người kê khai.

Do đó, việc áp dụng các biện pháp xử lý trực tiếp đối với tài sản, thu nhập là một vấn đề phức tạp, ảnh hưởng đến quyền công dân, quyền con người đã được ghi nhận trong Hiến pháp.

Trường hợp áp dụng thì cũng cần phải sửa rất nhiều các đạo luật…”, ông Kim nói.

Nhiều đại biểu Quốc hội có ý kiến về việc áp dụng hình thức xử phạt hành chính.

Tuy nhiên, phương án này chưa thể hiện được thái độ của Nhà nước đối với tài sản, thu nhập kê khai không trung thực hoặc tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình được một cách hợp lý.

Phương án này chủ yếu hướng tới xử phạt hành vi vi phạm của người kê khai trên cơ sở coi đây là hành vi vi phạm nghĩa vụ của cán bộ, công chức theo quy định của pháp luật.

Thực hiện theo phương án này sẽ mâu thuẫn với các quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính và vi phạm nguyên tắc không xử lý 2 lần đối với cùng một hành vi vi phạm (xử lý kỷ luật và xử phạt vi phạm hành chính) – Tiến sĩ Kim chia sẻ.

Phương án đánh thuế “áp đảo”

Tiến sĩ Kim cho rằng, trong bối cảnh hiện tại, việc xử lý theo phương án đánh thuế đối với tài sản, thu nhập kê khai không trung thực hoặc tài sản, thu nhập tăng thêm và không giải trình được một cách hợp lý là phù hợp và được thể hiện trong phương án 1 của Điều 59 Dự thảo Luật mà Chính phủ trình Quốc hội.

Có bao nhiêu phương thức xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực? ảnh 3Muốn tịch thu tài sản bất minh thì phải ra tòa

Phương án này thể hiện thái độ rõ ràng của Nhà nước đối với các khoản thu nhập, tài sản bất minh khi cả cơ quan nhà nước có thẩm quyền và người chiếm hữu thực tế đều không chứng minh được về tình hợp pháp của nguồn gốc hình thành tài sản, thu nhập.

Phương thức này được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng. Theo đó, việc đánh thuế đối với các khoản thu nhập, tài sản bất minh, bao gồm cả thu nhập, tài sản có được từ hành vi có dấu hiệu tham nhũng.

Kể cả chưa chứng minh được có mối quan hệ trực tiếp hoặc chưa chứng minh được đó là hành vi tham nhũng đã được pháp luật của nhiều quốc gia như: Mỹ, Australia… quy định.

Nó dựa trên quan điểm cho rằng: “Nếu không đánh thuế đối với những khoản thu này thì đồng nghĩa với việc khuyến khích cho các hành vi làm giàu bất minh và trốn thuế”.

Sáng kiến thu hồi tài sản bị đánh cắp khẳng định: “đánh thuế đối với các khoản thu nhập bất chính là một trong các phương thức thu hồi tài sản thay thế”.

Theo đó, cơ quan chức năng không cần phải chứng minh về nguồn gốc bất minh của tài sản.

Các cơ quan này chỉ đơn giản chứng minh rằng, đã có một khoản thu nhập được tạo ra và người sở hữu nó có trách nhiệm đóng thuế cho nhà nước.

Đồng thời, việc thu thuế đối với tài sản, thu nhập kê khai không trung thực hoặc tài sản, thu nhập tăng thêm và không giải trình được một cách hợp lý chỉ được áp dụng sau khi đã được xác minh, kết luận.

Việc quy định theo phương án này là phù hợp với quy định của Hiến pháp và Bộ Luật Hình sự.

Bởi lẽ, tài sản, thu nhập đó đã không được người kê khai giải trình một cách hợp lý, không giải trình được là hợp pháp, là của cải để dành theo điều 32 Hiến pháp năm 2013 và không thuộc các trường hợp được xác lập quyền sở hữu theo điều 221 Bộ Luật Dân sự - Tiến sĩ Kim phân tích.

Trong các số tiếp theo, chúng tôi sẽ tiếp tục giới thiệu đến bạn đọc những quan điểm khác nhau của các Đại biểu Quốc hội, chuyên gia Luật về việc xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực.

Tấn Tài