Có chứng chỉ quốc gia, sinh viên Đại học Ngân hàng vẫn bị yêu cầu kiểm tra lại

30/11/2016 08:17
Phương Linh
(GDVN) - Sinh viên năm 3 Trường Đại học Ngân hàng phản ánh, dù có chứng chỉ quốc gia Tin học, Anh văn quốc gia, nhà trường vẫn không chấp nhận, mà bắt kiểm tra lại.

Ban biên tập Báo điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được thông tin phản ánh của các sinh viên năm 3 – khoa Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Ngân hàng TP.Hồ Chí Minh về những điều bất bình thường trong việc nộp chứng chỉ Tin học, Anh văn của sinh viên.

Có chứng chỉ quốc gia, vẫn bị trường kiểm tra lại

Sinh viên cho biết, hiện các Trường Đại học vẫn áp dụng chứng chỉ Tin học, Anh văn trong chuẩn đầu vào, đầu ra trong đào tạo. Trường Đại học Ngân hàng cũng không là ngoại lệ.

Những trường như Đại học Kinh tế, Ngoại thương hay các thành viên của Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh vẫn chấp nhận chứng chỉ B Tin học quốc gia (chứng chỉ Công nghệ thông tin) làm chuẩn đầu ra, mà không cần phải xác minh bằng thật hay bằng giả.

Các sinh viên của những Trường Đại học này hàng năm vẫn ra trường, với tấm bằng tin học do Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp. Thế nhưng, tại Trường Đại học Ngân hàng thì lại khác.

Văn bản kết luận về chuẩn đầu ra Tin học, tiếng Anh của Đại học Ngân hàng TP.HCM (ảnh: P.L)
Văn bản kết luận về chuẩn đầu ra Tin học, tiếng Anh của Đại học Ngân hàng TP.HCM (ảnh: P.L)

Thời gian trước đây, sinh viên nộp tấm bằng Tin học không phải của trường cấp, mà do Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp, thì đều phải qua bước xác minh lại bằng cấp rất vất vả.

Nay, nhà trường lại đưa ra thêm một quyết định là phải kiểm tra lại trình độ của sinh viên, nếu sinh viên không có chứng chỉ do Trung tâm Ngoại ngữ và Tin học (FLIC) của trường cấp.

Trong khi đó, điều nghịch lý là chứng chỉ nội bộ này lại không được nhà tuyển dụng chấp nhận, hay dùng để học lên cao hơn.

Một vấn đề nữa, dù bao nhiêu năm qua, trường yêu cầu phải làm thủ tục xác minh lại chứng chỉ Tin học, nhưng các sinh viên vẫn chấp nhận học bên ngoài, thay vì học tại FLIC.

Bởi lẽ, sinh viên cho rằng, học phí tại FLIC quá đắt đỏ, chất lượng không tốt. Như vậy, quyết định mới của trường chẳng khác nào ép sinh viên phải học ở trung tâm FLIC, làm tăng doanh thu cho trung tâm.

Quyết định này của trường đã làm ảnh hưởng đến hàng ngàn sinh viên, làm cho các em đã có chứng chỉ quốc gia rồi, lại phải đi học thêm các chứng chỉ quốc tế (được công nhận), để tránh bị kiểm tra lại rườm rà, lại còn phải mất tiền phí đóng.

Kiểm tra lại trình độ sinh viên là chuyện bình thường

Sáng ngày 29/11, TS. Trần Mai Ước – Chánh văn phòng kiêm Trợ lý Ban Giám hiệu Trường Đại học Ngân hàng đã có buổi làm việc với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, về những nội dung mà sinh viên phản ánh.

TS. Trần Mai Ước cho biết, việc kiểm tra trình độ tiếng Anh và Tin học chỉ áp dụng đối với sinh viên chính quy khóa 32, không áp dụng cho các khóa tuyển sinh khác.

Đây là việc nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng được chuẩn đầu ra theo nhu cầu của xã hội. Theo TS. Ước thì đây là chuyện  hoàn toàn bình thường, mà các Trường Đại học khác đều thực hiện giống như vậy.

Đại diện Trường Đại học Ngân hàng TP.Hồ Chí Minh cũng cung cấp thêm rằng, việc kiểm tra lại trình độ tiếng Anh, Tin học này cũng nhằm để đáp ứng yêu cầu chuẩn kiến thức nhất định, đã được nhà trường để ra yêu cầu.

Cũng theo lãnh đạo Trường Đại học Ngân hàng cho biết, qua kỳ kiểm tra mới nhất vừa được tổ chức, số lượng sinh viên đáp ứng theo chuẩn mà nhà trường đưa ra trên tổng số sinh viên dự kiểm tra là rất ít, còn ở môn tiếng Anh thì kết quả có khả quan hơn.

Trước thông tin của sinh viên khi cho rằng, việc kiểm tra trình độ này của sinh viên được giao cho Trung tâm FLIC của trường phụ trách, TS. Trần Mai Ước đã bác bỏ thông tin, và nói rằng FLIC thì là một thành viên trong tổng số rất nhiều thành viên trong hội đồng kiểm tra của nhà trường.

Phương Linh