Cô giáo dạy văn từng được ông Nguyễn Bá Thanh nhờ viết kịch bản phim về Đà Nẵng

26/10/2017 09:08
An Nguyên
(GDVN) - Lúc còn sống, ông Nguyễn Bá Thanh, nguyên Trưởng ban Nội chính trung ương đã gọi cô đến nhờ viết một kịch bản phim về sự thay đổi của Đà Nẵng.

Mặc dù đã có tuổi nghỉ hữu nhưng cô giáo Phạm Thị Phong (Trường trung học cơ sở Tây Sơn, quận Hải Châu, Đà Nẵng) vẫn gắn bó thân thiết với những học trò của mình.

Dưới sự dìu dắt, hướng dẫn của cô, nhiều nhóm học sinh Đà Nẵng đã đăng quang trong các cuộc thi làm phim dành cho bậc phổ thông (cấp 2 – cấp 3) ở đấu trường quốc tế.

Đam mê “nghệ thuật thứ 7”

Là một trong những giáo viên được vinh dự nhận giải thưởng Võ Trường Toản lần 2 (được tổ chức vào tháng 11 tới), cô Phong chia sẻ, tận đáy lòng mình thầm cảm ơn mảnh đất Quảng Nam – Đà Nẵng đã đùm bọc, nuôi dưỡng cô suốt mấy chục năm qua.

Cô Phong đã hướng dẫn nhiều nhóm làm phim "nhí" bước lên bục vinh quang của đấu trường quốc tế. Ảnh: AN
Cô Phong đã hướng dẫn nhiều nhóm làm phim "nhí" bước lên bục vinh quang của đấu trường quốc tế. Ảnh: AN

Hơn 33 năm đứng trên bục giảng, cô là người nâng bước cho bao thế hệ học trò lần lượt bước lên các bậc vinh quang trong các cuộc thi viết thư UPU quốc tế, làm phim, sáng tác văn học nghệ thuật...

Nhưng có lẽ ấn tượng nhất với cô vẫn là những giải thưởng do môn nghệ thuật thứ 7 mang lại.

Kể về cơ duyên với những thước phim của mình, cô nói: “Mọi thứ bắt nguồn từ khi tôi đọc một bài báo viết về một cô giáo trường làng ở Mỹ đã cùng nhóm học sinh của mình làm phim.

Cô giáo dạy văn từng được ông Nguyễn Bá Thanh nhờ viết kịch bản phim về Đà Nẵng ảnh 2

Nể phục cô giáo dạy Sử 15 năm đưa học trò thành phố đi thi quốc gia

Bộ phim đó khi trình chiếu đã khiến cả hollywood phải ngưỡng mộ bởi số lượng người xem. Từ đó, tôi hình thành nên ý tưởng sẽ cùng học sinh của mình cho ra những bộ phim thực tế, sinh động nhất”.

Mùa hè, khi chồng con về quê nghỉ ngơi thì cô ở lại với học sinh để cùng nhau lên ý tưởng cho những kịch bản, chuẩn bị máy móc cho bộ phim đầu tay.

Hàng đêm, cô lên mạng tìm đọc các tài liệu của sinh viên trường sân khấu điện ảnh, sau đó về hướng dẫn cho học trò thực hiện.

“Máy móc cũ kỹ, cô trò phải nhờ các anh chị sinh viên làm phần mềm dựng phim, quay phim. Chính học sinh là những người đạo diễn, quay phim, diễn viên.

Còn tôi thì viết kịch bản, lúc đóng cô giáo, lúc lại đóng vai người mẹ... Các em rất thích thú, năng động và thỏa sức sáng tạo”, cô Phong nhớ lại.

Gần ba tháng quần quật trên khắp các “phim trường”, tác phẩm đầu tay mang tên “Con què” của nhóm cô Phong đã hoàn thiện.

Bộ phim nói về một cô bé học trò nghèo khuyết tật, bị bạn bè trêu chọc phải bỏ học.

Khi các bạn tìm đến nhà của cô bé ấy mới hiểu được hoàn cảnh gia đình là bố mẹ bị tai nạn qua đời, chỉ còn lại mỗi “con què” cùng di chứng của vụ tai nạn đau thương ấy. Các bạn hiểu ra và giúp cô bé trở lại trường học.

Năm 2009, bộ phim “Con què” đã đạt giải triển vọng quốc gia trong cuộc thi làm phim dành cho học sinh phổ thông do Bộ Giáo dục, Trung ương đoàn và Đại sứ quán Nhật tổ chức.

Nối tiếp thành công của bộ phim “Con què”, bộ phim “Buổi học của Thúy” đã đạt giải đặc biệt liên hoan phim Châu Á – Thái Bình Dương dành cho học sinh phổ thông tổ chức tại Nhật Bản năm 2010.

Năm 2011, tác phẩm “Lan – đừng khóc” của nhóm bạn Hiếu Hiền (lớp 6), Thảo Vy (lớp 7), Hoàng Mỹ (lớp 9) do cô Phong hướng dẫn đã đoạt giải: ưu tú xuất sắc (tương đương giải nhất).

Gác lại những bộ phim với lứa tuổi học trò, cô Phong tâm sự, ngày trước, ông Nguyễn Bá Thanh khi còn làm Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đã gọi gọi cô lên nhờ viết một kịch bản phim về sự thay đổi của mảnh đất này.

“Hồi đó, chất Quảng trong mình không có nhiều, chất liệu, vốn sống về mảnh đất này cũng không được phong phú nên không tự tin lắm.

Nó cao quá tầm với của mình. Dù rất tiếc khi từ chối nhưng tôi vẫn luôn ấp ủ viết một kịch bản phim để tri ân mảnh đất Đà Nẵng. Đà Nẵng là một thành phố đáng sống và nó xứng đáng được viết thành phim”,

Cô Phong cũng chia sẻ, thời gian tới sẽ tìm thêm nhiều dữ liệu, dữ kiện để làm một bộ phim như mong muốn của ông Bá Thanh.

Cảm hóa những học sinh hư

Cô Phong còn có một biệt tài mà nhiều thầy cô khác phải thán phục là khả năng cảm hóa những học sinh cá biệt.

Bộ phim "Lan - đừng khóc" của nhóm làm phim do cô Phong hướng dẫn đã giành giải nhất tại cuộc thi Liên hoan phim châu Á dành cho bậc phổ thông. Ảnh: AN
Bộ phim "Lan - đừng khóc" của nhóm làm phim do cô Phong hướng dẫn đã giành giải nhất tại cuộc thi Liên hoan phim châu Á dành cho bậc phổ thông. Ảnh: AN

Điều làm cô sung sướng không phải các giải thưởng hay huy chương xếp hạng mà chính là việc giúp các em học sinh hư “trở về” với trường lớp, bạn bè.

“Mình phải đóng vai người mẹ mới hiểu được các em đang nghĩ gì, ghét cái gì và vì sao lại bỏ đi bụi. Phải tìm ra cái gì đã khiến em đó trở nên như thế và giải pháp đưa học sinh ấy trở về như thế nào?”, cô Phong chia sẻ.

Nhiều trường hợp, học sinh ở nhà thì bị gia đình la mắng đánh đập, đến trường thầy cô la phạt, bạn bè kinh rẻ. Tâm lý của những bạn đó sẽ nghĩ là cả xã hội không cần mình, đẩy hết trường này sang trường kia.

Cô giáo dạy văn từng được ông Nguyễn Bá Thanh nhờ viết kịch bản phim về Đà Nẵng ảnh 4

Vinh danh những nhà giáo vì sự nghiệp “lương sư, hưng quốc”

“Năm đấy, cô chủ nhiệm một lớp toàn yếu kém. Sĩ số lớp hơn 40 thì có đến 16 bạn lưu ban, thi lại. Nhà trường đã dồn các em này lại để có phương án dạy riêng, vừa để khỏi quậy lớp khác. Cả lớp chỉ 3 học sinh khá, còn lại trung bình và yếu”.

Một lớp như vậy thì không giáo viên nào dám nhận chủ nhiệm. Ngày đầu nhận lớp, cô Phong để lập hẳn một bảng “phong thần” để theo dõi học sinh. Trong đó tập trung vào những em “đầu lĩnh”, chuyên bày trò quậy phá trong lớp.

“Tuần đầu tiên, mình không về sớm mà đến nói chuyện với lớp, động viên các em, lắng nghe các em nói lên suy nghĩ của mình”, cô Phong nói.

Nếu các em vi phạm thì mình sẽ phạt ra sao: đánh thì không được, lao động vệ sinh cũng không được, viết kiểm điểm cũng không ăn thua... Nên cách của mình là gặp riêng các em, nói chuyện rõ ràng.

Còn nếu không có chuyển biến thì đến nhà làm việc với phụ huynh, có khi còn mời theo tổ dân phố, công an đến làm việc cùng.

Mục đích là để mọi người hiểu được hoàn cảnh gia đình học sinh, có phương án giúp đỡ... nhưng một phần cũng để khiến các em phải biết sợ - công Phong nói.

Nhờ giáo án đặc biệt ấy mà từ một lớp quậy phá của trường, nhiều em đã chịu khó học tập và thành đạt.

An Nguyên