Cô giáo tiểu học Phạm Thị Thảo nặng lòng với học sinh khuyết tật

22/12/2018 07:06
THU NGUYỆT
(GDVN) - Hơn 5 năm qua, cô Phạm Thị Thảo, giáo viên Trường Tiểu học Đông Mai luôn cẩn thận, tỉ mỉ, tận tâm dìu dắt, chăm sóc, dạy dỗ những trẻ em khuyết tật.

Trước năm 2005, cô giáo Phạm Thị Thảo (sinh năm 1978) giảng dạy tại Trường Tiểu học Hà An, Trường tiểu học Cộng Hòa (thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh).

Sau đó, cô được điều chuyển về giảng dạy tại Trường tiểu học Đông Mai, thị xã Quảng Yên.

Cô Thảo kể: “Năm học 2007-2008, lần đầu tiên lớp mình chủ nhiệm có 1 học sinh tự kỷ.

Học sinh ấy lớn tuổi hơn hẳn các bạn cùng lớp nên thường bị trêu chọc. Cuối cùng, thì phụ huynh phải xin cho bạn ấy nghỉ học giữa chừng.

Khi gia đình thông báo tin đó, tôi buồn mất một thời gian dài. Tôi cứ luôn tự trách, mình đã không thể đồng cảm để chia sẻ, để níu chân em ở lại lớp”.

Cô giáo Phạm Thị Thảo giảng dạy học sinh khuyết tật (Ảnh: Thu Nguyệt)
Cô giáo Phạm Thị Thảo giảng dạy học sinh khuyết tật (Ảnh: Thu Nguyệt)

"Thất bại" đó đã thôi thúc cô Thảo đầu tư thời gian để tìm kiếm, nghiên cứu tâm lý trẻ khuyết tật, nhất là với trẻ tự kỷ, khuyết tật về trí tuệ... với mong muốn được góp sức mình để giúp các em biết đọc, biết viết; được sống trong môi trường học tập.

Bởi vậy, trong quá trình thực hiện phổ cập giáo dục tiểu học, cô cùng Nhà trường tìm đến các gia đình có con em khuyết tật để vận động tuyên truyền tới phụ huynh về quyền được đi học, được hòa nhập của trẻ khuyết tật và nhiệm vụ giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật trong trường Tiểu học.

Từ năm học 2012- 2013 cô chính thức gắn với “nghiệp” dạy trẻ khuyết tật khi hầu như năm học nào nhà trường cũng giao trẻ khuyết tật về lớp cô giảng dạy.

Những ngày đầu, giúp học sinh khuyết tật làm quen nền nếp với cô Thảo là công việc vô cùng chật vật, khó khăn bởi các em đều chưa biết tự vệ sinh cá nhân.

Thậm chí, có em thường xuyên tiểu, tiện ra lớp; hoặc tự ý đi lang thang trong lớp khi cô giáo đang giảng bài; rồi nhảy bổ vào xé sách, vở của các bạn.

Không những thế, cô còn phải chịu áp lực từ chính một số phụ huynh phản ứng vì sự quậy phá của học sinh khuyết tật.

Cô giáo Pạm Thị Thảo được tuyên dương trong chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô 2018" (Ảnh: Thu Nguyệt)
Cô giáo Pạm Thị Thảo được tuyên dương trong chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô 2018" (Ảnh: Thu Nguyệt)

Để gỡ bỏ khoảng cách ấy, cô Thảo đã vừa nhẫn nại chăm sóc, rèn giũa học sinh khuyết tật vừa kiên trì giải thích với các bậc phụ huynh để tìm sự đồng cảm và sẻ chia;

Đồng thời hướng dẫn phụ huynh một số kĩ năng giúp trẻ khuyết tật hòa nhập cộng đồng nơi sinh sống.

Sự tận tâm của cô Phạm Thị Thảo đã tạo dựng tình yêu thương sâu sắc mà học sinh khuyết tật dành cho cô.

Nhiều học sinh dù đã theo học ở các lớp lớn hơn, nhưng hễ có việc lại chạy đi tìm cô Thảo để nhờ giúp đỡ.

Cô giáo tiểu học Phạm Thị Thảo nặng lòng với học sinh khuyết tật ảnh 3

Yêu trò như con, điều kiện tiên quyết để dạy trẻ tự kỷ

Nói về cô Thảo, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đông Mai Lê Thị Huyền cho biết:

“Nhà trường có đội ngũ giáo viên tậm tâm với nghề, với học sinh khuyết tật, trong đó, cô Thảo là một điển hình.

Cô luôn chịu khó tìm tòi các giải pháp để tạo sự gắn bó giữa học sinh khuyết tật, gia đình học sinh và nhà trường; gần gũi, yêu thương, giúp học sinh khuyết tật tĩnh tâm và có kết quả học tập tốt”.

Được biết, từ năm 2012 đến nay, cô Thảo đã kèm cặp, giúp đỡ 7 học sinh ở các dạng khuyết tật như: Tự kỷ, khiếm thính, khuyết tật trí tuệ, tâm thần ..., trong đó, lớp 1 do cô chủ nhiệm cũng đang có 1 học sinh tự kỷ theo học.

Hiện Trường tiểu học Đông Mai còn có riêng 1 phòng hỗ trợ giáo dục đặc biệt để bố trí giờ giảng cho trẻ khuyết tật về trí tuệ, trẻ tự kỷ và điều hòa cảm xúc cho trẻ bị tăng động trong quá trình theo học ở các lớp.

Với những đóng góp của mình, cô Thảo là 1 trong 8 giáo viên dạy hoà nhập tại các trường phổ thông trong cả nước được tuyên dương trong chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô năm 2018" do Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam phối hợp cùng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tập đoàn Thiên Long tổ chức tại Hà Nội vào ngày 15/11/2018 nhằm tôn vinh các thầy cô giáo dạy học sinh khuyết tật.

Đây chính là động lực để cô tiếp tục vững bước trong hành trình đưa chữ đến với những trẻ em khuyết tật trên địa bàn.

THU NGUYỆT