Có người nghiêm túc, nhưng cũng có người theo phong trào khi tự ứng cử

17/03/2016 13:47
QUỐC TOẢN (THỰC HIỆN)
(GDVN) - "Đã tạo ra "sân chơi", phải có luật chơi công bằng. Sự công khai, minh bạch trong bầu cử chính là "liều thuốc" chống kích động, xuyên tạc", Luật sư Bình nói.

LTSNhiều chuyên gia cho rằng, để chống lại những luận điệu xuyên tạc trong bầu cử, cần tạo ra "sân chơi" công bằng giữa các ứng viên.

Dưới góc nhìn pháp lý trong vấn đề bầu cử, hôm 16/3, phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Luật sư Phạm Quốc Bình – Chủ tịch Công ty luật Long Hà.

Phát huy tính dân chủ trong bầu cử

PV: Luật sư có thể đánh giá khái quát về tính dân chủ trong việc thực hiện bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XIV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021?

Luật sư Phạm Quốc Bình: Rõ ràng tính dân chủ trong bầu cử nói chung hiện nay đã cởi mở hơn so với những khóa trước. 

Điều này được thể hiện thông qua những phát ngôn của

Có người nghiêm túc, nhưng cũng có người theo phong trào khi tự ứng cử ảnh 1

Nghệ sĩ ứng cử Đại biểu Quốc hội, đừng nghĩ người ta thiếu nghiêm túc

các cán bộ lãnh đạo Đảng, Nhà nước đối với những người tự ứng cử, trong đó nhấn mạnh vấn đề không được phân biệt đối xử với người tự ứng cử. 

Tính cởi mở về dân chủ còn được thể hiện ở xu hướng tự ứng cử của các thành phần khác nhau trong xã hội - điều mà trước đây cũng có nhưng còn hạn chế

Tuy nhiên, ở cấp chính quyền địa phương, dường như sự cởi mở đó vẫn chưa theo kịp nhịp sống của xã hội. Hay nói chính xác hơn, hầu như chưa có sự thay đổi nào xét ở góc độ người tự ứng cử...

Trong lần bầu cử này, người ta thấy xuất hiện rất nhiều nghệ sĩ là diễn viên, ca sĩ… tham gia ứng cử Đại biểu Quốc hội. Luật sư nhận thấy điều gì từ xu hướng này?

Luật sư Phạm Quốc Bình: Có thể chia thành phần tự ứng cử thành 3 nhóm.

Nhóm thứ nhất: Người tự ứng cử thể hiện trách nhiệm, quyền công dân. Mặt khác, họ mong muốn, tha thiết được tham gia góp sức vào nghị trường Quốc hội vì sự phát triển của đất nước.

Nhóm thứ 2: Người tự ứng cử có thể vì một “tác nhân” nào đó thúc đẩy, chứ chưa hẳn họ có quyết tâm ứng cử ngay từ đầu. Do đó, những người thuộc nhóm này chưa định hình được mục tiêu, chương trình hành động khi ứng cử.

Luật sư Phạm Quốc Bình (ảnh: Nhân vật cung cấp).
Luật sư Phạm Quốc Bình (ảnh: Nhân vật cung cấp).

Nhóm thứ 3: Những người ứng cử theo phong trào. Đích đến của họ là tạo đà để người dân quen với cách vận động dân chủ một cách rộng rãi trong xã hội. 

Trong tư tưởng của nhóm này không thể hiện sự chống đối. Họ cũng tiếp cận và đưa ra trương trình hành động ngay từ ban đầu, nhưng chưa thật chuyên nghiệp.

Về quan điểm, tôi ủng hộ những người tham gia ứng cử. Nhưng trước hết, những người tham gia “cuộc chơi chính trị” này phải tuân thủ luật chơi. Cụ thể là việc tuân thủ trình tự, thủ tục tham gia ứng cử, bầu cử…

Theo Luật sư đâu là nguyên nhân tạo ra sự thay đổi về nhận thức của người dân trong việc phát huy quyền làm chủ của mình?

Luật sư Phạm Quốc Bình: Sự thay đổi nhận thức trong ứng cử thể hiện rõ nét nhất sau Đại hội đảng toàn quốc lần thứ XII, đặc biệt là những thông tin liên quan tới công tác nhân sự. 

Trước đây, có thể thấy công tác nhân sự chỉ được biết đến thông qua các phương tiện thông tin đại chúng theo hướng một chiều.

Do đó, nhu cầu của người dân trong việc tiếp cận với những thông tin đa chiều, minh bạch còn hạn chế. 

Tuy nhiên, hiện nay cùng với sự xuất hiện của mạng xã hội, với khá nhiều thông tin mang tính phản biện, phân tích, hoặc dự đoán có tính đa chiều… ngày càng thu hút sự quan tâm của dư luận. 

Có thể lấy một ví dụ điển hình nhất là vụ chặt cây xanh ở Hà Nội.

Theo đó, bên cạnh những thông tin một chiều do chính quyền cung cấp, thì các thông tin phản biện trên báo chí, cùng với đó là sức lan tỏa trên chóng mặt trên các trang mạng xã hội, tạo cho người dân góc tiếp cận đa chiều hơn về vụ việc.

Do đó, sự thay đổi trong nhận thức của người dân với "chất xúc tác" là các thông tin đa chiều (báo chí, mạng xã hội…) đã tạo nên sự quan tâm của dư luận, đặc biệt là các vấn đề liên quan tới bầu cử.

“Phải có luật chơi công bằng”

Sự công khai, minh bạch trong bầu cử chính là "liều thuốc" chống lại những luận điệu xuyên tạc, kích động từ các thế lực thù địch.

Theo Luật sư, những ứng viên tự ứng cử sẽ gặp phải những khó khăn gì khi tham gia tự ứng cử?

Luật sư Phạm Quốc Bình: Đó là khó khăn trong việc hoàn thiện hồ sơ, vấn đề tài chính khi thực hiện ứng cử. Ngay bản thân người tự ứng cử cũng chưa hiểu hết các vấn đề liên quan tới công tác bầu cử. 

Tiếp đó là vấn đề minh bạch hóa về thông tin bầu cử (bỏ phiếu, kiểm phiếu, công bố kết quả). Trong khi đó luật bầu cử của chúng ta chỉ đề cập chung chung về quyền giám sát hoạt động bầu cử.

Trên thực tế, việc một ứng cử viên tự ứng cử có điều kiện giám sát công tác kiểm phiếu gần như là không có. Điều này dường như trong luật chưa được đề cập rõ.

Mặt khác, việc vận động bầu cử cũng là một trở ngại đối với ứng viên tự ứng cử.

Hiện tại, vận động bầu cử chủ yếu thông qua hai hình thức chính, là tiếp xúc cử tri và thông qua kênh báo chí.

Trong thành phần tự ứng cử có nhiều người hiện đang hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật (ảnh: Báo Người đưa tin).
Trong thành phần tự ứng cử có nhiều người hiện đang hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật (ảnh: Báo Người đưa tin).

Ở góc độ tiếp xúc cử tri, người tự ứng cử chỉ được tham gia diễn thuyết trong thời gian ngắn, phạm vi rất hạn hẹp do Mặt trận Tổ quốc tổ chức tại nơi ứng cử viên đưa đưa vào danh sách bầu.

Tuy nhiên, thành phần tiếp xúc cử tri chỉ mới đến cấp tổ trưởng dân phố. Còn người dân thì hầu như không nắm rõ thông tin về chương trình hành động của vị Đại biểu tương lai mà họ sẽ bỏ phiếu.

Do đó, có rất nhiều trường hợp bản thân những cử tri đi bỏ phiếu bầu cũng chưa biết năng lực của người tự ứng cử như thế nào? Cho nên có tình trạng bỏ phiếu theo... cảm tính.

Mặt khác, các ứng cử viên tự do cũng không thể mang loa đài tới bãi đất trống nào đó để vận động tranh cử được. Điều này trái luật và rất bất lợi cho họ.

Đối với thông tin bầu cử qua kênh báo chí cũng còn hạn chế. Thông tin của người tự ứng cử chỉ bó hẹp trong phạm vi nhất định.

Điều này dẫn tới việc, các ứng cử viên tự do rất khó liên hệ với cơ quan báo chí khác để thực hiện "vận động tranh cử" rộng rãi.

Theo luật sư, cần làm gì để loại trừ lợi dụng việc bầu cử để kích động, xuyên tạc?

Luật sư Phạm Quốc Bình: Trước hết người tự ứng cử phải tuân thủ "luật chơi". Tiếp đó là việc công khai, minh bạch về thông tin bầu cử.

Mặt khác, cần làm rõ vấn đề tài chính trong quá trình tổ chức bầu cử.

Cụ thể, đối với những người được đề cử thì nguồn kinh phí trong quá trình tổ chức bầu cử do Nhà nước chi trả.

Nhưng người tự ứng cử, vận động bầu cử thì tiền đâu ra? Câu chuyện lại quay trở lại vấn đề "vận động tranh cử".

Trong luật bầu quy định rất rõ không được lợi dụng việc tự ứng cử để vận động nguồn tài chính làm lợi cho cá nhân.

Tuy nhiên, quy định chưa rõ ràng này rất dễ gây hiểu nhầm cho các bên, rằng người tự ứng cử tranh thủ bầu cử để trục lợi, hoặc các phần tử kích động có thể lợi dụng điều này để nói xấu. 

Phải chăng để giải quyết vấn đề này, chúng ta cũng có thể áp dụng, công khai “quỹ vận động tranh cử” và các chế tài ràng buộc cụ thể hơn bằng cách công khai, minh bạch quỹ này, để các ứng viên tự do có điều kiện tốt nhất để thể hiện mình trong việc thực hiện quyền ứng cử của mình. 

Tôi cho rằng, đã tạo ra một sân chơi, phải có luật chơi công bằng. 

QUỐC TOẢN (THỰC HIỆN)