Con trẻ vô tâm lỗi nhiều ở người lớn

28/01/2016 03:09
Phan Tuyết
(GDVN) - Cha mẹ là người sống vô tâm với người thân, vô cảm với mọi người thì không cách gì con trẻ biết sống tình cảm, chu toàn.

LTS: Trẻ nhỏ chịu tác động và ảnh hưởng từ những môi trường sống xung quanh, gia đình và cha mẹ. Điều này ảnh hưởng lớn đến tư duy và quá trình hoàn thiện nhân cách của trẻ nhỏ.

Trong bài viết này, cô giáo Phan Tuyết minh chứng bằng hai trường hợp cụ thể để thấy rằng nhân cách, tư duy của trẻ phụ thuộc rất lớn vào cách hành xử hàng ngày của người lớn đối với mọi người đặc biệt là người thân. 

Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả. 

Bỏ qua câu nói: “Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh”, sự giáo dục hàng ngày, sự làm gương của các bậc cha mẹ có ảnh hưởng rất lớn đến sự hình thành và phát triển nhân cách của các em ngay từ khi còn rất nhỏ.

Dù ở chung trong một thị xã nhưng cả năm chị Mai chỉ ghé nhà bố mẹ đẻ một lần duy nhất vào ngày mùng 2 Tết, mừng tuổi hai ông bà vài trăm nghìn coi như hoàn thành nhiệm vụ. 

Lúc nào chị cũng lấy lý do là bận công việc. Thậm chí khi ông bà nằm viện, chị cũng ít ghé thăm mà đưa tiền cho người giúp việc mang ra bệnh viện. 

Nhiều lần bà nhớ các cháu, lọ mọ đạp xe xuống thăm, vừa thấy bóng bà ngoài ngõ, chị Mai đã nói lớn: “Tôi nói bà bao nhiêu lần rồi, cần gì cứ gọi điện thoại để cho người đem lên, chân tay run rẩy như thế đi xe cộ có chuyện gì lại khổ tôi”. 

Con trẻ vô tâm lỗi nhiều ở người lớn (Ảnh: vietnamnet.vn)
Con trẻ vô tâm lỗi nhiều ở người lớn (Ảnh: vietnamnet.vn)

Bà nói mình nhớ cháu, cả năm rồi chưa được gặp. “Chúng không lên thăm thì tao phải xuống”. Nghe thế, chị Mai dài giọng đáp: “Vẽ việc. Chúng bận đi học suốt ngày làm gì có thời gian”. 

Hai cô con gái đang độ tuổi tiểu học nhìn thấy bà cũng chẳng hồ hởi gì, sau tiếng chào như người khách, hai đứa vào phòng mở ti vi, đùa giỡn nhau để mặc bà ngồi chơ vơ ở phòng khách.

Những đứa trẻ này lớn lên ai dám chắc chúng không giống như mẹ của mình? Rồi những đứa con chúng đẻ ra cũng lại có cách hành xử với ông bà mình như thế?

Khác hẳn nhà chị Mai, ai cũng khen ông bà Tám có phúc khi con cháu hiếu thảo. Các con của ông bà đều là công chức, dù bận rộn kiểu gì cũng thay nhau thu xếp cuối tuần về nấu bữa ăn gia đình cho ông bà vui. 

Chẳng may trái gió trở trời, ông hoặc bà nhức đầu sổ mũi, các con đều cuống cuồng thay nhau thăm nom săn sóc. 

Có lẽ do thấy cách cha mẹ đối xử với ông bà, mấy đứa cháu đi học tận Sài Gòn mỗi khi về nhà cũng tranh thủ ghé thăm ông bà trước tiên.

Con trẻ vô tâm lỗi nhiều ở người lớn ảnh 2

Trao quyền cho trẻ đâu phải quá phức tạp

(GDVN) - Lý lẽ nuông chiều, bao bọc hay chưa tạo kỷ cương khiến con trẻ còi cọc về mặt tâm hồn và phát triển chậm lại.

 
Không chỉ thế, các em còn hiểu được cả những sở thích của ông bà mình như: “Bà răng yếu nên con mua loại bánh mềm. Còn ông lại thích ăn bánh đậu xanh uống nước trà nên con mua cả hai”.

Có được con hiền cháu thảo như thế mấy ai hiểu được ông bà Tám đã dạy dỗ con chu đáo thế nào. 

Vốn là gia đình trí thức, ngay từ nhỏ, các con ông bà luôn được răn dạy về phép tắc, lễ nghĩa, về cách sống, lòng thương người...

Không chỉ với người thân, với bà con làng xóm, ai ai cũng thấy vui lòng bởi sự quan tâm, lễ phép của các con ông bà.

Không giống như câu mà mọi người thường nói: “Cha mẹ sinh con trời sinh tính”, tính cách tốt hay xấu của mỗi người có được phần lớn nhờ vào sự giáo dục, dạy dỗ, sự làm gương của người lớn. Một người mẹ nhân hậu, luôn sống vì mọi người thì con cái họ cũng ít là người vô tâm. 

Phan Tuyết