Cựu sinh viên đốt bằng tốt nghiệp viết thư xin lỗi đồng môn, nhà trường

23/01/2018 07:34
Đan Quỳnh
(GDVN) - Cựu sinh viên Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh đã có thư xin lỗi Ban giám hiệu nhà trường về hành động đốt bằng tốt nghiệp.

Tối 22/01, cựu sinh viên Phạm A.T., khóa K36, đã có thư xin lỗi gửi đến Ban giám hiệu Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh.

Cựu sinh viên Trường viết trong thư:

Bằng tốt nghiệp Đại học bị cựu sinh viên của trường đốt. (Ảnh: Đ.Q)
Bằng tốt nghiệp Đại học bị cựu sinh viên của trường đốt. (Ảnh: Đ.Q)

Ngày 21/01/2018, trong lúc bốc đồng về việc bị gia đình [[... suốt mấy năm trời, không được sử dụng laptop để phục vụ công việc bán hàng nên]]… Em đã đốt đi bằng đại học của mình để vĩnh viễn không phụ thuộc vào khuôn khổ gia đình, tập trung duy nhất vào con đường mình đã chọn và sau đó có đăng Facebook trong khoảng 12h đồng hồ.

Sau khi đăng lên Facebook như vậy, em cảm thấy mình rất có lỗi với thầy cô, với trường, với những anh chị đi trước, với những em đang học, những người đã đóng góp rất nhiều cho trường để trường có được vị trí như ngày hôm nay.

Em cảm thấy rất có lỗi vì đã làm ảnh hưởng đến uy tín của trường.

Em viết thư này để xin lỗi nhà trường, các thầy cô, anh, chị, em và các bạn.

Mong mọi người tha lỗi cho em!

Thư xin lỗi Ban giám hiệu Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh của cựu sinh viên. (Ảnh: Đ.Q)
Thư xin lỗi Ban giám hiệu Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh của cựu sinh viên. (Ảnh: Đ.Q)

Liên quan đến vụ việc, ngày 22/01, Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh xác nhận cựu sinh viên đốt bằng tốt nghiệp là có thật.

Cựu sinh viên được xác nhận, sinh năm 1992, quê Tiền Giang, tốt nghiệp Hệ đại học Chính quy, chuyên ngành Chứng khoán, ngành đào tạo Tài Chính – Ngân hàng.

T. tốt nghiệp đại học xếp hạng Trung bình khá và năm tốt nghiệp 2014. 

Luật sư Nguyễn Văn Hậu.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu. 

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội luật gia Thành phố Hồ Chí Minh phân tích, Luật Giáo dục Đại học quy định bằng tốt nghiệp được cấp cho những người sau khi được tốt nghiệp.

Khi đó, người sử dụng văn bằng tốt nghiệp có toàn quyền sử dụng văn bằng của mình, trừ trường hợp sử dụng văn bằng với hành vi trái pháp luật.   

Do đó, hành vi đốt bằng Đại học không vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, việc đốt bằng tốt nghiệp đại học là hành động phủ nhận quá trình học tập của mình.

Bản thân người đốt bằng tốt nghiệp còn tự hạn chế mình bằng những nắm bắt cơ hội phát triển trong con đường học vấn. Người đốt bằng tốt nghiệp không có những giấy tờ để chứng nhận những kết quả đạt được trong quá trình học.

Luật sư Hậu khẳng định, trong quá trình đi xin việc cũng vậy, người lao động được biết năng lực qua những tấm bằng này.

Đối với trường đại học, việc đốt bằng để phản đối những sự kiện, chính sách của nhà nước, phá hoại an ninh quốc gia, chống chính quyền nhân dân thì tùy những trường hợp cụ thể mà có thể bị khởi tố.

Về mặt cảm tính, Luật sư Nguyễn Văn Hậu không đồng tình với việc đốt bằng tốt nghiệp Đại học với bất kỳ lý do nào và bất luận như thế nào.

Bằng tốt nghiệp Đại học chứng minh quá trình phấn đấu của người người có bằng, bằng đại học còn là tài sản cá nhân, ít nhiều vẫn có giá trị sử dụng như đi xin việc.

“Việc trước mắt là thiệt hại cho chính mình, còn về pháp luật, việc đốt bằng không phải là hành vi phạm tội, trừ khi đốt bằng của người khác”, Luật sư Nguyễn Văn Hậu nhấn mạnh. 

Đan Quỳnh