Dạy con chuyện giới tính, phụ huynh sợ vẽ đường cho hươu chạy

01/02/2019 06:33
Vũ Phương
(GDVN) - Bà Trần Thị Phương Nhung cho biết, phụ huynh ngại giáo dục giới tính cho con, còn nhà trường giáo dục nửa vời, thiếu khoa học.

Giáo dục giới tính còn rất hạn chế

Năm 2018 dần khép lại với những câu chuyện, vụ việc đáng buồn trong ngành giáo dục liên quan đến tình trạng xâm hại tình dục học sinh.

Đáng chú ý là câu chuyện buồn xảy ra tại ngôi trường dành cho học sinh dân tộc nội trú, Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú Trung học cơ sở Thanh Sơn (Phú Thọ). Hiệu trưởng nhà trường là ông Đinh Bằng My lạm dụng tình dục chính học sinh nam của trường trong thời gian dài mà không phụ huynh, thầy cô nào lên tiếng.

Một vụ việc đáng nói nữa xảy ra tại Gia Lai trong những ngày cuối năm 2018. Một thầy giáo Trường trung học cơ sở Phan Bội Châu (huyện Đức Cơ) bị tố có hành vi hiếp dâm một học sinh lớp 8.

Ngày 30/12, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Đức Cơ (Gia Lai) đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam 2 tháng đối với Hồ Trọng Đăng (sinh năm 1983), giáo viên Trường Trung học cơ sở Phan Bội Châu để điều tra về hành vi “Dâm ô trẻ em”.

Đó chỉ là một số ít những vụ việc liên quan đến xâm hại tình dục học sinh xảy ra khiến dư luận vô cùng bức xúc và phẫn nộ năm 2018.

Ông Đinh Bằng My (bên trái) và Hồ Trọng Đăng bị khởi tố bị can, bắt tạm giam liên quan đến xâm hại tình dục học sinh. Ảnh: VTV24.
Ông Đinh Bằng My (bên trái) và Hồ Trọng Đăng bị khởi tố bị can, bắt tạm giam liên quan đến xâm hại tình dục học sinh. Ảnh: VTV24. 

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, bà Trần Thị Phương Nhung – Giám đốc sáng kiến về bình đẳng giới và giáo dục cho trẻ em gái tại Việt Nam thuộc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) bày tỏ sự đáng tiếc và rất đáng buồn bởi những vụ việc liên quan đến xâm hại tình dục học sinh.

Bà Trần Thị Phương Nhung bày tỏ quan điểm: “Những vụ việc liên quan đến vấn đề xâm hại tình dục trẻ em xảy ra trong nhà trường, và có cả trường dân tộc nội trú là điều rất đáng buồn.

Đáng nói, những người gây ra những hành vi này lại là những người đang làm quản lý, người làm công tác giảng dạy. Nạn nhân là chính học sinh của mình.

Vấn đề giáo dục giới tính trong nhà trường cần phải được thúc đẩy một cách mạnh mẽ và toàn diện hơn nữa”.

Bà Nhung nhấn mạnh: “Trong ngành giáo dục, việc giáo dục giới tính cho học sinh còn rất nhiều hạn chế. Điều đó có nguyên nhân từ khung chương trình, nội dung trong sách giáo khoa, môn học, năng lực của giáo viên, thông tin truyền thông đến với học sinh chưa đầy đủ.

Dạy con chuyện giới tính, phụ huynh sợ vẽ đường cho hươu chạy ảnh 2Bắt phải nghe lời, người lớn luôn luôn đúng khiến trẻ bị xâm hại tình dục

Trong khi đó, có một thực tế đáng buồn đó là nhiều phụ huynh ngại dạy con em mình kiến thức phòng chống xâm hại tình dục, giáo dục giới tính toàn diện, sức khỏe sinh sản, phòng chống mang thai ngoài ý muốn, cũng như không muốn nhà trường dạy. Lý do phụ huynh e ngại đó là sợ sẽ “vẽ đường cho hươu chạy”.

Sẽ rất nguy hiểm nếu như phụ huynh còn e ngại việc giáo dục giới tính toàn diện cho con em mình. Chúng ta đang sống trong thời đại thông tin đến từ nhiều nguồn khác nhau, trong đó có mạng xã hội.

Ở đó không phải thông tin nào cũng là chính thống, chuẩn chỉnh. Bởi vậy, các em học sinh cần hiểu và nắm những kiến thức cơ bản về xâm hại tình dục… để bảo vệ bản thân mình”.

Là người có kinh nghiệm nhiều năm trong việc bảo vệ trẻ em Việt Nam, bà Trần Thị Phương Nhung chỉ rõ: “Người xâm hại tình dục các em nhỏ, học sinh có thể đến từ chính người thân, người quen, những người sống xung quanh mình, thậm chí cả thầy cô của mình. 

Bởi vậy, các em phải biết được những kỹ năng để phòng chống xâm hại tình dục trẻ em. Như đối với các em nhỏ phải giáo dục các em cách vệ sinh thân thể. Cùng với đó là mời những nhà chuyên môn, chuyên gia hỗ trợ viên có kiến thức về giáo dục giới tính toàn diện, về phòng chống xâm hại tình dục trẻ em cho học sinh… vào cả giờ chính khóa và ngoại khóa”.

Chuyên gia về bình đẳng giới, giáo dục cho trẻ em gái Trần Thị Phương Nhung cho rằng, chương trình giáo dục phổ thông cần phải thay đổi có chương trình giáo dục giới tính toàn diện cho học sinh. Ảnh: Vũ Phương.
Chuyên gia về bình đẳng giới, giáo dục cho trẻ em gái Trần Thị Phương Nhung cho rằng, chương trình giáo dục phổ thông cần phải thay đổi có chương trình giáo dục giới tính toàn diện cho học sinh. Ảnh: Vũ Phương. 

Học sinh bế tắc khi bị xâm hại tình dục

Bà Trần Thị Phương Nhung cũng nêu: “Tôi đã nhiều lần khuyến nghị, trong chương trình phổ thông mới tới đây, sách giáo khoa cần thay đổi phải có chương trình giáo dục giới tính toàn diện từ bậc mầm non đến trung học phổ thông.

Lâu nay chúng ta vẫn nghĩ xâm hại tình dục học sinh chỉ có trẻ em gái dễ bị, mà thực tế trẻ em trai cũng là nạn nhân như vụ việc xảy ra tại trường nội trú của tỉnh Phú Thọ.

Nguyên nhân có thể vì các em thiếu kênh để tự liên hệ nhằm kêu gọi sự hỗ trợ, giúp đỡ khi đối mặt với xâm hại tình dục trẻ em, bạo lực học đường …

Như tổng đài quốc gia về bảo vệ trẻ em 111, nhưng thật đáng buồn là nhiều học sinh, thậm chí thầy cô giáo cũng không biết.

Bản thân các thầy cô giáo trực tiếp đứng lớp trong các trường học phải nâng cao nhận thức của bản thân mình, khi chứng kiến, tiếp nhận thông tin về vấn đề này nếu không có kiến thức, năng lực để giải quyết vấn đề một cách trực tiếp có thể gọi đến tổng đài quốc gia để kêu gọi trợ giúp”.

Theo vị chuyên gia này, trẻ em là đối tượng được pháp luật bảo vệ nên khi chia sẻ các thông tin phải hết sức cẩn trọng để đảm bảo sự an toàn cho các em.

Các thầy cô giáo, nhà quản lý, phụ huynh, chính quyền địa phương, các cấp như hội phụ nữ, đoàn thanh niên là các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền trực tiếp tham gia vào công tác bảo vệ trẻ em cần nâng cao nhận thức hơn nữa bởi vấn đề xâm hại tình dục học sinh đang có xu hướng trầm trọng hơn.

Bà Trần Thị Phương Nhung nhấn mạnh: "Khi truyền tải các thông điệp về phòng chống xâm hại tình dục trẻ em, giáo dục giới tính toàn diện…nhà trường, các thầy cô cần tìm những phương pháp tập huấn, truyền thông phù hợp.

Như việc tuyên truyền, dạy kỹ năng về phòng chống xâm hại tình dục trẻ em hay giáo dục sức khỏe sinh sản nên tách học sinh nam và nữ ra các lớp khác nhau. Các hỗ trợ viên hướng dẫn cho các em phải cùng giới tính.

Học sinh nữ phải là hỗ trợ viên nữ, chuyên gia nữ để đảm bảo các em thấy thoải mái khi các em chia sẻ thông tin, những băn khoăn, cũng như các câu hỏi của các em được giải thích đúng và đủ. Ngược lại đối với học sinh nam cũng vậy. 

Thực tế nhiều trường học vừa qua khi tổ chức các buổi ngoại hóa, học tập kỹ năng về giáo dục giới tính, phòng chống xâm hại tình dục trẻ em vẫn gộp chung cả học sinh nam và nữ. Như thế khó đạt được hiệu quả bởi các em rất e ngại khi bày tỏ, chia sẻ những điều thầm kín".

"Những người xung quanh, người có lương tri, người tử tế cần có trách nhiệm khi chứng kiến những dấu hiệu, nhận điện xâm hại tình dục học sinh, bạo lực học đường… để kịp thời phát hiện và xử lý.

Đối với vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, các em học sinh ở độ tuổi càng nhỏ thì rào cản ngôn ngữ càng lớn. Học sinh cấp tiểu học, mầm non việc giao tiếp tiếng kinh còn nhiều khó khăn, bởi vậy các xã vùng cao nên bố trí cán bộ, giáo viên có khả năng giao tiếp bằng tiếng dân tộc để các em có thể chia sẻ, giúp đỡ các em khi cần", bà Nhung nói. 

Vũ Phương