Đề thi, đáp án kỳ thi quốc gia khi nào thì là bí mật nhà nước?

26/10/2018 07:10
Đỗ Thơm
(GDVN) - Đại biểu Trương Trọng Nghĩa nói, đề thi, đáp án chỉ mật trước kỳ thi, sau đó không còn bí mật nữa nên đưa vào phạm vi bí mật nhà nước gây băn khoăn, e ngại.

Ngày 25/10, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, các đại biểu đã tiến hành thảo luận tại hội trường về Luật Bảo vệ bí mật nhà nước.

Phát biểu thảo luận, đại biểu Trương Trọng Nghĩa – đoàn Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, ông chưa được xem báo cáo đánh giá tác động của luật này.

Nhưng qua nghiên cứu luật, đại biểu e ngại rằng với luật như thế này sẽ có tác động nhiều chiều.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa. Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa. Ảnh: Quochoi.vn

“Trong đó có những tác động tôi cho là ngoài ý muốn, thậm chí tiêu cực đối với chính sách mà chúng ta đang chủ trương là đẩy mạnh công nghệ 4.0 và công nghệ thông tin, xây dựng các đô thị thông minh...”, đại biểu Nghĩa nói

Theo đại biểu, đặc trưng của xã hội này là thông tin.

Thứ nhất, phải phổ biến thật nhanh; Thứ hai, phải phổ biến thật rộng; Thứ ba, phải phổ biến thật tiện lợi; Thứ tư, rẻ và thậm chí là miễn phí.

Xã hội nào càng phổ biến được nhiều thông tin như vậy thì xã hội đó càng phát triển nhanh chóng và nó tăng năng suất lao động, làm tăng giá trị nền kinh tế.

Với nhận thức đó, chúng ta đặt ra vấn đề là trong những thông tin đó thì thông tin nào là bí mật và thông tin nào là bí mật nhà nước?

Nếu chúng ta làm không khéo và chúng ta mở quá rộng thì không ai dám làm gì cả. Bởi vì người ta rất sợ vi phạm, thậm chí không ai dám tuyên truyền phổ biến.

“Tôi đề nghị định nghĩa rõ ràng như sau: Bí mật nhà nước, trước hết là những thông tin mà do nhà nước sản xuất hay nhà nước tạo ra, có nguồn từ các cơ quan nhà nước và được quy định theo luật này thì đó là bí mật nhà nước. Trước hết là phải từ nhà nước.

Thứ hai, trách nhiệm bảo vệ bí mật nhà nước trước hết thuộc về nhà nước.

Công dân có trách nhiệm nhưng mà trách nhiệm của công dân và các tổ chức, các doanh nghiệp phải được phân định rõ ràng.

Nó khác với trách nhiệm của cơ quan nhà nước và cán bộ, công chức nhà nước. Hai loại trách nhiệm này khác nhau”, đại biểu nêu quan điểm.

Thứ ba, đại biểu cho rằng, chúng ta quy định phạm vi bí mật nhà nước quá rộng.

Thông tin về vấn đề công nghiệp, thương mại, nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy lợi, thủy sản là có nhiều thông tin chúng ta phải phổ biến.

Có nhiều thông tin không thuộc về nhà nước, vì các doanh nghiệp và người dân người ta đi điều tra, khảo sát để người ta tiến hành các hoạt động làm ăn sinh sống thì thông tin đó là thông tin của người ta.

“Nếu mình liệt kê phạm vi bí mật nhà nước thế này tôi cho rằng lợi bất cập hại. Ví dụ ở Điều 5, các hành vi bị nghiêm cấm có câu: "Soạn thảo lưu giữ tài liệu có chứa thông tin thuộc phạm vi bí mật nhà nước".

Nếu Điều 5 khoản 5 này áp vào phạm vi này thì người ta không dám soạn thảo và lưu giữ tài liệu nào cả.

Nói thật, trong các cuộc họp, trong khi giao dịch với các cơ quan nhà nước người ta cũng không muốn nhận những tài liệu đó.

Khi nhận vào người ta lĩnh trách nhiệm bảo vệ, bảo quản, sau này người ta có thể bị liên lụy trong trường hợp này, trường hợp khác.

Với cách quy định thế này, tôi cho rằng cần phải xem xét lại và cần phải đánh giá lại tác động nếu chúng ta quy định thế này”, đại biểu Nghĩa phân tích.

Đặc biệt theo đại biểu Nghĩa, đề thi, đáp án, thông tin liên quan đến kỳ thi quốc gia là bí mật chứ chưa hẳn là bí mật nhà nước.

Đề thi, đáp án kỳ thi quốc gia khi nào thì là bí mật nhà nước? ảnh 2Lọt chứ không phải lộ đề thi quốc gia, không ảnh hưởng kết quả thi

Cụ thể, điểm a, khoản 8, điều 7 quy định phạm vi bí mật nhà nước trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo gồm: "Đề thi, đáp án và thông tin liên quan đến việc tổ chức kỳ thi quốc gia".

“Chúng ta phân biệt bí mật nhà nước, bí mật của các tổ chức, các cơ quan, của doanh nghiệp và của cá nhân.

Đề thi, đáp án chỉ mật khi trước kỳ thi, sau kỳ thi không còn bí mật nữa nên chúng ta đưa vào đây nhân dân đọc người ta thấy rất băn khoăn và e ngại”, đại biểu Nghĩa nói.

Về dự án Luật, đại biểu Nguyễn Tạo – đoàn Lâm Đồng đề nghị Ban soạn thảo cần bổ sung một số điều quy định rõ về đối tượng áp dụng của Luật Bảo vệ bí mật nhà nước.

Đồng thời đề nghị Ban soạn thảo rà soát kỹ lại về phạm vi bí mật nhà nước theo hướng có đối chiếu các luật chuyên ngành và Luật Tiếp cận thông tin để quy định cụ thể từng lĩnh vực nội dung nào cần phải được bảo vệ bí mật nhà nước.

Hiện nay quy định tại Điều 7 trên 15 lĩnh vực là quá rộng, không kịp thời điều chỉnh sẽ dễ bị áp dụng tùy tiện.

“Tránh tình trạng hạn chế quyền tiếp cận thông tin của cơ quan tổ chức, cá nhân không đúng quy định, mâu thuẫn với quy định về dân chủ, công khai, minh bạch.

Bảo đảm sự tham gia của cộng đồng, cơ quan, tổ chức, cá nhân, được quy định trong các luật chuyên ngành có liên quan như Luật Khiếu nại tố cáo, Luật Quy hoạch”, đại biểu Tạo nói.

Đỗ Thơm