Doanh nghiệp lỡ cơ hội vì còn quá nhiều thủ tục "loằng ngoằng"

28/01/2018 07:20
Hưng Long
(GDVN) - Tiến sĩ Lê Bá Chí Nhân, chuyên gia kinh tế cấp cao khẳng định: “Để phát triển kinh tế năm 2018, cần phải giải quyết được những vấn đề cơ bản để làm lực đẩy”.

Nông nghiệp vẫn “tiên phong” trong xuất khẩu của nền kinh tế

Tiến sĩ Lê Bá Chí Nhân phân tích, để đánh giá tình hình kinh tế năm 2018, chúng ta cần điểm qua những kết quả đạt được của năm 2017. Trong năm 2017, Quốc hội đề ra GDP của Việt Nam phải đạt 6,7% và đã hoàn thành. Các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đều hoàn thành và vượt 13/13 chỉ tiêu.

Để các chỉ tiêu được tăng trưởng bền vững, cũng phải nhìn nhận rằng, kinh tế của Việt Nam còn phụ thuộc vào nông nghiệp.

Tiến sĩ Lê Bá Chí Nhân đề xuất, cần phải rà soát quy hoạch những vùng xuất khẩu đạt được GlobalGAP và VietGAP để thúc đẩy được chất lượng và những thị phần để xuất khẩu qua Châu Âu. Đây là 1 trong những yếu tố mang lại hiệu quả cao.  

Tiến sĩ Lê Bá Chí Nhân. (Ảnh: H.L)
Tiến sĩ Lê Bá Chí Nhân. (Ảnh: H.L)

Hiện tại, nông nghiệp Việt Nam vẫn đang xuất khẩu nông sản thô và xuất sang Trung Quốc là chính. Đối với xuất khẩu nông nghiệp còn “bấp bênh” nên cần phải đưa ra các hoạch định, liên kết và có những “chuỗi” tiêu thụ hàng hóa nông sản.

Việt Nam cần phải đẩy mạnh xúc tiến thương mại để các mặt hàng nông sản đều có thể tiếp cận được siêu thị của các nước Châu Âu. Để trả lời câu hỏi này, các cơ quan quản lý cần phải kiểm soát chặt chẽ nguồn hàng trước khi xuất khẩu để đủ đáp ứng cho đối tác ở nước ngoài.

Phát triển mạnh về nông nghiệp cũng cần phải định hình những loại trái cây để xuất khẩu ra thị trường thế giới mang lại hiệu quả kinh tế cao. Việc nuôi trồng và đầu tư vẫn đang còn dàn trải ở khắp các vùng miền, chưa có những chiến lược quy hoạch vùng cụ thể.

Nông nghiệp Việt Nam vẫn chưa đi sâu vào loại trái cây đặc thù để xuất sang các nước trên thế giới.

Đối với lĩnh vực thủy hải sản, Việt Nam đang đứng trước những khó khăn, bởi thị trường Mỹ đưa ra những tiêu chí chất lượng rất khắt khe khi nhập hàng hóa. Việt Nam cần phải vượt qua những “cửa ải” này.

Muốn vượt qua được phải cần có những “hệ” hay là “chuỗi” cung ứng hàng hóa để ngăn chặn được những hành vi sử dụng chất cấm hay tạp chất trong mặt hàng thủy hải sản.

Hai trong những mũi nhọn được kỳ vọng nhất cho nền kinh tế Việt Nam dựa vào nông sản và thủy hải sản cần phải được chú trọng đến.

Nguồn nhân lực đáng báo động

Tiến sĩ Nhân nói, tổng quan về nền kinh tế năm 2018, Việt Nam cần phải đào tạo về nguồn nhân lực, đào tạo con người, đào tạo về thực thi để thực hiện được những vấn đề cơ bản của nền kinh tế. Một thực trạng đáng buồn, nguồn nhân lực Việt Nam hiện nay “thầy nhiều hơn thợ”.

Nhiều người luôn quan niệm đã đi học Đại học ra là sẽ có công ăn việc làm. Tuy nhiên, tỉ lệ thất nghiệp tại Việt Nam đang tăng cao và đáng báo động. Công nghệ của Việt Nam không đáp ứng được “đỉnh” của thế giới và tay nghề không đáp ứng được yêu cầu nên dẫn đến sự… lệch lạc.

Liên kết với sự kiện trên, cần phải nhắc đến việc cải cách giáo dục nên cập nhật đến tình kinh tế thị trường, tình hình kinh tế thế giới để định hướng các bạn trẻ học tập và ra trường có được việc làm.

Tiến sĩ Lê Bá Chí Nhân nhận xét, các trường Đại học nên đẩy mạnh đào tạo thực hành nhiều hơn lý thuyết và các kỹ năng đáp ứng yêu cầu công việc. Nói không quá, nhiều bạn trẻ tốt nghiệp Đại học nhưng không viết nổi đơn xin việc làm thì thật đáng báo động.

Tóm lại, kinh tế năm 2017 có những lĩnh vực đã gặt hái được thành công và có những mặt chưa đạt được. Thắng lợi lớn nhất là điều hành về điều hành kinh tế vĩ mô của chính phủ. Đây cũng là nỗ lực lớn nhất của Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành.

Để duy trì được những thành công của năm 2017 và tiếp bước sang năm 2018 với những thắng lợi mới thì phải có hoạch định và mục tiêu rõ ràng. Thành phố Hồ Chí Minh đã có cơ chế đặt thù nên cần phải chú trọng hơn đến các vấn đề bức xúc trong đời sống xã hội đang gây bức xúc cho người dân và là một trong những nguyên nhân làm hạn chế tốc độ phát triển của nền kinh tế.

Đến năm 2020 tốc độ tăng GDP nông nghiệp đạt khoảng 3%/năm. (Ảnh minh họa từ internet)
Đến năm 2020 tốc độ tăng GDP nông nghiệp đạt khoảng 3%/năm. (Ảnh minh họa từ internet)

Đáng quan ngại nhất là tình trạng kẹt xe, nước ngập làm ảnh hưởng đến môi trường đô thị, làm giảm tiến trình phát triển kinh tế và sự vận hành của bộ máy nhà nước.

Nếu những vấn đề cơ bản nêu trên chưa giải quyết dứt điểm được thì cũng phải giải quyết được một phần nào đó.

Công nghệ 4.0 vẫn còn… ì ạch

Nền kinh tế trong nước còn chịu sự tác động lớn bởi ngành tài chính. Đầu tiên, có thể kể đến là thị trường chứng khoán. Tuần qua, sàn giao dịch chứng khoán tại Thành phố Hồ Chí Minh bất ngờ gặp sự cố.

Sự kiện này đã gây lo ngại về việc phát triển công nghệ 4.0. Công nghệ 4.0 đang được đẩy mạnh để phát triển không chỉ ở lĩnh vực thị trường chứng khoán mà còn đối với những ngành nghề kinh tế khác.

Tiến sĩ Nhân khách quan nhìn nhận, muốn phát triển được công nghệ 4.0, việc điều hành kinh tế vĩ mô cần phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để giảm bớt sự phụ thuộc vào nhân lực lao động và rút ngắn được thời gian.

Thủ tục hành chính cũng là một trong những bước đột phá để thúc đẩy nền kinh tế trong năm 2018. Có những thủ tục hành chính rất “loằng ngoằng” từ bộ này sang bộ khác gây mất thời gian, dẫn đến cơ hội để đón nhận của những doanh nghiệp, cá nhân hay các nhà đầu tư bị hạn chế.

Chẳng hạn, một dự án bất động sản của doanh nghiệp từ lúc bắt đầu cho đến khi được cấp phép, nếu nhanh cũng phải 2 năm.

Như vậy, trong 2 năm đó, có nhiều chính sách, chế độ đãi ngộ đầu tư, Thông tư, Nghị định đều đã thay đổi. Nhà đầu tư lúc này đã vuột mất cơ hội.

Việt Nam đang tập trung vào công nghệ cao nhưng vẫn không kịp đáp ứng cho các doanh nghiệp nước ngoài. Các hãng Honda, Toyota, Intel, Samsung... đòi hỏi công nghệ cao vượt trội để vận hành nhà máy lắp ráp, sản xuất. Để hoàn thành được sản phẩm công nghệ cao của các hãng nước ngoài thì hầu như chúng ta chỉ đáp ứng được 1 – 2%.

“Tôi hy vọng rằng, nền kinh tế của Việt Nam năm 2018 sẽ tốt đẹp hơn và có định hướng phát triển tốt đẹp hơn. Người dân sẽ thấy được một bức tranh là đạt được lộ trình đó và làm bằng cách nào để chúng ta đạt được”, Tiến sĩ Nhân chia sẻ. 

Năm 2017, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính trong năm ước đạt 18,96 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm 2016. Thuỷ sản ước đạt 8,32 tỷ USD, tăng 18%; các mặt hàng lâm sản chính ước đạt 7,97 tỷ USD, tăng 9,2%.

Giá trị xuất khẩu hàng rau quả ước đạt 3,45 tỷ USD, tăng 40,5% so với cùng kỳ năm 2016. Trung Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ và Hàn Quốc là 4 thị trường nhập khẩu hàng đầu của hàng rau quả Việt Nam.

Năm 2017, ước tính khối lượng xuất khẩu cao su đạt 1,39 triệu tấn với 2,26 tỷ USD, tăng 11% về khối lượng và tăng 35,6% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Giá cao su xuất khẩu bình quân 11 tháng đạt 1.654,7 USD/tấn, tăng 28,3% so với cùng kỳ năm 2016. Trung Quốc, Malaysia và Ấn Độ là 3 thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của Việt Nam.

Mặt hàng hạt điều có khối lượng xuất khẩu ước đạt 353.000 tấn với 3,52 tỷ USD, tăng 1,9% về khối lượng và tăng 23,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016. Hoa Kỳ, Hà Lan và Trung Quốc vẫn là 3 thị trường nhập khẩu điều lớn nhất của Việt Nam... 

- VietGAP (là cụm từ viết tắt của: Vietnamese Good Agricultural Practices) có nghĩa là Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt ở Việt Nam, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành đối với từng sản phẩm, nhóm sản phẩm thủy sản, trồng trọt, chăn nuôi.

Tiêu chuẩn VietGAP ra đời ngày 28/01/2008- đó là kết quả của việc học hỏi các mô hình sản xuất GAP (từ gọi chung của các tiêu chuẩn GAP) ở các nước trên thế giới như: Malaysia, Thái Lan và các nước châu Âu…

- GlobalGAP (Global Good Agricultural Practice) chính thức được thông báo tại Hội nghị toàn cầu lần thứ 8 tại Bangkok vào tháng 09/2007. GlobalGAP là một bộ tiêu chuẩn được xây dựng để áp dụng tự nguyện cho sản xuất nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản) trên toàn cầu.

Đây là tiêu chuẩn trước cổng trang trại, có nghĩa là chứng nhận bao hàm toàn bộ các quá trình sản xuất ra sản phẩm được chứng nhận từ đầu vào trang trại như thức ăn, giống, và các hoạt động nuôi trồng cho đến khi sản phẩm rời khỏi trang trại.

Hưng Long